Học trò "đầu xanh đầu đỏ, đầu gấu" đến lớp, thầy cô phải làm sao?

11/04/2021 06:55
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Dù không muốn, chúng tôi vẫn phải nhắc nhau: trước khi làm việc gì cho học sinh dù với động cơ tốt chúng ta cũng cần phải thận trọng kẻo lại rước tai vạ vào thân

Ngày 22/3, cô giáo chủ nhiệm là Trần Thị H. - Trường Trung học cơ sở Quang Trung, thành phố Nam Định (Nam Định) - lấy kéo cắt tóc ngay trên lớp học vì cho rằng kiểu tóc của em như “đầu gấu” đã bị gia đình phản ánh khá gay gắt.

Hình ảnh chỉ mang tính minh họa (VOV.VN)

Hình ảnh chỉ mang tính minh họa (VOV.VN)

Được biết, nam sinh này cắt tóc ngắn nhưng lại để một vài sợi tóc dài lai màu thả xuống mặt. Cô giáo đã nhắc nhở rất nhiều lần và yêu cầu em B. phải tự cắt đi. Tuy nhiên, em B. đã không thực hiện và cô H. lấy kéo cắt cho gọn gàng.

Phụ huynh em B. nói, trước khi cắt tóc của học sinh, giáo viên nên trao đổi, nghe giải thích hoặc đưa ra một kiểu tóc theo quy định nào đó để học sinh và phụ huynh thực hiện theo, chứ không nên hành xử như vậy.

Không ít ý kiến cho rằng đầu tóc, trang phục học sinh đến lớp đều phải theo quy định của nhà trường. Học sinh không thực hiện đúng nội quy nên việc làm của cô giáo cũng không có gì sai trái.

Tuy nhiên, khiều ý bạn đọc lại tỏ ra bất bình trước việc làm của cô giáo vì như thế là lạm quyền, là thô bạo, là can thiệp tự do cá nhân của các em. [1]

Đến trường đầu tóc phải gọn gàng, không nhuộm nhiều màu đã là quy định

Thời gian gần đây, hình ảnh học sinh đến trường ăn mặc thời trang, trang điểm cầu kỳ, nhuộm tóc xanh tóc đỏ, cắt tóc giống thần tượng nào đó vẫn thường hay xảy ra ở nhiều trường học.

Một em làm được, nhiều em sẽ làm theo. Bởi thế, các trường học thường có nội quy rõ ràng chuyện đầu tóc như tóc phải cắt gọn gàng, màu tóc tự nhiên không nhuộm vàng, xanh đỏ…

Đã có những ý kiến phản ứng, việc các học sinh ăn mặc ra sao, màu tóc thế nào không thể quyết định đến ý thức, năng lực học tập được.

Tuy nhiên, cần phải có nhận thức đúng đắn khi học sinh đang còn ở lứa tuổi phổ thông, cần chấp hành các quy định khi đến trường. Nhà trường có quyền đặt ra nội quy cho học sinh để đáp ứng mục tiêu giáo dục cần đạt.

Cố nhà giáo Văn Như Cương, sinh thời từng cho biết: Là một trong những trường đầu tiên đưa ra quy định không nhuộm tóc, không đánh móng tay vào quy chế nhà trường từ cách đây nhiều năm. Nếu học sinh nào chấp nhận thì được vào học. Nếu không, chúng tôi có thể khước từ sự giáo dục này.

Thầy Nguyễn Quốc Bình, khi còn là Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Việt Đức (Hà Nội), cũng chia sẻ: “Các nước trong khu vực quy định rất nghiêm về đầu tóc và trang phục”.

Quy định về trang phục hoặc cấm nhuộm tóc, không đeo trang sức... đối với học sinh đã được Bộ Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra. Và theo quan điểm của cá nhân tôi, quy định này hoàn toàn đúng đắn bởi đấy là môi trường phổ thông chứ không phải trường nghệ thuật. [2]

Thực tế xử lý tình trạng học sinh không thực hiện nội quy về đầu tóc

Trong thực tế, chuyện học sinh cắt tóc kiểu như một số thần tượng và để đầu tóc xanh đỏ đến lớp chúng tôi đã gặp không ít. Thường thì các trường làm rất nghiêm chuyện này. Bởi, chỉ cần vài ba em không bị xử lý sẽ có hàng chục, hàng trăm học sinh khác hùa theo, và lúc ấy cái nội quy về đầu tóc học sinh chẳng còn tác dụng.

Trách nhiệm chính thuộc về giáo viên chủ nhiệm. Đầu tiên là chúng tôi nhắc nhở các em về nhà cắt tóc lại cho gọn gàng, nhuộm lại màu tóc tự nhiên.

Nếu học sinh không thực hiện, giáo viên sẽ báo với nhà trường và mời phụ huynh lên làm việc.

Trường hợp gia đình vẫn cương quyết giữ đầu tóc ấy cho con thì nhà trường sẽ cương quyết không nhận vào học để thực hiện đúng nội quy.

Cô giáo có sai khi cắt tóc học sinh trên lớp?

Học sinh B. đã để một vài sợi tóc dài lai màu thả xuống mặt, cô giáo nhắc nhở nhiều lần buộc em phải cắt tóc và nhuộm màu tự nhiên, theo cá nhân tôi là hoàn toàn đúng. Mục đích của cô là giúp em B. thực hiện tốt nội quy mà một học sinh đang ngồi dưới mái trường cần có trách nhiệm tuân thủ.

Sau nhiều lần nhắc nhở em B. không thực hiện nên cô giáo đã cắt tóc em ngay tại lớp lại. Có thể thấy, việc cô áp dụng hình thức cắt tóc của học sinh ngay tại lớp là việc làm bất đắc dĩ khi học sinh cố tình không tuân thủ nội quy.

Tuy nhiên hành động của cô giáo có phần nóng nảy và chưa khéo léo nên gia đình em B. đã phản ứng khá mạnh mẽ. Câu hỏi được đặt ra: Gia đình em B. có vô can khi em B. vi phạm nội quy về đầu tóc?

Chúng tôi cứ luôn thắc mắc một điều: Lẽ nào cha mẹ các em không biết, không hiểu về nội quy trường lớp mà lại không nhắc nhở, lại đồng ý cho con để đầu tóc nhuộm lai vàng, thả cọng xuống mái đi học mỗi ngày?

Lẽ nào giáo viên thường xuyên nhắc nhở học sinh về cắt lại tóc cho đúng quy định lại chưa một lần thông báo cho gia đình học sinh biết?

Có khi nào sau khi đã áp dụng cả 2 biện pháp nhắc nhở học sinh và thông báo với phụ huynh nhưng không có kết quả, cô giáo mới tự quyết như vậy?

Giáo viên cẩn thận kẻo ý tốt cũng trở thành tai họa

Ngay trong câu chuyện cô giáo cắt tóc học sinh trên lớp cũng là muốn thực hiện đúng nội quy của nhà trường. Là học sinh, phải có trách nhiệm thực hiện nội quy ấy. Cô giáo đã đúng khi liên tục nhắc nhở học sinh về chuyện đầu tóc. lẽ ra cô cũng nên trao đổi với phụ huynh khi học sinh không thực hiện theo yêu cầu.

Có lẽ, nhiều lần nhắc nhở nhưng không được, cô giáo đã tự cắt tóc của nam sinh. Rõ ràng, động cơ của giáo viên là hoàn toàn tốt khi giúp học sinh thực hiện đúng nội quy của nhà trường.

Thay vì chưa vừa lòng với việc làm của cô, phụ huynh có thể đến trường phản ánh với giáo viên để cô giáo rút kinh nghiệm thì gia đình lại quyết định khiếu nại và đưa thông tin cho báo chí để sự việc trở nên ầm ĩ hơn.

Hậu quả là giáo viên phải gánh chịu hết những chỉ trích của dư luận. Và, chắc chắn cô giáo cũng sẽ bị cấp trên nhắc nhở vì làm ảnh hưởng đến uy tín của nhà trường.

Không ít giáo viên vẫn đang nghĩ đơn giản rằng, việc làm tốt cho học sinh thì không sợ gì. Thế nhưng trong thực tế, không phải cứ việc làm tốt phụ huynh đều đồng ý hoặc nếu chưa thật sự vừa lòng cũng góp ý nhẹ nhàng để giáo viên rút kinh nghiệm.

Đơn cử như việc trong lớp dạy, do thầy cô cứ nóng ruột học sinh đọc yếu, viết bài sai nên giờ ra chơi thường buộc một số em học yếu ở lại phòng học kèm riêng, hoặc đến giờ ra về cũng yêu cầu các em ở lại ít phút hoàn thành xong bài tập.

Đã có nhiều phụ huynh phản ánh không đồng tình với việc làm của giáo viên, có người còn khá nóng nảy đứng bên ngoài đợi con mà chì chiết, nói chuyện với thầy cô giáo bằng những ngôn từ chẳng mấy hay ho gì.

Chúng tôi hay nói với nhau, giáo viên thời nay làm sai bị lên án là đúng nhưng nhiều việc làm tốt không khéo cũng “sứt đầu mẻ trán”.

Bởi thế, dù không muốn thì chúng tôi vẫn phải nhắc nhau rằng: trước khi làm việc gì cho học sinh dù với động cơ tốt chúng ta cũng cần phải thận trọng kẻo lại rước tai họa vào thân.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://danviet.vn/co-giao-nam-dinh-cat-toc-hoc-sinh-chuyen-gia-phan-ung-bat-ngo-phu-huynh-tranh-cai-20210407103717759.htm

[2]https://ngaynay.vn/quy-dinh-cam-nhuom-toc-trong-nha-truong-hoan-toan-co-ly-post17046.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Phan Tuyết