Hôm nay, nên tặng thầy cô quà gì?

20/11/2018 07:12
Mai Hoa
(GDVN) - Bản chất của chuyện tặng quà không xấu khi người tặng không có sự toan tính. Thông qua việc tặng quà, cha mẹ sẽ giáo dục con cái về lòng biết ơn, sự chân thành

LTS: Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 đang đến rất gần, chia sẻ về việc tặng quà gì cho thầy cô vào ngày này, tác giả Mai Hoa đã có bài viết chia sẻ cùng độc giả Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Vào những ngày này, đi đến đâu cũng nghe nhiều nhất những câu hỏi của các mẹ “tặng quà gì cho thầy cô?”.

Người nói rằng nên tặng thầy quần áo, tặng cô vải may đồ dài, người nói nên tặng túi xách, giày dép hay đồ mĩ phẩm, đồ gia dụng vì những thứ này lúc nào thầy cô chẳng cần. Người hiến kế tặng phiếu mua hàng để thầy cô thích gì sẽ mua tùy ý.

Người nhất thiết nên tặng phong bì vì có phong bì sẽ có tất cả những thứ hàng hóa mình cần tặng, lại đúng ý, đúng sở thích mà không sợ thầy cô không dùng sẽ lãng phí…

Một số phụ huynh chọn cách tặng quà 20/11 cho thầy cô bằng...phong bì (Ảnh minh họa: IT).
Một số phụ huynh chọn cách tặng quà 20/11 cho thầy cô bằng...phong bì (Ảnh minh họa: IT).

Trong thực tế, nhiều thầy cô nhận được món quà của phụ huynh gửi tặng cũng không thể dùng vì màu vải không thích, vì kiểu đồ không hợp hay những loại mĩ phẩm lạ giáo viên chưa bao giờ dùng đến…học sinh đến tặng quà dù muốn hay không thầy cô cũng khó lòng từ chối hay trả lại.

Đã có khá nhiều sự hiểu lầm xung quanh việc thầy cô trả lại quà. Có phụ huynh phật lòng cho rằng “thầy cô chê quà nên trả lại”. Còn giáo viên lại bị tổn thương khi lòng chân thành lại bị hiểu lầm.  

Tặng thầy cô phong bì, nếu nói tiện ích nhất thì đúng là như thế. Nhưng giáo viên không phải ai cũng thích nhận phong bì dù cuộc sống của họ còn khá khó khăn.

Nhiều thầy cô đã dứt khoát từ chối, chẳng phải họ không thích hay “chê tiền” theo cách nghĩ của một số người.

Những giáo viên này là những người không đặt nặng chuyện vật chất mà giá trị về tinh thần luôn được coi trọng.

Họ sẽ quan tâm nhiều hơn đến việc phụ huynh tặng quà như thế nào (dù chỉ là nhành hoa hay một tấm thiệp) tuyệt nhiên không quan tâm món quà ấy là gì? Và giá trị bao nhiêu?

Một đồng nghiệp của tôi đã kể rằng, mình đã từng nhiều lần gặp cảnh học sinh cầm bông hoa phía trong có nhét tờ tiền (người tế nhị hơn chút đã bỏ vào trong một phong bì) mang lên bàn nói rằng “ba, mẹ con cho cô”.

Bạn nghĩ gì trước trào lưu phụ huynh tặng quà thầy cô trên lớp?

Dù rất buồn, cô đồng nghiệp cũng nhẹ nhàng nói “con đem về nói ba mẹ là cô cám ơn”. Chẳng biết cậu bé về nói gì mà ngày hôm sau vị phụ huynh ấy lên trường trực tiếp gặp và xin lỗi cô giáo vì sự vô ý của mình.

Có phụ huynh chở con tới nhà, nói là thăm cô. Sau khi hỏi han tình hình học tập của con ở trường, cậu bé tặng cô bó hoa cùng tấm thiệp với lời chúc ngây thơ nhưng đã làm cô xúc động và nhớ mãi.

Cô giáo nói, họ tặng mình cả tấm chân tình không phải cách tặng như kiểu bố thí cho kẻ ăn mày hay kiểu tặng “bánh ít đi qua bánh dày đi lại”.

Phần lớn, thầy cô sợ nhất là kiểu tặng quà như thế. Bởi mục đích tặng của phụ huynh không xuất phát từ tấm lòng chân thật, từ sự tri ân mà chính họ nói.

Món quà tặng gửi gắm nhiều mục đích nên người nhận sẽ khá nặng nề. Việc tặng quà mang nặng giá trị vật chất nhiều khi làm thầy cô khó xử.

Nếu đó là trò giỏi, chăm ngoan cũng chẳng có gì đáng nói. Có những học sinh học trên mức khá, cha mẹ luôn kì vọng con được khen thưởng vào cuối năm. Thế là món quà tặng thầy cô cũng ẩn chứa sự gửi gắm như thế.

Một đồng nghiệp đã kể về kỉ niệm buồn nhớ mãi (nhớ để không bao giờ nhận quà nữa). Ngày 20/11, ngày Tết vị phụ huynh ấy cũng có quà tặng cô. Khi bộ đồ dài, lúc chai sữa tắm. Cuối năm, cô bé không được khen thưởng, chính phụ huynh đi rêu rao “lễ tết cũng quà cáp cho cô đầy đủ mà con mình cũng chẳng được gì”.

Thế là từ đó về sau, chẳng bao giờ cô giáo ấy còn dám nhận quà từ bất cứ phụ huynh nào.

Tâm tư của một người thầy về những món quà biếu

Nếu người tặng mang suy nghĩ tri ân thầy cô đã có công dạy dỗ, chăm sóc con mình người tặng vô tư, người nhận cũng nhẹ lòng.

Nhưng tặng quà với mục đích trao đổi thầy cô phải đối xử đặc biệt hơn với con cái mình thì người nhận cũng nặng lòng không kém. Nghĩ thế nên không ít thầy cô đã cương quyết không nhận quà từ phụ huynh là thế.

Bản chất của chuyện tặng quà không xấu khi người tặng không có sự toan tính. Thông qua việc tặng quà, cha mẹ sẽ giáo dục con cái về lòng biết ơn, sự chân thành đối với những thầy cô của mình.

Nhưng, nếu tặng quà chỉ để mong thầy cô chú ý, ưu ái đến con mình hơn sẽ làm cho người nhận có cảm giác không thoải mái và sẽ làm mất đi ý nghĩa thiêng liêng của những món quà.

Mai Hoa