Mấy hôm nay khi Quốc hội vừa thông qua phương án tăng tuổi hưu chính thức: nữ- 60 tuổi, nam- 62 tuổi, thực sự chưa bao giờ một quyết định của Quốc hội, mà người lao động quan tâm nhiều đến như vậy, đặc biệt là với các giáo viên.
Hầu hết các trang cá nhân giáo viên mà tôi biết đều có tâm trạng chung, rằng họ không tự tin khi ở cái tuổi từ hàng 50 trở lên phải đứng trên bục giảng.
Đó là với giáo viên trung học, đại học, còn với các cấp học nhỏ hơn như mầm non và tiểu học, thì vấn đề càng trở nên lo ngại hơn.
Bạn bè đồng nghiệp cũ của tôi ở các nơi, cũng rất bàng hoàng lo lắng, họ giục tôi viết vài dòng ý kiến lên các tòa soạn báo, để các cấp lãnh đạo có thể lắng nghe tâm tư nguyện vọng của tất cả chúng tôi.
Rồi những đồng nghiệp đang bên cạnh, cùng công tác, nhắc đến việc đến tuổi 60, liệu thời gian đó chúng tôi có đảm bảo sức khỏe để trụ lại với nghề, để làm tới ngày chính thức có quyết định nghỉ hưu.
Việc nâng tuổi hưu là có nghiên cứu của nhà nước, của các cơ quan có trách nhiệm, để phù hợp với sự phát triển của đất nước.
Thầy cô giáo 60-62 tuổi còn sức để dạy học trò nữa không? |
Chúng tôi đều hiểu như vậy, nhưng thật sự việc là giáo viên mầm non, tiểu học, dạy những đứa trẻ con, với bao công việc không tên như khi trẻ nôn ói, đi vệ sinh, cho trẻ ăn, đi cùng với công việc dạy học với giáo án, học cụ, hồ sơ sổ sách liên tục, cộng với việc phải không ngừng đổi mới sáng tạo, thì liệu rằng ở độ tuổi ông, tuổi bà chúng tôi có đủ sức khỏe và khả năng đảm trách nhiệm vụ hay không.
Chưa kể đến, phụ huynh đưa con đi học thì thích cô giáo trẻ đẹp, các cấp lãnh đạo cũng thích sự nhanh nhẹn của tuổi trẻ hơn là những bộ máy cũ kỹ - ì ạch, Ban Giám hiệu nhà trường cũng chuộng những giáo viên mới về trường, vừa trẻ trung vừa năng động, khi đó những giáo viên có tuổi, hạn chế về sức khỏe, tinh thần tuổi trẻ lại vô cùng tủi thân, khi bị phân biệt, trong khi ngành giáo dục lại là một ngành rất cần sự công bằng, tương thân tương ái cho các em học sinh noi theo.
Dĩ nhiên, các giáo viên dù ở cấp học nào, họ cũng mong và cố gắng làm tốt công việc của mình cho đến khi về hưu, nhưng khi có tuổi, sức khỏe mỗi người như đình công, khi ấy dù đã có rất nhiều thành tích, công sức đóng góp cho nhà trường, nhưng khi tuổi cao, sự hăng hái sẽ giảm bớt, trong các phong trào thi đua giảng dạy, văn hóa văn nghệ trong nhà trường.
Công việc của một giáo viên mầm non đòi hỏi sự tươi tắn và năng động - vui chơi với trẻ thơ |
Sự giảm xuống về sức khỏe, xen lẫn với kết quả của những người giáo viên già cỗi có được sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào những người lãnh đạo, có khi nằm trong diện không hoàn thành nhiệm vụ hai đến ba năm, thì khi đó họ thuộc diện nằm trong danh sách tinh giản biên chế của nhà nước.
Tôi ví dụ, nếu một giáo viên mầm non đi làm vào năm 22 tuổi, thì đến năm 42 tuổi, họ đóng đủ hai mươi năm bảo hiểm xã hội, rồi tiếp tục công tác cho đủ tới 60 tuổi mới được nghỉ hưu.
Tuy nhiên, tới 55 tuổi sức khỏe họ cạn kiệt, không hoàn thành nhiệm vụ trong hai năm, do nhiều lý do khác nhau, họ bị nằm trong diện tinh giản biên chế, và buộc thôi việc, trong khi đó họ có một khoảng thời gian bắt đầu công tác, từ năm tốt nghiệp ra trường- 21 tuổi, cho tới tuổi được nghỉ hưu là hơn nửa đời người cống hiến cho giáo dục.
Ảnh chụp màn hình trang thái cảm xúc mạng xã hội của một thầy giáo |
Họ đâu muốn mình bị cạn nguồn năng lượng, nhiệt huyết trong bài giảng, nhưng tới tầm tuổi đó, làm sao giáo viên mầm non có thể múa hát, kể chuyện, đọc thơ cho trẻ nghe, làm sao có thể tập văn nghệ cho trẻ?
Làm sao có thể hoạt động liên tục trong một ngày từ lúc vào đón trẻ 6h30 cho tới khi trả hết trẻ vào chiều muộn?
Giáo viên mầm non không có giờ nghỉ ngơi hoàn toàn trong một ngày, ngay cả khi học trò ngủ họ phải thức để theo dõi quan sát trẻ, khi trẻ ra sân chơi, họ cũng phải chơi với trẻ, thì làm sao, khi mái tóc đã bạc, chân tay không còn linh hoạt, có đôi khi trí óc- độ nhạy bén tinh tế trong việc chăm sóc trẻ cũng giảm xuống, thì làm sao đòi hỏi họ phải thực hiện đúng như những gì họ đã thể hiện trong thời gian tuổi trẻ, những gì tuổi trẻ họ đã làm, có đủ được để biểu dương, trân trọng, hay là một trong những chướng ngại, lo âu cho đồng nghiệp khi sức khỏe, lẫn tinh thần cũng đã đi xuống theo quy luật “sinh- lão- bệnh- tử”.
Nghe một học sinh mầm non chào bà vào lớp, mà chúng ta chắc chắn không thể không lo âu, như chính những gì sẽ diễn ra trong tương lai, khi lộ trình tăng tuổi hưu được hoàn tất.
Trong tâm trí của mỗi con người khi nhận được thông tin này, mỗi ngành nghề đều có những trạng thái khác nhau, người thì mừng rỡ vì còn sức khỏe còn mong được cống hiến hết mình cho sự nghiệp phát triển đất nước, người thì buồn rười rượi mà không biết nói cùng ai, ngoài việc chia sẻ cảm xúc trên mạng xã hội.
Và tôi nghĩ rằng, giáo viên mầm non và tiểu học cần thiết phải được quan tâm chế độ nghỉ hưu này, bởi thực sự ở độ tuổi trên 50, số ngày đi làm sẽ rất ảnh hưởng, bởi họ phải đến thăm bệnh viện nhiều, để họ làm việc được tới 60 tuổi mà không vướng vào diện tinh giản biên chế là cả một hàng dài câu hỏi, rất cần được trả lời.
Ai cũng mong muốn, được làm việc, được lao động, cho dù đã có tuổi, nhưng rất cần được sự quan tâm đối với những ngành nghề đặc thù cần phải có sức khỏe tốt mới đảm nhiệm được.
Đó chính là những thầy cô giáo, những con người chăm sóc thế hệ mầm non tương lai của đất nước.
Làm thế nào đây, khi nhìn một giáo viên mầm non 60 tuổi vẫn còn phải ẵm bồng con nít, bày trò chơi, múa hát và biết bao việc không tên khác.
Nghĩ đến điều đó thôi, tôi nghĩ rằng, chắc chắn sẽ nhiều giáo viên mầm non sẽ khóc mà không thành tiếng, khi họ không biết phải làm gì hơn.