Không giảm sĩ số và biên chế, Giám đốc Sở Giáo dục Hà Nội nên nêu gương từ chức

04/03/2019 13:32
Hồng Thủy
(GDVN) - Lối thoát duy nhất cho giáo dục Thủ đô là phát triển hệ thống trường tư thục mới mong giảm sĩ số, giảm biên chế, tăng chất lượng, vấn đề nằm ở tư duy lãnh đạo.

Ngày 25/10/2018, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương (Quy định số 08-QĐ/TW).

Mục 8, Điều 2 của Quy định số 08/QĐ-TW xác định rõ: Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương phải gương mẫu đi đầu thực hiện:

Nghiêm túc thực hành tự phê bình và phê bình; thấy đúng phải cương quyết bảo vệ, thấy sai phải quyết liệt đấu tranh; không tranh công đổ lỗi. 

Dũng cảm nhận khuyết điểm và trách nhiệm. Chủ động xin từ chức khi thấy mình không còn đủ điều kiện, năng lực, uy tín để thực hiện nhiệm vụ.

Không giảm sĩ số và biên chế, Giám đốc Sở Giáo dục Hà Nội nên nêu gương từ chức ảnh 1

Tuyển sinh đầu cấp trường tư Sài Gòn trải thảm, Hà Nội rải đinh

Khoản 1 Điều 4 (Tổ chức thực hiện), Quy định số 08/QĐ-TW nêu rõ:

Bộ Chính trị, Ban Bí thư lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Quy định và định kỳ báo cáo Ban Chấp hành Trung ương. 

Các cấp uỷ, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các quy định nêu gương; gắn việc thực hiện Quy định với kiểm điểm, đánh giá, xếp loại cán bộ, đảng viên và lấy phiếu tín nhiệm theo quy định

Kịp thời xử lý nghiêm đối với những trường hợp vi phạm để làm gương cho cấp dưới. 

Có thể nói đây là những quy định hết sức mạnh mẽ, thể hiện quyết tâm sửa đổi lề lối làm việc của Ban Chấp hành trung ương Đảng, yêu cầu từ Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư trở xuống phải nghiêm túc thực hiện.

Rõ ràng đây là một trong những giải pháp chính sách cán bộ đột phá ở tất cả các cấp, rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay, đáp ứng được mong mỏi của dư luận.

Trung ương đã chỉ rõ, Hà Nội vẫn kêu khó

Sĩ số học sinh trường công lập nội thành Hà Nội quá tải, biên chế giáo viên Thủ đô ngày một phình to là một thực trạng ngày càng bức bối.

Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập (Nghị quyết số 19-NQ/TƯ) ngày 25/10/2017 chỉ đạo:

Tạo điều kiện chuyển đổi mô hình các cơ sở giáo dục mầm non, trung học phổ thông từ công lập ra ngoài công lập ở những nơi có khả năng xã hội hoá cao.

Có thể nói, đây là giải pháp chính sách rất phù hợp, đúng đắn mà Trung ương đã chỉ ra cho các địa phương có điều kiện xã hội hóa cao như Hà Nội, mà đáng lẽ những giải pháp thế này cần được chủ động đề xuất và thực hiện từ chính cơ quan quản lý giáo dục Thủ đô.

Xin lưu ý, xã hội hóa giáo dục không còn là vấn đề mới, mà đã được Trung ương Đảng, Chính phủ chỉ ra từ lâu với những văn bản, nghị quyết, nghị định, hướng dẫn cụ thể.

Nhưng Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội dường như vẫn bình chân như vại. Quá tải sĩ số các trường phổ thông công lập, đặc biệt là khối tiểu học, đã lên mức báo động.

Trường Tiểu học Chu Văn An, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội họp cha mẹ học sinh bàn lịch học luân phiên do quá tải sĩ số, ảnh: Báo An ninh Thủ đô.
Trường Tiểu học Chu Văn An, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội họp cha mẹ học sinh bàn lịch học luân phiên do quá tải sĩ số, ảnh: Báo An ninh Thủ đô.

Sĩ số bình quân lớp 1 các trường tiểu học công lập năm học 2018-2019 của một số quận nội thành Hà Nội đã lên rất cao: Thanh Xuân 60,7; Cầu Giấy 59,6; Hà Đông 52,3; Tây Hồ 51,8; Nam Từ Liêm 48,6.

Trong đó, quận Thanh Xuân có 11/12 trường tiểu học công lập sĩ số bình quân trên 55 em / lớp, con số này ở Cầu Giấy là 10/12 trường, Hà Đông là 11/28 trường. [2]

Hiện tại, khối trung học cơ sở Hà Nội có 594 trường công lập, 1 trường công lập tự chủ tài chính, 22 trường trung học cơ sở tư thục (chưa kể các trường liên cấp); xét theo tỉ lệ Hà Nội đang duy trì 96,4% trường trung học cơ sở công lập và 3,6% trường trung học cơ sở tư thục.

Năm năm nữa thôi, số học sinh lớp 1 của năm học 2018-2019 sẽ bước vào trung học cơ sở. Hà Nội sẽ lấy đâu ra trường học cho các em, nếu cứ duy trì "ổn định" tỉ lệ này?

Hiện tại chưa thấy Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tham mưu giải pháp chính sách nào để giải quyết căn bản vấn đề nêu trên, ngoài điều chỉnh quy hoạch mạng lưới trường lớp vốn đã lạc hậu ngay từ khi xây dựng.

Đấy là còn chưa kể, tăng trường công lập càng làm tăng bộ máy biên chế và gánh nặng ngân sách, sẽ khiến Nghị quyết số 18-NQ/TW rất đúng đắn, nhưng khó thành hiện thực.

Đó là Nghị quyết của Trung ương Đảng về "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả". 

Không giảm sĩ số và biên chế, Giám đốc Sở Giáo dục Hà Nội nên nêu gương từ chức ảnh 3

Sở Giáo dục Hà Nội có đi ngược chủ trương xã hội hóa của Đảng, Chính phủ?

Ngày 29/11/2017 Báo Giao Thông dẫn lời  Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính, cho biết:

Theo Nghị quyết 39-NQ/TW (Về việc tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức), mỗi năm ta phải tinh giản 70.000 người, sau 2 năm thực hiện phải giảm 140.000 – 150.000 người nhưng thực tế lại không giảm được mà còn tăng thêm 96.000 người. [3]

Tại sao lại có tình trạng nghịch lý này?

Qua theo dõi giáo dục Thủ đô chúng tôi nhận thấy, chính vì sự quán triệt và thực hiện của các địa phương đối với Nghị quyết của Trung ương không đến nơi đến chốn và các giải pháp còn mang tính đối phó, đã khiến nhiều chủ trương đúng đắn của Trung ương khó đi vào thực tiễn.

Ngày 30/9/2018 VnExpress dẫn lời Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý phát biểu:

"Hà Nội mỗi năm tăng 20.000 học sinh, năm dân số vàng này tăng lên tới 70.000. Chúng tôi rất khó khăn nếu không tăng biên chế giáo viên, chưa nói đến phải thực hiện chủ trương cắt giảm biên chế".

Nếu các vị lãnh đạo ngành giáo dục Thủ đô chỉ biết kêu khó và tìm giải pháp tăng trường công, thì các nghị quyết đúng đắn nói trên của Trung ương e rằng dễ bị cản trở ngay tại trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa - giáo dục của cả nước.

Hà Nội "thiếu biên chế" nhiều nhất cả nước, Hà Nội cũng là địa phương có điều kiện xã hội hóa giáo dục tốt nhất so với cả nước. Tại sao Hà Nội không phát triển hệ thống giáo dục tư thục để giảm áp lực sĩ số, biên chế và ngân sách nhà nước cho hệ thống trường công lập?

Những việc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội có thể làm ngay

Để thực hiện đồng thời các mục tiêu giảm sĩ số trường công lập nội thành, giảm biên chế giáo viên và gánh nặng ngân sách, tăng chất lượng giáo dục thông qua cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở, thiết nghĩ lối thoát duy nhất cho giáo dục Thủ đô là phát triển hệ thống các trường tư thục.

Tiến sĩ Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, ảnh: Báo Hà Nội Mới.
Tiến sĩ Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, ảnh: Báo Hà Nội Mới.

Thứ nhất là tuyển sinh, chúng tôi cho rằng đây là nút thắt của giáo dục Hà Nội, đặc biệt là cấp tiểu học và trung học cơ sở.

Chỉ cần Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội để các trường tư thục tự chủ tuyển sinh, bãi bỏ cơ chế xin cho chỉ tiêu tuyển sinh bằng hàng loạt giấy phép con như hiện nay, áp lực sĩ số trường công lập Hà Nội sẽ giảm.

Tất nhiên việc cởi trói hoàn toàn cho các trường tư tuyển sinh sẽ không thể giải quyết hết được áp lực sĩ số hiện nay, nhưng có lẽ cũng sẽ giảm đáng kể.

Ví dụ, thành phố Hồ Chí Minh cũng vấp phải tình trạng quá tải sĩ số trường công lập do tăng dân số cơ học, nhưng các trường tư được tự chủ tuyển sinh và không giới hạn số cơ sở, nên sĩ số các trường công lập cao lắm cũng chỉ 50 học sinh/lớp [4], chứ không đến nỗi 68, 69 học sinh / lớp như Hà Nội [2].

Thứ hai là mạng lưới, tại sao Hà Nội lại hạn chế các trường tư thục không được mở quá 2 cơ sở?

Để giải quyết căn cơ các vấn đề nổi cộm gây bức xúc trong nhiều năm qua của giáo dục công lập Thủ đô, thiết nghĩ đã đến lúc Hà Nội cần bỏ ngay rào cản này.

Không giảm sĩ số và biên chế, Giám đốc Sở Giáo dục Hà Nội nên nêu gương từ chức ảnh 5

Bỏ cơ chế chỉ tiêu tuyển sinh trường tư, quá tải trường công mới có lối thoát

Càng có nhiều trường tư được mở ra, phát triển và tuyển sinh tốt thì áp lực sĩ số các trường công nội thành càng giảm, bộ máy biên chế và ngân sách càng giảm, tại sao Hà Nội không chịu thực hiện?

Đấy là chưa kể dân số cơ học có năm tăng nhiều, năm tăng ít, nhưng bộ máy biên chế trường công lập một khi đã thành lập thêm hoặc tuyển mới, sẽ rất khó giảm.

Trường tư thục chỉ phát triển được nếu người dân lựa chọn, nếu ở các quận nội thành mà đại đa số tầng lớp trung lưu lựa chọn trường tư thục cho con theo học, Hà Nội hoàn toàn có thể giảm số trường công hiện có, chứ không cần phải xây thêm.

Cái thiếu của giáo dục Hà Nội là một tầm nhìn dài hạn của lãnh đạo ngành này, trong khi Trung ương đã chỉ ra quá rõ.

Thứ ba, đã đến lúc Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cần có sự đánh giá công tâm về vai trò, đóng góp cũng như các thiệt thòi của hệ thống trường tư thục ở Thủ đô hiện nay.

Ngày 6/7/2018 Báo Kinh tế và Đô thị, cơ quan ngôn luận của Ủy ban nhân dân thành phố đưa tin về phiên chất vấn của Hội đồng nhân dân thành phố cùng ngày, dẫn lời đại biểu Hoàng Huy Được đặt câu hỏi: 

Hiện trên địa bàn Thủ đô còn thiếu 314 trường công lập; trong bối cảnh đó trường tư thục trở thành một cứu cánh để cho học sinh. 

Tuy nhiên, Thành phố có 477 trường tư thục thì 386 trường phải đi thuê, mượn địa điểm, hoạt động chỉ được tạm thời, không ổn định, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng đào tạo. 

Trong 386 trường đi thuê mượn địa điểm, Sở đã kiểm tra, đánh giá chất lượng đào tạo được bao nhiêu trường? Hiện tại các trường này có không ít giáo viên không đạt chuẩn giáo dục, quan điểm của Sở như thế nào về vấn đề này? [5]

Không giảm sĩ số và biên chế, Giám đốc Sở Giáo dục Hà Nội nên nêu gương từ chức ảnh 6

Nguy cơ tham nhũng chính sách trong giáo dục Thủ đô từ thí điểm song bằng

Giá như các đại biểu đặt câu hỏi với chính Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố đã có cơ chế chính sách nào hỗ trợ cho 386 trường phải đi thuê, mượn địa điểm, và nhận được câu trả lời rõ ràng, thì có lẽ giáo dục Thủ đô sẽ cất cánh.

Nếu thầy Chử Xuân Dũng đặt câu hỏi ngược lại với các đại biểu hội đồng nhân dân về cơ chế chính sách hỗ trợ các trường mà đại biểu Được xem như "cứu cánh", lại càng có ý nghĩa thiết thực.

Đấy mới là trách nhiệm của người đứng đầu ngành giáo dục Thủ đô.

Nói gì thì nói, 386 trường tư thục kia vẫn đang gánh thay Nhà nước một phần trách nhiệm lo chỗ học cho con em, đặc biệt là cấp tiểu học và trung học cơ sở. Họ gặp khó khăn đã không có chính sách hỗ trợ, mà chỉ lo kiểm tra với kiểm định, thì làm sao giáo dục tư thục phát triển được?

Đất đai, mặt bằng và tuyển sinh là yếu tố quyết định sinh mạng của các trường tư thục, phần lớn các trường tư tại Hà Nội đang gặp phải rào cản từ cả 2 yếu tố này.

Đó là chưa kể cách quản lý giáo dục trong cả nước nói chung, Thủ đô nói riêng đang rất bất cập ở chỗ áp đặt các tiêu chí của trường công / trường chuẩn quốc gia lên trường tư, tạo ra nhiều bất công và phi lý.

Nếu lấy tiêu chuẩn trường công lập / trường chuẩn quốc gia để thanh tra kiểm tra trường tư thục, sẽ có rất ít trường thỏa mãn được các điều kiện khác xa thực tiễn này. Đây có thể là một lỗ hổng chính sách buộc các trường phải tìm cách "chạy", nếu không muốn bị "cắt chỉ tiêu".

Đó là cái vòng luẩn quẩn khiến tình trạng quá tải sĩ số trường công, phình to biên chế và tăng gánh nặng ngân sách cho giáo dục Thủ đô đang kéo dài từ năm này qua năm khác.

Nếu Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội thực sự quán triệt sâu sắc các nghị quyết nói trên của Trung ương cũng như chính sách xã hội hóa giáo dục của Đảng, Nhà nước, thì nên có hành động ngay.

Nếu không, chúng tôi thiết nghĩ thầy Chử Xuân Dũng nên chủ động từ chức, thực hiện trách nhiệm nêu gương theo tinh thần Quy định số 08-QĐ/TW;

Không giảm sĩ số và biên chế, Giám đốc Sở Giáo dục Hà Nội nên nêu gương từ chức ảnh 7

22 nghìn phòng học Hà Nội xây mới ở đâu để con em chen chúc gần 70 học sinh/lớp?

Thấy mình không đảm đương được việc giảm sĩ số trường công, giảm biên chế và gánh nặng ngân sách cho giáo dục công lập, thầy nên chủ động đứng sang một bên cho người khác làm.

Quy định số 08-QĐ/TW rất sâu sắc và thiết thực, nhưng sẽ chỉ đi vào cuộc sống nếu các tổ chức đảng và đảng viên ở cơ sở quán triệt sâu sắc và nghiêm túc thực hiện. 

Thiết nghĩ, Thành ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội nên bám sát Quy định số 08-QĐ/TW và các nghị quyết nói trên của Đảng về tinh giản biên chế, xã hội hóa giáo dục để đặt ra yêu cầu cụ thể đối với Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, cũng như giám sát quá trình triển khai thực hiện.

Quy định số 08-QĐ/TW yêu cầu cán bộ đảng viên thấy đúng phải cương quyết bảo vệ, thấy sai phải quyết liệt đấu tranh, không thể chấp nhận những cán bộ, đảng viên được Đảng, Nhà nước giao trọng trách quản lý lại im lặng mãi trước các vấn đề nổi cộm của ngành mình, lĩnh vực mình phụ trách.

Giảm biên chế và ngân sách đi đôi với tăng chất lượng giáo dục bằng cách phát triển hệ thống trường tư thục, xã hội hóa giáo dục, đây là trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân của các địa phương, đặc biệt là Thủ đô.

Hà Nội mà thông thì cả nước thông. Muốn tạo đột phá trong thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, cần đột phá công tác cán bộ.

Có như thế, các chủ trương lớn và rất đúng đắn, rất hợp lòng dân mà Trung ương đã dày công xây dựng, mới thành hiện thực, các vấn đề tồn tại gây bức xúc lâu nay của giáo dục Thủ đô mới được giải quyết tận gốc.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://vov.vn/chinh-tri/dang/toan-van-quy-dinh-ve-trach-nhiem-neu-guong-cua-can-bo-dang-vien-830409.vov

[2]https://vnexpress.net/infographics/truong-tieu-hoc-noi-thanh-ha-noi-qua-tai-hoc-sinh-lop-1-3815097.html

[3]http://www.baogiaothong.vn/ong-pham-minh-chinh-bat-giam-140000-lai-tang-96000-bien-che-d234756.html

[4]https://plo.vn/xa-hoi/giao-duc/tphcm-tang-gan-68000-hoc-sinh-trong-nam-hoc-toi-781310.html

[5]http://kinhtedothi.vn/hdnd-tp-ha-noi-chat-van-nhom-van-de-quan-ly-co-so-giao-duc-mgoai-cong-lap-320244.html

Hồng Thủy