Ký ức “những ngày nhốn nháo” tuyển sinh năm 2015

19/07/2016 10:45
Bùi Minh Tuấn
(GDVN) - Năm 2015 thực sự là một năm kinh hoàng với thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển vào Đại học, Cao đẳng; năm nay Quy chế tuyển sinh Bộ đã có những thay đổi.

LTS: Mùa tuyển sinh Đại học, Cao đẳng 2015 – 2016 đã đi qua những vẫn còn để lại ấn tượng sâu đậm cho nhiều người vì sự kinh hoàng trong thế trận nhốn nháo nộp, rút hồ sơ của thí sinh, phụ huynh học sinh.

Nhắc lại kì tuyển sinh cũ, thầy giáo Bùi Minh Tuấn đã có những so sánh, đối chiếu với những điều chỉnh trong Quy chế tuyển sinh năm nay đồng thời gửi lời mong muốn một kì tuyển sinh mới thật hiệu quả!

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!

Sau khi chính công bố điểm thi, việc xét tuyển sẽ được tiến hành ở các trường Đại học, Cao đẳng với số điểm mà thí sinh đạt được trong Kỳ thi THPT Quốc gia

Ký ức “những ngày nhốn nháo” tuyển sinh năm 2015 ảnh 1

Yêu cầu của Bộ Giáo dục với thi quốc gia, tuyển sinh Đại học, Cao đẳng 2016

(GDVN) - Bộ GD&ĐT đề nghị quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo kỳ thi THPT quốc gia năm 2016.

Với quá trình tuyển sinh mùa năm ngoái - 2015, dư luận đang trông đợi vào những điều chỉnh, bổ sung quy chế tuyển sinh mới trong năm 2016 sẽ hiệu quả hơn nhằm chấm dứt tình trạng nhốn nháo, “vỡ trận” trong quá trình xét tuyển.

Việc tổ chức Kỳ thi THPT Quốc gia theo mục đích “2 trong 1” đã được triển khai từ năm 2015, theo đó, thay vì đăng ký nguyện vọng xét tuyển trước khi thi sau khi biết điểm thí sinh mới sử dụng giấy chứng nhận kết quả thi để đăng ký vào trường Đại học, Cao đẳng mà mình chọn. 

Mỗi thí sinh được đăng ký tối đa bốn nguyện vọng xếp theo thứ tự ưu tiên từ một đến bốn, đáng chú ý là, trong thời gian 20 ngày xét tuyển nguyện vọng 1 (NV1) thí sinh có thể điều chỉnh nguyện vọng, rút hồ sơ nộp sang trường khác. 

Với thay đổi này, trước khi đợt xét tuyển diễn ra, không ít người đã lo ngại tình trạng thí sinh nộp hồ sơ vào trường A rồi đến giai đoạn “nước rút” lại thay đổi nguyện vọng rút hồ sơ trường B sẽ khiến cho khâu tuyển sinh ở các trường Đại học, Cao đẳng rơi vào tình thế bị động vì luôn phải chạy theo “xu thế rút, nộp” của các thí sinh. 

Loạn nộp, rút hồ sơ kì tuyển sinh năm 2015

Và trên thực tế, những lo ngại trên đã thành sự thực với những gì đã diễn ra trong đợt một của mùa tuyển sinh năm 2015. Một lượng lớn thí sinh sau khi nghe ngóng, có nhu cầu thay đổi nguyện vọng ồ ạt rút hồ sơ khiến những người làm công tác tuyển sinh ở các trường phải hoạt động vất vả. 

Không chỉ phải làm thủ tục trả hồ sơ cho những thí sinh có nhu cầu rút, nhận hồ sơ mới đăng ký xét tuyển, các trường còn phải thường xuyên cập nhật kết quả điểm, danh sách thí sinh đăng ký vào trường mình ba ngày/lần để thí sinh nắm được vị trí của mình. 

Hy vọng trong mùa xét tuyển năm nay sẽ không còn tình trạng "nhốn nháo" như năm cũ! (Ảnh nguồn: Tienphong.vn).
Hy vọng trong mùa xét tuyển năm nay sẽ không còn tình trạng "nhốn nháo" như năm cũ! (Ảnh nguồn: Tienphong.vn). 

Thống kê hôm nay trường đã đủ chỉ tiêu nhưng ngày mai chưa biết ra sao khi thí sinh rút hồ sơ nộp sang trường khác, trong khi đó, việc cho phép thay đổi nguyện vọng, tự do rút, nộp hồ sơ cũng khiến thi sinh luôn trong tâm trạng thấp thỏm. 

Nhiều thí sinh mất ăn, mất ngủ, suốt ngày “làm bạn” với điện thoại, máy tính để thường xuyên cập nhật thứ hạng về điểm số trong “bảng xếp hạng” của trường; đồng thời, luôn trong tâm thế có thể phải rút hồ sơ ở trường này để nộp sang trường khác. 

Ký ức “những ngày nhốn nháo” tuyển sinh năm 2015 ảnh 3

Địa chỉ tra cứu điểm thi quốc gia 2016

(GDVN) - Bộ GD&ĐT yêu cầu, chậm nhất 20/7 các cụm thi (50 sở GD&ĐT và 70 trường Đại học) phải chấm xong điểm thi các môn THPT quốc gia 2016.

Áp lực thi cử không những không được giảm bớt mà còn có phần gia tăng, kéo dài hơn!

Việc chọn trường, chọn ngành theo năng lực, sở trường dường như cũng không còn ý nghĩa khi việc nộp, rút hồ sơ liên tục biến động và thường không theo ý muốn chủ quan của bản thân học sinh.

Không chỉ thí sinh mà nhiều bậc phụ huynh cũng mang tâm trạng lo lắng với cách thức xét tuyển mới. 

Vào Đại học là bước ngoặt quan trong, ảnh hưởng trực tiếp tới tương lai về sau của con em, quan niệm này khiến nhiều bậc phụ huynh cố gắng sắp xếp công việc, khăn gói theo con đến tận trường để nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển. 

Trong “cuộc đua” rút, nộp hồ sơ, có phụ huynh đã phải cất công lên thành phố hai đến ba lần sát cánh cùng con, kéo theo đó là sự tốn kém không nhỏ về chi phí sinh hoạt, ăn ở, đi lại. 

Theo quy định, thí sinh có thể đăng ký xét tuyển trực tuyến, tuy nhiên, khi đã đăng ký rồi thí sinh vẫn phải in hồ sơ ra phiếu nộp về trường qua đường bưu điện, lo sợ bị thất lạc, nhiều bậc phụ huynh đã phải chọn giải pháp cùng con lên tận trường nộp trực tiếp. 

Đối với các gia đình có thí sinh dự thi ở vùng sâu, vùng xa, quá trình này thực sự vất vả rất nhiều khi điều kiện cập nhật thông tin về dữ liệu điểm và tư vấn tuyển sinh của họ không được tốt.

Với mong muốn tạo điều kiện cho các thí sinh, ngày 11/8/2015, Bộ GD&ĐT đã ban hành công văn cho phép thí sinh có nguyện vọng rút hồ sơ đăng ký xét tuyển và nộp vào trường khác sẽ trực tiếp rút hồ sơ tại trường theo quy định hoặc có thể tới Sở GD&ĐT địa phương hay các trường THPT để nộp hồ sơ đề nghị điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển. 

Tuy nhiên, trên thực tế, giải pháp tình thế trên cũng không phát huy nhiều tác dụng khi thời gian xét tuyển NV1 không còn nhiều khi mà cả tâm lý thí sinh và phụ huynh định hướng chọn trường không vững vàng, thay đổi liên tục dẫn đến nguyện vọng ảo xuất hiện ngày càng nhiều. 

Gặp khó khăn trong việc theo dõi cũng như dự báo cơ hội trúng tuyển, thí sinh không phán đoán chính xác vị trí của bản thân trên “bảng xếp hạng” danh sách xét tuyển dẫn tới tình trạng nhốn nháo rút, nộp hồ sơ liên tục!

Bộ GD&ĐT đã sửa đổi, bổ sung Quy chế tuyển sinh năm 2016

Để không còn tái diễn lại tình trạng đã xảy ra như như trên Bộ GD&ĐT quyết định ban hành Thông tư số 03/2016/TT-BGDĐT Về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh Đại học, Cao đẳng hệ chính quy chính thức có hiệu lực từ ngày 29/3/2016. 

Ký ức “những ngày nhốn nháo” tuyển sinh năm 2015 ảnh 4

Những thay đổi về chế độ hưởng điểm ưu tiên của thí sinh năm 2016

(GDVN) - Bộ GD&ĐT có hướng dẫn tổ chức công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2016. Trong đó, có sự thay đổi về chế độ được hưởng điểm ưu tiên của thí sinh.

Theo đó, Quy chế tuyển sinh năm 2016 so với năm trước có một số điểm mới về điều chỉnh chính sách ưu tiên và thí sinh không được thay đổi nguyện vọng xét tuyển.

Những thay đổi trong Quy chế tuyển sinh mới này nhằm hướng tới tính khoa học, phù hợp với thực tiễn trong công tác tuyển sinh, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các thí sinh tham gia xét tuyển. 

Một điểm mới cần lưu ý trong Quy chế tuyển sinh Đại học, Cao đẳng năm nay là Bộ GD&ĐT khuyến khích các trường xét tuyển sinh theo nhóm

Với các trường đăng ký tuyển sinh theo nhóm, mỗi nhóm xây dựng đề án tự chủ tuyển sinh đáp ứng các yêu cầu của Quy chế tuyển sinh Đại học, Cao đẳng.

Ký ức “những ngày nhốn nháo” tuyển sinh năm 2015 ảnh 5

Lời gan ruột của nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục cho kỳ tuyển sinh đại học sắp tới

Các thí sinh đăng ký xét tuyển theo nhóm trường, sau khi trúng tuyển NV1 sẽ không còn tham gia xét tuyển các đợt tiếp theo, điều này sẽ giúp tránh được hiện tượng đăng ký xét tuyển ảo đối với các trường khác trong nhóm.

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, trong đợt một, thí sinh được nộp tối đa hai phiếu đăng ký xét tuyển vào hai trường, mỗi trường hai nguyện vọng, nhưng nếu thí sinh đăng ký xét tuyển vào nhóm trường thì có thể nộp phiếu đăng ký xét tuyển vào bốn trường trong cùng nhóm ngành. 

Như vậy, thí sinh không trúng tuyển trường tốp trên có thể có cơ hội trúng tuyển trường tốp giữa hoặc tốp dưới, điều này một mặt làm tăng khả năng trúng tuyển, mặt khác sẽ khuyến khích thí sinh chọn ngành yêu thích hơn là chọn một trường bất kỳ nào đó.

Bùi Minh Tuấn