Làm được 6 giải pháp này, nghề giáo sẽ trở lại thời hoàng kim

28/07/2021 07:10
BÙI NAM
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Trước hết phải có chính sách cụ thể về khuyến khích học tập, học tập xếp loại giỏi, khá cho đối tượng sinh viên sư phạm.

Thực tế hiện nay, trong năm học qua với những thay đổi tích cực từ cấp quản lý thì ngành sư phạm cơ bản có khởi sắc so với các năm trước, nhưng so với mặt bằng chung thì lại không tương xứng với một nghề được xem là “cao quý nhất trong các nghề cao quý”.

Từ xưa đến nay, bất kể trong thời kỳ nào, nghề dạy học luôn được coi là nghề cao quý và được xã hội tôn trọng và tôn vinh. Không chỉ học sinh mà cả xã hội đều gọi là thầy.

Khẳng định vị trí xã hội của nghề dạy học, Nhà giáo dục học Tiệp Khắc Comenxki đã viết một câu bất hủ: “Dưới ánh mặt trời, không có nghề nào cao quý hơn nghề dạy học”.

Thời kỳ các năm từ 1996-2000 được coi là thời kỳ “hoàng kim” của ngành sư phạm, khi Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra quy chế miễn học phí, học bổng cho học sinh đăng ký, học tốt khi vào ngành này cũng như khi ra trường các địa phương đều nhận và có việc làm sau khi tốt nghiệp.

Sự khuyến khích hợp lý, cộng với cơ hội nghề nghiệp lớn đó đã khiến cho rất nhiều học sinh khá, giỏi đăng ký vào các trường sư phạm mỗi khi đến kỳ thi đại học, cao đẳng khi đó.

Sự cạnh tranh để được vào ngành sư phạm đã lên đến cao trào khi có năm, nếu thí sinh nào muốn vào khoa Toán của Đại học Sư phạm Hà Nội thì phải đạt 27, 28 điểm cho 3 môn thi, Trường đại học Thành phố Hồ Chí Minh điểm chuẩn các ngành sư phạm Toán, Anh văn điểm chuẩn cũng rất cao, các ngành sư phạm trường đại học Cần Thơ, hay các trường cao đẳng sư phạm địa phương điểm chuẩn cũng như tỷ lệ chọi khá cao.

(Ảnh minh hoạ: Baochinhphu.vn)

(Ảnh minh hoạ: Baochinhphu.vn)

Một vài năm gần đây, có trường hợp 3 điểm/ môn đỗ các trường cao đẳng sư phạm hay nhiều môn thuộc khối ngành sư phạm tại các trường đại học, sư phạm không tuyển được sinh viên.

Điều đó, cho thấy học sinh chưa mặn mà với ngành sư phạm, nhiều trường sư phạm không tuyển được sinh viên, do không có học sinh đăng ký,… điều đó cho thấy thời hoàng kim của ngành sư phạm đã xa dần.

Nếu là nghề cao quý nhất, đương nhiên khi tuyển sinh ngành sư phạm sẽ phải đứng nhất, nhì phải là nơi học sinh tranh nhau để thi vào ngành sư phạm, được trở thành sinh viên sư phạm, tự hào khi là sinh viên sư phạm, tự hào khi là giáo viên,...

Một vài năm trước, khi giáo viên thừa, sinh viên sư phạm thất nghiệp nhiều, thì học sinh né ngành sư phạm là điều có thể hiểu nhưng hiện nay ngành sư phạm đang “đói” giáo viên mà vẫn không tuyển được sinh viên.

Có sinh viên sư phạm giỏi mới có nhà giáo giỏi

Nguyên tắc cơ bản là một sinh viên giỏi có thể khi ra trường dạy chưa giỏi có thể do về giọng nói, phương pháp truyền đạt,… nhưng học sinh, sinh viên không có kiến thức thì không thể thành nhà giáo giỏi.

Thật đáng buồn, hiện nay nhiều em học sinh có học lực trung bình cũng mạnh dạn đăng ký vào sư phạm, còn trước đây chỉ học sinh khá, giỏi mới dám đăng ký. Nếu các em học suốt thời phổ thông có học lực trung bình thì rất khó để trở thành giáo viên giỏi, tốt.

Mà thiếu đội ngũ nhà giáo giỏi thì mục tiêu đổi mới giáo dục khó khả thi.

Muốn ngành giáo dục phát triển, để mỗi thầy cô, giáo đều là những nhà giáo giỏi, dạy hiệu quả thì phải tuyển được học sinh giỏi, đào tạo sinh viên giỏi, có như thế mới hy vọng có lực lượng nhà giáo viên, thế hệ học sinh giỏi và có như thế mới hy vọng lấy lại thời hoàng kim cho ngành sư phạm.

Muốn như vậy phải có chính sách kịp thời, hợp lý, hạn chế những việc hình thức, hạn chế của giáo dục,… để làm sao các em học sinh giỏi mong muốn được học sư phạm, đam mê sư phạm, được trở thành nhà giáo trong tương lai.

6 giải pháp để ngành sư phạm trở lại thời hoàng kim

Thật đáng buồn, theo khảo sát của Viện Khoa học giáo dục Việt Nam thời gian qua đối với giáo viên tại một số tỉnh, thành cho thấy kết quả bất ngờ là có tới 50% giáo viên các cấp trả lời rằng, nếu được chọn lại nghề, họ đều không muốn chọn lại nghề sư phạm.

Theo người viết, thì để ngành sư phạm lấy lại thời hoàng kim, giải quyết từng bước các khó khăn, tồn tại, hạn chế để đưa ngành sư phạm lấy lại vị thế hàng đầu, được mọi học sinh tranh vào, trở lại thời hoàng kim có thể thực hiện từng bước các công việc sau đây:

Thứ nhất, khuyến khích học sinh giỏi đăng ký ngành sư phạm

Theo người viết, đây là yếu tố đầu tiên, lực lượng học sinh giỏi vào sư phạm, qua quá trình học, rèn luyện, sẽ có những em sinh viên giỏi, sẽ tạo ra những nhà giáo giỏi và dạy được học sinh giỏi. Cải thiện chất lượng giáo dục nên xuất phát từ đây, do đó nên có chính sách hợp lý để tuyển được các em học sinh giỏi, cải thiện chất lượng đội ngũ người thầy.

Chấm dứt tình trạng “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”.

Theo người viết thì nên có cơ chế tuyển thẳng cho sinh viên sư phạm có điểm đầu vào kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ 26,0 điểm trở lên (trung bình trên 8,5 điểm mỗi môn).

Khi đó các em học sinh giỏi sẽ mạnh dạn nộp hồ sơ vào ngành sư phạm và đương nhiên đó là những em học sinh giỏi, nếu số lượng vượt chỉ tiêu môn này thì tạo điều kiện cho các em qua môn học khác, đảm bảo tất cả các môn đều là những học sinh có đầu vào là học sinh giỏi, khá.

Trong quá trình học tập đương nhiên sẽ có một số em không theo kịp, sẽ có thể bị loại ra (sẽ không nhiều), như vậy đảm bảo lực lượng sinh viên sư phạm ra trường đa số là giỏi, khá.

Thứ hai, có chính sách cho sinh viên giỏi

Trước hết phải có chính sách cụ thể về khuyến khích học tập, học tập xếp loại giỏi, khá cho đối tượng sinh viên sư phạm. Học sinh giỏi đầu vào sẽ có một số khuyến khích nhất định nếu duy trì học được loại khá, giỏi sẽ được hỗ trợ chi phí học tập ngoài các khoản học bổng, hỗ trợ của nhà nước.

Các em muốn duy trì học bổng, có chế hỗ trợ,… thì phải ráng học giỏi và khi ra trường đương nhiên sẽ được đảm bảo một vị trí việc làm chính thức, thậm chí quy định sinh viên sư phạm xếp loại giỏi, không cần thời gian tập sự hoặc tập sự ngắn hơn, để khuyến khích các em cố gắng học giỏi, phấn đấu.

Thứ ba, cam kết bố trí việc làm sinh viên khá, giỏi

Hiện nay, sinh viên sư phạm không còn được miễn học phí thay vào đó là được hỗ trợ kinh phí học, nếu ra trường công tác trong ngành thì không phải hoàn trả, nhưng các em lo lắng nếu ra trường không xin được việc thì lại phải mắc nợ không hề nhỏ. Điều đó cũng khiến các em lo lắng một phần.

Chính sách bỏ miễn học phí thay vào hỗ trợ và nếu không công tác hoặc công tác không đủ thời gian trong ngành giáo dục phải hoàn trả là đúng, nhưng đi kèm đó phải là chính sách đảm bảo việc làm, địa phương đặt hàng và cam kết bố trí việc làm cho sinh viên sư phạm khá, giỏi ra trường.

Trừ khi sinh viên không chấp nhận làm việc, hoặc làm việc không đủ thời gian quy định thì phải hoàn lại phí hỗ trợ trên. Hiện nay, chưa có chính sách đảm bảo việc làm nên các em ngại không dám mạnh dạn thi vào ngành sư phạm.

Phải đảm bảo 100% sinh viên sư phạm ra trường loại khá, giỏi được bố trí việc làm vừa khuyến khích sinh viên cố gắng học giỏi, vừa được đảm bảo việc làm, tương lai thì các em sẽ cố gắng.

Thứ tư, cải thiện môi trường làm việc của nhà giáo

Đây là điều quan trọng, điều này phải kết hợp giữa các chính sách hợp lý giữa xử lý, nhắc nhở động viên khuyến khích các nhà giáo làm tốt công việc của mình, đồng thời cũng phải tạo hành lang pháp lý bảo vệ nhà giáo.

Mỗi ngày đến trường phải là mỗi ngày vui của cả thầy và trò. Thầy dạy tốt, dạy hết mình, trò ngoan, lễ phép kính trọng thầy, cô về nhà hiếu kính với ông bà, cha mẹ, thương yêu anh em, hòa đồng mọi người,…

Nhà giáo hiện nay phải chịu mọi áp lực từ cơ chế quản lý nhà nước, trong dạy và học, trong các mối quan hệ… Đã có nhiều trường hợp phụ huynh vào tận trường học và có hành vi bạo lực đối với nhà giáo viên như ngoài xã hội. Chưa kể, những khó khăn về biên chế, tình trạng tiêu cực buộc nhà giáo phải "chạy", bạo lực học đường,...cũng làm nản lòng nhiều người muốn vào sư phạm.

Không có cơ chế bảo vệ nhà giáo, nhiều thầy cô gắn bó với nghề bao nhiêu năm, đạt rất nhiều danh hiệu, dạy tốt nhưng chỉ vì không có chỉ tiêu tuyển dụng, có thể mất việc, hay vì lý do nào đó trong việc ứng xử với học sinh có thể bị mất việc ngay lập tức.

Thứ năm, giải tỏa bớt các áp lực không đáng có

Mỗi thầy, cô giáo khi đến cơ quan phải là tấm gương mẫu mực, làm hết sức mình, tập trung 100% trí lực và sức lực cho giảng dạy và giáo dục. Muốn được như vậy ngoài sự nỗ lực cố gắng của bản thân nhà giáo, ngành giáo dục và mỗi nhà trường phải giải tỏa những áp lực của nghề giáo về các loại hồ sơ sổ sách, hội thi,…không cần thiết, áp lực thành tích, duy trì sĩ số, quản lý học sinh cá biệt, áp lực từ phụ huynh và học sinh,…

Nên có cơ chế bảo vệ nhà giáo trước những áp lực, giao quyền chủ động cho nhà giáo trong dạy dỗ, xử lý học sinh vi phạm, nhà giáo phải có thực quyền trong quá trình dạy.

Tôi ví dụ, một trường hợp học sinh cá biệt, vô lễ, coi thường giáo viên,… thì thầy cô có quyền phạt em đó đứng dậy hoặc ra khỏi lớp, hoặc phê bình học sinh trước lớp.

Nếu nhà giáo xử lý hợp tình hợp lý thì cũng nên chấp nhận, đó là giao quyền cho nhà giáo trong tiết dạy của mình, quyền của giáo viên chủ nhiệm phải được tăng lên.

Những thay đổi về xử lý học sinh như không được phạt, không được phê bình học sinh trước lớp, trước trường,… vô tình đã tước đoạt quyền của người thầy, khi mà xã hội cần có chính sách giáo dục phù hợp, thầy phải ra thầy, trò ra thầy, học sinh vi phạm, vô lễ giáo viên giảng dạy phải có quyền xử lý, nhắc nhở là điều đương nhiên, phải cởi trói những áp lực để giáo viên được làm giáo viên đúng nghĩa, giáo viên phải có quyền được làm thầy, được xử lý học sinh vi phạm trong phạm vi phù hợp.

Không chỉ áp lực khi học ở trong trường học sinh vi phạm đánh nhau, trộm cắp, vi phạm pháp luật,… bên ngoài nhà trường cũng quy trách nhiệm cho giáo viên nên khiến áp lực ngày càng tăng lên.

Tất nhiên, đi kèm với các chính sách này cũng cần có quy định rõ ràng về việc xử lý giáo viên vi phạm đạo đức, tham lam, vụ lợi,…mà theo người viết, tốt nhất là nên cho ra khỏi ngành để làm trong sạch đội ngũ.

Thứ sáu, nhà giáo sống được thu nhập chính thức từ nghề dạy học

Đây là việc mà qua nhiều lần họp, ý kiến,… thì vẫn đâu vào đấy, tổng thu nhập chính thức của các nhà giáo từ công việc dạy học chưa được cải thiện hợp lý.

Nhà giáo là nghề đặc thù, là nghề giáo dục con người và đào tạo ra các nghề khác, nghề cao quý trong các nghề,…nên thu nhập từ nghề nghiệp phải cao mới mong có được đội ngũ nhà giáo giỏi, phải thay đổi điều này mới nói đến những thay đổi khác.

Cải thiện thu nhập cho đội ngũ nhà giáo, trước hết nên bắt đầu cải cách bằng việc tăng tổng thu nhập chính thức (lương, phụ cấp), bởi chỉ khi các thầy cô yên tâm công tác thì mới có nhà giáo giỏi, dạy tốt. Bên cạnh đó, các thầy cô cũng có quyền làm thêm, dạy thêm hợp pháp.

Những đề xuất về quản lý dạy thêm thì người viết đã trình bày trong bài viết “4 giải pháp thầy Bùi Nam kiến nghị Bộ ra Thông tư mới quản lý dạy thêm, học thêm”.

Điều quan trọng là Bộ Giáo dục và Đào tạo siết chặt các quy định và giáo viên làm tốt nhiệm vụ, công việc của mình thì được phép dạy thêm trong khuôn khổ quy định của pháp luật.

Trên đây là một số vấn đề và đề xuất các phương án để ngành giáo dục lấy lại uy tín, từng bước đưa giáo dục quay trở lại thời hoàng kim như trước đây, học sinh giỏi sẽ đổ xô vào các trường sư phạm, khi đó chất lượng sinh viên nâng lên, chất lượng giáo viên nâng lên, thì đương nhiên thế hệ học trò kế cận sẽ nâng lên xứng tầm giáo dục Việt Nam.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

BÙI NAM