Làm thế nào để chống lãng phí nguồn lực nhà nước đầu tư cho giáo dục?

24/12/2019 14:30
Thùy Linh
(GDVN) - Ngày 24/12, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức hội thảo về “Tái cấu trúc nguồn lực nhà nước đầu tư cho giáo dục để tăng hiệu quả, chống lãng phí”.

Đến dự hội thảo có bà Ngô Thị Minh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; 

Phó giáo sư Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa 13;

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục Chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo);  

Ông Nguyễn Công Hinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên (Bộ Giáo dục và Đào tạo); 

Ông Phạm Đức Tiến – đại diện Vụ đào tạo thường xuyên, Tổng cục dạy nghề (Bộ Lao động, Thương binh và xã hội);

Nhà giáo ưu tú Nguyễn Phú Cường- Chủ tịch Hội đồng Hệ thống Giáo dục Lômônôxôp Hà Nội.

Ngày 24/12, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức hội thảo về “Tái cấu trúc nguồn lực nhà nước đầu tư cho giáo dục để tăng hiệu quả, chống lãng phí”. (Ảnh: Thùy Linh)
Ngày 24/12, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức hội thảo về “Tái cấu trúc nguồn lực nhà nước đầu tư cho giáo dục để tăng hiệu quả, chống lãng phí”. (Ảnh: Thùy Linh)

Mở đầu tọa đàm, nhà báo Đào Ngọc Tước – Phó tổng biên tập Báo điện tử Giáo dục Việt Nam thông tin, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh Tây Ninh lần thứ 12, khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021 diễn ra ngày 11/7/2019, Đại biểu Kim Thị Hạnh cho biết: 

Hiện tại mỗi năm Nhà nước phải chi nguồn kinh phí trên hai tỷ đồng cho một trung tâm giáo dục thường xuyên - giáo dục nghề nghiệp (hiện toàn tỉnh có chín trung tâm) để duy trì hoạt động, trong đó chi trả lương cho 149 giáo viên. 

Tuy nhiên, bình quân mỗi giáo viên chỉ dạy có 10 học sinh/năm, có trung tâm cả năm không tuyển được một học sinh nào, dẫn đến phòng ốc, trang thiết bị không có người sử dụng, trở nên cũ kỹ, lạc hậu.

Một số thiết bị có giá trị hàng tỷ đồng đến nay vẫn bỏ kho, chưa sử dụng, nhiều nơi lại tiếp tục mua sắm thêm trang bị mới như hệ thống máy tính dạy ngoại ngữ, dạy vi tính… 

Đại biểu tham dự hội thảo (Ảnh: Thùy Linh)
Đại biểu tham dự hội thảo (Ảnh: Thùy Linh)

Tình trạng này xảy ra khá phổ biến ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước như Bình Phước, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Hà Nam, Thanh Hóa... Nhiều nơi trung tâm giáo dục thường xuyên, dạy nghề xây xong bỏ hoang hoặc duy trì hoạt động èo uột. Trong khi tại thành phố Hồ Chí Minh đã xuất hiện xu hướng phổ thông hóa một số trung tâm giáo dục thường xuyên - giáo dục nghề nghiệp. 

Tham gia phiên thảo luận cho ý kiến về báo cáo kinh tế, xã hội tại tổ sáng 22/5/2019, Đại biểu Quốc hội Triệu Thế Hùng đoàn Lâm Đồng đã thông tin về một sự lãng phí lớn là hiện các trung tâm giáo dục thường xuyên, dạy nghề, cộng đồng… tại các huyện quá nhiều. Ông cho biết: 

"Chúng tôi đi giám sát tại các tỉnh phía Bắc, các trung tâm được xây dựng như đồng phục, lớn lắm, mười mấy tỷ đồng một trụ sở nhưng hàng chục năm nay không hoạt động.

Thậm chí mỗi trung tâm chỉ có mười mấy em, thiết bị không hoạt động.

Tuy vậy, hàng năm báo cáo lên hàng trăm em để lấy tiền về chi cho hoạt động thường xuyên. Tôi cho rằng cần đánh giá lại vai trò lịch sử các trung tâm này, để sử dụng cho việc khác..." 

Đại biểu tham dự hội thảo (Ảnh: Thùy Linh)
Đại biểu tham dự hội thảo (Ảnh: Thùy Linh)

Phó tổng biên tập Báo điện tử Giáo dục Việt Nam cho biết, hiện cả nước có 695 trung tâm giáo dục thường xuyên, bao gồm: 74 trung tâm cấp tỉnh, 621 trung tâm cấp huyện; 11.019 trung tâm học tập cộng đồng (đạt 98,7%); 2.854 trung tâm ngoại ngữ - tin học... 

Để tình trạng này kéo dài không những lãng phí rất lớn nguồn lực quốc gia dành cho giáo dục, phình to bộ máy biên chế, mà còn đang phá hỏng phân luồng.

Ở cấp độ quốc gia, dự án Khu đô thị Đại học quốc gia Hà Nội được khởi động từ 2003 với tổng diện tích đất 1000 héc ta, tổng kinh phí 7.320 tỷ đồng, dự kiến năm 2015 hoàn thành và di dời toàn bộ các trường thành viên lên khu vực mới, nhưng đến nay mới xong được một vài hạng mục.

Dự án đầu tư xây dựng Làng Đại học Đà Nẵng được Chính phủ phê duyệt vào ngày 4/3/1997, với số vốn trên 7.000 tỉ đồng, xây dựng trên khu đất có diện tích 300 ha. Sau gần 22 năm, dự án mới chỉ có 3 cơ sở được hoàn thiện cơ bản, Làng đại học Đà Nẵng như bị bỏ hoang, hàng nghìn hộ dân sống cơ cực…

Dự án Khu đô thị đại học Phố Hiến tại Hưng Yên được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án từ 2009 với tổng diện tích 1000 ha, tổng kinh phí dự kiến khoảng 4.280 tỷ đồng.

Đến thời điểm này, Khu đại học Phố Hiến đã có 2 trường đại học đi vào hoạt động là Trường đại học Chu Văn An và Đại học Thủy lợi. Nhưng sau đó, Cơ sở mới của Đại học Thủy Lợi tại Hưng Yên có vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng đành rút lui do hạ tầng chưa hoàn thiện. 

Trong khi đó, Dự án Thành phố Giáo dục quốc tế IEC Quảng Ngãi do Tập đoàn Giáo dục Nguyễn Hoàng làm chủ đầu tư với tổng diện tích đất 10 ha, tổng số vốn hơn 1000 tỷ đồng, khởi công ngày 31/3/2018, thì ngày 28/6/2019 đã khánh thành và đón hơn 1000 học sinh năm học đầu tiên.

Dự án thành phố đại học Vinuni do Tập đoàn VinGroup đầu tư xây dựng trên 23 ha, động thổ ngày 14/11/2018, đến nay phần xây dựng cơ bản gần như hoàn thành, ngày 11/11/2019 đã công bố định hướng tuyển sinh.

Vì vậy, ông Tước cho biết, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức Hội thảo “Tái cấu trúc nguồn lực nhà nước đầu tư cho giáo dục để tăng hiệu quả, chống lãng phí” để lắng nghe ý kiến các chuyên gia, các nhà quản lý, nhà giáo dục phân tích thực trạng, nguyên nhân lãng phí và các giải pháp cơ chế chính sách góp ý với Chính phủ để vừa đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn lực nhà nước và chống lãng phí, vừa phát triển giáo dục - đào tạo, đồng thời tạo thêm nguồn thu cho ngân sách. 

Thùy Linh