Lo lắng bữa ăn ở trường, phụ huynh chi tiền triệu mua máy "thần kỳ"

29/11/2020 06:30
Trung Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Vừa qua, có một số vụ học sinh bị ngộ độc trong bữa ăn bán trú tại nhà trường xảy ra khiến không ít phụ huynh lo lắng, loay hoay tìm cách giải quyết vấn đề.

Giữa lúc các vụ ngộ độc thức ăn liên tiếp xảy ra ở các lớp bán trú trong thời gian gần đây, vì lo lắng nhiều bậc phụ huynh không tiếc chi tiền triệu để trang bị cho con em họ máy kiểm tra nhanh độ an toàn của thực phẩm.

Họ kháo nhau rằng đây là “cứu cánh” thiết thực giúp con cái họ đối phó lại với nguồn thực phẩm độc hại đang hàng ngày rình rập. Vậy thực hư về công dụng “thần kỳ” của loại máy này như thế nào?

Phụ huynh điên đảo với “ma trận” máy đo thực phẩm

Chỉ cần gõ từ khoá tìm kiếm “Máy đo chất lượng thực phẩm” thì trong vòng 0,40 giây đã cho ra hơn 51 triệu kết quả liên quan đến sản phẩm này.

Thực tế, trên thị trường các các sản phẩm máy kiểm tra nhanh độ an toàn thực phẩm có mặt và khá sôi động tại thị trường Việt Nam từ những năm 2014 nhưng sau một thời gian chìm vì không có khách hàng.

Gần đây, các vụ học sinh bị ngộ độc trong bữa ăn bán trú tại nhà trường xảy ra, thậm chí trên khay thức ăn có cả “ấu trùng” còn sống khiến không ít các phụ huynh lo lắng không biết xử lý như thế nào. Một lần nữa sản phẩm này lại được các phụ huynh chia sẻ.

Các nhà bán hàng cũng không chịu thua kém, tung ra nhiều chiêu thức bán hàng với những lời lẽ có cánh như: “Sản phẩm này có thể đo độ an toàn chính xác đến 99,9%” hay “Muốn con bạn an toàn hãy tìm đến chúng tôi”.v.v...

Theo tìm hiểu của phóng viên, những chiếc máy này chủ yếu có nguồn gốc từ Trung Quốc, Đức hoặc Nga cùng với đó là nhiều thương hiệu khác nhau.

Giá thành cũng không hề rẻ với mức dao động từ khoảng 2 triệu đến 8 triệu đồng.

Điều này làm các phụ huynh điên đảo không biết chọn sản phẩm nào có thể phù hợp để đồng hành cùng con trong mỗi bữa ăn bán trú ở trường.

Gia đình anh Nguyễn Văn Tuyên trú tại Cổ Nhuế, Bắc Từ Liêm, nhưng cơ quan của hai vợ chồng lại ở bên khu Linh Đàm, Hoàng Mai, Hà Nội.

Đặc thù công việc sáng đi tối về nên hai đứa con học tiểu học đều phải ăn trưa ở các lớp bán trú. Thời gian vừa qua, đài, báo đưa tin về các vụ ngộ độc thực phẩm trong trường học khiến anh không khỏi bất an.

Chia sẻ về lo lắng này, anh Tuyên bày tỏ: “Họp phụ huynh đợt vừa rồi nghe các bố mẹ kháo nhau trên thị trường có bán loại máy có thể kiểm tra nhanh tồn dư hóa chất trên thực phẩm, tôi cũng tìm hiểu thông tin để mua về trang bị cho các con. Nếu tiện lợi tôi sẽ cho các cháu mang tới trường để các con tự kiểm tra thức ăn của mình.

Tuy nhiên, khi chọn mua thì tôi thực sự hoa mắt, bởi có quá nhiều sản phẩm để lựa chọn. Mà thực hư về công dụng của nó mình cũng không thể nắm được hết nên đến giờ vẫn chưa biết nên mua loại nào để trang bị cho con dù giá trị của những chiếc máy đó cũng không hề rẻ”.

Chị Trần Thị Mai (ở Lĩnh Nam, Hoàng Mai, Hà Nội) thì có vẻ sốt sắng hơn, bởi không chỉ có hai con nhỏ còn học mẫu giáo, bố chồng chị còn mắc chứng bệnh tiểu đường nên việc ăn uống càng phải kỹ lưỡng hơn.

Sau khi nắm được các thông tin trên mạng, chị cũng phải chạy đôn chạy đáo đi tìm máy móc hỗ trợ việc bếp núc.

Chị cho biết: “Gần đây, thấy các chị em trong cơ quan ai cũng thay nhau đặt mua mỗi nhà một cái máy đo độc tố trong thức ăn, dù trước đây mình cũng không để ý mấy đến mấy vấn đề này nhưng giờ cả cơ quan xôn xao làm tâm lý mình lung lay theo.

Mình cũng nhờ chị bạn đặt hộ một cái do Nga sản xuất với giá gần 8 triệu đồng nhưng không biết công dụng có tốt như quảng cáo hay không”.

Ảnh minh họa. Nhiều học sinh ở một trường tiểu học ở Lâm Đồng phải nhập viện do ngộ độc thức ăn ở trường. (Ảnh: Báo Nhân dân)

Ảnh minh họa. Nhiều học sinh ở một trường tiểu học ở Lâm Đồng phải nhập viện do ngộ độc thức ăn ở trường. (Ảnh: Báo Nhân dân)

Vỡ mộng “mắt thần”

Theo tìm hiểu của chúng tôi, điểm chung của các loại máy này là chúng hoạt hoạt động theo một danh sách đã được lập trình sẵn, theo đó có khoảng 60 loại thực phẩm phổ biến được chia làm 3 nhóm gồm rau củ, trái cây và thực phẩm.

Trong các danh mục này có phần đo độ tươi của thịt, hải sản và thực phẩm khác cho trẻ em.

Theo quan sát, phần chân máy có đầu nhọn giống như kim tiêm, được các nhà bán hàng giới thiệu là “mắt thần”, khi cắm đầu nhọn này vào thực phẩm máy có thể phát hiện ra nồng độ các hoạt chất cấm vượt ngưỡng cho phép trong thực phẩm đó.

Tuy nhiên, khi các bậc phụ huynh đem ra thử nghiệm thực tế thì kết quả cho ra đa số đều vượt ngưỡng an toàn cho phép.

Thậm chí khi nguồn thực phẩm đó được mua từ các đại lý và siêu thị uy tín thì kết quả vẫn không ổn.

Điển hình như một số loại trái cây có ngưỡng cho phép là 60 mg/kg nhưng khi đo mẫu với quýt chín thì kết quả đo là 88 mg/kg, còn chuối chín kết quả đo là 99 mg/kg.

Điều này khiến nhiều bậc phụ huynh rối mắt không biết nên tin vào kết quả của máy hay tin vào chất lượng của siêu thị.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề này, Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Hồng Dũng – Trưởng khoa Hóa thực phẩm, Viện dinh dưỡng cho biết: “Để có thể cho ra kết quả chính xác nhất về mức độ độc tố trong mẩu thức ăn thì cần sử dụng các phương pháp tiêu chuẩn trong phòng kiểm nghiệm an toàn thực phẩm.

Về mặt kỹ thuật, các máy đo hàm lượng dư lượng độc tố trên thức ăn được bán trên thị trường chỉ có chức năng kiểm tra nhanh và đưa ra kết quả sàng lọc trên một chương trình đã cài đặt sẵn nên không thể đánh giá hết được mức độ độc tố của sản phẩm đó như ở mức nào”.

Rõ ràng, một thực phẩm có an toàn hay không còn phải dựa vào kiểm tra định lượng trong phòng thí nghiệm và nhiều chỉ tiêu quan trọng khác.

Sở dĩ có loại máy trên thị trường người ta đặt ra chỉ tiêu đo hàm lượng nitrat vì nó là một trong những nguyên nhân gây ung thư và các bệnh về gan, thận. Việc chỉ kiểm tra hàm lượng nitrat không thể khẳng định thực phẩm có an toàn hay không.

Trung Dũng