Lý do nhiều địa phương chậm trễ, hững hờ tổ chức thăng hạng cho giáo viên

18/02/2020 06:34
SÔNG TRÀ
(GDVN) - Đề nghị các địa phương sớm triển khai kế hoạch và tổ chức xét hoặc thi thăng hạng cho giáo viên mầm non, giáo viên phổ thông công lập trong năm 2020.

Bài viết “Có thể tất cả giáo viên sẽ được hoàn tất thăng hạng trong năm 2020” của tác giả Bùi Nam đăng trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ngày 16/02/2020.

Bài viết phản ánh các thông tin từ văn bản của Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo gửi các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương về việc tổ chức thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên, giáo viên mầm non, phổ thông công lập năm 2020.

Ngay lập tức, bài viết đã nhận được nhiều sự quan tâm, phản hồi của độc giả - các thầy cô giáo của cả nước.

Tài khoản NGUYỄN NGỌC viết: “Tôi đã mong chờ được thăng hạng từ 10 năm nay rồi. Mỗi khi nhắc đến chuyện chuyển ngạch hay thăng hạng là những giáo viên không may mắn như chúng tôi lại buồn lắm.

Hi vọng các cơ quan có thẩm quyền sớm có thông tin vui cho chúng tôi về chuyện thăng hạng.”

Bạn đọc THAI BANG có tâm tư: “Cảm ơn các đồng chí lãnh đạo đã thấu hiểu cho nỗi khổ của giáo viên chúng tôi! Bản thân tôi đủ điều kiện thăng hạng cách đây 4 năm!

Đã làm hồ sơ nộp lên hết 1 khoản kha khá học lớp bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp, khám sức khỏe, đóng tiền hồ sơ, phí 500.000 đồng, công chứng cả 20 loại văn bằng chứng chỉ giấy khen các loại, cuối cùng báo 103 điểm dư 03 điểm nhưng báo... rớt.

Trong khi đồng nghiệp ít thành tích hơn, 100 điểm thì đậu. Thật là bất công và làm tôi thấy bất mãn.”

Độc giả Tâm Sáng cho biết: “Tôi học lớp 12  ra trường đi làm từ 1995. Học xong Cao đẳng tháng 8/2012. Học xong Đại học năm 2016. Nay vẫn hưởng lương của giáo viên tiểu học Hạng IV.”

Các thầy cô giáo rất quan tâm đến việc tổ chức thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên. (Ảnh minh họa: Giaoducthoidai.vn)
Các thầy cô giáo rất quan tâm đến việc tổ chức thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên. (Ảnh minh họa: Giaoducthoidai.vn)

Thực tế cho thấy, trong hai năm 2018, 2019, một số địa phương, tỉnh, thành đã tổ chức mấy đợt xét hồ sơ hoặc thi thăng hạng cho giáo viên mầm non, giáo viên phổ thông hệ công lập từ hạng 4 đến hạng 2.

Cuối năm 2018, Sở Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên Huế phối hợp với Sở Nội vụ Thừa Thiên Huế đã hoàn tất việc xét, chấm điểm hồ sơ và công nhận cho gần 450 giáo viên trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh được thăng hạng giáo viên từ hạng 3 lên hạng 2 (với mã số V. 07.05.14).

Cuối tháng 10/2019, Sở Nội vụ Quảng Ngãi hoàn thành việc tổ chức thi thăng hạng cho hàng ngàn giáo viên mầm non, giáo viên phổ thông đủ các tiêu chuẩn theo quy định.  

Mới đây, ngày 01/01/2020, hàng ngàn giáo viên mầm non, giáo viên phổ thông ở tỉnh Quảng Ngãi trúng tuyển đã được nhận quyết định về việc thăng hạng chức danh nghề nghiệp và xếp lương mới.

Trước đó, đầu năm 2019, hàng ngàn giáo viên tỉnh Quảng Ngãi tham gia đăng ký thi đợt đầu cũng đón nhận tin vui được thăng hạng và xếp lương mới.

Có nhiều giáo viên hệ số lương đang hưởng chỉ: 3.0; 3.33 (hạng 3, mã số V.07.05.15) nay trúng tuyển, được thăng hạng giáo viên hạng 2, hệ số lương tăng vọt lên 4.0 (hạng 2, mã số V.07.05.14), mỗi tháng tiền lương được thêm trên 2 triệu. Họ vui mừng, phấn khởi vô cùng. 

Năm 2019, các tỉnh Quảng Nam, Thanh Hóa, Kiên Giang, Quảng Ninh… cũng đã tổ chức xét hồ sơ, sát hạch, kiểm tra và thi trên máy tính cho hàng ngàn giáo viên mầm non, giáo viên phổ thông công lập.

Sắp tới tuyển dụng giáo viên có thể không cần chứng chỉ ngoại ngữ, tin học
Sắp tới tuyển dụng giáo viên có thể không cần chứng chỉ ngoại ngữ, tin học

Bên cạnh, một số địa phương rất quan tâm, chủ động trong việc thực hiện chế độ, chính sách về thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện hệ thống thang bảng lương mới sau khi Chính phủ hoàn thành Đề án cải cách chính sách tiền lương (dự kiến năm 2021) thì vẫn còn nhiều địa phương, tỉnh thành chưa tổ chức triển khai thực hiện, gây thiệt thòi cho nhiều giáo viên.

Thầy N., giáo viên Trung học cơ sở ở một tỉnh chưa tổ chức xét hoặc thi thăng hạng giáo viên bày tỏ:

Thấy các đồng nghiệp giáo viên ở các tỉnh khác khoe, chia sẻ đã được thăng hạng, xếp lương mới rồi, tôi rất vui và chúc mừng họ.

Tôi và nhiều giáo viên ở tỉnh này cũng có nguyện vọng được đăng ký xét hoặc thi thăng hạng từ mấy năm nay nhưng trên Tỉnh, trên Sở chưa có một thông báo, thông tin gì.

Tôi nghĩ tỉnh khác họ làm được, có lợi cho giáo viên, không hiểu sao tỉnh này lại im re mãi, việc tổ chức có gì khó đâu.

Thật buồn hơn, khi thời hạn thăng hạng giáo viên ở năm 2020, đợt cuối cùng, không còn dài nữa.”

Tâm tư, nguyện vọng của thầy N. cũng là mong mỏi chung của nhiều thầy cô giáo có đầy đủ điều kiện, tiêu chuẩn, hồ sơ theo quy định mà chưa có cơ hội được đăng ký tham gia xét hoặc thi thăng hạng.

Đề nghị các địa phương, tỉnh thành sớm triển khai kế hoạch và tổ chức xét hoặc thi thăng hạng cho giáo viên mầm non, giáo viên phổ thông công lập trong năm 2020.

Đây là việc làm, hành động cụ thể, thiết thực nhất của địa phương, tỉnh và các sở thể hiện sự quan tâm đến chế độ, chính sách, lương bổng của đội ngũ nhà giáo tại địa phương của mình.

Muốn họ dạy tốt, chất lượng giáo dục địa phương phát triển thì trước hết phải “có thực mới thì mới vực được đạo.”

Văn bản, hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ ban hành, hướng dẫn từ lâu rồi, cớ sao nhiều địa phương lại chậm trễ, hững hờ?

SÔNG TRÀ