Mẫu giáo án 5512 bóp chết sự sáng tạo, tư duy quản lý kế hoạch hóa tập trung

11/06/2021 06:47
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Dăm chục năm trước, giáo án phải soạn theo mẫu chung, sau biết bao lần đổi mới bây giờ vẫn thế, có chăng, chỉ đổi được cái tên giáo án thành Kế hoạch bài dạy.

Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH về việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường trong đó có quy định về việc xây dựng Kế hoạch bài dạy của giáo viên. Vì thế, người trong ngành thường gọi tắt là kế hoạch bài dạy theo 5512.

Ảnh chụp màn hình chỉ có tính chất minh họa.

Ảnh chụp màn hình chỉ có tính chất minh họa.

Bộ Giáo dục đưa ra mẫu Kế hoạch bài dạy mới. Cụ thể, mỗi bài học được hướng dẫn triển khai 4 hoạt động: 1- xác định vấn đề/nhiệm vụ học tập/mở đầu; 2- hình thành kiến thức mới/giải quyết vấn đề/thực thi nhiệm vụ; 3- luyện tập; 4- vận dụng. Đã thế, trong mỗi hoạt động phải có 4 bước (mục tiêu; nội dung; sản phẩm; tổ chức thực hiện)

Như thế, để soạn một tiết dạy cho bậc phổ thông thì Kế hoạch bài dạy có độ dài từ 5-7 trang (hoặc hơn thế nữa).

Có thầy giáo đã phải thốt lên: Tôi không biết ai đã tham mưu ra mẫu giáo án theo công văn 5512? Các thầy cô làm công tác lãnh đạo bộ giáo dục cứ thử soạn 4 tiết theo đúng mẫu xem có khả thi không?

Chúng tôi mỗi ngày dạy từ 4 tiết đến 7 tiết, chưa kể chấm bài, vậy thử hỏi thời gian nào để soạn 7 tiết giáo án, trong đó mỗi tiết có độ dài khoảng 10 trang?

2 lần đổi tên nhưng bản chất vẫn là giáo án

Một thời những bài soạn của giáo viên được gọi là giáo án, sau đổi tên thành Thiết kế bài dạy, và hiện nay là Kế hoạch bài dạy. Tuy nhiên về bản chất vẫn chỉ là giáo án như tên gọi ban đầu.

Vậy giáo án được hiểu thế nào cho đúng?

Giáo án được hiểu là những kế hoạch và dàn ý mà giáo viên, gia sư lên lớp giảng dạy bao gồm những đề tài của giờ lên lớp dạy học, mục đích mà giáo viên gia sư cần hướng đến, nội dung, phương hướng, cách thức hay những hoạt động cụ thể của thầy và học sinh. Tất cả được trình bày theo thứ tự diễn ra trong lớp học.

Hay hiểu một cách đơn giản hơn, giáo án là bản thiết kế về lộ trình tiết học, kế hoạch giáo viên đưa ra nhằm sẽ thực hiện những điều đó trong việc giảng dạy cho học sinh của mình.

Với những môn học khác nhau, đối tượng học sinh hướng đến khác nhau thì có những bản soạn thảo giáo án khác nhau phù hợp với việc tiếp thu kiến thức của học sinh.

Vì thế có thể hiểu, giáo án là sản phẩm riêng của từng giáo viên được thiết kế phù hợp với đối tượng học sinh của lớp mình giảng dạy. Giáo viên thiết kế thế nào, trình bày những mạch kiến thức ra sao là tự thầy cô chủ động miễn sao tiết dạy ấy đạt được những mục tiêu, chuẩn kiến thức đề ra.

Vì những lý do đó, nếu Bộ Giáo dục quy định giáo viên phải soạn giáo án theo mẫu chung là đang đi ngược với khái niệm của giáo án.

Không soạn Kế hoạch bài dạy theo mẫu có giảng dạy được không?

Trong thực tế, những giáo viên đã có thâm niên giảng dạy nhiều năm ở một khối lớp, mỗi khi giảng dạy chẳng bao giờ họ phải nhìn đến giáo án.

Nhiều thầy cô vừa đọc tên bài đã nói vanh vách nội dung bài, sử dụng phương pháp gì, hình thức dạy học nào sẽ hiệu quả.

Người viết bài từng biết một thầy giáo dạy chuyên Văn Trường Trung học chuyên Lam Sơn Thanh Hóa. Thầy nổi tiếng vì dạy giỏi, dạy hay nhưng cũng có tiếng vì thầy lên lớp chẳng bao giờ có giáo án.

Một lần thanh tra về kiểm tra hồ sơ sổ sách, thầy chỉ kịp nộp cuốn giáo án với những hình thù vẽ kỳ lạ. Khi được hỏi, thầy nói đó là ký hiệu của riêng mình và nếu cần thầy sẽ đọc cho thanh tra nghe từng bài một.

Kể chuyện này ra để thấy rằng, giáo án không cần soạn theo mẫu quy định thì giáo viên vẫn sẽ dạy tốt.

Với những giáo viên mới vào ngành thì việc xem bài dạy đương nhiên rất cần thiết. Nhiều thầy cô giáo vừa nghiên cứu bài, vừa vạch kế hoạch dạy ra giấy nhưng cũng không phải cách cứ nhất nhất tuân theo cái mẫu quy định sẵn kia.

Vì giáo án là kế hoạch dạy học riêng của từng giáo viên, thầy cô soạn dựa vào trình độ học của lớp mình. Do đó, chúng tôi cho rằng cần để các thầy cô giáo chủ động trong việc thiết kế.

Quy định mẫu giáo án là cách buộc giáo viên sao chép y chang nhau, là kiểu bóp chết sự sáng tạo của mỗi thầy cô, là cách cỗ vũ cho kiểu làm rập khuôn mà chúng ta đang cần xóa bỏ trong ngành giáo dục.

Dăm chục năm về trước đã quy định giáo án phải soạn theo mẫu chung, dăm chục năm sau đã qua biết bao lần đổi mới mà vẫn thế. Có chăng, chỉ đổi được cái tên giáo án thành kế hoạch bài dạy.

Muốn kiểm tra giáo viên có chuẩn bị bài trước khi lên lớp hay không thì hãy vào dự giờ một vài tiết không báo trước sẽ có ngay câu trả lời, chứ cái kiểu quy định làm theo mẫu, kiểm tra hồ sơ đầy đủ và kết luận thầy cô ấy thực hiện tốt công tác giảng dạy, là chấp hành đúng quy định là cách làm xưa rồi.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Phan Tuyết