Mẹ ơi! Tiền đâu con về Tết!

23/01/2020 08:02
Phan Tuyết
(GDVN) - “Mẹ ơi! Con nhớ mẹ, nhớ nhà, nhưng tiền đâu con về Tết?” nhưng M. lại không đủ can đảm nói ra điều ấy.

Học sư phạm ra trường, vật vả nơi quê nhà mấy năm cũng chẳng thể xin được một chân hợp đồng. Chị M. đã vào Bình Thuận xin đi dạy tại một trường tiểu học của một huyện ven biển.

Nhiều giáo viên muốn về quê ăn Tết cùng gia đình nhưng đành ngậm ngùi vì không tiền thưởng, không lương tháng 13 (Ảnh minh họa của giacngo.vn)
Nhiều giáo viên muốn về quê ăn Tết cùng gia đình nhưng đành ngậm ngùi vì không tiền thưởng, không lương tháng 13 (Ảnh minh họa của giacngo.vn)

Với đồng lương chỉ hơn 3 triệu đồng/tháng nhưng phải lo tiền ăn, tiền thuê nhà, điện nước…nên dù có tằn tiện hết sức, hàng tháng cũng chẳng còn dư đồng nào.

Do mới ra trường nên những ngày nghỉ, chị M. vẫn phải vật lộn với đống hồ sơ, sổ sách, phải học hỏi những đồng nghiệp đi trước về kĩ năng đứng lớp nên muốn đi làm thêm việc gì đó cũng chẳng có thời gian.

Vì thế, với đồng lương ba cọc ba đồng như thế M. không bao giờ dám nghĩ đến chuyện về quê thăm mẹ, thăm gia đình tận ngoài Bắc xa xôi.

Và những cái Tết đơn côi với nỗi nhớ nhà da diết cứ trôi đi lặng lẽ nơi đất khách quê người.

Bao đêm nhớ nhà nước mắt đẫm gối nhưng cắn răng nén chịu vì nơi ấy mẹ M. cũng nhớ con đến cháy lòng.

Tính từ ngày vào Nam đến nay cũng gần 5 năm. Nỗi nhớ nhà cứ quay quắt lại. M. hạ quyết tâm Tết năm nay sẽ về quê ăn Tết.

Mẹ ơi! Tiền đâu con về Tết! ảnh 2
Tết này con có về không?

Nhẩm tính, lấy lương tháng 1 và tháng 2 (thường ngân hàng cho ứng trước tháng lương kế tiếp) cùng với tiền thưởng cuối năm (biết đâu sẽ được vài triệu) sẽ có tiền tàu xe.

Thế nhưng mọi tính toán đều không như ý và kế hoạch về quê ăn Tết cùng với gia đình của M. đã bị phá sản.

Nhà trường không có tiền thưởng, cũng chẳng có lương tháng 13 như nhiều ngành nghề khác. Ngân hàng chỉ cho nhận một tháng lương. M. cho biết trả tiền nhà, điện nước và một số khoản tiền sinh hoạt phí đã hết veo 3 triệu đồng.

Tiền đâu mà về? M. nói với giọng điệu buồn da diết: “Nếu vay mượn được cũng ráng để vay rồi qua giêng có ăn mắm mút giòi cũng sẵn lòng. Nhưng tết nhất ai cho vay? Đồng nghiệp nghèo như mình thì biết phải làm sao?”.

Đã bao lần mẹ bảo con cứ về đi, mẹ sẽ lo cho tiền tàu xe. Nhưng thương mẹ suốt đời vất vả nuôi con đến khi con ra đời đi làm cô giáo mà vẫn phải để mẹ lo tiền tàu xe thì nhục lắm.

Điện thoại lại réo vang, M. nói mình sợ tiếng điện thoại bởi sẽ nghe câu hỏi bao lần của mẹ:

“Ngày nào con được nghỉ? Hôm nào con mới về quê?”. Cũng đã bao lần M. khất lần khất lữa để không phải buột ra câu nói: “Mẹ ơi! Con nhớ mẹ, nhớ nhà, nhưng tiền đâu con về Tết?” nhưng M. lại không đủ can đảm nói ra điều ấy.

Chuông điện thoại ngừng reo cũng là lúc khuôn mặt của M. chan hòa nước mắt.

Phan Tuyết