Miễn học phí bậc trung học cơ sở khó thành vì 3 bộ lo không có tiền

15/03/2018 06:54
Trinh Phúc
(GDVN) - Bộ Nội vụ cho rằng: “Học sinh tiểu học, trung học cơ sở trường công lập không phải nộp học phí” là chưa phù hợp với quy định tại các Nghị quyết của Đảng".

Trong dự thảo Luật Giáo dục, quy định miễn học phí ở bậc Trung học Cơ sở đối với học sinh trong các trường công lập được cho là điểm mới, tích cực.

Tuy nhiên, khi xin ý kiến các bộ ngành về dự thảo luật này thì nhiều bộ lo lắng sẽ không có tiền để thực hiện nội dung nay.

Theo Bộ Nội vụ, việc quy định: “Học sinh tiểu học, trung học cơ sở trường công lập không phải nộp học phí” là chưa phù hợp với quy định tại các Nghị quyết của Đảng và làm tăng chi ngân sách nhà nước trong khi ngân sách nhà nước khó khăn”.

Học sinh tiểu học, trung học cơ sở trường công lập không phải nộp học phí sẽ tăng ngân sách nhà nước (ảnh nguồn VTV).
Học sinh tiểu học, trung học cơ sở trường công lập không phải nộp học phí sẽ  tăng ngân sách nhà nước (ảnh nguồn VTV).

Giải thích cho nhận định trên, Bộ Nội vụ viện dẫn các quy định của Đảng. Cụ thể: “Tại Điểm a Khoản 3 Mục III Kết luận số 20-KL/TW ngày 28/11/2008 của Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương khóa X về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công giai đoạn 2008-2012 quy định:

“Đổi mới cơ chế hoạt động và cơ chế tài chính trong đó có tiền lương đối với khu vực sự nghiệp công lập theo hướng đơn vị sự nghiệp được thu phí dịch vụ tính đủ tiền lương và từng bước tính đủ các chi phí khác;

Đơn vị sự nghiệp thực hiện hạch toán thu – chi, trên cơ sở đó nâng cao chất lượng, phát triển hoạt động để vừa phục vụ tốt hơn nhu cầu xã hội, vừa tự cân đối nguồn thu để trả lương bằng hoặc cao hơn so với chế độ nhà nước quy định”.

Miễn học phí bậc trung học cơ sở  khó thành vì 3 bộ lo không có tiền ảnh 2Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ không muốn nhà giáo có lương cao nhất

Tại  Điểm 2.5 Khoản 2 Mục II Kế luận số 23-KL/TW nêu trên đã quy định:“Đối với khu vực sự nghiệp công, cần đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính và tiền lương gắn với kết quả hoạt động của đơn vị theo Kết luận Hội nghị Trung ương khóa X;

Thực hiện cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho đơn vị và người đứng đầu”.

Tại Điểm b Mục 3 Kết luận số 63-KL/TW ngày 27/5/2013 của Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương kháo XI một số vấn đề về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và định hướng đến năm 2020 quy định:

“Xác định khung giá, phí các dịch vụ sự nghiệp công lập, từng bước tính đủ tiền lương, chi phí thường xuyên theo lộ trình phù hợp với thu nhập của người dân. Xây dựng giá dịch vụ công lập theo 3 mức:

Mức giá tính đủ tiền lương; mức giá tính đủ tiền lương và chi phí quản lý; mức giá tính đủ lương, chi phí quản lý và khấu hao tài sản cố định.

Trên cơ sở đó, phân loại các đơn vị sự nghiệp để thực hiện theo 3 mức giá cho phù hợp, cả đối tượng thụ hưởng phải chi, trả theo giá, phí dịch vụ.

Nhà nước thực hiện chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người có công, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và một số đối tượng còn khó khăn để được tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu, tạo sự đồng thuận trong xã hội”.

Mặt khác tại điểm c Mục 3 Kết luận số 63-KL/TW quy định: “Chỉ ban hành các chính sách, chế độ mới khi đã bố trí, cân đối được nguồn thực hiện”.

Qua phân tích, Bộ Nội vụ đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng Đề án về việc miễn học phí đối với cấp Trung học học cơ sở cho phù hợp với quy định nêu trên của Đảng và Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Miễn học phí bậc trung học cơ sở  khó thành vì 3 bộ lo không có tiền ảnh 3Sẽ không tuyển mới giáo viên dạy tiểu học có trình độ trung cấp, cao đẳng

Cũng liên quan đến nội dung này, Quan điểm của Bộ Tài chính cho rằng: “Nghị quyết số 29-NQ/TW đã nêu: Đối với giáo dục phổ thông, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, thực hiện giáo dục bắt buộc 9 năm từ sau năm 2020.

Vì vậy, trong điều kiện Ngân sách nhà nước còn khó khăn, việc cân đối kinh phí để thực hiện chính sách này là không khả thi.

Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo không đưa nội dung này vào dự thảo Luật, đồng thời chỉ xem xét quy định học sinh trung học cơ sở không phải đóng học phí từ sau năm 2020 khi bắt đầu triển khai giáo dục bắt buộc theo đúng tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW”.

Cho ý kiến về nội dung này, Bộ Tư pháp có ý kiến: “Việc đề xuất nêu trên là phù hợp với tinh thần Hiến pháp 2013 và Nghị quyết số 29-NQ/TW.

Tuy nhiên, theo quy định tại điểm c mục 3 Kết luận số 63-KL/TW ngày 27/5/2013 của Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương khóa XI về một số vấn đề về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và định hướng đến năm 2020, thì chỉ ban hành các chính sách, chế độ mới khi đã bố trí, cân đối được nguồn thực hiện.

Chính vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cần đánh giá kỹ hơn điều kiện bảo đảm về tài chính để bảo đảm thi hành quy định này”.

Trinh Phúc