Mỗi tuần chỉ vài tiết lên lớp sao Ban Giám hiệu sợ dạy đến thế?

13/07/2019 08:11
Phan Tuyết
(GDVN) - Có người cả năm không bao giờ dạy một tiết, người thì thi thoảng lên lớp theo cách nói của nhiều thầy cô giáo là “dạy bữa đực bữa cái” cho xong.

Không phải ngẫu nhiên mà Thông tư 15/2017/TT-BGDDT sửa đổi Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo lại quy định hiệu trưởng một tuần phải dạy 2 tiết và phó hiệu trưởng phải dạy 4 tiết/ tuần. 

Quy định Ban Giám hiệu đứng lớp để nắm chương trình chỉ đạo chuyên môn được sát. (Ảnh minh họa từ sggp.org.vn)
Quy định Ban Giám hiệu đứng lớp để nắm chương trình chỉ đạo chuyên môn được sát. (Ảnh minh họa từ sggp.org.vn)

Việc quy định Ban Giám hiệu phải dạy vài tiết trên lớp không ngoài mục đích người quản lý để nắm chương trình, nắm phương pháp dạy học, nắm các đối tượng học sinh trong trường.

Từ đó mới hiểu rõ những mặt ưu, những tồn tại của các mô hình và các phương pháp dạy học.

Cũng như sẽ thấu hiểu được các đối tượng học sinh, giúp cho việc chỉ đạo công tác giảng dạy và giáo dục học sinh của giáo viên trong trường hiệu quả hơn.

Thông qua việc dạy, Ban Giám hiệu sẽ chỉ đạo chuyên môn sát thực tế tránh kiểu chỉ tay năm ngón và xa rời thực tế.

Thế nhưng hiện nay, ở nhiều trường học, hiệu trưởng, hiệu phó rất ngại lên lớp để giảng dạy.

Có người cả năm không bao giờ dạy một tiết, người thì thi thoảng lên lớp theo cách nói của nhiều thầy cô “dạy bữa đực bữa cái” cho xong.

Cũng có những Ban Giám hiệu lại thực hiện rất nghiêm túc.

Nhiều câu hỏi được đặt ra, vì sao một tuần chỉ lên lớp dạy vài tiết mà nhiều Ban Giám hiệu lại lười đến như vậy?

Ban Giám hiệu của không ít trường có khi cả năm không lên lớp một tiết nào.

Họ luôn tìm cách tránh né công việc giảng dạy.

Thôi thì đủ lý do như bận, trùng lịch họp, bận hội thảo, bận làm báo cáo…để nhờ giáo viên dạy dùm.

Mỗi tuần chỉ vài tiết lên lớp sao Ban Giám hiệu sợ dạy đến thế? ảnh 2
Hiệu trưởng không đứng lớp mà nhận tiền phụ cấp là sai cả đạo lý lẫn pháp lý

Có những thầy cô vốn là giáo viên dạy Toán, Anh văn nhưng khi được đề bạt lên vị trí quản lý thì lập tức chán dạy.

Nếu phải lên lớp cho đúng quy định, nhiều người cũng tự phân cho mình những môn chẳng liên quan gì đến chuyên môn từng dạy trước đó.

Môn học được nhiều Ban Giám hiệu thích dạy nhất là môn Giáo dục công dân.

Ở tiểu học, nhiều nơi Ban Giám hiệu lại chọn dạy đạo đức, thủ công, rất ít người dạy Toán, tiếng Việt.

Một số hiệu trưởng trường trung học cơ sở huỵch toẹt mà chẳng cần giấu giếm, chọn dạy những môn ấy cho khỏe vì bận rộn quá cũng chẳng có nhiều thời gian nghiên cứu bài.

Một lý do khác mà không ai nói ra, những môn học này không bị áp lực về chất lượng. Giáo viên muốn bao nhiêu em đạt điểm trên 5 mà chẳng được. Bí quyết cho đề cương ngắn, làm sẵn đề cương, đề thi trúng tủ, coi kiểm tra, coi thi thoáng…

Còn dạy Toán, Anh văn, nhiều Ban Giám hiệu lo nhất là chất lượng học sinh.

Chẳng may lớp do hiệu trưởng hay hiệu phó dạy mà học sinh thi điểm quá kém sẽ khó ăn nói với giáo viên trong trường.

Dạy học bây giờ đâu phải thời học sinh ngồi nghe giảng rồi thầy cô chỉ đọc và cho các em chép.

Giáo viên vào lớp học phải tổ chức cho học sinh hoạt động bằng nhiều hình thức, vận dụng nhiều phương pháp dạy khác nhau.

Không dạy học thường xuyên, ít có sự đầu tư nên vào lớp không ít thầy cô Ban Giám hiệu thấy mệt mỏi.

Thực hiện kế sách “Ông mất chân giò, bà thò chai rượu”

Tiết dạy tiêu chuẩn của Ban Giám hiệu nhà trường (hiệu trưởng và hiệu phó) là 6 tiết/tuần. Nếu cả hai không lên lớp thì ai sẽ dạy số tiết này của họ?

Mỗi tuần chỉ vài tiết lên lớp sao Ban Giám hiệu sợ dạy đến thế? ảnh 3
Nhiều Ban giám hiệu không đứng lớp nhưng vẫn nhận tiền phụ cấp mà chả xấu hổ

Thường họ rải đều 6 lớp 6 tiết và nhờ giáo viên chủ nhiệm dạy dùm. Có trường lại nhờ ngay tổ trưởng, thậm chí là chủ tịch công đoàn dạy luôn đến hết năm.

Một số giáo viên trường tiểu học X bật mí, mình thường được hiệu phó nhờ dạy dùm, bù lại chuyện soạn giáo án không bị kiểm duyệt gắt gao. Ngoài ra, còn sẽ được du di cho nhiều việc khác.

Có hiệu phó còn rất “biết điều” mỗi khi có tiết dạy tăng giờ (khi có giáo viên nghỉ ốm, nghỉ theo chế độ quy định) thì phân ngay những giáo viên đang dạy công không cho mình đảm nhận (mỗi tiết dạy tăng giờ thường được tính gấp rưỡi tiền lương, mức lương cơ bản x 150% nên thù lao một tiết dạy khá cao). 

Thiếu thực tế giảng dạy, nhiều chỉ đạo trên trời

Quy định Ban Giám hiệu phải dạy không ngoài mục đích để lãnh đạo nắm chắc chuyên môn, hiểu rõ học sinh nhằm chỉ đạo chuyên môn nhà trường cho tốt.

Thế nhưng trong thực tế, nhiều nhà quản lý cấp trường tự cho mình đặc ân không dạy với đủ lý do.

Vì thế, nói là chỉ đạo chuyên môn nhưng có người chẳng biết gì để chỉ đạo.

Thế rồi những tiết dự giờ đánh giá toàn nói theo ý giáo viên hoặc nhận xét theo kiểu “dĩ hòa vi quý”.

Những tiết chuyên đề cấp trường, những tiết dạy thử nghiệm phương pháp mới, toàn yêu cầu giáo viên hoặc tổ trưởng chuyên môn thực hiện.

Chưa, hoặc vô cùng hiếm có một hiệu trưởng hay phó hiệu trưởng dám đứng trước giáo viên để dạy một tiết chuyên đề.

Vì thế, lòng tin về năng lực chuyên môn của nhà giáo đối với nhiều cán bộ quản lý hiện nay bị bào mòn là vì lẽ đó.

Phan Tuyết