Một số phụ huynh chưa hiểu, không chịu đóng học phí online

02/04/2020 10:50
Bài, ảnh: Ánh Dương
(GDVN) - Một số phụ huynh trường tư thục ở Sài Gòn chưa hỗ trợ học phí dạy học online khiến nhà trường gặp nhiều trở ngại khi học sinh nghỉ phòng dịch Covid-19.

Một số phụ huynh chưa chịu đóng học phí online

Mới đây, một phụ huynh ở phường Sơn Kỳ, Thành phố Hồ Chí Minh trong khi trò chuyện với chúng tôi đã tỏ ra không hài lòng khi trường tư thục thu học phí online ở thời điểm này.

Chị cho biết, chị có đứa con hiện đang học lớp 11 một trường trung học cơ sở - trung học phổ thông ở Quận Tân Phú.

Vừa qua, nhà trường gửi giấy báo thu học phí online tháng 2, 3 và xin phụ huynh đóng luôn một lần để nhà trường hỗ trợ lương cho thầy cô trong thời gian nghỉ việc.

Theo đó, học phí từ lớp 6 đến 12 của trường này thu cho tháng 2 và 3 như sau:

Học phí từ lớp 6 đến 12 thu cho tháng 2 và 3 của một trường trung học cơ sở - trung học phổ thông ở Quận Tân Phú (Thành phố Hồ Chí Minh)
Học phí từ lớp 6 đến 12 thu cho tháng 2 và 3 của một trường trung học cơ sở - trung học phổ thông ở Quận Tân Phú (Thành phố Hồ Chí Minh)

Cũng theo chị phụ huynh, thời điểm học sinh nghỉ học, nhà trường dạy học online nhưng thu với giá này là hơi cao, trong khi nhiều cha mẹ cũng gặp khó khăn vì công việc không ổn định.

Một giáo viên trường trung học phổ thông tư thục ở Quận Tân Phú thông tin, sau khi tham khảo mức thu học phí dạy học online của các trường xung quanh, Hiệu trưởng quyết định thu 10% học phí tháng 2 và 25% học phí tháng 3 (khoảng 3 triệu đồng/tháng).

“Tôi đã thông báo qua tin nhắn điện thoại mức học phí này cho phụ huynh.

Đa số cha mẹ học sinh phản hồi đồng ý với mức thu của nhà trường, một số ít thì không nói gì - có lẽ còn băn khoăn”, thầy giáo kể tình hình thu học phí.

Thầy Trần L., giáo viên một trường trung học phổ thông tư thục ở Quận Tân Bình cho biết, nhà trường thu 25 ngàn đồng/tiết học/học sinh, và cũng đã cuối tháng 3 nhưng vẫn còn nhiều phụ huynh chưa đóng.

“Tôi chỉ biết nhà trường thu tiền học phí online của phụ huynh như vậy, còn giáo viên bộ môn được hỗ trợ lương dạy thế nào thì cũng chưa rõ, phải đợi cuộc họp hội đồng sư phạm sắp tới mới biết”, thầy L. chia sẻ.

Dạy online bài bản không phải chuyện dễ!

Xây dựng chủ đề dạy học online thế nào cho hiệu quả?
Xây dựng chủ đề dạy học online thế nào cho hiệu quả?

Ngày 17/3, Báo điện tử Tri thức trực tuyến dẫn lời ông Trần Tú Khánh, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, các trường ngoài công lập thực hiện việc thu học phí theo thỏa thuận từ trước với phụ huynh học sinh.

Theo ông Khánh, do đây là dịch vụ thỏa thuận, việc thu hay không tùy thuộc các trường và phụ huynh thỏa thuận với nhau trên cơ sở có chi phí hợp lý. [1]

Bên cạnh đó, ngày 28/3, ông Nguyễn Văn Hiếu – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh nói với Báo Tuổi Trẻ, các trường ngoài công lập thỏa thuận với phụ huynh học sinh về mức thu.

Khi đã thỏa thuận thì phải dựa trên nguyên tắc là sự đồng thuận cao, là đa số.

“Khi chưa có văn bản chỉ đạo của Sở, trường tổ chức dạy học online, phụ huynh có quyền cho con học hoặc không.

Nhưng khi Sở chỉ đạo chung, các trường dạy thì phải hợp tác cho con học, nếu không là không thực hiện chủ trương chung của thành phố. 

Bộ giáo dục và Đào tạo yêu cầu, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu, không tham gia học trực tuyến là không được”, ông Hiếu khẳng định với Báo Tuổi trẻ dạy học online là bắt buộc. [2]

Như thế để thấy rằng, việc dạy học online hiện nay ở Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung là bắt buộc và có tính pháp lí rõ ràng.

Việc trường tư thục triển khai dạy học online và thu học phí là hoàn toàn phù hợp và đúng với chỉ đạo của Bộ, Sở.

Chẳng hạn như một trường trung học cơ sở - trung học phổ thông ở Quận Tân Phú thu học phí như đã nói ở trên, theo chúng tôi là hoàn toàn hợp lí và có thể chấp nhận được.

Chẳng hạn như lớp 12, tháng 2 nhà trường thu 10% học phí (390.000 đồng); tháng 3 là 25% (970.000 đồng) so với mức thu bình thường 3.890.000 đồng/tháng.

Tiền thu học phí này, nhà trường phải tổ chức dạy online cho 3 môn thi bắt buộc của kì thi trung học phổ thông quốc gia (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) và 2 tổ hợp Khoa học tự nhiên (Vật lí, Hóa học, Sinh học); Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân).

Giáo viên nước ngoài tìm cách kiếm sống trong mùa dịch
Giáo viên nước ngoài tìm cách kiếm sống trong mùa dịch

Khi thầy cô dạy online thì bắt buộc nhà trường phải trả lương, chưa kể các chi phí khác cho cơ sở vật chất đi kèm.

Sáng 30/3, chúng tôi theo vài giáo viên đến một trường trung học phổ thông tư thục ở Quận Tân Phú ghi hình bài giảng.

Theo quy định của Hiệu trưởng trường này, tất cả giáo viên bộ môn phải đến trường quay video bài giảng theo kế hoạch của từng tuần.

Sở dĩ thầy cô phải đến trường thực hiện bài giảng bởi ở đây được trang bị nhiều thiết bị máy móc hiện đại cùng với đội ngũ nhân viên kĩ thuật trợ giúp.

Đúng 8 giờ, thầy T.V.B giáo viên dạy môn Toán bắt đầu giảng bài về “tích phân” với thời lượng quy định không được quá 45 phút (vì còn dành thời gian cho giáo viên khác).

Thầy B. vừa ghi nội dung bài học lên bảng vừa giảng, kết hợp với những ví dụ minh họa cụ thể, sinh động như một tiết dạy học bình thường ở lớp.

Ở dưới có 4 nhân viên kĩ thuật, đều là những thầy cô giáo hỗ trợ việc quay phim và thực hiện những thao tác kĩ thuật có liên quan.

Vì được dạy trong không gian lớp học quen thuộc cùng với những đồng nghiệp ngồi ở dưới nên bài giảng của thầy B. rất sinh động, cảm xúc, không có cảm giác gượng ép hay mất tự nhiên như thường thấy.

Kết thúc bài giảng, các nhân viên kĩ thuật cắt ghép hình ảnh, điều chỉnh âm thanh, thêm thắt hiệu ứng sao cho nội dung bài giảng còn lại với dung lượng 25 phút.

Thầy B. kiểm tra lại nội dung bài học lần cuối, sau đó bộ phận kĩ thuật đưa video lên trang web của trường và gửi bài về cho từng giáo viên chủ nhiệm lớp 12 chuyển cho group (nhóm) từng lớp.

Video sau khi hoàn thành, đạt chuẩn âm thanh, hình ảnh… không thua gì những bài giảng được phát trên truyền hình.

“Học sinh sau khi nghe xong nội dung bài giảng, chỗ nào chưa hiểu thì các em chuyển câu hỏi cho giáo viên bộ môn.

Giáo viên bộ môn tập hợp câu hỏi, hẹn học sinh giờ học qua ứng dụng Zoom để giải đáp cặn kẽ cho từng em đến khi nào hiểu bài mới thôi.

Và giờ học online không phải chỉ giới hạn trong 45 phút như ở lớp mà có khi kéo dài gấp đôi, gấp ba tùy vào mức độ tiếp thu bài của học sinh”, thầy B nói thêm về việc dạy học online ở trường.

Riêng thầy H.T.T của trường này thì không ghi hình trực tiếp quay từ bảng mà dạy qua phần mềm Camtasia ở bàn giáo viên.

Để thực hiện bài giảng, thầy T. soạn bài Power Point (bài giảng điện tử) kĩ lưỡng, sau đó kết hợp ứng dụng Camtasia để giảng bài.

Sau khi quay xong bài giảng trình chiếu, bộ phận kĩ thuật cũng hỗ trợ thầy T. xử lí kĩ thuật để cho ra video chuẩn nhất.

Ưu điểm của ứng dụng này so với thu âm trực tiếp từ Power Point là camera quay toàn màn hình trình chiếu slide (trang bài giảng) cùng với một phần khuôn mặt của giáo viên.

Học sinh khi xem video bài giảng thì vừa nghe giọng nói vừa nhìn được khuôn mặt thầy cô, tạo cảm giác gần gũi và giúp các em học tập nghiêm túc hơn.

Chia sẻ về hình thức dạy học online này, thầy T. nói rằng, thầy tốn rất nhiều thời gian để soạn Power Point bài giảng.

“Nội dung bài học phải chắt lọc, đầy đủ, rõ ràng cùng với hình ảnh minh họa đẹp, bắt mắt, hấp dẫn và sáng tạo thì mới thu hút được học sinh học bài.

Mặc dù chỉ dạy khoảng 20-25 phút nhưng tôi chuẩn bị cả ngày chưa xong, chưa kể công sức của bộ phận kĩ thuật giúp đỡ”, thầy T. nói.

Phản ánh về việc dạy học online thời gian qua, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã từng viết:

“Việc dạy học qua mạng Internet bắt buộc giáo viên phải có kịch bản nhiều gấp đôi, gấp ba so với dạy trực tiếp trên lớp, giáo viên phải chuẩn bị tài liệu trình chiếu (file powerpoint) để trình chiếu, rồi tài liệu văn bản (file word) cho các con xem, ngoài ra giáo viên phải thông thạo các công cụ như chụp ảnh màn hình, rồi tiếp nhận phản hồi của học sinh, xử lý phản hồi bằng cách nào… tất cả những việc đó giáo viên đều đã được tập huấn đầy đủ.” [3]

Chúng tôi nhận thấy, dạy online bài bản không phải chuyện dễ, vì thầy cô phải mất rất nhiều thời gian công sức so với bài giảng truyền thống.

Vậy nên, qua bài viết này chúng tôi mong muốn phụ huynh, nhất là phụ huynh các trường tư thục hãy đồng hành với thầy cô, nhà trường trong việc dạy học online nhằm giúp học sinh bổ trợ kiến thức một cách tốt nhất, để cùng nhau vượt qua gian đoạn khó khăn này - khi dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.

Tài liệu tham khảo:

[1] //news.zing.vn/bo-gd-dt-thu-phi-day-online-la-thoa-thuan-giua-truong-va-phu-huynh-post1060547.html

[2] //tuoitre.vn/loan-thu-phi-hoc-online-20200328093458858.htm

[3] //giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/day-hoc-truc-tuyen-hieu-qua-thay-co-phai-chuan-bi-gap-doi-gap-3-day-truc-tiep-post207387.gd

Bài, ảnh: Ánh Dương