Một vài "lượm lặt" về giáo dục nhân văn tại Mỹ

22/10/2021 06:43
Nguyễn Xuân Thu
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giáo dục nhân văn là một hệ thống hoặc ngành học thích hợp cho việc vun bồi nhân cách con người.

LTS: Giáo sư Nguyễn Xuân Thu từ Melbourne, Úc gửi bài chia sẻ một số thông tin ông tâm đắc về giáo dục nhân văn tại Mỹ thu lượm được từ quá trình đọc sách trong thời gian giãn cách phòng chống đại dịch Covid-19 đến đông đảo bạn đọc quan tâm.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

1. “Liberal Arts Education” là “Giáo dục Nhân văn”

Có người cho rằng “Giáo dục Khai phóng” là dịch từ cụm từ tiếng Anh “Liberal Arts”. Cụm từ “Khai phóng” nghe rất hay nhưng tôi nghĩ dịch như thế là không chính xác.

“Liberal Arts” là một ngành học. Ngành học khác với “Liberal Arts” là “Non-Liberal Arts”. Nếu dịch “Liberal Arts” là “Giáo dục Khai phóng” thì Non-Liberal Arts phải dịch là “Giáo dục Phi -Khai phóng”. Nhưng không có một nền giáo dục nào hiện nay trên thế giới lại có một trường đại học chủ trương “phi khai phóng”.

Do đó, tôi đề nghị nên dịch “Liberal Arts” là “Nhân văn” vì “giáo dục nhân văn” là mục tiêu của “Liberal Arts”.

Ảnh minh họa: online.geneva.edu

Ảnh minh họa: online.geneva.edu

2. Định nghĩa “giáo dục nhân văn”

Giáo dục nhân văn là một hệ thống hoặc ngành học thích hợp cho việc vun bồi nhân cách con người. Nó dựa trên khái niệm thời Trung cổ về giáo dục nhân văn hay phổ biến hơn là triết lý giáo dục nhân văn trong Thời kỳ Khai sáng (thế kỷ 18-19).

Giáo dục nhân văn là một ngành học truyền thống trong giáo dục đại học phương Tây. ... Nói cách khác, văn bằng tốt nghiệp ngành giáo dục nhân văn nhằm mục đích dạy các kỹ năng và kiến ​​thức nền tảng hơn là đào tạo một cá nhân trong một nghề cụ thể hoặc ngành kỹ thuật nào.

Nhân văn lấy thuật ngữ là một kỹ năng học tập, không phải là một nghệ thuật cụ thể. Giáo dục nhân văn có thể đề cập đến các ngành học trong chương trình cấp bằng đại học thuộc nhân văn hoặc cho bậc giáo dục đại học nói chung.

3. Mục đích của giáo dục nhân văn là gì?

Một nền giáo dục nhân văn còn gọi là một nền giáo dục đào tạo người học thành những người có tự do trong suy tư, những người giao tiếp cởi mở, những công dân hiểu biết và những cá nhân đáng kính.

Nhiều trường đại học nhân văn tập trung vào việc tạo ra những nhà tư tưởng phản biện, những nhà tư tưởng sáng tạo để biến thành những công dân cống hiến cho sự nghiệp phục vụ xã hội, cho công tác học tập và biết chấp nhận những người khác.

4. Giáo dục nhân văn là gì và tại sao nó lại quan trọng?

Nói rộng hơn, một nền giáo dục nhân văn là một nền giáo dục làm cho mọi người hạnh phúc hơn và có cuộc sống thú vị hơn. Nó giúp người học trở thành những người toàn diện, những người có khả năng tận hưởng mối quan hệ của họ với những người khác và với thế giới xung quanh.

5. Những ví dụ về nền giáo dục nhân văn là gì?

Bằng tốt nghiệp đại học ngành nhân văn cung cấp kiến ​​thức tổng quát và các kỹ năng liên quan đến nghề nghiệp giúp bạn chuẩn bị cho nhiều ngành nghề khác nhau. Bằng tốt nghiệp ngành nhân văn bao gồm nghiên cứu lịch sử, văn học, viết văn, triết học, xã hội học, tâm lý học, nghệ thuật sáng tạo và còn rất nhiều lĩnh vực khác nữa.

6. Một nền giáo dục nhân văn có giá trị không?

Chương trình tốt nghiệp đại học ngành nhân văn có thể dạy cho bạn các kỹ năng mềm cần thiết, chẳng hạn như tư duy phản biện. Do chương trình giảng dạy rộng rãi, bằng cấp về nhân văn chuẩn bị cho bạn những con đường sự nghiệp đa dạng. Nhược điểm của giáo dục nhân văn bao gồm thu nhập thấp hơn và khó kiếm được nhiều việc làm trong xã hội.

7. Những nhược điểm của giáo dục nhân văn là gì?

Những nhược điểm của nền giáo dục nhân văn bao gồm thiếu sự chuẩn bị cho việc làm. Không có sự phát triển của các kỹ năng kỹ thuật và kinh nghiệm thực tế, có nghĩa là sinh viên sau khi tốt nghiệp ngành nhân văn vẫn có thể cần học thêm các kỹ năng làm việc cơ bản bên ngoài các khóa học nhân văn để có thể kiếm được việc làm. Ví dụ như đăng ký theo học các lớp học mở, ngắn ngày, đại trà (Massive Online Open Short Courses), trong cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0.

8. Những ví dụ về ngành giáo dục nhân văn là gì?

Ví dụ về các chuyên ngành nhân văn là tiếng Anh, lịch sử, triết học, truyền thông và ngoại ngữ, trong khi các chuyên ngành nghệ thuật bao gồm các môn học như âm nhạc, thiết kế, sân khấu và hội họa. Một số trường thậm chí còn cung cấp chuyên ngành nhân văn, trong đó sinh viên có thể theo đuổi một khóa học liên ngành.

9. Các ngành trong giáo dục nhân văn và khoa học là gì?

Bảy ngành trong giáo dục nhân văn là: Ngữ pháp, Hùng biện, Biện chứng, Âm nhạc, Đại số, Hình học và Thiên văn học. “Ngữ pháp được người xưa gọi là Janua Artium, là "cửa ngõ của nghệ thuật nhân văn".

10. Trường đại học Thánh St John

Trường đại học St John’s College là một trong những trường đại học nhân văn tư thục lâu đời nhất tại Mỹ. Ra đời năm 1696, trường có hai khuôn viên, một tại Annapolis, Maryland và một tại Santa Fe, New Mexico.

Từ năm 1937, chương trình học bốn năm dựa trên chương trình học các tác phẩm vĩ đại (Great Books) của kinh điển phương Tây về triết học, tôn giáo, lịch sử, toán học, khoa học, âm nhạc, thi ca và văn học.

Trường cấp văn bằng tốt nghiệp đại học (Bachelor Degree) ngành Nhân văn, tương đương với bằng có hai ngành chính (two major fields) về triết học và Lịch sử Khoa học và có hai ngành phụ (two minor fields) về Nghiên cứu kinh điển và Văn học đối chiếu.

Trường cũng có hai chương trình thạc sĩ: một ngành Nhân văn và một ngành Cổ điển phương Đông gồm các tác phẩm từ Ấn Độ, Trung Quốc và Nhật Bản.

Danh mục sách phải đọc trong bốn năm học gồm các tác phẩm vĩ đại từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây về mọi lĩnh vực liên quan đến cuộc sống của loài người, kể cả 10 quyển sách lớn về lịch sử (10 Great History Books, nhà xuất bản Mỹ in năm 1953).

Trong năm học 2022, thành phần sinh viên đến từ 36 bang ở Mỹ và 15 quốc gia trên thế giới. 99% sinh viên nhận tài trợ. Sinh viên năm thứ nhất có độ tuổi từ 15 đến 65. Tổng số có dưới 500 sinh viên. Ngoài đào tạo và nghiên cứu ra, hàng năm trường Thánh Saint John còn tổ chức nhiều buổi thuyết trình và hội thảo cho công chúng tham dự.

Nguyễn Xuân Thu