Nền giáo dục công bằng, yêu thương sẽ xoa dịu, hàn gắn các tổn thương

04/04/2019 13:20
Đỗ Thơm
(GDVN) - Tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách ngày 4/4, các đại biểu tiếp tục thảo luận, góp ý kiến về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi).

Nền giáo dục công bằng, yêu thương sẽ xoa dịu, hàn gắn các tổn thương

Phát biểu thảo luận, đại biểu Tô Văn Tám – đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum cho rằng, Nghị quyết 29 chỉ rõ, chuyển từ truyền thụ kiến thức sang phát triển phẩm chất năng lực, hài hòa đức, trí, thể mỹ, phát triển tốt nhất năng  lực, phẩm chất của học sinh.

Tuy nhiên thực tế, vẫn còn có nhiều thầy cô sử dụng phương pháp truyền thống “thầy nói, trò chép” – thầy cô là trung tâm. Điều này gây chán nản cho học sinh, vì là tiếp thu một chiều.

Quang cảnh Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách. Ảnh: Quochoi.vn
Quang cảnh Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách. Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu đề nghị, bổ sung Khoản 2, Điều 7 là lấy người học là trung tâm nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và Nghị quyết 29.

Thứ hai là giáo dục đang gặp phải thách thức. Những vấn đề được đặt ra cho giáo dục như thái độ lạnh lùng, ích kỷ, bạo lực học sinh mà chưa có cách khắc phục.

Nhìn nhận căn nguyên của hành vi này thì phải chăng một phần thuộc về hành xử thiếu trong sáng của một bộ phận giáo viên.

Hiện tượng ép học thêm, sàm sỡ lạm dụng học sinh, đối xử thiếu công bằng, thiếu nhân ái với học sinh dẫn đến hệ quả tổn thương lòng tôn kính. 

“Sự phân hóa giàu nghèo đã tạo ra những hệ quả khó kiểm soát như sự kỳ thị, bạo lực… Có nhiều phương pháp phải làm khắc phục hạn chế trên, nhưng nền giáo dục sẽ làm dịu đi những xung đột, hàn gắn tổn thương bằng việc công bằng, yêu thương, không phân biệt đối xử.

Người thầy có vai trò quan trọng trong hàn gắn này. Học sinh phải cảm nhận được quyền học tập quyền được tôn trọng không phân biệt đối xử và học tập tốt nhất trong môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh”, đại biểu Tô Văn Tám nhấn mạnh.

Theo đại biểu, về người thầy, các quy định trong dự thảo đã quy định đáp ứng yêu cầu trên. Nhưng đại biểu đề nghị cần bổ sung xác định trách nhiệm xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh phải là của nhà nước, ngành giáo dục chứ không chỉ là trách nhiệm của mọi tổ chức, xã hội.

Bởi vậy cần bổ sung trách nhiệm của nhà nước vào quy định của Luật. Nhà nước thực hiện công bằng trong giáo dục, xây dựng môi trường an toàn trong giáo dục. Bổ sung Khoản 2 Điều 60, nhà giáo không chỉ đối xử công bằng mà phải có tấm lòng nhân ái với học sinh.

Đại biểu Trần Văn Lâm. Ảnh tư liệu: Quochoi.vn
Đại biểu Trần Văn Lâm. Ảnh tư liệu: Quochoi.vn

Cử tri thắc mắc tại sao suốt ngày cứ loay hoay đi biên soạn sách giáo khoa?

Về sách giáo khoa, đại biểu Tô Văn Tám nêu quan điểm, Luật nên xác định theo hướng, đối với môn khoa học tự nhiên nên có một hoặc nhiều sách giáo khoa nhưng đối với môn khoa học xã hội thì nên thống nhất chung một bộ sách.

Đại biểu Trần Văn Lâm – đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang cũng cho rằng, sách giáo khoa là vấn đề trong thời gian vừa rồi qua đại biểu tiếp xúc lắng nghe ý kiến của giáo viên, cử tri, gia đình học sinh thì rất băn khoăn khi có nhiều bộ sách giáo khoa.

Qua giải trình thì cũng có lý là để phù họp với từng đối tượng, vùng miền. Nhưng việc lựa chọn như thế nào, cấp nào, cơ quan nào có quyền lựa chọn để sử dụng ổn định, phù hợp cũng là vấn đề đặt ra.

Vì thực tế, nếu quy định như dự thảo thì cơ sở giáo dục, tức là mỗi trường chủ động lựa chọn sách giáo khoa sẽ phức tạp, rối loạn, học sinh chuyển trường cũng thay sách, chuyển vùng cũng phải thay sách. Trong một huyện, một xã có nhiều sách khác nhau sẽ rất phức tạp và khó khăn.

“Liệu sau này có hiện tượng, xúc tiến thương mại sách của mình vào dạy trong các trường không?

Có lẽ cần phải có một quy định nào đấy, hoặc định hướng nào đó để lựa chọn sách giáo khoa để phù hợp với địa phương. Ví dụ như cấp tỉnh phải thành lập hội đồng để chọn sách giáo khoa trong các vùng miền.

Cũng về vấn đề sách giáo khoa, ý kiến cử tri cũng nhiều người đặt vấn đề, thắc mắc là tại sao suốt ngày cứ loay hoay đi biên soạn sách giáo khoa, trong khi trên thế giới có nhiều bộ sách tiến bộ.

Thi không đỗ thì là trượt, cấp giấy chứng nhận hoàn thành bậc học để làm gì?

Tai sao chúng ta cứ đi sáng tạo lại, rất nhiều ý kiến về cái này.

Tất nhiên là sách giáo khoa về lịch sử xã hội thì mỗi đất nước có một đặc thù riêng thì phải biên soạn riêng, nhưng sách tự nhiên thì là tiến bộ, thành quả chung của xã hội tại sao lại biên soạn lại, vừa tốn kém, vừa tranh cãi nhau.

Thực tế, trước đây chúng ta đã sử dụng sách của Nga, Pháp và cũng đào tạo ra những nhân sỹ, tầng lớp trí thức lỗi lạc đóng góp cho đất nước”, đại biểu Trần Văn Lâm nói.

Đề xuất hình thành trung tâm khảo thí độc lập để khách quan, chống tiêu cực

Đại biểu Trần Văn Lâm nhấn mạnh, nhiều cử tri, giáo viên, nhân dân mong muốn được giảm gánh nặng thi cử cho học sinh, nhà trường, xã hội.

Quy định của luật có mặt nào đó giảm tải thi nhưng vẫn nặng nề.

Đại biểu đồng tình nên hình thành trung tâm khảo thí đánh giá chất lượng.

Nhà trường chỉ cấp chứng nhận chương trình đào tạo, còn đánh giá chất lượng thì nên dành cho trung tâm khảo thí độc lập. Ngành giáo dục nên tách bạch dạy của nhà trường và đánh giá chất lượng.

Vì thực tế khi tổ chức thi, điều kiện của mỗi địa phương không đồng nhất nên sản sinh ra tiêu cực như vừa rồi.

Nếu hình thành trung tâm đánh giá khảo thí độc lập sẽ bảo đảm công bằng đánh giá chất lượng đầu ra.

Như vậy cũng sẽ giảm tải được trách nhiệm của cơ sở đào tạo, khách quan, chống được tiêu cực.

Đỗ Thơm