Nếu không có tự chủ thì Đại học Tôn Đức Thắng không thể vượt trội như vậy

29/11/2019 06:31
Thùy Linh
(GDVN) - Tuy xếp hạng không phải là mục tiêu phát triển tối thượng nhưng việc lọt vào các bảng xếp hạng trước hết giúp các trường bước đầu có uy tín quốc tế nhất định.

Ngày 27/11, Việt Nam có 8 cơ sở giáo dục đại học lọt top 500 đại học châu Á theo xếp hạng của QS (QS World University Rankings 2020- bảng xếp hạng thường niên về thứ hạng các trường đại học trên thế giới của Tổ chức giáo dục Quacquarelli Symonds - Anh Quốc).

Việt Nam góp mặt 8 cơ sở giáo dục bao gồm: Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Tôn Đức Thắng, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Cần Thơ, Trường Đại học Duy Tân, Trường Đại học Huế và Đại học Đà Nẵng. 

Theo đó Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh xếp hạng 143 (tăng 1 hạng so với năm 2019: 144) và Đại học quốc gia Hà Nội xếp hạng 147 (tụt 23 hạng so với năm 2019: 124).

Theo giáo sư Lâm Quang Thiệp, tuy xếp hạng không phải là mục tiêu phát triển tối thượng nhưng việc lọt vào các bảng xếp hạng trước hết giúp các trường bước đầu có uy tín quốc tế nhất định. (Ảnh: Thùy Linh)
Theo giáo sư Lâm Quang Thiệp, tuy xếp hạng không phải là mục tiêu phát triển tối thượng nhưng việc lọt vào các bảng xếp hạng trước hết giúp các trường bước đầu có uy tín quốc tế nhất định. (Ảnh: Thùy Linh)

Trao đổi với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng:

"Đây là tin vui đối với giáo dục đại học Việt Nam đặc biệt sự xuất hiện của Trường Đại học Tôn Đức Thắng và Trường Đại học Duy Tân – 2 cơ sở giáo dục không nhận tiền từ ngân sách nhà nước”.

Khi nhìn vào các tiêu chí trong bảng xếp hạng này, Giáo sư Lâm Quang Thiệp thấy, Trường Đại học Tôn Đức Thắng có một số chỉ số trội hơn hẳn so với hai Đại học Quốc gia như số bài báo/giảng viên, chỉ số trích dẫn/bài báo, mạng lưới nghiên cứu quốc tế, giảng viên người nước ngoài, sinh viên trao đổi trong nước và sinh viên trao đổi nước ngoài. 

Ông Thiệp nói: “Khi có số bài báo, số trích dẫn lớn, điều đó cho thấy nghiên cứu của nhà trường rất tốt thì mới đạt được số lượng như vậy. Đặc biệt Trường Đại học Tôn Đức Thắng tự chủ hoàn toàn, không nhận đồng kinh phí nào từ nhà nước mà làm được như vậy là rất giỏi.

Điều đó cho thấy tự chủ đại học đóng vai trò rất quan trọng, họ không có tiền nhưng biết cách quản lý, sử dụng nguồn lực nên kết quả rất tốt. 

Phải nói rằng bảng xếp hạng này cũng thấy được tác dụng của tự chủ đại học, nếu Trường Đại học Tôn Đức Thắng không có tự chủ thì không có được kết quả như vậy”. 

Giáo sư Trần Hồng Quân gửi 5 kiến nghị về tự chủ đại học

Ngoài ra, cũng theo vị này, khi cơ sở giáo dục đại học có số giảng viên nước ngoài đến dạy nhiều chứng tỏ trường đó quan hệ hợp tác quốc tế rất tốt đặc biệt trong thời kỳ hội nhập, mở cửa thì điều này rất quan trọng.  

Khi phóng viên băn khoăn về việc sinh viên, xã hội sẽ được hưởng lợi gì từ việc cơ sở giáo dục đại học cải thiện thứ hạng thì ông Thiệp cho rằng, trước hết, đó là cơ hội cho người học trong việc lựa chọn những cơ sở giáo dục đại học có uy tín và chất lượng sẽ rõ ràng hơn và khi doanh nghiệp biết đến để tuyển dụng thì nhà trường sẽ giải quyết được vấn đề việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp. 

Ngoài ra cũng theo ông Thiệp, tuy xếp hạng không phải là mục tiêu phát triển tối thượng của trường đại học, nhưng việc lọt vào các bảng xếp hạng trước hết giúp các trường bước đầu có uy tín quốc tế nhất định, được các đối tác và người học quốc tế quan tâm và nó tạo động lực để các trường mạnh dạn đổi mới và đầu tư phát triển một cách hài hòa cả về đào tạo, nghiên cứu.

Thùy Linh