Ông Lê Như Tiến: Tôi thấy nhiều cơ quan chủ quản đang "rải đinh" ở đại học

28/11/2019 06:00
Ngọc Quang
(GDVN) - "Những văn bản dưới luật kiểu cầm đèn chạy trước ô tô có thể hủy hoại chủ trương tự chủ đại học, mà đó lại là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước".

LTS: Tự chủ đại học là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, tư tưởng tốt đẹp ấy vẫn còn gặp rào cản trong quá trình triển khai mà ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (Đại biểu Quốc hội khóa 13) ví von rằng "có tình trạng trên rải thảm, dưới rải đinh", trong đó nổi lên vấn đề của Trường Đại học Tôn Đức Thắng.

- Thưa ông, được biết thời kỳ là Đại biểu Quốc hội khóa 13 ông đã giám sát về hoạt động của Trường Đại học Tôn Đức Thắng. Ông có đánh giá gì về những kết quả mà trường đã đạt được?

Ông Lê Như Tiến: Thời kỳ còn công tác tại Quốc hội, tôi cũng đã có một số dịp làm việc tại Trường Đại học Tôn Đức Thắng, giám sát thực hiện Luật Giáo dục, tôi rất ấn tượng về tốc độ phát triển nhanh, bền vững của nhà trường.

Từ thời kỳ đầu thành lập vào năm 1997 trường không có nhà cửa, đất đai, tất cả đều phải đi thuê. Tài chính thì chỉ có một ít ban đầu để làm thủ tục thành lập, chứ không có ngân sách cho đào tạo và xây dựng cơ bản.

Thời kỳ đó trường chỉ 9 người và hầu như không có giảng viên.

Không chương trình-giáo trình-tài liệu, tất cả đều mượn của các trường đại học khác; Không có phòng thí nghiệm và trang thiết bị.

Với một loạt những cái “Không” ấy thì lẽ đương nhiên là trường không có thương hiệu, chìm nghỉm, vô danh.

Nhưng điều đáng mừng là khi phải đối diện với hàng loạt khó khăn như vậy, tập thể lãnh đạo và viên chức của trường đã hết sức nỗ lực để có những bước tiến mới rất mạnh mẽ.

Sau 22 năm phát triển, trường đã có rất nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục của nước nhà, đào tạo được nguồn nhân lực trình độ cao cho đất nước.

Cụ thể hơn thì nhân sự, lực lượng chuyên môn từ 9 người ban đầu mà đến nay đã có gần 1.400 người, trong đó có tới 50% tiến sĩ (trong số đó có 203 tiến sĩ và giáo sư là người nước ngoài).

Như vậy là Đại học Tôn Đức Thắng đã có những kế hoạch vượt ra khỏi biên giới, đưa về nước nhân lực trình độ cao, chuyên gia Việt kiều theo chính sách của Đảng; nguồn chất xám rất lớn từ nhiều quốc gia.

Trường cũng đã xây dựng thành công hệ thống quản trị đại học hiệu quả, tiên tiến và văn minh trường học, văn hóa đại học rất đặc thù.

Vì lẽ đó mà các trường đại học lấy Tôn Đức Thắng là mô hình để phấn đấu – đó là mô hình văn minh và hiệu quả.

Cho đến giờ thì Tôn Đức Thắng không chỉ được đánh giá cao ở trong nước mà tên tuổi đã được ghi nhận trên thế giới.

Đó là điều rất đáng tự hào với đất nước Việt Nam của chúng ta, vì nhiều năm nay hầu như không có trường đại học nào làm được điều đó.

Về giáo dục, trường đã có chương trình, giáo trình... hội nhập theo TOP 100 đại học tốt nhất thế giới; cách dạy-học như các đại học tiên tiến.

Với cách làm hiện đại và hiệu quả như vậy nên 100% sinh viên ra trường có việc làm. Sinh viên nổi tiếng về đạo đức nghề nghiệp và rất được doanh nghiệp ưa thích.

Cùng với quá trình ấy, trường đã đẩy mạnh các hoạt động về khoa học-công nghệ, đến 2018, 2019 đã đứng đầu cả nước; vào TOP 25 cơ sở khoa học-công nghệ xuất sắc nhất Khu vực Đông Nam Á.

Trường là đại học đầu tiên và duy nhất của Việt Nam có 7 bằng sáng chế công nghệ được USPTO (Hoa Kỳ) cấp.

Ông Lê Như Tiến đề nghị Chính phủ khi ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành Luật giáo dục đại học 34/2018/QH14 phải loại bỏ việc cơ quan chủ quản can thiệp vào vấn đề nhân sự - tài chính - học thuật, vì điều đó sẽ gây ảnh hưởng rất lớn thậm chí có thể dẫn tới đổ bể lộ trình tự chủ của các trường đại học. Điều đó sẽ gây ảnh hưởng lớn tới người học, ảnh hưởng tới đào tạo nhân lực và ảnh hưởng tới tiến trình đổi mới giáo dục của Việt Nam. ảnh: Tùng Dương.
Ông Lê Như Tiến đề nghị Chính phủ khi ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành Luật giáo dục đại học 34/2018/QH14 phải loại bỏ việc cơ quan chủ quản can thiệp vào vấn đề nhân sự - tài chính - học thuật, vì điều đó sẽ gây ảnh hưởng rất lớn thậm chí có thể dẫn tới đổ bể lộ trình tự chủ của các trường đại học. Điều đó sẽ gây ảnh hưởng lớn tới người học, ảnh hưởng tới đào tạo nhân lực và ảnh hưởng tới tiến trình đổi mới giáo dục của Việt Nam. ảnh: Tùng Dương.

Về quốc tế hóa, được kiểm định trường học, kiểm định chương trình bởi HCERES của Pháp, AUN-QA của Đông Nam Á.

Về xếp hạng đại học thế giới: được Tổ chức xếp hạng đại học Thượng Hải (ARWU) xếp số 1 Việt Nam và thuộc Top 1000 đại học tốt nhất thế giới năm 2019.

Tổ chức xếp hạng đại học qua ảnh hưởng kinh tế-xã hội (THE Inpact Rankings) xếp Top 200 đại học có ảnh hưởng nhất đến sự phát triển kinh tế-xã hội của thế giới năm 2019.

UI Metric xếp Top 200 đại học phát triển bền vững nhất thế giới; và vào tháng 11/2019 này, QS Châu Á xếp hạng trường này thứ 207 trong TOP 500 đại học tốt nhất Châu Á trong tổng số hơn 13.000 đại học toàn Châu Á.

Đề nghị giám sát văn bản dưới luật do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành
Đề nghị giám sát văn bản dưới luật do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành

Tôn Đức Thắng là đại học tự chủ thành công nhất, được Chính phủ xem là hình mẫu để ban hành Nghị quyết 77 về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của các trường đại học.

Cơ sở vật chất hiện đại và tốt nhất đất nước với rất nhiều phòng thí nghiệm hiện đại, phòng mô phỏng thực tiễn, xưởng thực hành tiên tiến; một số phòng thí nghiệm hàng đầu thế giới; tất cả phòng học đều có điều hòa không khí và đầy đủ trang thiết bị dạy-học như nước ngoài; có Thư viện hiện đại nhất trong toàn bộ hệ thống các đại học.

Về mặt tài chính thì chúng tôi được biết trong 12 năm gần đây trường đã đầu tư 3.500 tỷ đồng bằng nguồn tài chính tự tích lũy để xây dựng cơ sở vật chất hiện đại.

So sánh thời điểm hiện nay với thời điểm mới thành lập thì: quy mô tăng trưởng gấp 20 lần; giáo dục, khoa học-công nghệ tăng gấp gần 400 lần; tổng tài sản tích lũy đem lại cho nhà nước gấp 2.500 lần. Trường đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực gần 40.000 người có chất lượng tốt.

Trường cũng đã xây dựng được mô hình đại học tự chủ kiểu mẫu để Chính phủ nhân rộng cho các trường khác, xây dựng được một đại học theo chuẩn quốc tế, đặt nền tảng để vào Top 500 đại học nghiên cứu tinh hoa tốt nhất thế giới trong hai thập niên tới.

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, ông nhận thấy còn những điểm gì gây khó khăn cho hoạt động tự chủ của các trường đại học?

Ông Lê Như Tiến: Đầu tiên chúng ta phải khẳng định nhất quán ba nội dung trong hoạt động tự chủ của một trường đại học, đó là: Tự chủ về nhân sự; Tự chủ về tài chính; Tự chủ về học thuật.

Tôi thấy hiện nay có những cơ quan chủ quản đang can thiệp một cách thô bạo, thái quá vào hoạt động của trường đại học đang tự chủ, thậm chí muốn can thiệp nhiều hơn, bất thường hơn đến những đơn vị đang làm tốt suốt nhiều năm qua như Trường Đại học Tôn Đức Thắng.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ và 23 đại học tự chủ sẽ còn rất vất vả
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ và 23 đại học tự chủ sẽ còn rất vất vả

Theo tôi, đã là tự chủ thì nhà trường phải toàn quyền quyết định nhân sự, kể cả từ Chủ tịch Hội đồng trường, Phó Chủ tịch Hội đồng trường cho tới Hiệu trưởng, Hiệu phó… không thể nào để cho cơ quan chủ quản sắp xếp lãnh đạo điều hành trường vì sẽ làm méo mó tư tưởng tốt đẹp về tự chủ; quay trở lại thời bao cấp 40 năm về trước; chống lại lịch sử phát triển.

Cơ quan chủ quản cứ thọc sâu vào chuyện nhân sự - một trong những vấn đề căn cốt để tự chủ thì làm sao trường phát triển được.

Vấn đề này những nước tiên tiến người ta không áp dụng, cớ sao Việt Nam lại vẫn cứ xảy ra?

Tư duy cũ kỹ và lạc hậu như vậy thì đến bao giờ giáo dục Việt Nam mới cất cánh được, mới sánh vai với các cường quốc được?

Theo tôi khi xây dựng Nghị định triển khai Luật Giáo dục 34/2018 mà Quốc hội đã ban hành thì Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải thực hiện đúng tinh thần tự chủ, phải chặt bỏ ngay tất cả những quy định cũ đã lỗi thời, nhân danh các qui định cũ của Đảng mà thực chất là chưa kịp sửa theo Nghị quyết 19, để tạo hành lang pháp lý thực sự thuận lợi cho các trường phát triển, cũng chính là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của quốc gia.

Về tự chủ tài chính, lấy thí dụ từ Trường Đại học Tôn Đức Thắng từ ban đầu chỉ có 500 triệu của Công đoàn thành phố HCM để hoàn thiện thủ tục thành lập; thì tới nay tập thể các thầy cô đã rất đoàn kết nỗ lực xây dựng được trường phát triển mạnh mẽ, đầu tư tới 3.500 tỷ đồng.

Tôi tin rằng tới đây khi được cởi trói thực sự về cơ chế chính sách, thì nhà trường còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa; và các trường đại học học khác cũng vậy.

Nhớ lại mấy chục năm trước người nông dân làm việc theo Hợp tác xã, năng xuất thấp và tới khi có cơ chế giao đất, giao ruộng thì từ chỗ thiếu ăn, chúng ta đã xuất khẩu nhiều triệu tấn gạo ra thế giới.

Tôi nhắc lại câu chuyện mấy chục năm về trước ấy để mong rằng Chính phủ sẽ tháo gỡ khó khăn cho các trường đại học để họ phát huy tốt hơn, chứ cứ để các cơ quan cấp Bộ tìm cách trói chặt thì làm sao phát triển được.

Tôi cũng biết rằng Quốc hội và Chính phủ thì rất sốt ruột, rất muốn phát triển, rồi các trường cũng mong mỏi có cơ chế thuận lợi để làm việc, nhưng các khâu trung gian, cơ quan chủ quản hiện nay còn rất ì, có khi không giúp gì được cho trường; nhưng cứ gây khó khăn để giữ quyền và lợi ích.

Mấy năm trước, tôi đã từng phát biểu tại Quốc hội là có hiện tượng “trên rải thảm, dưới rải đinh”, bây giờ sự việc này trường đại học tự chủ cũng đang phải đối diện.

Đó là lý do nhiều trường đại học bức xúc, trong đó có Trường Đại học Tôn Đức Thắng.

Và, tôi rất đồng cảm với những khó khăn của các trường, mong rằng Chính phủ sớm thúc đẩy việc bỏ cơ chế chủ quản, không cho phép can thiệp sâu vào vấn đề nhân sự - tài chính – học thuật của các trường.

Còn cơ chế “cơ quan chủ quản” thì trường không thể tự quản được, như thế suy cho cùng là ảnh hưởng tới người học, ảnh hưởng tới mọi gia đình, tới nguồn nhân lực và cả nền giáo dục của đất nước.

Trường đại học Tôn Đức Thắng đã có nhiều đóng góp quan trọng cho nền giáo dục nước nhà. ảnh: tdt.edu.vn
Trường đại học Tôn Đức Thắng đã có nhiều đóng góp quan trọng cho nền giáo dục nước nhà. ảnh: tdt.edu.vn

Mặc dù Trường Đại học Tôn Đức Thắng là điểm sáng của cả hệ thống giáo dục đại học, nhưng trường lại đang gặp phải những rào cản khó khăn từ chính cơ chế “chủ quản”. Cụ thể, Tổng liên đoàn Lao động ban hành Quyết định số 1584/QĐ-TLĐ trong đó đặt ra vấn đề bầu Chủ tịch Hội đồng trường và Hiệu trưởng là do Tổng liên đoàn giới thiệu; hay bổ nhiệm Hiệu phó, Kế toán trưởng phải có ý kiến của Tổng liên đoàn… Ông có nhận định gì trước vấn đề này?

Ông Lê Như Tiến: Chúng ta đều biết tự chủ đại học là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Năm 2005 Chính phủ ban hành Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006-2020, trong đó chỉ đạo “xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản, xây dựng cơ chế đại diện sở hữu nhà nước đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập…”.

Sau này, Nghị quyết 29-NQ/TW năm 2013, Nghị quyết 89/NQ-CP năm 2016, Nghị quyết 05-NQ/TW năm 2016 và Nghị quyết 19-NQ/TW năm 2017 của Trung ương… đều tiếp tục khẳng định chủ trương tự chủ đại học.

Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học 34/2018 chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2019 được xây dựng trên tinh thần xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản, thể chế hóa chủ trương tự chủ đại học của Đảng, Nhà nước và hiện Chính phủ đang xây dựng Nghị định hướng dẫn thi hành luật.

Lúc này, Chính phủ đang xây dựng Nghị định hướng dẫn thi hành, vì vậy tất cả những văn bản dưới luật kiểu như Quyết định số 1584/QĐ-TLĐ không được đi trái luật, không được trái Nghị định. Hơn nữa, Tổng Liên đoàn lao động ban hành quyết định này trong khi Chính phủ đang xây dựng Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục số 34 và chưa ban hành thì rõ là cầm đèn chạy trước ô tô; muốn một mình một cõi, trong đó đáng nói là không thể hiện được tinh thần tự chủ khi mà thò vào quá nhiều vấn đề nhân sự của trường.

Khi mà cơ quan chủ quản can thiệp vào như vậy thì làm sao mà còn tự chủ của trường được nữa.

Những văn bản kiểu như thế này sẽ hủy hoại chủ trương tự chủ đại học, mà đó lại là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước.

Tôi được biết đến hiện tại thì Đại học Tôn Đức Thắng vẫn đang trong giai đoạn thí điểm và quyết định thí điểm đang còn hiệu lực thi hành.

Do đó, không thể áp các luật lệ (ban hành trước đây) trái với chỉ đạo tự chủ của Đảng; trái với Luật số 34 (mới ban hành) và trái với quyền tự chủ đang được thí điểm để quy chụp là trường làm không đúng quy định pháp luật; rồi giải thích kiểu này kiểu kia cho hành động sai pháp luật.

Chính phủ cần phải có biện pháp mạnh mẽ bảo vệ và duy trì cơ chế này để Đại học Tôn Đức Thắng tiếp tục phát triển ổn định, bền vững, để không gây ra bất cứ xáo trộn, rủi ro nào. Đó cũng là cơ chế, là nền tảng để nhiều trường đại học khác phát triển.

Muốn vậy phải chặn đứng hoàn toàn tình trạng “trên rải thảm, dưới rải đinh”, đặc biệt là chuyện cơ quan chủ quản chỉ là “cái bóng" không giúp được gì nhưng lại muốn nắm quyền, muốn sở hữu; không tốt cho sự phát triển của các trường và cho nền giáo dục cả nước.

Trân trọng cảm ơn ông!

Trường đại học Tôn Đức Thắng thành lập theo Quyết định 747/QĐ-TTg ngày 24/09/1997 với tên là Trường đại học công nghệ dân lập Tôn Đức Thắng. Đến 2003, trường được đổi tên thành Trường đại học bán công Tôn Đức Thắng trực thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Năm 2008, Trường một lần nữa được đổi tên thành Trường đại học Tôn Đức Thắng và chuyển về trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Quá trình hình thành đặc biệt này làm cho Đại học Tôn Đức Thắng có 3 đặc điểm mà không trường công lập nào trong cả nước có được:

Nhà trường là đại học dân lập từ năm 1997 đến 2003. Năm 2003 được  chuyển sang loại hình đại học bán công. Năm 2008 tiếp tục chuyển sang công lập và được đưa từ Ủy ban về thuộc Tổng liên đoàn.

Đây là trường công lập duy nhất trong cả nước không có đầu tư của Ngân sách nhà nước.

Vì gốc là đại học dân lập, trường đã hoạt động theo mô hình tự chủ tài chính (thu, chi, đầu tư, mua sắm) từ ngày thành lập đến khi có quyết định cho thí điểm tự chủ toàn diện. Cũng không có đại học công lập nào khác trong cả nước có điều này.

Do có 3 đặc thù duy nhất này, cơ sở pháp lý điều chỉnh các hoạt động nói chung, quyết định thu-chi, đầu tư, mua sắm nói riêng của Trường gồm những văn bản sau:

Năm 2008, khi chuyển đổi mô hình hoạt động của Trường, Văn phòng Chính phủ đã truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 3995/VPCP-KGVX ngày 18/6/2008; trong đó nói rõ: “Trường được tự quyết định mức thu học phí và thực hiện các nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật như một trường ngoài công lập”.

Đến đầu 2015, khi được giao thí điểm tự chủ theo Nghị quyết 77/NQ-CP. Ngoài một số nội dung chung theo Nghị quyết 77, Chính phủ cũng đã quy định một số nội dung riêng cho Trường tại Quyết định số 158/QĐ-TTg ngày 29/1/2015, trong đó có điều khoản: “Thực hiện thí điểm cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện, trên cơ sở thực trạng hoạt động của Trường trong thời gian qua nhằm tăng cường sự chủ động, nâng cao hiệu quả trên tất cả các mặt đào tạo, nghiên cứu, hợp tác quốc tế, tài chính và nhân sự cho Trường”. Nghĩa là trường được áp dụng việc thu, chi, đầu tư, quản lý mọi hoạt động của Trường trên cơ sở thực trạng hoạt động của Trường từ năm 1997 đến thời điểm đầu 2015.

Chỉ đạo này của Thủ tướng có mục đích bảo vệ và duy trì hiện trạng hoạt động của Trường từ 1997 đến ngày ký quyết định trên (2015), vì một đại học từ dân lập chuyển sang công, không dùng ngân sách nhà nước, không kế thừa tài sản-trang thiết bị do nhà nước đầu tư sẵn như các trường công bắt đầu tự chủ khác; mà phát triển tốt như vậy, thì cơ chế hoạt động và cách quản trị các hoạt động suốt thời gian qua rõ ràng là hiệu quả trong thực tiễn.

Ngọc Quang