Nghe thí sinh "chê" khối C

22/04/2011 15:56
Chương trình dài, kiến thức nhiều, học thuộc khó, xin việc khổ là những lý do được các thí sinh đưa ra để giải thích cho việc “nói không” với khối C.

Chương trình dài, kiến thức nhiều, học thuộc khó, xin việc khổ là những lý do được các thí sinh đưa ra để giải thích cho việc “nói không” với khối C khi nộp hồ sơ thi đại học, cao đẳng năm nay.

Đỏ mắt tìm sĩ tử khối C

Lượng thí sinh đăng ký dự thi đại học, cao đẳng khối C ngày càng giảm. Theo thống kê từ các điểm thu hồ sơ, năm nay, trong nghìn thí sinh đăng ký dự thi khối A, chỉ có khoảng chục em dự thi khối C.

Em Nguyễn Ngọc Quân, học sinh khối 12 trường Trung học phổ thông Ngô Gia Tự cho biết, em dự thi khối A và trong số các bạn bè của em, không có ai dự thi khối C.

Tương tự, cả lớp 12A6 của em Ngô Thị Bích Ngọc, học sinh Trường Trung học phổ thông Trần Phú cũng không có học sinh nào thi khối C. Thậm chí, Nguyễn Hồng Ngọc, học sinh trường Trung học phổ thông Chu Văn An, mặc dù từng đọat giải học sinh giỏi văn cấp thành phố nhưng cũng chọn thi khối A.

Cả trường Trung học phổ thông Việt Đức, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội có 702 học sinh khối 12 với 2.200 bộ hồ sơ đăng ký dự thi đại học, cao đẳng, nhưng chỉ có 3 bộ hồ sơ của hai thí sinh dự thi khối C là em Bùi Phương Thảo lớp 12 cơ bản 4 và em Đỗ Thị Thu Thảo, lớp 12T7.

Tuy nhiên, khối C với Đỗ Thị Thu Thảo chỉ là khối thi dự bị. Năm nay, Thảo nộp tới 8 bộ hồ sơ với 4 khối vào 8 trường khác nhau: Khối A gửi các trường Đại học Thương mại, Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Lao động xã hội và Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội; khối B vào Đại học Nông nghiệp I; khối D vào Cao đẳng Sư phạm Hà Nội và một  hồ sơ khối C vào khoa Công tác xã hội của Đại học Sư phạm Hà Nội.

Thảo cho biết, do em học đều các môn nên bố mẹ khuyến khích em nộp hồ sơ nhiều trường. “Từ nay đến hôm thi đại học còn gần 3 tháng nữa, khi đó mạnh khối nào em sẽ thi khối đó, nhưng khối A vẫn là khối thi chính, các khối khác chỉ là phương án hai,” Thảo chia sẻ.
 

 

Vừa dài, vừa khó đủ bề

“Học các môn văn, sử, địa vừa dài, vừa khó, vừa khổ. Chúng em rất ngại học thuộc,” Ngô Bích Ngọc chia sẻ.

Nguyễn Ngọc Quân dự thi khối A vào Đại học Công nghiệp Hà Nội. Em cho biết, nếu không đỗ đại học, em sẽ học cao đẳng hoặc trung cấp, nhưng không hề có ý định thi khối C dù điểm đầu vào khối này thấp.

“Dù có một ngày riêng cho khối C thì em cũng không thi vì học các môn này rất mệt,” Ngọc-học sinh giỏi văn của trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú, quận Đống Đa, Hà Nội chia sẻ.

Cũng theo Ngọc, tâm lý chung của học sinh đều cho rằng các môn sử, địa chỉ là môn phụ, học đối phó nên không để tâm. Đây cũng là chia sẻ của em Đỗ Thị Thu Thảo. “Mặc dù giáo viên dạy hay, nhưng phần lớn các bạn trong lớp đều học cho qua. Em cũng đang cố gắng  học tốt môn sinh để dự thi khối B, khả năng thi khối C là rất thấp,” Thảo nói.

Có lẽ em Bùi Phương Thảo là học sinh duy nhất của trường Trung học phổ thông Việt Đức tâm huyết với khối C. Thảo cho biết em rất thích học môn sử và thường đi các di tích, các bảo tàng để tìm hiểu thêm. Bật mí bí quyết học môn này, Thảo giải thích đơn giản là vì em thích nên kiến thức trở nên dễ nhớ hơn.

Em cho biết, việc các bạn né tránh khối C còn vì sự lựa chọn trường của khối này ít hơn. Số trường đại học, cao đẳng tuyển khối C chỉ đếm trên đầu ngón tay trong khi khối A và D có tới cả trăm trường để chọn. Nếu không đỗ nguyện vọng 1, cửa vào nguyện vọng 2 và 3 của sĩ tử khối C là rất hẹp, trong khi khối A và D chỉ cần đủ điểm sàn là chắc chắn có cơ hội vào một trường nào đó ngoài công lập.

Vấn đề “đầu ra” của sĩ tử khối C cũng khó khăn hơn các khối ngành khác.  Đây cũng là một lý do khiến nhiều học sinh không lựa chọn khối ngành này.

 "Em thi vào Đại học Luật của Đại học Quốc gia Hà Nội thì không phải quá lo đầu ra vì có người nhà làm trong ngành này,” Thảo chia sẻ.

Theo thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Việt Đức, việc thí sinh từ chối khối C cũng không quá khó lý giải. Xu hướng xã hội coi trọng kinh tế, cơ hội việc làm của các em nhiều hơn, đồng lương lại khá hơn, trong khi đó khối C phải học thuộc nhiều hơn, đòi hỏi khả năng tổng hợp kiến thức và tư duy ngôn ngữ tốt. Việc thí sinh đầu quân khối A, D để học các ngành kinh tế, kỹ thuật là điều dễ hiểu./.

Theo Vietnam+