Nghịch lý xếp lương giáo viên các bậc học: dạy nhiều lương thấp, ít lương cao

15/09/2021 06:57
BÙI NAM
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Khi xếp lương hiện nay và cả xếp lương theo Thông tư 01/2021/TT-BGDĐT mới, giáo viên mầm non vẫn chịu thiệt thòi, vẫn xếp ở mức thấp hơn so với các cấp khác.

Hiện nay vấn đề định mức làm việc ở các bậc mầm non, phổ thông vẫn còn nhiều điều chưa hợp lý.

Sắp xếp lại định mức làm việc của giáo viên trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập một cách công bằng, phù hợp là một trong những vấn đề cần được quan tâm để tăng hiệu quả công việc, tạo động lực phấn đấu của giáo viên các cấp.

Trong phạm vi bài viết này, người viết xin được trình bày đề xuất của bản thân về định mức làm việc, chế độ lương, phụ cấp cho giáo viên mầm non, phổ thông.

Đề xuất về định mức giờ dạy giáo viên mầm non, phổ thông

Về định mức làm việc theo quy định hiện nay thì giáo viên mầm non là 40 giờ/ tuần; giáo viên tiểu học 23 tiết/ tuần; giáo viên trung học cơ sở 19 tiết/ tuần; giáo viên trung học phổ thông là 17 tiết/ tuần bên cạnh còn thực hiện các nhiệm vụ khác theo phân công của hiệu trưởng, lãnh đạo ngành,...

Trong quy định trên thì chỉ có giáo viên mầm non là làm việc 8 giờ/ ngày tương đương 40 giờ/ tuần, nên giáo viên mầm non là cực khổ nhất, vất vả nhất.

Giáo viên mầm non thường sáng đến trường rất sớm để đón trẻ, chiều phải về rất trễ để trả trẻ và làm hết tất cả các ngày trong tuần, buổi trưa phải cho các trẻ ăn, cho các trẻ ngủ trưa, lo cả phần vệ sinh cho các em,…

Bên cạnh đó, giáo viên mầm non còn phải thực hiện đồ dùng dạy học, tham gia rất nhiều phong trào, hội thi, chăm sóc trẻ, quản lý trẻ,… vô cùng vất vả.

Ảnh minh hoạ: Giaoduc.net.vn

Ảnh minh hoạ: Giaoduc.net.vn

Về định mức làm việc thì xin kiến nghị đối với bậc mầm non nghiên cứu có phương án trả thêm tiền tăng giờ cho giáo viên thời gian đón, trả trẻ (đầu và cuối mỗi buổi học) và giờ nghỉ trưa một cách hợp lý, nếu thực tế mỗi giáo viên mầm non thực hiện hơn 8 giờ mỗi ngày thì phải được trả chế độ tăng giờ, thêm buổi.

Đối với giáo viên phổ thông thì về kiến thức của các bậc trung học phổ thông, trung học cơ sở có cao hơn ở tiểu học tuy nhiên về tính chất, mức độ khó khăn thì công việc của giáo viên tiểu học vất vả nhiều hơn so với giáo viên trung học phổ thông, trung học cơ sở vì giáo viên tiểu học dạy các em còn rất nhỏ như tờ giấy trắng, việc giảng dạy và giáo dục các em sẽ khó khăn hơn nhiều.

Các em nhỏ việc ý thức, tự học, tự rèn luyện,… cũng hạn chế hơn nhiều so với các em lớn tuổi hơn.

Lứa tuổi học sinh trung học cơ sở là lứa tuổi vừa trẻ con, vừa người lớn, giai đoạn này đang phát triển tâm lý, nhân cách các em đang hình thành, rất muốn chứng tỏ bản thân, dễ vướng vào tệ nạn, dễ trở nên cá biệt hơn,… nên giáo viên trung học cơ sở cũng rất vất vả trong việc dạy và giáo dục học sinh.

Lứa tuổi trung học phổ thông giai đoạn này các em tuổi lớn hơn nên nhân cách các em đã dần dần ổn định, các em tập trung vào việc học hơn, ý thức tốt hơn,… nên công việc giảng dạy và giáo dục của giáo viên trung học phổ thông cũng sẽ có phần đỡ vất vả hơn các cấp còn lại.

Do đó, người viết cho rằng việc quy định giáo viên tiểu học 23 tiết/ tuần; giáo viên trung học cơ sở 19 tiết / tuần; trung học phổ thông 17 tiết tuần chưa hợp lý, nên người viết đề xuất về định mức tiết dạy của 3 bậc học tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông là như nhau cùng 20 tiết/ tuần.

Kiến nghị lương, phụ cấp giáo viên mầm non lên cao nhất

Như đã phân tích ở trên và công việc thực tế thì giáo viên mầm non là vô cùng vất vả, cực khổ, nhiều giáo viên mầm non vì yêu nghề, mến trẻ mới bám trụ được với nghề nên rất mong được xem xét về lương và thu nhập của giáo viên mầm non cho tương xứng.

Nhưng khi xếp lương hiện nay và cả xếp lương theo Thông tư 01/2021/TT-BGDĐT mới, giáo viên mầm non vẫn chịu thiệt thòi, vẫn xếp ở mức thấp hơn so với giáo viên các cấp khác.

Theo Luật Giáo dục 2019, giáo viên mầm non có chuẩn trình độ đào tạo cao đẳng, nên theo Thông tư 01/2021/TT-BGDĐT mới, giáo viên mầm non hạng III mới dù có trình độ đại học hoặc cao hơn vẫn chỉ xếp hệ số lương khởi điểm 2,1.

Theo Luật Giáo dục 2019, giáo viên từ tiểu học đến trung học phổ thông thì có cùng chuẩn trình độ đào tạo là đại học sẽ có cùng hệ số lương khởi điểm theo các Thông tư 02, 03, 04/ 2021 mới là 2,34 (Hạng III mới).

Do vị trí việc làm, tính chất mức độ phức tạp, khó khăn của công việc ở các cấp học, bậc học nên người viết xin được mạnh dạn đề xuất đối với bậc học mầm non, nên đưa giáo viên mầm non vào lương cao hơn hoặc có hệ số lương khởi điểm bằng với giáo viên các cấp còn lại, tức là đề xuất về trình độ giáo viên mầm non vẫn là cao đẳng sư phạm nhưng hệ số lương khởi điểm sẽ là 2,34.

Khi thực hiện lương mới theo vị trí việc làm trong thời gian tới theo Nghị quyết 27/NQ-TW, tiếp tục kiến nghị áp dụng mức phụ cấp ưu đãi nghề cho giáo viên mầm non cao nhất so với các bậc học khác.

Trên đây là những đề xuất, kiến nghị về chế độ làm việc, phụ cấp của giáo viên mầm non, phổ thông mà người viết cho rằng hợp lý, phù hợp.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

BÙI NAM