Người làm chính sách phải nhìn tích cực hơn nữa với các trường ngoài công lập

08/11/2019 06:46
Tùng Dương
(GDVN) - Nhà nước hưởng lợi rất nhiều từ trường tư thục, các nhà làm chính sách cần thấy được điều này, chứ không phải chỉ thấy trường tư đông học sinh, có lợi nhuận.

Tại cuộc Tọa đàm về “Chính sách thuế đối với các cơ sở giáo dục tư thục” do Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức ngày 5/11/2019, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Thị Hiền - Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm, Hà Nội, chia sẻ quan điểm:

"Tôi cũng thống nhất với quan điểm của thầy Cường trường Lomonoxop, tôi với thầy Cường gần như là 2 trong số 3 người đầu tiên xây trường tư ở Hà Nội.

Chúng tôi không phải là được cấp đất, chúng tôi rất may mắn khi mua được đất tại khu đô thị Mỹ Đình 2, Hà Nội, đó là khu đất quy định để xây trường học, chúng tôi mua hạ tầng đó và bắt buộc phải xây trường.

Cá nhân tôi thấy quy định mấy mét vuông cho một học sinh là một quy định đúng, nó cũng là chuẩn của quốc tế. Vì đất chật người đông nên chúng ta không theo được, vì vậy mọi người có mong muốn thế này thế khác."

Video: Người làm chính sách phải nhìn tích cực hơn nữa với các trường ngoài công lập.

Với một quy chuẩn, và khi sang các nước thì mới thấy được là tại sao trẻ em ở đó phát triển kỹ năng, tự tin một cách rất là tốt, một phần lớn là do cơ sở vật chất đã tạo điều kiện để họ làm giáo dục tốt.

Trong điều kiện của chúng ta hiện nay thì tôi nghĩ rằng mình không nên đề xuất giảm cái quy định đó, nhưng có thể yêu cầu tùy từng hoàn cảnh cụ thể của một nhà trường để mà xét.

Nhìn các em học sinh không có chỗ chơi tôi cũng thương lắm, vậy nên tôi tự nhủ phải phấn đấu để làm sao tiếp cận dần đến cái chuẩn, tạo cơ hội tốt hơn cho học sinh. Bản thân tôi hiện nay cũng đang tìm đất để san sẻ bớt học sinh, chứ không phải là tìm đất để mở thêm trường mới.

Về vấn đề thuế 10% thì quan điểm của tôi có thể hơi khác mọi người một chút, bản thân tôi cũng là một nhà giáo công lập, đã ở trong ngành giáo dục hơn 50 năm rồi.

Khi ra làm ngoài thì tôi phải xác định đây là hoạt động kinh doanh, tôi không từ chối chữ kinh doanh, bởi vì kinh doanh giáo dục là loại hình kinh doanh đặc biệt và không được chạy theo lợi nhuận tối đa.

Tôi quan điểm là kinh doanh nhưng ưu tiên đầu tiên của tôi là cho học sinh, tiếp theo là giáo viên và ưu tiên cuối cùng mới là cổ đông.

Không phải vì tôi kinh doanh nên lúc nào cũng chỉ nghĩ đến lợi nhuận, nếu thực sự tôi nghĩ đến lợi nhuận thì có rất nhiều cách.

Người làm chính sách phải nhìn tích cực hơn nữa với các trường ngoài công lập ảnh 1

Muốn hưởng chính sách ưu đãi xã hội hóa Giáo dục, phải dấn thân vào cuộc

Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm của chúng tôi từ hàng chục năm nay đã không dùng mì chính, hiện nay 1 ngày tôi phải mua 50 kg xương ống, nhưng tôi không mua và thay vào đó bằng 1kg mì chính thì mỗi ngày tôi cũng dư ra được một chút.

Nếu tôi tìm cách bớt của mỗi học sinh 1 ngày 500 đồng nhỏ, thì hàng tháng cũng dư ra được khá nhiều tiền.

Nhưng không, chúng tôi xác định mình là nhà giáo.

Chúng tôi xác định mình có thu, có chi và vì vậy mà tôi phải nộp thuế, chúng tôi cũng rất thoải mái chuyện đó. Tôi vẫn công bố rằng đây không phải là trường phi lợi nhuận, và khi có lợi nhuận thì mình phải đóng thuế thôi.

Xác định như vậy để mình có ý thức trong vấn đề xây dựng, và mình cũng phải có ý thức để làm tốt, và càng có nhiều lợi nhuận thì càng tốt chứ sao. Tôi nhận thấy tại sao các nước tư bản họ giàu? Vì họ có quá nhiều nhà kinh doanh giỏi đóng thuế cho nhà nước họ.

Ví dụ, trường tôi và trường thầy Cường mà cứ phát triển, có nhiều lợi nhuận và hàng năm đóng thuế cho nhà nước thì cũng thấy rất vui, vấn đề an sinh xã hội là trông vào tiền thuế.

Tôi đề nghị chính sách nhà nước phải xem lại việc đó, bởi nhà nước phải nhìn thấy rằng chúng tôi mang lại cho nhà nước bao nhiêu lợi nhuận, một ngôi trường chúng tôi xây dựng là mấy trăm tỷ đồng mà nhà nước lại không phải đầu tư đồng nào, cũng như nhà nước không phải trả tiền lương cho giáo viên.

Nhà nước được lợi từ hệ thống trường tư, vậy tại sao những người làm chính sách không nghĩ đến là nhà nước đang được lợi, chúng tôi đã gánh bao nhiêu việc quá tải học sinh của trường công.

Ở quận huyện khác tôi không biết nhưng ở quận Nam Từ Liêm thì chỉ trường tôi và trường Lomonoxop cũng đã đến 10 nghìn học sinh, rồi chúng tôi lại đóng thuế.

Nếu bây giờ chỉ nhìn thấy chúng tôi đông học sinh, rồi có lợi…là bắt đầu ngồi nghĩ ra những chính sách này, chính sách khác để mà o ép sự phát triển. Những người làm chính sách phải nhìn một cách tích cực hơn nữa với các trường ngoài công lập, để tạo điều kiện cho chúng tôi làm tốt công việc xã hội hóa giáo dục

Ngày 5/11, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức buổi Tọa đàm với chủ đề “Chính sách thuế đối với các cơ sở giáo dục tư thục”.

Tới dự tọa đàm có chuyên gia kinh tế - Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong.

Nhà giáo nhân dân Nguyễn Thị Hiền - Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm, Hà Nội.

Nhà giáo ưu tú Nguyễn Phú Cường - Chủ tịch hội đồng Hệ thống Giáo dục Lômônôxôp Hà Nội.

Tiến sĩ Võ Thế Quân - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Đông Đô (Hà Nội).

Thầy Nguyễn Anh Tuấn và cô Đàm Thùy Dương - đại diện Trường phổ thông liên cấp Wellspring Hà Nội.

Cô Nguyễn Hồng Nhung - Kế toán trưởng Trường Lương Thế Vinh (Hà Nội).

Cô Đỗ Thu Hiền - Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Giáo dục và Đào tạo phát triển kỹ năng sống Minh Trí (tỉnh Quảng Ninh).

Tùng Dương