Nguyên PCT nước chỉ ra nhiều vấn đề về thực trạng đội ngũ nhà giáo

06/12/2013 08:08
Xuân Trung
(GDVN) - Đề tài: “Nghiên cứu đề xuất các giải pháp cải cách công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phổ thông” do Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình làm chủ nhiệm vừa được nghiệm thu sáng 5/12. Đề tài đã đả động tới nhiều vấn đề về chất lượng đội ngũ nhà giáo, về chính sách ưu đãi và đưa ra nhiều giải pháp.
Bà Nguyễn Thị Bình – Chủ nhiệm Đề tài khoa học nói, đội ngũ giáo viên không thay đổi trong nhiều năm qua. Sau khi có Nghị quyết TƯ 8 về giáo dục, nhận thấy đổi mới giáo viên là khâu then chốt để đổi mới giáo dục, cần xem đó là khâu đột phá trong cải cách đổi mới giáo dục.

“Chúng tôi xác định mục tiêu tổng quát là cụ thể hóa qua 5 nhiệm vụ: Nghiên cứu chế độ chính sách, Công tác đào tạo bồi dưỡng, Xác định yêu cầu phẩm chất năng lực đạo đức, Nguyên tắc và giải pháp đối với công tác đào tạo và đãi ngộ đội ngũ giáo viên. Suốt thời gian nghiên cứu, các tác giả đã tiến hành khảo sát thực tế với hàng chục cuộc tọa đàm. 

Sức ì của giáo viên còn lớn

Qua điều tra, khảo sát trên 6.000 nghiệm thể gồm những cán bộ quản lí, cơ sở đào tạo giáo viên, giảng viên, sinh viên sư phạm, giáo viên tiểu học, THCS, THPT, học sinh và cha mẹ học sinh, ngoài ra còn khảo sát ở 13 tỉnh, thành phố đại diện các vùng miền, 10 trường ĐH Sư phạm, Cao đẳng Sư phạm từ Bắc vào Nam, Đề tài đưa ra một cái nhìn tổng thể về thực trạng giáo viên hiện nay.

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình nêu nhiều bất cập trong thực hiện chính sách nhà giáo, trong đó có vấn đề lương giáo viên. Ảnh Xuân Trung
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình nêu nhiều bất cập trong thực hiện chính sách nhà giáo, trong đó có vấn đề lương giáo viên. Ảnh Xuân Trung

Theo đó, tuyệt đại bộ phận giáo viên có tình thần trách nhiệm tốt, kiên trì, vượt khó vì sự nghiệp, nhất là giáo viên ở vùng khó khăn, cũng có một số sa vào tệ nạn xã hội hay suy thoái đạo đức. 

Chủ nhiệm Đề tài còn cho rằng, do nhiều khó khăn trong cuộc sống, do áp lực của công việc thì có một bộ phận không nhỏ giáo viên chán nghề, con số này từ 10-20%. Phần lớn giáo viên trình độ hiểu biết không vượt quá được trong nội dung của SGK, nhất là còn mơ hồ về tri thức của môn học. 

Hàng năm, các cơ sở giáo dục đều thực hiện việc bồi dưỡng giáo viên nhằm nâng cao trình độ, nhưng dường như chưa có chuyển biến trong cách dạy, còn nhiều hình thức phiến diện, sức ì giáo viên còn lớn, có thói quen dạy học cũ từ  trước và lười đổi mới. Đưa ra kết luận, đây có thể xem là hạn chế lớn nhất của giáo viên phổ thông của ta.

Đề tài này còn chỉ ra rằng, vai trò “người của cộng đồng” chưa được thể hiện rõ, giáo viên chưa lưu  tâm được việc dạy người qua dạy chữ. Nếu yêu cầu đòi hỏi phải đổi mới đội ngũ nhà giáo trong 10-20 năm nữa thì năng lực của nhà giáo hiện nay là một khoảng cách khá xa. 
Sinh viên ít được đào tạo về xử lí tình huống 

Theo đánh giá của Đề tài này thì chất lượng sinh viên đầu vào của ngành sư phạm có tính chất thấp dần, các sinh viên sư phạm thường chỉ được đào tạo kĩ năng liên quan tới trình bày kiến thức, còn kĩ năng để dạy học đáp ứng nhu cầu của cá nhân cũng như xử lí tình huống dạy học còn rất ít.

Qua khảo sát các trường sư phạm, các cơ sở giáo dục, nhóm nghiên cứu nhận thất một điều: Chất lượng giáo viên đối với giáo viên trẻ mới ra trường có dấu hiệu tốt ở các kĩ năng dạy học, ngược lại những người trẻ lại hạn chế ở kĩ năng giáo dục, phối hợp với các lực lượng giáo dục, tìm hiểu đối tượng và nhất là giải quyết vấn đề.
Lương giáo viên hiện nay chưa thể đủ sống khiến nhiều giáo viên phải đi dạy thêm hoặc làm việc khác kiếm sống. Ảnh minh họa
Lương giáo viên hiện nay chưa thể đủ sống khiến nhiều giáo viên phải đi dạy thêm hoặc làm việc khác kiếm sống. Ảnh minh họa

Trong cấu trúc chương trình đào tạo ở các trường sư phạm chưa coi trọng việc rèn luyện nghiệp vụ sư phạm, điều đó thể hiện qua số lượng tín chỉ thực hành chiếm tỉ lệ thấp (chỉ 4,76%) trong tổng số tín chỉ toàn khóa. Đặc biệt, các môn học nghiệp vụ sư phạm rất thiên về lí thuyết, có phần tách rời với thực tế.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, phương pháp đào tạo giáo viên ở các trường sư phạm chưa có đổi mới tích cực, vẫn thiên về phương pháp lấy người học làm trung tâm, chưa gắn với thực tế, thực hành do tính tự học của sinh viên chưa cao.

Bà Nguyễn Thị Bình cũng cho biết, ngay cả trong công tác bồi dưỡng giáo viên hàng năm được Bộ GD&ĐT tổ chức cho giáo viên cũng chưa đáp ứng được yêu cầu, còn coi nhẹ kĩ năng sư phạm, hình thức bồi dưỡng chỉ là nghe giảng, tập trung, phương pháp này không thiết thực với giáo viên, và do vậy không tạo được động lực tự học, đây là điểm yếu nhất.

Đánh giá chung về Đề tài này, GS. Phạm Tất Dong – Chủ tịch Hội đồng phản biện khoa học cấp nhà nước cho biết, Đề tài này cơ bản đã hoàn thành nhiệm vụ đăng kí với nhà nước, tập trung đánh giá thực chất đội ngũ giáo viên, công tác đào tạo giáo viên, căn cứ vào yêu cầu hực tiễn như năng lực của nhà giáo để nêu lên các giải pháp.

“Kết quả thu được qua đề tài rất khách quan, có độ tin cậy, chính xác cần thiết. Đề tài chú trọng vào việc đào tạo theo hướng phát triển năng lực là đúng, vì chúng ta đang chủ trương phải làm cho nền giao dục thực học và thực nghiệp, cốt lõi ở đây là năng lực. Tôi nghĩ, vấn đề năng lực phải được khẳng định từ lâu mới đúng, vì trong lá thư đầu tiên ngày khai trường của nước VNDCCH, Cụ Hồ đã dặn các cháu là: Từ đây các cháu sẽ được hưởng một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các cháu”, GS. Dong nhận định.

Một số ưu điểm đáng chú ý của Đề tài này, theo GS. Phạm Tất Dong đó là: Đào tạo theo hướng tích lũy những tri thức, kĩ năng về chuyên ngành với tri thức kĩ năng về sư phạm là đúng. Giáo dục sư phạm bao giờ cũng phải thực hiện những chức năng lớn, chức năng xã hội hóa con người. Khẳng định nghề giáo là một nghề đặc thù, chính khẳng định như vậy mới nói tới lương của giáo viên. 

“Chúng tôi đánh giá từ nay tới năm 2020 nếu thực hiện tốt thì giáo viên của một nước công nghiệp, nhất lại là nước công nghiệp hội nhập quốc tế thì phải khác như thế nào?” GS. Dong đặt câu hỏi.

Cũng theo Chủ tịch Hội đồng khoa học, Đề tài “Nghiên cứu đề xuất các giải pháp cải cách công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phổ thông” do Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình làm chủ nhiệm được đánh giá ở mức xuất sắc. 

Chế độ tiền lương bất cập

Trong Luật giáo dục và Nghị định của Chính phủ đã thể hiện đầy đủ chủ trương trong Nghị quyết Trung ương 2, khóa 8 năm 1996 là: “Lương giáo viên được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp”, bên cạnh đó là các quy định về phụ cấp, ưu đãi nghề nghiệp, nhưng quá trình triển khai còn nhiều bất cập.

Những bất cập này dẫn đến nhà giáo không đảm bảo được mức sống hợp lí cho bản thân và gia đình, cũng dẫn đến bộ phận không nhỏ phải đi dạy thêm hoặc kèm học sinh ngoài giờ lên lớp, có giáo viên phải kiêm nhiều việc khác để đủ sống.
Bài tới: Linh động trong đào tạo sư phạm
Xuân Trung