Nhiệm vụ của giáo dục đại học là làm cho cung – cầu khớp nhau

24/12/2014 07:47
Xuân Trung
(GDVN) - Đây là mục tiêu và cũng là nhiệm vụ bức thiết trong thời gian tới của giáo dục đại học được GS. Trần Phương, nguyên Phó Thủ tướng mong muốn.

Trước thực trạng giáo dục đại học đang có sự lệnh pha trong quá trình đào tạo nguồn nhân lực, GS. Trần Phương nêu quan điểm, phải xác lập lại hệ thống giáo dục đại học, cơ cấu ngành nghề, có tổng kết, đánh giá nguồn nhân lực để người học có cơ hội lựa chọn ngành nghề phù hợp nhất, đáp ứng được yêu cầu công việc.

Bộ GD&ĐT không thể chịu trách nhiệm trước khuynh hướng chọn nghề

GS. Trần Phương, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, cho biết, chiến lược phát triển các trường Đại học, Cao đẳng thì từ năm 1986 trở về trước, đất nước thực thi cơ chế hóa tập trung, mỗi năm các cơ quan doanh nghiệp cần bao nhiêu sinh viên tốt nghiệp Đại học, Cao đẳng về ngành gì, bố trí như thế nào đều được nhà nước dự liệu. Song song với đó, các trường chỉ theo kế hoạch nhà nước để nhận chỉ tiêu đào tạo, sinh viên ra trường theo kế hoạch nhà nước để nhận vị trí công tác.

Nhiệm vụ của giáo dục đại học là làm cho cung – cầu khớp nhau ảnh 1

GS. Trần Phương mong muốn sắp tới giáo dục đại học sẽ đóng góp phần lớn nguồn nhân lực chất lượng cao cho công cuộc Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa đất nước. Ảnh Xuân Trung

Từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 6 ( năm 1986) đất nước dần từ bỏ cơ chế hóa tập trung, chuyển dần sang cơ chế thị trường. Trong bối cảnh đó, giáo dục đại học chịu tác động của ba lực lượng: Nguồn cung, lực cầu và khuynh hướng chọn nghề của sinh viên.

Nguồn cung có 450 trường Đại học, Cao đẳng, mỗi trường căn cứ vào năng lực đào tạo của mình mà quyết định đào tạo nghề gì, khi đó các trường chỉ biết nghề đó đáp ứng yêu cầu lao động, nhưng các trường không thể biết nhu cầu cụ thể là bao nhiêu? Chỉ khi sản phẩm đào tạo được đưa ra thị trường mới biết cung – cầu có ăn khớp với nhau hay không? 

Nhiệm vụ của giáo dục đại học là làm cho cung – cầu khớp nhau ảnh 2

Giải bài toán nhân lực chất lượng cao và mong muốn của nguyên Phó Chủ tịch nước

(GDVN) - Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình có đôi điều chia sẻ và mong muốn tương lai tốt đẹp hơn cho giáo dục đại học thông qua nhiều gợi ý cụ thể.

Lực cầu, đó là nhu cầu của thị trường lao động, các cơ quan doanh nghiệp quyết định, mỗi năm cần bao nhiêu nhân lực trình độ đại học, cao đẳng. Lúc này theo GS. Phương chỉ khi chúng ta tìm kiếm trên thị trường lao động mới biết nghề gì đủ, nghề gì thiếu, nghề gì thừa. Trong khi nguồn cung – cầu chưa khớp nối được với nhau thì lực lượng thứ ba (khuynh hướng chọn nghề của sinh viên) chen vào.

Nguyên Phó Thủ tướng Trần Phương cho biết, mỗi năm có hơn 1 triệu thanh niên tốt nghiệp THPT, trên 80% số này tiếp tục thi lên đại học, cao đẳng. Phần lớn sinh viên chọn những ngành, nghề nhàn hạ để học, ít sinh viên chọn ngành nghề phải xuống xí nghiệp, ra công trường. Thêm vào đó, nhiều sinh viên tốt nghiệp muốn tìm việc làm ở các đô thị lớn, do đó có hàng vạn sinh viên không kiếm được việc làm hoặc chưa kiếm được việc.

Trước thực trạng này, nhiều ý kiến chất vấn Bộ trưởng Bộ GD&ĐT vì sao lại để thực trạng này xảy ra? Quan điểm của GS. Trần Phương, không có một Bộ trưởng nào có thể chịu trách nhiệm về khuynh hướng chọn nghề, chọn chỗ làm của hàng vạn sinh viên. 

“Tác động nhiều chiều của ba lực lượng nêu trên đã khiến cho quy mô và cơ cấu của giáo dục đại học mang nặng tính tự giác, nghề thừa, nghề thiếu mà không có một thế lực hành chính nào điều khiển được. Có giải pháp nào không? Tôi cho rằng đã chấp nhận cơ chế thị trường thì không thể nào loại bỏ hoàn toàn sự không ăn khớp giữa cung – cầu, đó là quy luật. Nhưng chúng ta có thể giảm nhẹ sự không ăn khớp đó chủ yếu tác động vào nguồn cung, làm cho cung khớp với cầu ngày càng sát hơn” GS. Phương nêu quan điểm.

Cũng theo đó, để đảm bảo cho nhu cầu đào tạo sát với thị trường, GS. Phương đề nghị Bộ Lao động phối hợp với Cục thống kê công bố cập nhật nhu cầu lao động về từng nghành nghề, chỉ rõ những ngành nghề nào còn thiếu và đang thừa để các trường Đại học, Cao đẳng căn cứ vào đó điều chỉnh quy mô đào tạo. Lúc đó sinh viên có cơ sở để điều chỉnh khuynh hướng chọn ngành, nghề phù hợp. 

Phát triển đại học theo hướng đại chúng hóa

Nguyên Phó Thủ tướng Trần Phương cũng thừa nhận, nhìn vào bất cứ một tiêu chí nào của nền giáo dục đại học chúng ta cũng phải thừa nhận còn rất non yếu, nguồn nhân lực trình độ cao còn mỏng so với đòi hỏi của sự nghiệp công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước. Số trường đại học, cao đẳng tuy đã đạt 450 trường, nhưng quy mô trường còn quá nhỏ, tỷ lệ sinh viên/vạn dân so với bất cứ nước nào trong khu vực vẫn còn khoảng cách lớn. 

Nhiệm vụ của giáo dục đại học là làm cho cung – cầu khớp nhau ảnh 3

GS. Trần Hồng Quân tặng hoa và cảm ơn GS. Trần Phương vì những đóng góp của ông cho sự nghiệp giáo dục. Ảnh Xuân Trung

Căn cứ vào tình hình trên, GS. Trần Phương mong muốn cần tiếp tục phát triển giáo dục đại học theo hướng đại chúng hóa, từng bước nâng cao tỷ lệ sinh viên/vạn dân, đặc biệt phát triển mạnh hơn các ngành đào tạo về kỹ thuật và công nghệ. Do chất lượng đào tạo của các trường phần lớn còn thấp, do đó GS.Trần Phương cho rằng số lượng và chất lượng đào tạo có quan hệ biện chứng với nhau, nếu không đạt số lượng đến một mức nhất định thì cũng không có chất lượng. 

Đối với suy nghĩ của GS. Trần Phương, thì một trường đại học bé sẽ khó có thể cho ra được một chất lượng đào tạo tốt, và chất lượng đào tạo cũng khó có thể có trong một vài năm, đặc biệt với kinh phí đào tạo chỉ ở khoảng 500-700 USD/1 sinh viên như hiện nay. 

Nhiệm vụ của giáo dục đại học là làm cho cung – cầu khớp nhau ảnh 4Vươn lên vị trí hàng đầu với các tư duy tiên tiến

(GDVN) - Mong muốn của GS. Trần Hồng Quân-Nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Trưởng Ban vận động thành lập Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam.

Mặc dù vậy, cũng có thể nhìn nhận rằng giáo dục đại học của Việt Nam cũng chưa hẳn đã ở mức thấp. Theo GS. Trần Phương, chất lượng đào tạo cao hay thấp phải nhìn vào mức độ đáp ứng được nhiệm vụ, với những thành tựu kinh tế trong những năm qua không ai có thể phủ nhận công lao của các kỹ sư, cử nhân do các trường đào tạo ra, hoàn toàn không thua kém các kỹ sư, cử nhân được đào tạo ở nước ngoài. 

“Để phát triển giáo dục đại học trong điều kiện tài chính nhà nước có hạn, theo tôi phải đẩy mạnh xã hội hóa hơn. Xã hội hóa không chỉ là khuyến khích phát triển các trường ngoài công lập, mà còn xã hội hóa ngay cả các trường công lập. Phụ huynh sinh viên các trường ngoài công lập hay các trường công lập đều phải có trách nhiệm đóng góp kinh phí đào tạo con em của họ. Vì mọi công dân có nghĩa vụ đóng thuế cho nhà nước, vì vậy con em họ cũng phải có cơ hội được đào tạo như nhau, công bằng xã hội là ở chỗ này” GS. Trần Phương bày tỏ.

Theo đó, nhà nước sớm xóa bỏ bao cấp đối với sinh viên các trường công lập, tạo ra sự bình đẳng giữa các trường công lập và ngoài công lập. Chỉ những ngành nghề đặc biệt quan trọng đối với lợi ích quốc gia mới được ngân sách nhà nước ưu đãi. Đối với sinh viên nghèo nhà nước đã có quỹ cho vay, nên không có trở ngại gì trong việc xóa bao cấp.

Xuân Trung