Nhiều đại biểu đề nghị cải cách tiền lương cho giáo viên để đổi mới giáo dục

03/11/2017 14:23
Trinh Phúc
(GDVN) - “Chương trình sách giáo khoa cũng chỉ là một trong các yếu tố, quyết định thành công của đề án vẫn là yếu tố giáo viên".

Ngày 2/11, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 14, Quốc hội làm việc xung quanh nội dung việc lùi thời điểm triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới tại Nghị quyết số 88 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Trước kiến nghị Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào Tạo xin lù 1 năm đối với cấp tiểu học, 2 ngăm với cấp trung học cơ sở, 3 năm với cấp trung học phổ thông, đại biểu Dương Minh Tuấn - Bà Rịa - Vũng Tàu băn khoăn việc chỉ dời lại có 1 năm với giáo dục tiểu học thì có làm kịp hay không.

Đại biểu Quốc hội Dương Minh Tuấn đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu (ảnh quochoi.vn).
Đại biểu Quốc hội Dương Minh Tuấn đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu (ảnh quochoi.vn).

Ngoài ra, đại biểu Dương Minh Tuấn còn nêu ra nhiều ý kiến cử tri mong Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời như : “Sách giáo khoa mới có đắt tiền hơn sách cũ hay không?

Sách giáo khoa mới có đảm bảo được chu kỳ 12 năm hay không?.

Điểm lại, so sánh với Đề án VNEN hay Đề án Ngoại ngữ 2020. Đề án 2020 là đề án lớn, cũng thông qua Quốc hội, tuy nhiên đến nay thực hiện chưa đạt và bỏ ngỏ. Tôi cho rằng cần có sự liên kết để xem quá trình thực hiện các Đề án.

Đề án VNEN không thông qua Quốc hội, thực hiện tại 5.200 trường, đến nay cũng có chỗ bị bỏ dở và đề án gần như phải xem lại. Tôi đề nghị bộ cân nhắc thêm”.

Cũng liên quan đến vấn đề này, đại biểu Ngô Thị Kim Yến, thành phố Đà Nẵng có ý kiến: “Chương trình sách giáo khoa cũng chỉ là một trong các yếu tố, quyết định thành công của đề án vẫn là yếu tố giáo viên.

Tuy nhiên, đề án công tác đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục triển khai còn chậm.

Hơn nữa, có những môn học và hoạt động giáo dục mới so với chương trình hiện nay cần phải chuẩn bị đội ngũ giáo viên cho cả hệ thống giáo dục phổ thông”.

Đại biểu Triệu Thế Hùng đoàn Lâm Đồng (ảnh quochoi.vn).
Đại biểu Triệu Thế Hùng đoàn Lâm Đồng (ảnh quochoi.vn).

Đồng quan điểm, đại biểu Triệu Thế Hùng đoàn Lâm Đồng cho rằng: “Đề nghị khẩn thiết tăng cường những chính sách nhằm phục hưng truyền thống dân tộc về quý trọng và tôn vinh nghề dạy học, thực sự coi nghề dạy học phải là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, lao động của nhà giáo là lao động trí tuệ của giới trí thức.

Giáo viên cần phải được coi trọng đời sống tinh thần chứ không phải chỉ là quan tâm đến ưu tiên một số những chế độ về vật chất.

Nếu không thực sự coi trọng những giá trị của người thầy thì chương trình giáo dục phổ thông thay đổi dù có hay đến mấy, cơ sở vật chất chúng ta đầu tư có tốt đến mấy cũng khó lòng có thể thực hiện được có kết quả, bởi vì nhà giáo có một vai trò quyết định trong sự thành bại của sự nghiệp giáo dục”.

Đại biểu Cao Thị Giang đoàn Quảng Bình (ảnh quochoi.vn).
Đại biểu Cao Thị Giang đoàn Quảng Bình (ảnh quochoi.vn).

Đóng góp ý kiến, đại  biểu Cao Thị Giang đoàn Quảng Bình nhấn mạnh: “Thực tiễn của việc cải cách giáo dục - đào tạo từ những năm 80 đến nay đã đạt nhiều kết quả, song cũng đã để lại cho ngành giáo dục đào tạo không ít bài học xương máu của việc nóng vội, thiếu cân nhắc kỹ lưỡng về nội dung đổi mới, điều kiện cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên trong việc thực hiện yêu cầu đổi mới.

Nhiều nội dung cải cách làm kéo lùi chất lượng giáo dục như thay đổi chữ viết, chương trình, nội dung sách giáo khoa thiếu rà soát kỹ lưỡng, có nhiều sai sót, vì thế liên tục thay đổi, gây khó khăn cho việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ, gây tốn kém nguồn ngân sách quốc gia.

Điều gây hậu quả nghiêm trọng nhất đối với sự nghiệp cải cách giáo dục đào tạo thời gian qua chính là niềm tin của nhân dân”.

Vị đại biểu này cho rằng: “ Để việc thực hiện cải cách đưa lại hiệu quả, tránh lặp lại những hạn chế trong cải cách thời gian qua cần có thời gian cho việc biên soạn, thẩm định, lấy ý kiến các nhà khoa học, các nhà giáo.

Tiến hành, thực nghiệm các chương trình môn học, hoạt động giáo dục, biên soạn, thẩm định, thực nghiệm sách giáo khoa mới, bồi dưỡng tập huấn giáo viên, cán bộ quản lý đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình sách giáo khoa, giáo dục phổ thông”.

Đại biểu Nguyễn Thị Phúc đoàn Hưng Yên (ảnh quochoi.vn).
Đại biểu Nguyễn Thị Phúc đoàn Hưng Yên (ảnh quochoi.vn).

Đại biểu Nguyễn Thị Phúc đoàn Hưng Yên góp ý, khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông tổng thể tôi đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét một số tồn tại bất cập.

Về nội dung của chương trình tổng thể, đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nghiêm túc xem xét rất nhiều vấn đề cụ thể về nội dung chương trình mà các cán bộ giáo viên trong ngành đã tham gia góp ý xây dựng khi Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức xin ý kiến toàn ngành.

Nhiều đại biểu đề nghị cải cách tiền lương cho giáo viên để đổi mới giáo dục ảnh 5Bộ trưởng Nhạ: Các thầy cô đứng lớp sẽ được mời phản biện chương trình mới

“Về cơ sở vật chất phục vụ cho chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Hiện nay tình trạng quá tải số lượng học sinh trong một lớp rất phổ biến.

Điều mâu thuẫn ở đây là nếu giảm số học sinh trong một lớp cho phù hợp với nội dung, chương trình mới thì đồng nghĩa với việc tăng số phòng học, tăng số lượng giáo viên gây gánh nặng cho ngân sách và chủ trương tinh giản biên chế.

Đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý, một số môn học và hoạt động giáo dục theo dự thảo có tính tích hợp, nhưng nhà trường và giáo viên phổ thông đang bị động.

Giáo viên chưa được trang bị kiến thức liên môn, trong tư duy của phần lớn giáo viên vẫn đang là tích hợp cơ học.

Mặt khác, các trường sư phạm trong cả nước chưa đào tạo được đội ngũ giáo viên có thể tham gia giảng dạy ở nhiều lĩnh vực khoa học, trừ giáo viên ở bậc mầm non và tiểu học” vị đại biểu này nói.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh đoàn Vĩnh Long (ảnh quochoi.vn).
Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh đoàn Vĩnh Long (ảnh quochoi.vn).

Liên quan đến nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh đoàn Vĩnh Long cho rằng: “Sách giáo khoa là công cụ của sự đổi mới và cần phải được chuẩn bị thật tốt để có tính ổn định và lâu dài.

Tuy nhiên, kiến thức sách giáo khoa giáo dục phổ thông vốn đã là khoa học và cơ bản, việc thay đổi vẫn dựa trên nền tảng kiến thức đã có.

Điều quan trọng mang tính quyết định là chúng ta sử dụng công cụ đó như thế nào và bằng cách nào để nó trở thành tri thức và kỹ năng cho mỗi em học sinh”.

Vị đại biểu này còn có ý kiến thêm: “Nếu chúng ta có chương trình tốt nhưng đội ngũ nhà giáo chưa sẵn sàng, không tích cực hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thì mọi quá trình đổi mới đều không đạt hiệu quả mong muốn.

Đánh giá chung về năng lực đội ngũ và những thông tin trong thời gian vừa qua, về nhà giáo gắn bó, tận tụy với nghề dù đồng lương rất thấp, điều kiện sống và làm việc khó khăn nhưng chúng ta phải trân trọng và nhìn nhận rằng phần lớn đội ngũ nhà giáo là những người tâm huyết, có trách nhiệm, thích ứng tốt với sự thay đổi và có sự chuẩn bị về tâm thế để đổi mới.

Đề nghị Chính phủ sớm ban hành chính sách cải cách tiền lương sao cho vừa với sức cống hiến của nhà giáo, phải tạo động lực cho đội ngũ an tâm công tác và thực hiện đổi mới.

tôi đề nghị song song với quá trình triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới, cần đưa các chính sách về nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục”. 

Trinh Phúc