Những quyết định gây "sốc" Hiệu trưởng Đại học KTCN Thái Nguyên (Kỳ 3)

12/04/2012 06:00
Xuân Trung - Giàng A Cối
(GDVN) - Tại Trường ĐHKT Thái Nguyên, không chỉ có chuyện luân chuyển cán bộ gây "sốc" mà vấn đề quản lý tài sản ở trường cũng "không bình thường".
Như Báo Giáo dục Việt Nam đã phản ánh, những động thái “chuyển mình” tại Trường ĐH KTCN Thái Nguyên khiến không ít cán bộ đang công tác tại đây thắc mắc: Phải chăng, lãnh đạo nhà trường quá “độc đoán” ?
Chi vài chục triệu để phá bỏ mái cổng

Theo phản ánh của một số giảng viên tại trường này, trong thời gian Hiệu trưởng Phan Quang Thế lên nắm quyền (từ tháng 9/2011) đến nay đã cho chặt đi nhiều cây bóng mát có tuổi đời từ 5-12 năm. Ngoài ra, tự ý di chuyển 4 cây xanh do lãnh đạo Đảng và Nhà nước trồng lưu niệm tại trường ra vị trí gây phản cảm.
Ông Phạm Văn Nam, một nhân viên trồng cây lâu năm tại trường cho biết: 4 cây xanh của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước trồng do di chuyển nhiều lần nên đã có giấu hiệu chết.
Ông Phạm Văn Nam, một nhân viên trồng cây lâu năm tại trường cho biết: 4 cây xanh của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước trồng do di chuyển nhiều lần nên đã có giấu hiệu chết.

Cụ thể, theo lời của ông Phạm Văn Nam, một nhân viên trồng cây lâu năm tại trường cho biết, ông chỉ làm theo sự chỉ đạo của cấp trên. “Tôi được lãnh đạo gọi lên và tiến hành chặt hàng đa gồm 37 cây từ sau nhà thí nghiệm tới cuối nhà A9 vào ngày 23/11/2011 với giá thuê chặt là 50.000đ/cây. Lúc đầu cách một cây thì bỏ một cây, nhưng về sau không hiểu thế nào lại chặt hết sạch. Tôi tiếc lắm, bao công sức chăm bón mới được như vậy” ông Nam bùi ngùi.

Theo ông Nam, song song với việc chặt cây, Hiệu trưởng chỉ đạo “giải quyết” tiếp 98 cây cọ to trong khuôn viên trường (các cây cọ này được nhiều thế hệ lãnh đạo nhà trường trồng qua các thời kỳ - ông Nam) để chuyển ra làm hàng rào. “98 cây cọ này trước đó được các lãnh đạo nhà trường trồng vào những vị trí rất đẹp, chứ không trồng lung tung. Hơn nữa, bảo đánh ra làm hàng rào mà dùng máy xúc đào thì tỉ lệ sống rất thấp. Hiện đã có khoảng 10 cây chết, ngoài việc chặt hàng đa, cây cọ, cấp trên còn cho chặt 60 cây bóng mát (muồng hoa vàng, móng bò)”, ông Nam lắc đầu không hiểu việc làm của cấp trên. Ngoài ra, theo phản ánh của ông Cao Thanh Long, Phó Bộ môn Chế tạo máy – Khoa Cơ khí thì, Hiệu trưởng Phan Quang Thế chỉ đạo chuyển 4 cây đa do các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước trồng lưu niệm, từ vị trí giữa sân các khu nhà KTX K1 đến K6, đến vị trí trồng mới - gần với khu rác thải và nhà vệ sinh của dân cư Tổ T. Ba Nhất, phường Tích Lương – TP Thái Nguyên là việc làm gây phản cảm và không đúng với đạo lý “Uống nước, nhớ nguồn” cũng như không thể hiện được tình cảm trân trọng của nhà trường dành cho các vị Lãnh đạo Đảng và Nhà nước.
Sau khi có phản ánh, ngày 03/3/2012 lãnh đạo nhà trường chỉ đạo Phòng Quản trị phục vụ chuyển tiếp 4 cây đa trồng lại tại vị trí cạnh giảng đường A16. Như vậy, theo ông Long, chỉ trong có 9 tháng, 4 cây đa này bị di chuyển tới 3 lần: lần 1 vào tháng 6/2011, lần 2 vào tháng 11/2011 và lần 3 vào đầu tháng 3/2012; đặc biệt vị trí trồng cây lần thứ 2 không thích hợp với loại cây đa, nên 4 cây hiện nay có nguy cơ chết rất cao.
Ông Cao Thanh Long, Phó Bộ môn Chế tạo máy – Khoa Cơ khí chỉ vị trí 4 cây của lãnh đạo Đảng và Nhà nước được di chuyển ra vị trí phản cảm. Ông Long cho biết, việc làm của Hiệu trưởng là không đúng với đạo lí "Uống nước, nhớ nguồn”.
Ông Cao Thanh Long, Phó Bộ môn Chế tạo máy – Khoa Cơ khí chỉ vị trí 4 cây của lãnh đạo Đảng và Nhà nước được di chuyển ra vị trí phản cảm. Ông Long cho biết, việc làm của Hiệu trưởng là không đúng với đạo lí "Uống nước, nhớ nguồn”.

Chia sẻ với  chúng tôi, ông Nam cho biết: “Quan điểm của tôi là người trồng cây, tôi biết 4 cây đó không sống được, có những cây đã khô rồi (cây của Nguyên Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm trồng tặng). Các cây còn lại cũng không thể sống được".

Ngoài ra, Hiệu trưởng Phan Quang Thế cũng cho tháo dỡ cổng trường để làm mới. Cổng trường cũ được xây dựng cách đây 6 năm, tổng trị giá quyết toán lúc đó là gần 200 triệu đồng. Nhiều ý kiến cho rằng, đó là việc hủy hoại tài sản nhà nước, vi phạm Điều 21, Pháp lệnh Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và Điểm 2, ý 3, Nghị quyết số: 11/NQ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2011của Chính phủ về Thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt, cắt giảm đầu tư công...

Lãnh đạo trường nói gì?

Sau khi nắm bắt thông tin, để sự việc được đa chiều, khách quan chúng tôi đã có buổi làm việc với lãnh đạo nhà trường về những phản ánh trên.

Đây là hình ảnh cổng trường ĐH KTCN Thái Nguyễn trước khi bị dỡ xuống làm lại (hình trên) và cổng sau khi được xây dựng lại (hình dưới)
Đây là hình ảnh cổng trường ĐH KTCN Thái Nguyễn trước khi bị dỡ xuống làm lại (hình trên) và cổng sau khi được xây dựng lại (hình dưới)

Theo Phó Hiệu trưởng Nguyễn Như Hiển, việc chặt hàng cây đa là có lí do của nó. Ông Hiển cho rằng, hàng cây đa trồng quá dầy, lại dưới hàng cột điện nên không để lâu được. Ông Hiển cũng cho biết, chủ yếu “lo lắng” cho 4 cây đa của Lãnh đạo trồng lưu niệm, còn việc hàng đa kia thì không đáng bàn. Và, theo ông Hiển, những chuyện tiến bộ của nhà trường mọi người không thèm nhắc đến như việc xiết chặt thời gian làm việc, không có chuyện đi muộn về sớm như trước kia mà “bới móc” những chuyện đâu đâu.

Ông Phan Quang Thế - Hiệu trưởng nhà trường cũng thừa nhận, sau khi lên làm hiệu trưởng đã tiến hành “cải cách” hàng loạt. Chuyện chặt hàng đa, làm lại cổng chỉ là chuyện nhỏ, quan trọng là thay đổi bên trong từ nhà trường. “Thực ra, chuyện làm lại cổng là do cổng xuống cấp. Chúng tôi chỉ hất bỏ cái mái đi còn giữ lại hai cột chính. Còn hàng đa nằm dưới đường lưới điện mà cứ 3 mét một cây, thân đa nở to như thế, rễ bắt đầu đâm xuống nếu để lâu sẽ không được”, ông Thế giải thích.

Được biết, sau khi có phản ánh về những việc làm của lãnh đạo nhà trường, Đại học Thái Nguyên đã tiến hành thanh tra hàng loạt và có báo cáo số 128 gửi Thanh tra Bộ GD&ĐT, trong đó có nội dung về việc chặt cây, xây cổng với kết luận như sau: Phần mái của cổng trường với những hỏng hóc; các tấm lợp mái bị bung, các tấm trang trí bằng nhựa bị bong mất 5 tấm, các thanh nẹp và khung phụ bằng thép để gia cố các tấm lợp mái và trang trí bị rỉ, gẫy, khung chính vẫn còn tốt.

Vẫn theo báo cáo gửi Bộ GD&ĐT, chi phí cho sửa chữa cổng là 22 triệu, lô gô 26,8 triệu, cột cờ 17,6 triệu. Tổng là 66,4 triệu. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng, nhà trường chưa xin phép Sở Xây dựng, vì thế mới có chuyện vào ngày 12/1/2012 Thanh tra Sở Xây dựng Thái Nguyên đã lập biên bản tạm dừng thi công để làm thủ tục xin cấp phép.

"Phá cổng là liên quan đến thất thoát tài sản, tôi không biết vì cớ gì, mà lẽ ra tiền để làm lại cổng có thể để xây dựng xưởng thực tập cho trường. Bản thân tôi thấy xưởng thực tập của trường ĐH KTCN Thái Nguyên còn rất yếu. Từ khi còn làm Phó Giám đốc ĐH Thái Nguyên, tôi đã nhắc nhở nhà trường phải hết sức quan tâm đến xưởng thực tập, bởi trường ta là trường kỹ thuật. Các thế hệ máy chỉ có một số máy mới, còn phần lớn là những máy từ những năm 60, 70. Tôi muốn nói rằng, đây là trường kỹ thuật nên phải tiết kiệm tiền để tập trung vào xưởng là việc lớn.
 
Hàng đa tôi nghĩ chả có lỗi gì cả, mà chỉ đem lại lợi ích là ô-xi, không khí, nghĩa là tạo ra bầu không gian thoáng mát cho nhà trường. Bóng cây đã rất đẹp, chỉ cần sửa sang đi một chút là có chỗ cho sinh viên ngồi học, truy cập internet… là cách học rất văn minh. Khi chặt đi cũng là mất tiền, và tiền đó để xây dựng xưởng thì có lợi hơn".

PGS. TS Lê Lương Tài, Nguyên Phó Giám đốc ĐH Thái Nguyên
(Còn tiếp)
Xuân Trung - Giàng A Cối