Cô Thạch Kim Phượng - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lý Tự Trọng (thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) là một trong hai giáo viên của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu được Bộ Giáo dục và Đào tạo, Công đoàn Giáo dục Việt Nam tuyên dương trong Lễ Trao tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú và tuyên dương nhà giáo, cán bộ quản lý tiêu biểu năm 2021.
Từ bỏ ước mơ, đi học Sư phạm vì… có học bổng, rồi mới thấy yêu nghề giáo
Cô gái trẻ Thạch Kim Phượng tốt nghiệp trung học phổ thông năm 1991 với ước mơ trở thành thông dịch viên tiếng Anh, ước mơ ấy bỗng bị “vùi dập” vì biến cố của gia đình.
Em trai đi học phổ thông không có tiền học phí; bữa cơm hàng ngày không đủ gạo, khoai, chứ chưa nói đến thịt cá. Thạch Kim Phượng đành từ bỏ mơ ước của mình, vào học trường Trung học Sư phạm Bà Rịa - Vũng Tàu cho gần nhà, muốn có học bổng phụ giúp gia đình trải qua giai đoạn khó khăn nhất.
“Hai năm “giáo sinh”, là hai năm tôi cố gắng học thật tốt, để có học bổng “sinh viên giỏi”; tôi hạnh phúc với những tháng học bổng của mình; nhờ có nó, tôi đã gom góp tiền đóng học phí cho em trai đang học phổ thông, thêm bữa ăn có cá, có thịt trong gia đình có ba cha con.
Hai năm ấy đã lặng lẽ trôi qua nhưng tôi vẫn chưa hề có khái niệm “Mình sẽ là một cô giáo” – cô Thạch Kim Phượng ngậm ngùi chia sẻ.
Cô Thạch Kim Phượng - Trường Tiểu học Lý Tự Trọng thành phố Vũng Tàu nhận Bằng khen trong Lễ Trao tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú và tuyên dương nhà giáo, cán bộ quản lý tiêu biểu năm 2021. (Ảnh NVCC) |
Năm học 1993 - 1994, cô giáo Thạch Kim Phượng về công tác tại xã đảo Long Sơn “Nơi đầy khó khăn và gian khổ: không nước sạch, không điện, không phương tiện giao thông,…
Không thể quên được, mỗi ngày phải dậy sớm lúc hai, ba giờ sáng, ra cách đồng lúa “chắt” nước ở những hố trũng, nước đục như nước vo gạo về lóng phèn để nấu ăn và sinh hoạt.
Mọi công việc phải vội vã hoàn thành trước khi “ông mặt trời đi ngủ” bởi nếu chậm một chút thì giáo án sẽ chưa soạn xong, bài học sinh chấm còn dang dở…
Song với tôi đó không phải là vấn đề, bởi điều tôi cần hơn cả là đồng lương hàng tháng để lo cho em trai duy nhất của mình học đại học và thay mình thực hiện ước mơ năm nào.
Điều giữ chân tôi trong hai năm đầy gian nan này, đó là những cặp mắt trong trẻo của những đứa học trò có thể trạng to, cao hơn cô giáo tuổi hai mươi như tôi.
Học sinh lớp 5 xã đảo Long Sơn của tôi toàn là những “sinh viên” học đến hai, ba năm một lớp, do các em không có nhiều thời gian đầu tư cho việc học, bởi phải ra đùng kiếm cá, kiếm tôm,… cho cuộc sống hàng ngày.
Mỗi sáng, tôi hay nhận được quà từ các cô, cậu học trò của mình để ngay cửa sổ: lúc thì vài khoanh khoai mì luộc, lúc thì vài quả điều (đào lộn hạt) hay một nắm quả trâm rừng, hoặc một túi quả hồng quân…
Nhưng cũng có lúc quà tặng là món hải sản như cua, ghẹ, tôm tươi rói. Học trò nhận được từ tình cảm của cô giáo là những lần thắt tóc, thoa thuốc vào vết thương cho các em sau những lần nô đùa hay vết hàu cắt còn rớm máu; tôi và học trò, gần như là chị em, hơn là Thầy - Trò; rồi cứ thế, thấy yêu nghề giáo tự lúc nào”.
Đã từng muốn đổi nghề vì… mình còn quá trẻ
Sau hai năm “nghĩa vụ” trên xã đảo, cô giáo Thạch Kim Phượng được chuyển về trường Tiểu học Lê Lợi.
“Với tuổi trẻ, cá tính mạnh mẽ, bộc trực và đôi lúc hiếu thắng, tôi đã làm không ít đồng nghiệp của mình buồn phiền, tổn thương.
Tôi cũng có không ít lần nhận phải sự phản ứng tiêu cực của phụ huynh về phương pháp giáo dục cứng nhắc của mình đối với con cháu họ. Đã không dưới một lần, tôi đã nghĩ đến việc… bỏ nghề giáo.
Mỗi lần như vậy, tôi lại nhận được sự ân cần, nhẹ nhàng phân tích, dạy bảo, tha thứ và khuyên can của những người anh, người chị đi trước.
Mỗi lần vấp ngã, tôi đã nhận được những bài học quý giá. Tôi hiểu ra rằng: mình không chỉ dạy học sinh về kiến thức mà phải dạy các em làm người.
Mà để làm được điều này thì cực kì khó, mình phải bắt đầu đúng nghĩa là người Thầy, là người tử tế; từ đó, tôi luôn ý thức tự học, tự bồi dưỡng và tự hoàn thiện nhân cách của bản thân, sống đẹp hơn, tốt hơn với tất cả mọi người”, cô Phượng không ngại ngần nhắc đến những lần “vấp ngã” để rồi đứng dậy trong vòng tay nhân ái của đồng nghiệp.
Thành công sẽ đến khi bản thân mình là người tử tế, trao yêu thương cho học trò
Cô Phượng chia sẻ: “Trường Tiểu học Lê Lợi thật sự là ngôi nhà thứ hai của tôi, nơi tôi nhận được tình yêu thương của đồng nghiệp, của thầy cô giáo cũ, của phụ huynh, học sinh; nơi hình thành, vun đắp, bồi dưỡng từng bước cho tôi nhân cách của một Nhà giáo.
Gieo yêu thương, bạn sẽ nhận yêu thương, những hi sinh của tôi được bạn bè, đồng nghiệp, học sinh ghi nhận; thành công sẽ đến khi mình là người tử tế, tôi tin vào điều đó”.
Thành tích của cô giáo trẻ Thạch Kim Phượng thật đáng tự hào: Từ 1995 đến 2012: Luôn là giáo viên dạy giỏi cấp trường;
Từ năm học 2003-2004 đến năm học 2011- 2012: Là Giáo viên dạy giỏi cấp thành phố, Chiến sĩ thi đua cơ sở;
Năm học 2008-2009 đến năm 2011- 2012: Giáo viên dạy giỏi cấp Tỉnh;
Năm học 2008-2009, 2016-2017: Bằng khen của UBND tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu;
Năm học 2009-2010 và 2013-2014: Chiến sĩ thi đua cấp Tỉnh;
Năm 2012: Đạt Giáo viên dạy giỏi tiêu biểu cấp Quốc gia (Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phong tặng và vinh danh tại Đà Nẵng ngày 17/11/2012).
Giải pháp yêu thương, tôn trọng, lắng nghe đã đưa cô giáo muốn bỏ nghề trở thành cán bộ quản lý tiêu biểu
Với những gì đã cống hiến, sẻ chia yêu thương cho học trò, tháng 8/2012 cô Thạch Kim Phượng được bổ nhiệm làm Phó hiệu trưởng trường Tiểu học Lê Lợi, ngôi trường đã chứng kiến thăng trầm nghề giáo của cô.
“Yêu thương là giải pháp quan trọng nhất tôi đã áp dụng vào dạy học; giờ làm công tác quản ý, ngoài yêu thương, giải pháp quan trọng mà tôi áp dụng trong quản lý, đó là tôn trọng và lắng nghe ý kiến của anh chị em.
Để động viên được đồng nghiệp mình cùng thực hiện mục tiêu giáo dục, tôi phải là người làm trước, hi sinh trước vì nhà trường, vì học sinh; không cần nói, không khắt khe, tôi tin đồng nghiệp sẽ thấy, sẽ biết, sẻ chia, gánh vác công việc với mình.
Và cứ thế, anh chị em gọi tôi là người của công việc; thế nhưng, ngược lại, tôi thấy anh em làm việc nhiều hơn mình”.
Ở trường Lê Lợi hay sau khi chuyển về trường Tiểu học Lý Tự Trọng; quản lý chuyên môn mềm dẻo, linh động, tôn trọng ý kiến của đồng nghiệp, cô Thạch Kim Phượng còn tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện; công tác hoạt động phong trào của đồng bào dân tộc Khmer tại địa phương.
Trong hai năm qua có dịch Covid-19, vừa là giáo viên, cô Thạch Kim Phượng cũng là “chiến sĩ” chống dịch; cô tham gia, vận động các hoạt động thiện nguyện ủng hộ lực lượng tuyến đầu, tham gia các hoạt động tuyên truyền tại địa phương, trường học...
Cô Thạch Kim Phượng đã được ghi nhận bởi rất nhiều bằng khen, giấy khen của Ủy ban nhân dân tỉnh; Ủy ban nhân dân thành phố Vũng Tàu.
Năm 2014, 2019 đạt Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh; năm 2017, 2021 nhận bằng khen của Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Cán bộ quản lý tiêu biểu.
Cô Trần Thị Hồng Liên - Khối trưởng khối 1, Chủ tịch Công đoàn trường Tiểu học Lý Tự Trọng chia sẻ “Cô Thạch Kim Phượng là một người chị, một người đồng nghiệp, một người quản lý mà em luôn luôn kính trọng, nể phục bởi phong cách làm việc khoa học, sáng tạo, linh hoạt, bản lĩnh và tràn đầy nhiệt huyết, lòng đam mê với nghề.
Trong giai đoạn hiện nay, toàn ngành giáo dục đang thực hiện đổi mới chương trình giáo dục và đặc biệt hơn nữa là đang thực hiện các giải pháp ứng phó với dịch bệnh Covid-19, chị là người tiên phong, đi đầu, đưa ra các giải pháp kịp thời, hiệu quả, linh hoạt.
Năng lực chuyên môn rất giỏi, có tầm ảnh hưởng, lan toả trong toàn tỉnh. Chị luôn sống chan hoà, cởi mở với mọi người; giúp đỡ đồng nghiệp hết mình, mọi lúc, mọi nơi.
Chị Thạch Kim Phượng là người chị, người bạn, người lãnh đạo, là tấm gương tiêu biểu về phẩm chất, đạo đức lối sống; là tấm gương cho chúng em noi theo”.
Chúc cô Thạch Kim Phượng thật nhiều sức khỏe, mãi giữ được tấm lòng nhiệt huyết vì học sinh thân yêu, có nhiều hơn nữa cống hiến cho ngành giáo dục.