Nữ Phó giáo sư với công nghệ xanh giải bài toán “được mùa mất giá”

04/06/2021 06:45
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- 1kg dưa hấu tươi nếu không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sẽ có giá từ 2 nghìn đến 4 nghìn đồng, nhưng 1kg nước dưa hấu cô đặc có giá từ 250 nghìn đến 400 nghìn đồng.

“Năm 2011 tôi có đi làm Postdoc (nghiên cứu sinh hậu Tiến sĩ) ở Áo với chương trình hỗ trợ hợp tác giữa Áo và Việt Nam, trong đó có một chủ đề hỗ trợ nông nghiệp. Nhớ đến chuyện năm nào cũng có điệp khúc của người nông dân “được mùa mất giá”, tôi nghĩ ngay đến quả vải của Việt Nam, ý tưởng cô đặc nước quả vải cũng bắt đầu nhen nhóm, thôi thúc tôi.

Bắt tay vào quá trình nghiên cứu cô đặc nước ép quả vải để làm sao đưa ra công nghệ chế biến theo phương pháp mới. Nước ép hoa quả thường không để được lâu, nếu muốn bảo quản lâu bằng cách áp dụng công nghệ cô đặc nhiệt thông thường lại gặp trở ngại về chất lượng sản phẩm cô đặc. Nhiệt độ của quá trình cô đặc thường cao, gây ra sự biến đổi rõ rệt về hương vị, màu sắc và thành phần dinh dưỡng của nước ép.

Việc nghiên cứu để làm sao cô đặc được nước ép quả vải nhưng phải giữ được tối đa hương vị và thành phần dinh dưỡng... của nước quả nguyên liệu là mục tiêu hướng tới của công trình nghiên cứu, đó là công nghệ cô đặc nước quả nhiệt đới tích hợp các quá trình màng - JEVA”, Phó giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Minh Tân - Giám đốc Viện Nghiên cứu và Phát triển Ứng dụng Các Hợp chất Thiên nhiên, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, đã chia sẻ khi trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Tân: "Kết quả công nghệ xanh - JEVA của tôi có thể nói tạm thành công sau hơn 6 năm nghiên cứu”. Ảnh: Trần Công Đạt.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Tân: "Kết quả công nghệ xanh - JEVA của tôi có thể nói tạm thành công sau hơn 6 năm nghiên cứu”. Ảnh: Trần Công Đạt.

Phó giáo sư Tân, nói: “ Chúng tôi chú trọng phương pháp này và để giữ hương thơm tự nhiên đặc trưng của quả vải, đến lúc tiến hành mới thấy quả vải tuy rất ngọt nhưng hương vị rất ít và nhẹ không như nhiều loại quả khác. Chính vì hương quá ít nên quá trình giữ lại rất khó.

Ví dụ, quả tranh leo hoặc quả mít với vị tự nhiên của nó rất thơm và mạnh, nếu trong quá trình cô đặc mùi thơm bị giảm một chút thì vẫn không ảnh hưởng nhiều, còn quả vải mùi thơm đã rất nhẹ nên việc giữ lại được để khi dùng mọi người vẫn nhận ra mùi vị của nó thì đó là một việc không hề đơn giản, chỉ riêng việc giữ hương này chúng tôi nghiên cứu mất hơn 3 năm mới thành công.

Thời điểm đó việc nghiên cứu cô đặc nước quả vải tôi tiến hành đồng thời cả ở Áo và Việt Nam, Áo có phương tiện, máy phân tích, phòng thí nghiệm được trang bị đầy đủ các hệ thống thiết bị thích hợp cho nghiên cứu thử nghiệm…nhưng lại không có quả vải, trong khi đó quả vải ở Việt Nam cũng chỉ có mùa rất ngắn. Giai đoạn đầu, việc vận chuyển quả vải tươi từ Việt Nam sang Áo để phục vụ nghiên cứu là rất khó khăn nên tôi vận dụng mọi cách từ nhờ bạn bè xách tay, gửi chuyển phát nhanh…để quả vải sang đến Áo không bị hỏng.

Hơn nữa việc tiến hành nghiên cứu này là trên quả vải của Việt Nam nên tôi không thể dùng quả vải của Madagascar hay của nhiều nơi trên thế giới, thứ nhất là giá rất đắt và điều nữa là không phù hợp về đặc tính riêng. Kết quả công nghệ xanh - JEVA của tôi có thể nói tạm thành công sau hơn 6 năm nghiên cứu”.

Theo bà Tân: “Lúc đầu tôi và một thầy người Áo có ý định nghiên cứu ra công nghệ như vậy rồi áp dụng vào quả vải của Việt Nam, có thể hiểu đó là giải quyết về vấn đề công nghệ bởi đơn thuần tôi là nhà Khoa học.

Sau khi phát triển áp dụng trên quả vải với kết quả có thể nói khá ổn, lúc này tôi nhận thấy Việt Nam mình còn nhiều loại quả khác cũng có tình trạng “được mùa mất giá”, tôi đi rất nhiều vùng nông thôn, gặp gỡ người nông dân tìm hiểu thì thấy họ đang rất thiếu và cũng rất cần công nghệ sau thu hoạch.

Qua những lần gặp gỡ, lúc này người nông dân ở những vùng nguyên liệu hoa quả trong nước đã tìm đến tôi, họ “đặt hàng” tôi giúp họ giải quyết những vấn đề khó khăn mà họ đang gặp phải, từ đó tôi tiếp tục đẩy mạnh thêm nhiều nghiên cứu về cô đặc các loại hoa quả như: Cam, chanh, ổi, bí đao, chanh leo, dứa, mít, sầu riêng, bưởi, nho, mía, cà chua, dưa hấu, rau cần tây, mật ong…Người nông dân gặp khó chỗ nào là tôi nghiên cứu giúp họ giải quyết.

Nếu áp dụng công nghệ JEVA này sẽ giúp cho người nông dân ở Việt Nam có thể biến hoa quả mà họ sản xuất được thành những mặt hàng cô đặc có giá trị cao hơn, tránh phải bán rẻ khi thị trường cùng một thời điểm có quá nhiều sản phẩm tương tự, dẫn đến việc mất giá.

Nó góp phần tạo được giá trị gia tăng và đa dạng hóa sản phẩm cho hoa quả Việt Nam, chế biến từ nguyên liệu giá thành thấp thành sản phẩm xuất khẩu có giá trị cao. Ví dụ, 1kg dưa hấu tươi nếu không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sẽ có giá từ 2 nghìn đến 4 nghìn đồng, trong khi 1kg nước dưa hấu cô đặc đang được giao dịch hiện nay trên thị trường quốc tế có giá dao động từ 250 nghìn đến 400 nghìn đồng.

Sản phẩm nước quả cô đặc có nồng độ chất khô cao (khoảng 70°Brix) nên giảm thể tích vận chuyển, có thể bảo quản ở nhiệt độ thường trong thời gian dài, không cần qua thanh trùng, tiệt trùng, bảo quản lạnh cũng như không cần dùng bất cứ chất bảo quản nào".

Phó giáo sư Nguyễn Minh Tân: "Nếu áp dụng công nghệ JEVA này sẽ giúp cho người nông dân ở Việt Nam có thể biến hoa quả mà họ sản xuất được thành những mặt hàng cô đặc có giá trị cao hơn”. Ảnh: Trần Công Đạt.
Phó giáo sư Nguyễn Minh Tân: "Nếu áp dụng công nghệ JEVA này sẽ giúp cho người nông dân ở Việt Nam có thể biến hoa quả mà họ sản xuất được thành những mặt hàng cô đặc có giá trị cao hơn”. Ảnh: Trần Công Đạt.
Công nghệ cô đặc nước quả nhiệt đới tích hợp các quá trình màng - JEVA giúp nông dân giải quyết "được mùa mất giá". Ảnh: Trần Công Đạt.
Công nghệ cô đặc nước quả nhiệt đới tích hợp các quá trình màng - JEVA giúp nông dân giải quyết "được mùa mất giá". Ảnh: Trần Công Đạt.

Ưu điểm của công nghệ JEVA

Bà Tân cho biết: “Có thể hiểu Công nghệ JEVA (Juice EVAporation) có thể cô đặc dịch mẫn cảm nhiệt tại nhiệt độ thấp (nhỏ hơn 45°C) và tại áp suất thường. Ứng dụng công nghệ JEVA có thể sản xuất nước quả cô đặc với chi phí năng lượng thấp hơn nhưng lại đạt chất lượng sản phẩm cao hơn so với công nghệ bốc hơi nhiệt. Cùng với nguyên tắc làm mất nước, nhưng JEVA lại giữ được % chất lượng sản phẩm nhiều nhất so với các công nghệ cùng loại trên thế giới hiện nay.

Các công nghệ cùng loại hiện nay đều được đặt ở một nhà máy lớn và gần như việc di chuyển là không thể, nhưng bây giờ, JEVA chính là việc cải tiến được nhược điểm to, cồng kềnh. Với nguyên lý mới, chiếc máy này được tạo ra chỉ nhỏ bằng một chiếc tủ lạnh, có bánh xe để di chuyển. Người sử dụng giờ không chỉ là các công ty lớn nữa mà các công ty nhỏ hay thậm chí các hộ gia đình cá thể cũng có thể sử dụng được.

Thiết bị JEVA nhỏ gọn dễ dàng được di chuyển đến nhiều nơi tùy nhu cầu sản xuất cụ thể và có năng suất cô đặc dịch 80 lít dịch quả nguyên liệu trong 1 giờ tương đương với 10-15 tấn quả 1 ngày, tùy từng loại quả.

Thêm vào đó, hệ thống thiết bị có thể được điều khiển và vận hành từ xa thông qua mạng nội bộ hoặc mạng internet. Khi điều khiển vận hành, không cần nhiều công nhân vận hành và cũng không yêu cầu người vận hành phải có trình độ kỹ thuật cao.

Hạn chế lớn của công nghệ cô đặc nhiệt thông thường là tốn nhiều năng lượng, đặc biệt trong bối cảnh, thế giới đang phải tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường. Ưu thế công nghệ JEVA được gọi là công nghệ xanh hiện nay đang giảm được hơn 80% năng lượng sử dụng so với các giải pháp cũ cùng công suất”.

Nhà khoa học “của” nông dân

Bà Tân chia sẻ: “Đây là vấn đề cũ của xã hội, nhưng khác ở chỗ nó được giải quyết theo một cách thức mới. Tôi hy vọng công nghệ JEVA sẽ được ứng dụng trong nhiều ngành để giúp ích cho cộng đồng, cho xã hội và nhất là những bà con nông dân vất vả một nắng hai sương.

Thực sự, khi nghiên cứu khoa học cần có một niềm tin sắt đá rằng bây giờ chưa được, và 3 đến 4 năm sau chưa được cũng không sao, quan trọng sản phẩm của mình có một chân giá trị thì nhất định đến một thời điểm thích hợp nó sẽ được sử dụng đúng với giá trị của nó. Tâm niệm đó khiến tôi không bao giờ nản trong hành trình khoa học của mình.

Trước công nghệ JEVA, Phó giáo sư Nguyễn Minh Tân đã có rất nhiều các công trình nghiên cứu khoa học khác liên quan đến ngành công nghệ hóa học của bà. Một trong số đó phải kể đến là một công nghệ xử lý nước thải của ngành nhuộm vải.

Công nghệ này bà Tân đã phối hợp với các nhà khoa học của Cộng hòa liên bang Đức trong khuôn khổ một đề tài hợp tác khoa học theo nghị định thư hợp tác giữa Đức và Việt Nam, công nghệ được thí điểm tại Thành phố Đà Nẵng và đã cho kết quả khoa học rất tốt.

Nhưng rất tiếc sau đó công nghệ lại không được ứng dụng ở Việt Nam. Một công ty của Đức đã dựa vào kết quả nghiên cứu đó và sản xuất ra một dòng sản phẩm hiện đang được ứng dụng thành công ở các thị trường Châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản và đặc biệt là Trung Quốc”.

Những mẫu cô đặc của các loại nông sản được lưu giữ ở phòng thí nghiệm của PGS.TS. Nguyễn Minh Tân trong trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Trần Công Đạt.
Những mẫu cô đặc của các loại nông sản được lưu giữ ở phòng thí nghiệm của PGS.TS. Nguyễn Minh Tân trong trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Trần Công Đạt.
Thiết bị JEVA nhỏ gọn dễ dàng được di chuyển đến nhiều nơi tùy nhu cầu sản xuất cụ thể và có năng suất cô đặc dịch 80 lít dịch quả nguyên liệu trong 1 giờ tương đương với 10-15 tấn quả 1 ngày, tùy từng loại quả. Ảnh: Trần Công Đạt.
Thiết bị JEVA nhỏ gọn dễ dàng được di chuyển đến nhiều nơi tùy nhu cầu sản xuất cụ thể và có năng suất cô đặc dịch 80 lít dịch quả nguyên liệu trong 1 giờ tương đương với 10-15 tấn quả 1 ngày, tùy từng loại quả. Ảnh: Trần Công Đạt.

Phó giáo sư Tân chia sẻ thêm: “Khoa học như một trò chơi hấp dẫn, nó luôn mang lại cho tôi một niềm vui khi được làm một công việc chính đáng, có giá trị cho xã hội. Vì thế tôi luôn đối diện với nó bằng một niềm hăng say và thái độ nghiêm túc. Đây cũng là lý do tôi đã thu hút được rất nhiều cộng sự đắc lực cống hiến cho khoa học.

Thuyết phục không bằng lời nói hay phần thưởng mà bằng thái độ với công việc, đó là cách Tân thuyết phục các cộng sự cho team khoa học của mình. Khi tôi già yếu đến mức không đi được nhưng vẫn có người gọi điện hỏi tôi giải pháp về vấn đề này hay vấn đề kia của xã hội. Điều đó cho biết tôi vẫn còn giá trị với xã hội”.

“Công nghệ cô đặc nước quả - JEVA” nhận giải thưởng “Best Innovation Award” của Quỹ Đổi mới sáng tạo Toàn cầu Hitachi (năm 2020). Công nghệ cũng đạt giải Bạc tại Triển lãm Quốc tế về Sáng chế của Phụ nữ do Cục Sở hữu trí tuệ Hàn Quốc phối hợp với Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) và các Bộ liên quan của Hàn Quốc tổ chức tháng 6 năm 2019.

“Ðầu ra” của nông sản Việt vốn đã gặp nhiều khó khăn, nay lại càng khó khăn hơn khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Trong bối cảnh này, công nghệ công nghệ JEVA là một trong những giải pháp hữu hiệu nâng cao giá trị nông sản Việt, mở ra cơ hội cho ngành sản xuất, chế biến nông sản của Việt Nam khắc phục khó khăn, nâng cao giá trị hàng hóa nông sản khi xuất khẩu.

Tùng Dương