Nữ thủ khoa "săn" lỗ hổng bảo mật chia sẻ cách để sinh viên xin việc dễ dàng

15/12/2021 06:30
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Lê Mỹ Quỳnh được tập đoàn Oracle liên tiếp vinh danh trong hai năm 2020 và 2021, em được nhận thưởng 10.000 USD (khoảng 230 triệu đồng).

Hiện nay, ngành công nghệ thông tin được mở tại nhiều trường đại học và được coi là ngành hot khi điểm tuyển sinh đầu vào khá cao, thu nhập chung của người làm công nghệ thông tin cũng tốt so với mặt bằng chung. Tuy nhiên, thực tế không ít sinh viên ngành này khi ra trường thì không xin được việc hoặc làm trái ngành.

Vấn đề trên khiến nhiều người đặt câu hỏi, phải chăng do nguồn nhân lực ngành công nghệ thông tin đang cung vượt cầu hay vấn đề chất lượng đào tạo, năng lực học sinh...

Là thủ khoa tốt nghiệp ngành An toàn thông tin (Học viện Kĩ thuật mật mã) trong năm 2021, Lê Mỹ Quỳnh (sinh năm 1998, trú tại Hà Nội) nhận định việc học ngành công nghệ thông tin trong thời đại công nghệ 4.0 thì không khó để xin việc làm.

Tuy nhiên, một số bạn làm trái ngành hoặc không xin được việc làm có thể do các bạn không có niềm yêu thích, đam mê cũng như chưa thực sự có định hướng rõ ràng về công việc.

Lê Mỹ Quỳnh trong lễ vinh danh những thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện trên địa bàn Thành phố Hà Nội năm 2021. (Ảnh: NVCC)Lê Mỹ Quỳnh trong lễ vinh danh những thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện trên địa bàn Thành phố Hà Nội năm 2021. (Ảnh: NVCC)

Trong quá trình học, nếu sinh viên chưa xác định rõ được công việc bản thân sẽ làm trong tương lai, thì các bạn có thể dành thời gian để đi hỏi những anh chị đi trước hoặc thầy cô giáo.

"Khi xác định được mục tiêu học tập thì sinh viên nên tập trung học vào chuyên môn, để phục vụ cho các bạn sau này đi làm. Bên cạnh đó, sinh viên nên đi thực tập sớm từ năm 2, năm 3 khi còn đang đi học", Lê Mỹ Quỳnh cho hay.

Lê Mỹ Quỳnh cũng từng chứng kiến nhiều trường hợp học thêm ngành công nghệ thông tin trong vòng 6 tháng đến 1 năm, họ có thể kiếm được công việc phù hợp. Trong khi đó, những bạn sinh viên ngồi trên ghế nhà trường không xác định được mình sẽ làm gì, nên khi ra trường khó xin được việc đúng ngành học.

Chia sẻ về bản thân, Lê Mỹ Quỳnh cho biết, bản thân Quỳnh ngay từ năm 2 đã xin vào thực tập tại một tập đoàn lớn về công nghệ để học hỏi kinh nghiệm.

Trong quá trình học tại trường, đối với những môn về lý luận, không gây khó dễ với Quỳnh bởi khi còn học phổ thông, em cũng có năng khiếu về môn Lịch sử. Còn đối với những môn tự nhiên, chuyên ngành, thì năng khiếu trên cũng giúp em định hình về tư duy sự phát triển và hình thành của sự vật.

Bản thân em cũng biết cân bằng giữa việc học và chơi, để tâm lý thoải mái. Nếu cảm thấy căng thẳng về bài vở, em có thể vứt sách đó để chơi game thư giãn. Cựu nữ sinh trường trung học phổ thông Yên Hòa chia sẻ, việc em lựa chọn học trường Học viện Kỹ thuật mật mã với mong muốn ban đầu là giành học bổng du học.

Mục tiêu của Quỳnh đã đạt được sau khi kết thúc năm học đầu tiên, em giành học bổng toàn phần của Chính phủ để học công nghệ thông tin. Tuy nhiên, em băn khoăn việc sang nước ngoài sẽ mất nhiều thời gian cho quá trình học tiếng, học tập tại nước bạn nên em quyết định không đi.

Không đi du học, Quỳnh đặt ra mục tiêu và kế hoạch cho bản thân khi bước vào năm 2. Trong quá trình thực tập, em cùng các thành viên trong cơ quan tìm lỗ hổng trên các sản phẩm công nghệ của Oracle mà tập đoàn này đang sử dụng.

Đến giữa năm 2021, sau quãng thời gian nghiên cứu, Quỳnh đã tìm ra 9 lỗ hổng bảo mật, ngăn chặn sự xâm nhập của tin tặc từ các sản phẩm công nghệ của Oracle. Đây là loại lỗ hổng nguy hiểm nhất, chưa ai tìm ra, đồng nghĩa với việc chưa có bản vá.

Trong 9 lỗ hổng được Quỳnh phát hiện, 6 cái được đánh giá 9,8/10 về mức độ nghiêm trọng.

Để có được những thành công như ngày hôm nay, Lê Mỹ Quỳnh đã cố gắng nỗ lực nhiều trong học tập. (Ảnh: NVCC)
Để có được những thành công như ngày hôm nay, Lê Mỹ Quỳnh đã cố gắng nỗ lực nhiều trong học tập. (Ảnh: NVCC)

Trước thành công trên, Lê Mỹ Quỳnh được tập đoàn Oracle liên tiếp vinh danh trong hai năm 2020 và 2021, em được nhận thưởng 10.000 USD (khoảng 230 triệu đồng).

"Theo em để tìm kiếm được các lỗ hổng bảo mật '0 day', cần nắm chắc các kiến thức cơ bản về lỗ hổng bảo mật hay gặp. Đồng thời liên tục học hỏi các kỹ thuật tấn công mới, cần phải kiên trì vì quá trình tìm kiếm lỗ hổng này cần kéo dài", Lê Mỹ Quỳnh chia sẻ.

Chia sẻ thêm về bản thân, Lê Mỹ Quỳnh cho biết, hiện nay em vẫn đang làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu bảo mật, tại đơn vị công nghệ thông tin mà em gắn bó từ năm 2.

Về tương lai, Quỳnh cũng chưa có dự định là học cao hơn hay đi du học. Quỳnh muốn tập trung trau dồi các kinh nghiệm thực chiến.

Thầy Nguyễn Văn Bình, Hệ trưởng Hệ Quản lý sinh viên, Học viện Kỹ thuật Mật mã cho hay, em Lê Mỹ Quỳnh sau 5 năm học tập tại trường đã tốt nghiệp thủ khoa đầu ra của Học viện Kỹ thuật Mật mã với điểm số 3,5/4 và được vinh danh trong Lễ vinh danh thủ khoa các trường đại học, học viện tại Hà Nội vào tháng 11 vừa qua.

Thầy Bình đánh giá, Quỳnh có tính tự giác, kỷ luật cao, nên giành được nhiều thành tích cao trong quá trình học tập tại trường.

Mạnh Đoàn