PGS. Huỳnh Quyết Thắng: Nâng trường đại học thành "đại học" là theo đúng xu thế

05/11/2021 06:49
Thùy Linh (thực hiện)
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Trong năm học 2021-2022, Bách khoa Hà Nội dự kiến thành lập thêm 2 trường mới liên quan đến hai lĩnh vực quan trọng khác là Vật liệu và Hóa-Sinh-Môi trường.

Ngày 14/10/2021, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội công bố quyết định thành lập 3 trường gồm: Trường Cơ khí (trên cơ sở tổ chức lại Viện Cơ khí, Viện Cơ khí động lực và Viện Khoa học và Công nghệ Nhiệt - Lạnh); Trường Điện - Điện tử (trên cơ sở tổ chức lại Viện Điện, Viện Điện tử Viễn thông và Viện Nghiên cứu quốc tế về thông tin đa phương tiện, truyền thông và ứng dụng (MICA)) và Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông (trên cơ sở tổ chức lại Viện Công nghệ thông tin và Truyền thông).

Theo lãnh đạo Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, mục tiêu cụ thể cho việc thành lập 3 trường, đó là: Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ phát triển mạnh mẽ 3 lĩnh vực Cơ khí, Công nghệ thông tin và Truyền thông, Điện - Điện tử; các trường sẽ thực hiện đào tạo và nghiên cứu tốt nhất để mỗi nhóm ngành tương ứng được xếp thứ hạng 300-400 của thế giới theo bảng xếp hạng QS vào năm 2025 (mức xếp hạng năm 2021 là 401-450).

Trước dấu mốc quan trọng này, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với Phó giáo sư Huỳnh Quyết Thắng - Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội về mục đích và lợi ích trong lộ trình nâng trường đại học lên thành đại học.

Phóng viên: Xin Phó giáo sư cho biết vì sao Nhà trường lại đưa ra mục tiêu nâng trường đại học thành đại học?

Phó giáo sư Huỳnh Quyết Thắng: Chúng tôi hiểu rằng đây là một quá trình phát triển của giáo dục đại học theo đúng xu thế của giáo dục đại học thế giới và chủ trương của Đảng, của Chính phủ.

Phó giáo sư Huỳnh Quyết Thắng - Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội (ảnh: NVCC)

Phó giáo sư Huỳnh Quyết Thắng - Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội (ảnh: NVCC)

Chính vì vậy, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã có sự chuẩn bị để đảm bảo ba yếu tố:

Thứ nhất, quyết tâm của tập thể lãnh đạo Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và các đơn vị trong trường về sự cần thiết phải thay đổi;

Thứ hai, cần có nghiên cứu và chọn lọc những mô hình quản trị giáo dục đại học tiên tiến của thế giới và bài học các mô hình đại học ở Việt Nam để xây dựng mô hình phù hợp cho mình;

Thứ ba, truyền thông để có sự thấu hiểu và đồng lòng của cán bộ, giảng viên, và người học.

Vậy người học sẽ được hưởng lợi ích gì và cơ sở giáo dục đại học sẽ giải quyết được những mục tiêu lớn nào khi chuyển đổi mô hình trường đại học thành đại học, thưa Phó giáo sư?

Phó giáo sư Huỳnh Quyết Thắng: Khi chuyển đổi mô hình trường đại học thành đại học thì các thầy cô trong Nhà trường có cơ hội tham gia các nhóm chuyên môn khác nhau và đề xuất những hướng chuyên sâu mới cho phát triển các lĩnh vực của Đại học Bách khoa Hà Nội. Đồng thời, cơ hội này cũng đi đôi với thách thức, buộc các thầy cô phải luôn trau dồi kiến thức và thực hiện nghiên cứu.

Đối với sinh viên, nhờ tối ưu sử dụng cơ sở vật chất và hình thành các nhóm chuyên môn sâu, nội dung giảng dạy, phương pháp học tập, và điều kiện thực hành ở từng môn học đều có sự đổi mới.

Bên cạnh đó, các nhóm nghiên cứu rất cần sự tham gia của sinh viên. Các hoạt động khơi dậy lòng đam mê, sự sáng tạo của các em khi làm việc với các thầy cô ở phòng thí nghiệm nghiên cứu sẽ tạo động lực cho các em phát triển bản thân. Đây là một trong những điểm mấu chốt của lợi ích cho cả sinh viên, giảng viên và cho Đại học Bách khoa Hà Nội khi thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu, đổi mới sáng tạo.

Mô hình đào tạo (cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ) với bộ chuẩn chương trình đào tạo và quy chế đào tạo chung, phương thức tuyển sinh đầu vào với sự cân đối và phù hợp về quy mô và năng lực đào tạo các ngành, lĩnh vực chuyên môn được áp dụng thống nhất trong toàn được áp dụng thống nhất trong toàn Đại học Bách khoa Hà Nội. Như thế, quan điểm “một Bách khoa Hà Nội” thể hiện sự thống nhất về mục tiêu phát triển, giá trị cốt lõi, chuẩn mực và chất lượng của toàn Đại học Bách khoa Hà Nội.

Hiện, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội có đội ngũ giảng viên cơ hữu trên 1.100 người; trong đó gần 80% có trình độ tiến sĩ, quy mô đào tạo của Trường đạt trên 35.000 người học với 65 chuyên ngành đại học, 47 chuyên ngành cao học, 32 chuyên ngành tiến sĩ.

Để bảo đảm chuyển đổi mô hình diễn ra thành công thì Nhà trường đã chuẩn bị những gì, thưa Phó giáo sư?

Phó giáo sư Huỳnh Quyết Thắng: Có thể nói, sự chuyển đổi này đã được chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng, cẩn trọng và được thực hiện với tinh thần quyết liệt, đảm bảo sự phát triển của Đại học Bách khoa Hà Nội giai đoạn 2021-2025 và xa hơn nữa.

Kế hoạch xây dựng Đề án chuyển đổi được làm nghiêm túc, khoa học; kế thừa những kết quả và kinh nghiệm của quá trình thực hiện tự chủ suốt thời gian dài của nhà trường.

Do đó việc thành lập 3 trường thuộc Trường Đại học Bách khoa Hà Nội là dấu mốc quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển của nhà trường; trong đó thực hiện xây dựng mô hình tổ chức quản trị, phát triển Trường Đại học Bách khoa Hà Nội thành Đại học Bách khoa Hà Nội.

Việc thành lập trường thuộc trường sẽ tăng quyền tự chủ cho các đơn vị. Tuy nhiên, khác với các trường đại học thành viên trực thuộc Đại học Quốc gia hay đại học vùng, những trường thuộc Trường Đại học Bách khoa Hà Nội không có tư cách pháp nhân, nên việc cấp bằng tốt nghiệp vẫn do Trường Đại học Bách khoa Hà Nội thực hiện.

Chính điều này đảm bảo sự gắn kết giữa sinh viên, cựu sinh viên với vị thế và danh tiếng của Đại học Bách khoa Hà Nội.

Dự kiến sẽ có thêm các trường nào được thành lập tiếp theo trong kế hoạch chuyển đổi mô hình thành đại học, thưa Phó giáo sư?

Phó giáo sư Huỳnh Quyết Thắng: Việc thành lập 3 trường là một mốc dấu quan trọng trong quá trình thực hiện đổi mới mô hình tổ chức quản trị. Trong năm học 2021-2022, nhà trường dự kiến thành lập thêm hai trường mới liên quan đến hai lĩnh vực quan trọng khác là Vật liệu, và Hóa-Sinh-Môi trường.

Trong năm học 2022-2023, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội tiếp tục quy hoạch một số lĩnh vực còn lại, thành lập thêm một số trường mới, chuyển các đơn vị còn lại thành các khoa đào tạo, các viện và trung tâm nghiên cứu theo đúng quy định của Luật Giáo dục đại học. Như thế, trong giai đoạn 2023-2025 và đến năm 2030, nhà trường sẽ phát triển mạnh mẽ hơn những lĩnh vực là thế mạnh của mình.

Trân trọng cảm ơn Phó giáo sư Huỳnh Quyết Thắng.

Theo Luật Giáo dục đại học sửa đổi, bổ sung năm 2018 thì trường đại học được hiểu là cơ sở đào tạo, nghiên cứu nhiều ngành; Đại học được hiểu là cơ sở giáo đào tạo, nghiên cứu nhiều lĩnh vực với các đơn vị cấu thành cùng thống nhất thực hiện mục tiêu, sứ mạng, nhiệm vụ chung; và lĩnh vực được hiểu là tập hợp các nhóm ngành có điểm chung về kiến thức, kỹ năng chuyên môn trong phạm vi hoạt động nghề nghiệp, khoa học và công nghệ.

Thùy Linh (thực hiện)