PGS. Trần Xuân Nhĩ: "Không kì vọng nhiều vào dự luật Đại học"

25/05/2012 06:24
Bích Thảo (Thực hiện)
(GDVN) - "Dự luật còn nhiều điểm chưa rõ ràng, mà chính sự chưa rõ ràng này kìm hãm sự phát triển của nền giáo dục nói chung và các trường NCL nói riêng" Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Xuân Nhĩ nhận định.
Hôm nay (25/5), Quốc hội sẽ thảo luận để thông qua Dự luật Giáo dục Đại học. Dự luật này có thực sự được sự đồng tình ủng hộ của những chuyên gia giáo dục hàng đầu? Báo Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với PGS. TS Trần Xuân Nhĩ – Nguyên thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trước giờ thông qua dự luật.

PGS. TS Trần Xuân Nhĩ – Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo
PGS. TS Trần Xuân Nhĩ – Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo

Dự luật còn nhiều điểm chưa hoàn chỉnh

- Thưa PGS. TS Trần Xuân Nhĩ, ông có đánh giá như thế nào về Dự thảo luật giáo dục đại học sắp ban hành?

PGS. TS Trần Xuân Nhĩ: Tôi vừa mới xem kĩ lại dự luật và thấy rằng nó có rất nhiều vấn đề. Đặc biệt trong dự thảo này có còn những điều 21, 22, 23, 24, 25 tôi đọc cũng không hiểu là áp dụng cho các trường ĐH Công lập (CL) hay Ngoài Công lập (NCL). Nếu tư thục phải chịu trách nhiệm thì cần phải nói rõ là ĐH NCL, còn trong luật này khó có thể hiểu được là trường của Nhà nước hay trường tư thục. 
Cơ sở giáo dục do vốn của nước ngoài đầu tư thì như thế nào? Vốn trong nước đầu tư thì ra sao? Ngoài nước thì cần phải có chính sách như thế nào? Cần phải ghi rõ ràng, cụ thể hơn nữa.

PGS. TS Trần Xuân Nhĩ: Hiện nay có hệ thống các trường ĐH Quốc Gia và ĐH Vùng. Đó cũng chính là một sự phân tầng. Và sự phân tầng này lại không mang nhiều ý nghĩa. Khi tôi đến các trường, tôi được nghe các trường bình luận rất nhiều. Các trường thành viên phải thông qua một tầng quản lí nữa và họ cho rằng như vậy là mất quyền tự chủ. Chưa có khẳng định, thẩm định đánh giá thế nào là sự phân tầng chuẩn mực, đúng đắn đã đưa vào luật là không nên.

Cơ chế phân tầng có ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển của các trường NCL, thưa ông?

PGS. TS Trần Xuân Nhĩ: Phân tầng đối với các trường NCL là sự phân chia đẳng cấp giữa các trường. Một bên là những trường đã có lịch sử lâu đời, có uy tín, danh tiếng với một bên là các trường mới thành lập còn non trẻ. Sự phân tầng khiến cho các trường mới thành lập bị cho rằng thấp kém hơn và mặc nhiên như vậy thì học sinh lựa chọn trường này rất ít. Và như thế thì không biết đến bao giờ các trường mới thành lập có thể phát triển được.

Vì thế tôi cho rằng rất cần thiết dành một khoảng thời gian nhất định để cho các trường vươn lên tự khẳng định mình sau đó mới áp dụng sự phân tầng. Chỉ như thế mới công bằng và tạo điều kiện để các trường NCL phát triển được, mà sự phát triển của trường NCL cũng chính là thúc đẩy nền giáo dục Việt Nam tiến lên. 

Lợi nhuận hay phi lợi nhuận đều chưa rõ ràng

Thưa ông trong dự luật có nói đến yếu tố lợi nhuận và phi lợi nhuận của các trường ĐH NCL, ông nghĩ sao về vấn đề này?

PGS. TS Trần Xuân Nhĩ: Trong dự thảo đúng là có nhắc đến yếu tố lợi nhuận và phi lợi nhuận nhưng lại chưa nói một cách rõ ràng, cụ thể. Thế nào là lợi nhuận, thế nào là phi lợi nhuận? 

Phi lợi nhuận chỉ có được khi nguồn tài chính có dư và chia đều cho các cổ đông một cách hợp lí nhất. Hợp lí ở đây là khi với những người trong hội đồng cổ đông góp vốn hình thành lên ngôi trường này hưởng nguồn tiền thu lại được chỉ bằng hoặc là hơn lãi suất ngân hàng một chút ít thôi. Nguồn tài chính còn lại đưa vào trang bị thêm cơ sở vật chất, cải thiện chất lượng đào tạo cho trường. 

Ngược lại những trường mở ra để thu thật nhiều tiền mà không chịu đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất là những trường ĐH theo mô hình lợi nhuận.

Xin ông cho biết thực trạng của mô hình trường ĐH lợi nhuận và phi lợi nhuận?

PGS. TS Trần Xuân Nhĩ: Mô hình đào tạo phi lợi nhuận này rất cần được khuyến khích nhân rộng. Tuy nhiên thực trạng lại không mấy khả quan, vì các trường thực sự đi theo con đường phi lợi nhuận chưa phải là nhiều và vẫn còn rất khó phân biệt. 

Theo ông, đánh giá thì dự thảo luật lần này có “thiên vị” giữa trường CL và trường NCL?

Dự luật còn nhiều điểm chưa rõ ràng, mà chính sự chưa rõ ràng này kìm hãm sự phát triển của nền giáo dục nói chung và các trường NCL nói riêng. Đối với trường NCL nếu như luật quy định một cách chặt chẽ, đúng đắn và rõ ràng chắc chắn sẽ giúp cho giáo dục NCL phát triển mạnh mẽ hơn. Nếu như chỉ phát triển một mô hình giáo dục CL thì sẽ không thể tạo thành một đôi cánh vững chắc để nền giáo dục phát triển.

Do đó, muốn nền giáo dục phát triển một cách toàn diện thì cần phải tạo điều kiện công bằng hơn cho sự phát triển của trường NCL. Tuy nhiên vì dự thảo này chưa hoàn chỉnh nên tôi cũng không quá kì vọng vào sự phát triển một cách toàn diện của nền giáo dục cũng như các trường NCL.

Bích Thảo (Thực hiện)