Quy định sữa tươi cho học đường đã có, sao lại quy chụp Bộ Y tế chưa ban hành?

10/08/2019 06:16
Hồng Thủy
(GDVN) - Cơ quan tham mưu nào mà nay nói kiểu này, mai nói kiểu khác liệu có đáng tin? "Dư luận" chụp mũ Bộ Y tế chưa ban hành quy chuẩn sữa học đường, là sai sự thật.

Báo Nhân Dân ngày 9/8/2019 có bài, Mòn mỏi chờ quy chuẩn về Sữa học đường, phản ánh:

Chưa đầy tháng nữa, năm học mới sẽ bắt đầu. Thế nhưng ngành giáo dục và các doanh nghiệp sữa vẫn đang loay hoay chưa biết căn cứ vào quy định nào để thực hiện đấu thầu Chương trình Sữa học đường. [1]

Cùng ngày, Báo Quân đội Nhân dân có bài, Bộ Y tế cần khẩn trương ban hành hướng dẫn tiêu chuẩn sữa học đường. [2]

Ảnh chụp màn hình kết quả tìm kiếm tin tức trong 24 giờ bằng từ khóa "sữa học đường" "bộ y tế" trên Google.
Ảnh chụp màn hình kết quả tìm kiếm tin tức trong 24 giờ bằng từ khóa "sữa học đường" "bộ y tế" trên Google.

Bài viết nhắc đến Quyết định số 5450/QĐ-BYT ngày 28/9/2016 của Bộ Y tế về việc quy định sản phẩm sữa tươi phục vụ chương trình Sữa học đường, nhưng hoàn toàn bỏ qua Điều 1 của quyết định này quy định về các loại sữa tươi được phép dùng cho chương trình.

Thay vào đó, bài viết chỉ xoáy vào Điều 2, Quyết định số 5450/QĐ-BYT nói trên về việc giao cho Viện Dinh dưỡng chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan tiến hành nghiên cứu, tổng hợp nhu cầu vitamin, khoáng chất ở trẻ Việt Nam và quy định của quốc tế, đề xuất bổ sung vào sữa dùng cho Chương trình Sữa học đường và báo cáo Bộ Y tế.

Sau khi mô tả quá trình đề xuất bổ xung vi chất từ phía Viện Dinh dưỡng và xây dựng dự thảo thông tư, bài báo kết luận: dư luận không khỏi bức xúc trước câu hỏi: Tại sao cho đến nay Bộ Y tế vẫn chưa ban hành bộ quy chuẩn về sữa học đường?

Cũng với cách phớt lờ Điều 1, Quyết định số 5450/QĐ-BYT nói trên, Báo An ninh Thủ đô ngày 9/8/2019 có bài, Ba năm vẫn "loay hoay", chưa có quy chuẩn cho sữa học đường?, đặt vấn đề:

Dư luận đang đặt câu hỏi vì sao việc ban hành thông tư quy định đối với sữa tươi phục vụ chương trình sữa học đường đến nay vẫn chậm trễ, phải chăng vì quy định này đang động chạm đến “lợi ích nhóm”?  [3]

Lô gô sản phẩm phục vụ chương trình Sữa học đường của Bộ Y tế.
Lô gô sản phẩm phục vụ chương trình Sữa học đường của Bộ Y tế.

Quy định về sản phẩm sữa tươi cho Chương trình Sữa học đường đã có từ ngày 28/9/2016

Điều 1, Quyết định số 5450/QĐ-BYT đã nêu rất rõ: 

Các sản phẩm sữa tươi thuộc phạm vi điều chỉnh của Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia đối với các sản phẩm sữa dạng lỏng QCVN 5-1:2010/BYT đáp ứng với các Quy định về kỹ thuật và Quy định về quản lý của Quy chuẩn này được sử dụng trong Chương trình Sữa học đường.

4 loại sữa tươi theo QCVN 5-1:2010/BYT được phép sử dụng cho Chương trình Sữa học đường gồm: sữa tươi nguyên chất thanh trùng; sữa tươi thanh trùng; sữa tươi nguyên chất tiệt trùng; sữa tươi tiệt trùng.

Đây chính là các sản phẩm sữa tươi vẫn được lưu thông trên thị trường từ nhiều năm qua.

Đừng gây sức ép vô lý lên Bộ Y tế, làm méo mó Sữa học đường của Chính phủ
Đừng gây sức ép vô lý lên Bộ Y tế, làm méo mó Sữa học đường của Chính phủ

Hơn nữa, theo Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật số 68/2006/QH11, quy chuẩn kỹ thuật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành dưới dạng văn bản để bắt buộc áp dụng.

Nói cách khác, QCVN 5-1:2010/BYT là văn bản quy phạm pháp luật để bắt buộc áp dụng.

Vì vậy, những "dư luận" nào đang cho rằng Bộ Y tế loay hoay, chậm trễ, thậm chí "bức xúc""Bộ Y tế chưa ban hành quy chuẩn sữa học đường", là hoàn toàn sai sự thật, mang tính công kích và quy chụp đối với Bộ Y tế.

Bộ Y tế không nên chạy theo, đáp ứng nhu cầu và lợi ích không chính đáng của một số tập thể, cá nhân

Như đã phân tích ở trên, quy chuẩn sản phẩm sữa tươi phục vụ chương trình Sữa học đường đã có từ ngày 28/9/2016 với 4 loại sữa tươi theo QCVN 5-1:2010/BYT.

Có điều, một số "dư luận" đang cố tình đánh đồng quy chuẩn sản phẩm sữa tươi phục vụ chương trình Sữa học đường trong Điều 1 Quyết định số 5450/QĐ-BYT với nhiệm vụ nghiên cứu tổng hợp nhu cầu vitamin và khoáng chất ở trẻ em Việt Nam mà Bộ Y tế giao cho Viện Dinh dưỡng chủ trì, báo cáo Bộ.

Nói cách khác, điều một số "dư luận" đang nóng lòng, mòn mỏi chờ đợi và trách cứ Bộ Y tế, là vấn đề có bổ sung vi chất vào sữa tươi phục vụ chương trình Sữa học đường hay không, nếu có thì bổ sung bao nhiêu loại và là những loại nào.

Nhưng ngay chính một số tập thể, cá nhân đang ra sức thúc đẩy Bộ Y tế ban hành thông tư về việc bổ sung vi chất vào sữa tươi phục vụ chương trình Sữa học đường, cũng tiền hậu bất nhất, nay nói kiểu này, mai nói kiểu khác.

Cùng là chuyên gia Viện Dinh dưỡng, Phó giáo sư Tiến sĩ Bùi Thị Nhung khuyến nghị bổ sung 3 vi chất, còn Thạc sĩ - bác sĩ Trần Khánh Vân ủng hộ bổ sung 17 vi chất vào sữa tươi phục vụ chương trình Sữa học đường.
Cùng là chuyên gia Viện Dinh dưỡng, Phó giáo sư Tiến sĩ Bùi Thị Nhung khuyến nghị bổ sung 3 vi chất, còn Thạc sĩ - bác sĩ Trần Khánh Vân ủng hộ bổ sung 17 vi chất vào sữa tươi phục vụ chương trình Sữa học đường.

Thứ nhất là Viện Dinh dưỡng.

Ngày 17/9/2018, Viện Dinh dưỡng có công văn số 437/DDHĐ&NN gửi Cục An toàn thực phẩm, khuyến nghị Cục An toàn thực phẩm báo cáo Bộ Y tế về việc đề xuất các vi chất trong sửa sử dụng cho chương trình Sữa học đường.

Theo đó Viện Dinh dưỡng khuyến nghị nên bổ sung 3 vi chất vào sữa tươi phục vụ chương trình Sữa học đường, gồm vitamin D (1-1,4 ug), sắt (1,4-1,9 mg), canxi (114-150 mg).

Phó giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị Nhung - Trưởng khoa Dinh dưỡng trường học, Viện Dinh dưỡng đã từng nhiều lần phân tích rất kỹ về khuyến nghị của Viện Dinh dưỡng bổ sung 3 vi chất này vào sữa tươi phục vụ chương trình Sữa học đường.

3 vi chất này đã được quy định rõ trong hồ sơ mời thầu của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, cũng như khuyến nghị tường minh của chính Viện Dinh dưỡng trong công văn số 437/DDHĐ&NN ngày 17/8/2019.

Cho đến trước khi sản phẩm cung cấp cho chương trình Sữa học đường Hà Nội bị phát hiện pha thêm 17 vi chất, nhiều tờ báo vẫn đưa tin "phụ huynh Hà Nội ngất ngây với sữa học đường" được bổ sung 3 vi chất.

Tại sao sau khi phát hiện sản phẩm cung cấp cho chương trình Sữa học đường tại Hà Nội pha thêm 17 vi chất, Viện Dinh dưỡng lại thay đổi quan điểm chóng mặt như vậy?

Có mấy loại sữa tươi được phép sử dụng cho Chương trình Sữa học đường quốc gia?
Có mấy loại sữa tươi được phép sử dụng cho Chương trình Sữa học đường quốc gia?

Thứ hai là Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam.

Ngày 6/11/2018 Báo Đại biểu Nhân dân, mục Ý kiến cử tri, đăng "Bài 2: Bổ sung vi chất có cần thiết?" trong loạt bài "Chương trình Sữa học đường: Làm gì để thực sự hiệu quả?", dẫn lời Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam, ông Trần Quang Trung, khẳng định:

"Theo thông lệ quốc tế thì chẳng nước nào có quy chuẩn riêng cho sữa học đường. Tôi đã sang Hàn Quốc và Thái Lan, họ chỉ dùng sữa tươi hoàn toàn. 

Riêng Thái Lan chỉ đưa ra quy định hàm lượng tối thiểu protein, canxi trong sữa là bao nhiêu. Còn ở Hàn Quốc, nếu trẻ bị dị ứng đường lactose trong sữa động vật sẽ được uống sữa đậu nành thay thế, tức về mặt tâm lý thì không có gì khác biệt. 

Chúng ta cứ loay hoay phải tạo loại sữa khác biệt là không nên.

Chưa kể, nếu cho phép bổ sung vi chất vào sữa tươi thì đâu còn là sữa tươi nữa! Khi đó, chúng ta sẽ gắn mác cho sữa là gì? Có phải thực phẩm bổ sung không?” [5]

Vậy vì sao ngày 9/8/2019, Phó giáo sư Trần Quang Trung lại phát biểu trên Báo Nhân dân rằng, vì chưa có Thông tư nên ngành giáo dục tại các địa phương, các doanh nghiệp sữa đang loay hoay không biết lấy căn cứ nào để đấu thầu?!

Căn cứ pháp lý để đấu thầu chính là Quyết định số 5450/QĐ-BYT và 4 loại sữa tươi trong QCVN 5-1:2010/BYT.

Từng đảm nhận cương vị Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế, có lẽ hơn ai hết, Phó giáo sư Trần Quang Trung hiểu rõ:

Khi bổ sung vi chất thì sữa tươi không còn là sữa tươi nữa, mà là thực phẩm bổ sung, một nhóm con của thực phẩm chức năng.

Nhóm sản phẩm này được quản lý bởi Thông tư số 43/2014/TT-BYT ngày 24/11/2014, Chính phủ cũng đã có phân công rõ ràng tại Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 hướng dẫn Luật An toàn thực phẩm.

Vậy phải chăng ai đó đang cố tình tạo dư luận để ép Bộ Y tế buộc phải bổ sung vi chất vào sữa tươi theo ý họ để hợp thức hóa những gì đã làm không đúng với Hồ sơ mời thầu lẫn quy định của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế?

Thiết nghĩ, sự thận trọng của Bộ Y tế là hoàn toàn cần thiết và có cơ sở.

Cơ quan tham mưu nào mà nay nói một kiểu, mai nói một kiểu liệu có đáng tin?

Những "dư luận" quy chụp "Bộ Y tế chưa ban hành, chậm ban hành quy chuẩn sữa học đường" là hoàn toàn sai sự thật nhằm mục đích không trong sáng, có vượt qua được "làn sóng dư luận" này hay không, phụ thuộc rất nhiều vào quyết định cuối cùng của Bộ Y tế.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://www.nhandan.com.vn/y-te/item/41157602-mon-moi-cho-quy-chuan-ve-sua-hoc-duong.html

[2]https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/bo-y-te-can-khan-truong-ban-hanh-huong-dan-tieu-chuan-sua-hoc-duong-587992

[3]https://anninhthudo.vn/doi-song/ba-nam-van-loay-hoay-chua-co-quy-chuan-cho-sua-hoc-duong/820981.antd

[4]https://www.vietnamplus.vn/chuyen-gia-vien-dinh-duong-bat-mi-thanh-phan-sua-hoc-duong/529320.vnp

[5]http://daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=215&NewsId=412875

Hồng Thủy