Quý tử nhà lô đề: Mua SH mới đi học!

13/12/2012 11:19
Theo VTC
Chưa đủ tuổi điều khiển xe máy nhưng Hùng bắt mẹ phải mua xe máy SH hoặc Dyland, chí ít con Vespa như đám bạn.

Mọi đứa trẻ đều xuất phát từ mái ấm gia đình. Vì vậy vai trò giáo dục và định hướng của gia đình là vô cùng quan trọng. Mỗi người có những hoàn cảnh sống khác nhau, có thể thiếu thốn điều kiện vật chất nhưng không thể thiếu đi sự yêu thương. 

Tuy nhiên, không phải những người cha, người mẹ nào cũng hiểu được điều đó và có sự quan tâm dành tình cảm cho con cái của mình. Chính vì vậy, trong mỗi trường học, luôn có những cá thể, mà chúng tôi tạm gọi là những học sinh cá tính mạnh, luôn làm đau đầu giáo viên, bạn bè và chính các bậc sinh thành. 

Tôi có thể giúp em tiến bộ

Trong quá trình đi tìm hiểu về các câu chuyện rất thực trong đời sống học sinh, chúng tôi đã tìm đến trường THPT Dân lập Đinh Tiên Hoàng – nơi được biết đến có rất nhiều những trường hợp học sinh “phức tạp” và “cá tính”.

Cô Hạnh Giang (làm công tác chủ nhiệm tại trường THPT Dân lập Đinh Tiên Hoàng) chia sẻ rằng, trong hàng chục năm làm công tác chủ nhiệm, năm nào cô cũng phải đối mặt với 5- 7 “ca khó” trong vai trò của một giáo viên chủ nhiệm.
Trong lớp cô Giang chủ nhiệm có cậu học sinh Trần Mạnh Hùng (tên nhân vật đã được thay đổi) là một học sinh “cá tính” nhất lớp.

Hùng là học sinh bị chuyển về từ cơ sở 2 của nhà trường. Cậu này thường xuyên đi học muộn, bỏ học đi chơi và không bao giờ làm bài tập về nhà. Thậm chí, dù chưa đủ 18 tuổi nhưng Hùng thường xuyên đua đòi cùng đám bạn đi chơi thâu đêm và viện nhiều lý do để nghỉ buổi học sáng ngày hôm sau.

Trước sự ngỗ ngược của Hùng, cô giáo chủ nhiệm tại cơ sở 2 của trường THPT Dân lập Đinh Tiên Hoàng quyết định cho học sinh này chuyển về lớp cô Giang – vốn nổi tiếng trị các học sinh “cá tính”.

Ban đầu cô Giang cũng khá lo lắng vì không biết có đủ khả năng để dạy dỗ một học sinh với quá nhiều những “thành tích” bất hủ? Nhưng rồi cô Giang bỏ qua tất cả và nhận Hùng với quan điểm “coi em đó như một tờ giấy trắng”.

Hùng thường xuyên bỏ học, đi chơi thâu đêm cùng đám bạn (Ảnh minh họa)
Hùng thường xuyên bỏ học, đi chơi thâu đêm cùng đám bạn (Ảnh minh họa)

Ngày đầu vào lớp, cô Giang có gọi Hùng ra tâm sự: “Ở đây không nhận em thì tôi tin chắc không ở đâu đồng ý cả.Tôi nghĩ có thể giúp em tiến bộ”. Nói rồi cô Giang bắt đầu tìm cách giáo dục cậu học sinh đầy “cá tính” này.

Gia đình Hùng trước kia có hai anh em, nhưng không may người em của cậu đã mất trong một tai nạn giao thông.Vì vậy, bao nhiêu tình yêu, cha mẹ đều dành hết cho Hùng. Cậu được cưng chiều như một “ông vua” trong chính ngôi nhà của mình.

Biết bố mẹ chiều mình nên Hùng thường xuyên vòi vĩnh bắt phải mua bằng được những đồ đắt tiền. Ngoài quần áo, điện thoại của Hùng bao giờ cũng phải là những đồ xịn nhất. Dù đã có điện thoại Iphone 4 nhưng cậu này vẫn nằng nặc đòi phải được mua dòng cao cấp nhất trên thị trường là Iphone 5.

Mẹ của Hùng vốn cưng chiều con nên dù không mua luôn cho con nhưng cũng không quên hứa hẹn một vài tháng tới con sẽ có chiếc điện thoại đẳng cấp như mong muốn.

Thậm chí, dù chưa đủ tuổi điều khiển xe máy nhưng Hùng còn bắt mẹ phải mua xe máy SH hoặc Dyland, chí ít con Vespa như đám bạn. Cậu ra tối hậu thư, nếu mẹ không đáp ứng yêu cầu, Hùng sẽ không đi học.

Dù rất chiều con nhưng mẹ của Hùng vẫn cho rằng cậu chưa đến tuổi để đi loại xe đắt tiền đó, nên đã nhờ cô Giang giúp đỡ. Bằng lý lẽ thuyết phục, cô Giang đã phân tích giúp Hùng nhận ra những đòi hỏi của em là không có căn cứ thực hiện.

Mẹ của Hùng thường cũng thể hiện sự quan tâm đến con bằng tiền, thông qua việc thường xuyên chiều theo những sở thích đắt tiền của em. Tuy nhiên, nhiều khi gọi điện cho phụ huynh, cô Giang cũng chỉ nhận được lời nói vuốt “ trăm sự nhờ các thầy cô giáo giúp đỡ” .

Tìm hiểu về hoàn cảnh gia đình Hùng, cô Giang được biết gia đình em có một căn nhà khá khang trang trên phố cổ, tuy nhiên nguồn thu chủ yếu lại đến từ việc ghi số đề.

“Nhà em này rất giàu nhưng có lẽ vì thế mà họ cũng tiêu tiền theo kiểu khác. Phụ huynh thường phải mang tiền ra để dỗ con. Tất cả sự quan tâm của gia đình đều thể hiện bằng tiền” - Cô Giang nhận định.

Nhận ra giá trị đồng tiền bằng suất cơm trưa

Dù đã được điều chuyển sang cơ sở mới nhưng Hùng lại “ngựa quen đường cũ”,phá rối trong lớp, thường xuyên không ghi chép bài, ngủ trong lớp. Lúc tỉnh ngủ cậu này cũng không quên trêu các bạn xung quanh khiến nhiều học sinh trong lớp cảm thấy rất khó chịu.

Thậm chí, khi bị nhắc nhở, không ít lần Hùng còn tỏ thái độ hỗn láo khi cãi “tay đôi” và lên giọng thách thức với cô giáo ngay trên lớp.

Kể đến đây, cô Giang tâm sự: “Đối với học sinh này, nếu giáo viên càng quát mắng càng phản tác dụng. Khi Hùng tỏ thái độ gay gắt, căng thẳng, tôi cho em về nhà để suy nghĩ và vài ngày sau tìm một khoảng thời gian thích hợp để cô trò nói chuyện. 

Tuy nhiên, đến ngày hôm sau, tâm lý của Hùng cũng khác hẳn ngày trước đó. Chưa cần cô nói ra, nhưng Hùng đã tự biết tự nhận ra lỗi ngày hôm trước”.

Bên cạnh những chiếc điện thoại đắt tiền bậc nhất, do được cưng chiều nên mỗi ngày Hùng được mẹ cho từ 150-200 nghìn đồng để tiêu vặt. Hùng ăn sáng cũng phải 50 nghìn đồng một bữa.

Trong khi đó, nhiều bạn cùng lớp chỉ ăn sáng với 10 nghìn đồng. Thậm chí có bạn học sinh nghèo trong lớp phải ăn trưa bằng bánh mỳ đã mốc.

Để giúp cho cậu học trò của mình nhận ra giá trị của đồng tiền, cô Giang đã lựa lúc lớp học cuối buổi trưa chỉ có 3 cô trò để trò chuyện. Một học sinh nghèo, một cậu ấm và một cô giáo với suất cơm trưa tặng học trò.

Như những buổi trưa khác, buổi hôm đó, cô Giang vẫn mua một suất cơm để tặng học trò nghèo hiếu học. Trong khi đó, Hùng vẫn lặng lẽ ngồi một mình ở cuối lớp để quan sát.

Đợi khi lớp học chỉ còn hai người, cô Giang nhẹ nhàng đến bên Hùng tâm sự: “Con thấy hoàn cảnh của bạn như thế nào? Trong lớp, các con không được vì nghèo mà khinh bạn”.

Thấy học trò gật gù, cô Giang cũng hiểu cậu học sinh ngỗ ngược cũng đã hiểu ra được điều gì đó. Vài ngày sau, Hùng liền khoe với cô: “Con có nhờ bạn mua xôi, tuy chỉ mất 15 nghìn đồng nhưng con vẫn đưa cho bạn 20 nghìn đồng”.

Cô Giang tâm sự: “Muốn học sinh “cá tính” nghe lời mình thì trước hết phải làm cho các em nể phục. Khi đã nể phục thầy cô thì các em sẽ thay đổi”.

“Là người giáo viên phải giúp cho học trò nhận ra cái sai của mình chứ không chỉ quát mắng và áp dụng các hình phạt. Bởi lẽ các em học sinh cũng đã lớn, cũng đã va chạm xã hội nhiều vì vậy cũng cần được tôn trọng” - Cô Giang nhận định.

Bằng tình yêu thương và phương pháp sư phạm khoa học, cô Giang đang dần đưa Hùng rời xa đám bạn ăn chơi, giúp cậu học sinh ngỗ nghịch ngày nào biết được những giá trị sống.

Đặc biệt, trong học kỳ vừa qua, Hùng cũng đã được xếp vào những học sinh có sự chuyển biến tích cực về học tập và đạo đức.

Theo VTC