Sao con tôi không có giấy khen?

25/05/2018 07:28
Đỗ Quyên
(GDVN) - Chuyện khen thưởng học sinh ở tiểu học luôn là câu chuyện buồn nhiều hơn vui kể từ khi áp dụng theo Thông tư 22.

LTS: Cuối năm học luôn là thời điểm nhạy cảm với việc đánh giá xếp loại học sinh.

Cô giáo Đỗ Quyên chỉ ra cái khó của giáo viên trong việc đánh giá công bằng với từng học sinh, đúng quy định và phù hợp với nguyện vọng của phụ huynh.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Năm học sắp kết thúc cũng là lúc thầy cô bù đầu với biết bao công việc đánh giá xếp loại giáo viên và học sinh.

Thế nhưng nỗi vất vả và áp lực nhất chính là việc xét khen thưởng cho học sinh ở bậc tiểu học theo Thông tư 22.

Nếu như hai bậc học Trung học cơ sở và Trung học phổ thông, xét khen thưởng học sinh sẽ dựa vào điểm tổng kết (một cách xét được cho là quang minh chính đại) thì bậc tiểu học xét khen thưởng “cứ tù mù, mập mờ làm sao ấy”.

Chính vì điều này, giáo viên đôi khi cũng khó trả lời những thắc mắc của một số phụ huynh đang đặt kì vọng vào con khá lớn. 

Cuối năm, nỗi vất vả và áp lực nhất với giáo viên chính là việc xét khen thưởng cho học sinh ở bậc tiểu học theo Thông tư 22. Ảnh minh hoạ: Vov.vn
Cuối năm, nỗi vất vả và áp lực nhất với giáo viên chính là việc xét khen thưởng cho học sinh ở bậc tiểu học theo Thông tư 22. Ảnh minh hoạ: Vov.vn

Kiểu xét khen thưởng theo định tính mang nặng tính "hên xui" và cảm tính

Điều 16 về khen thưởng trong Thông tư 22 quy định như sau:

1. Hiệu trưởng tặng giấy khen cho học sinh:

a) Khen thưởng cuối năm học:

- Học sinh hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện: kết quả đánh giá các môn học đạt Hoàn thành tốt, các năng lực, phẩm chất đạt Tốt; bài kiểm tra định kì cuối năm học các môn học đạt 9 điểm trở lên;

- Học sinh có thành tích vượt trội hay tiến bộ vượt bậc về ít nhất một môn học hoặc ít nhất một năng lực, phẩm chất được giáo viên giới thiệu và tập thể lớp công nhận.

Sao con tôi không có giấy khen? ảnh 2Chương trình mới sẽ đánh giá, xếp loại học sinh thế nào?

Ở yêu cầu thứ nhất, học sinh hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện:

Kết quả đánh giá các môn học đạt Hoàn thành tốt, các năng lực, phẩm chất đạt Tốt; bài kiểm tra định kì cuối năm học các môn học đạt 9 điểm trở lên sẽ đạt danh hiệu học sinh xuất sắc thì không có điều gì bàn cãi.

Giáo viên cứ nhìn vào bảng nhận xét học sinh cuối năm sẽ tìm ra được những học sinh này. 

Thế nhưng yêu cầu thứ hai, sẽ khen học sinh vượt trội về ít nhất một môn học hoặc ít nhất một năng lực, phẩm chất được giáo viên giới thiệu và tập thể lớp công nhận.

Ví như khen nổi trội về môn Toán, tiếng Việt, Anh văn…hay khen về năng lực, phẩm chất… để công nhận em nào được khen, giáo viên chủ nhiệm không chỉ căn cứ vào kết quả bài thi cuối năm mà phải xem xét cả quá trình học tập, rèn luyện của các em.

Đồng thời thầy cô phải tham khảo ý kiến của một số thầy cô cùng dạy trong lớp ở những môn học khác suốt một năm trời.

Điều này đã dẫn đến tình trạng, giáo viên A nhận xét em B học tốt, giáo viên B lại khen ngợi em A.

Hoặc hai em thi cùng điểm số thậm chí em A thi điểm cao hơn em B nhưng khi khen thưởng giáo viên chủ nhiệm lại chấm em B vì theo lý giải của thầy cô trong quá trình học em B nổi trội hơn.

Điều này đã dẫn đến nhiều thắc mắc của phụ huynh. Có người cho rằng thầy cô không công bằng và "tiếng bấc tiếng chì" cũng nảy sinh từ đó.

Đó là chưa xét đến việc vẫn có một số thầy cô giáo dành phần khen thưởng này cho “gà” của mình dù các em có kém những bạn khác chút đỉnh. 

Khen bao nhiêu cho đủ?

Được biết Thông tư 22 không quy định việc khống chế số lượng khen thưởng học sinh trong từng lớp.

Sao con tôi không có giấy khen? ảnh 3Lỗi thuộc về Thông tư 22 hay thuộc về những người ham hư danh?

Thế nên số lượng học sinh được khen thưởng ở nhiều trường học phụ thuộc vào Ban giám hiệu nhà trường thích khen nhiều hay ít. 

Ở một số thành phố lớn, sĩ số học sinh được khen thưởng thường chiếm khoảng 2/3 số học sinh trong lớp.

Một số vùng lại quy định khoảng một nửa, nhưng có nơi các trường trong cùng một địa bàn mà quy định số lượng học sinh được khen cũng khác nhau. 

Trường cho phép một lớp khen không quá 20 em, trường chỉ hơn 10 em, có trường chỉ khen từ 5 đến 6 em/lớp. Điều này đã gây không ít thắc mắc cho phụ huynh.

Người so bì trường này với trường kia. Người chê bai nơi này dạy dở, nơi kia thầy cô dạy tốt… nhưng nguy hại nhất là nhiều giáo viên đã bị phụ huynh không có con được khen nói xấu.

Rằng cô thiên vị, thầy không công bằng khi con tôi học giỏi hơn mà không được khen và ngược lại. 

Nếu thầy cô có giải thích chuyện khen thưởng học sinh nổi trội phải căn cứ vào cả một quá trình rèn luyện phấn đấu, phải được thầy cô bộ môn đánh giá, phải được học sinh trong lớp bình chọn… rất dễ nhận được câu trả lời:

Cái đó chỉ là hình thức. Thầy cô chủ nhiệm thích ai được khen mà chẳng được”.

Bởi thế câu hỏi “vì sao con tôi không được khen?” luôn được phụ huynh hỏi thầy cô mỗi khi gặp mặt thậm chí nhiều phụ huynh gọi điện thoại hỏi và chất vấn liên tục.  

Chuyện khen thưởng học sinh ở tiểu học luôn là câu chuyện buồn nhiều hơn vui kể từ khi áp dụng theo Thông tư 22.

Hy vọng rằng chương trình mới sắp tới sẽ quy định rõ ràng hơn việc xét học sinh được khen thưởng đừng mang định tính như bây giờ.

Đỗ Quyên