"Sẽ kiểm tra tính hợp pháp văn bản của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT"

21/05/2013 10:50
Thế Kha - Lan Anh/NLĐ
Dư luận cho rằng việc Bộ GD-ĐT chỉ đạo báo chí phải trao đổi với cơ quan chức năng trước khi đăng thông tin liên quan đến tiêu cực trong thi cử là biểu hiện của sự bưng bít và không thể chấp nhận

Trao đổi với phóng viên chiều 20-5, TS Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật Bộ Tư pháp, cho biết sẽ tiến hành kiểm tra tính hợp pháp của văn bản 2998/2013 do Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận ký, gửi chủ tịch UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013.

Thí sinh thoải mái chép bài của nhau tại Hội đồng Thi Trường THPT Đồi Ngô (Bắc Giang) trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2012. Ảnh: LAN ANH
Thí sinh thoải mái chép bài của nhau tại Hội đồng Thi Trường THPT Đồi Ngô (Bắc Giang) trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2012. Ảnh: LAN ANH

“Ngày càng nhiều quan chức chỉ đạo báo chí”

Văn bản trên yêu cầu chủ tịch UBND tỉnh phải có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan truyền thông trao đổi kỹ với cơ quan chức năng trước khi đăng tải các thông tin nhạy cảm liên quan đến thi cử như lộ đề, đề thi có sai sót, tiêu cực trong kỳ thi... (nếu có).

Quy định này ngay lập tức vấp phải phản ứng của dư luận. PGS Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh - Hà Nội, thẳng thắn: “Không chấp nhận được!”. Ông phân tích: “Báo chí có chức năng, quyền hạn của mình, lãnh đạo địa phương không thể can thiệp. Anh chỉ có thể quy định báo chí phải chịu trách nhiệm trước thông tin của mình, không thể nói là phải trao đổi với cơ quan chức năng trước khi đăng thông tin”.

Một chuyên gia giáo dục khác bức xúc: “Ngày càng nhiều quan chức tham gia chỉ đạo báo chí”. Theo vị chuyên gia này, muốn khắc phục bệnh thành tích trong thi cử thì phải tạo điều kiện cho báo chí tác nghiệp chứ không thể bưng bít thông tin bằng cách “mượn tay” lãnh đạo tỉnh. “Đọc công văn này mà cảm thấy buồn cho ngành giáo dục. Nếu cứ giấu thông tin nhạy cảm thì ngành giáo dục không thể tiến bộ được” - vị chuyên gia nhận định.

PGS Văn Như Cương đặt câu hỏi: “Bộ GD-ĐT ra văn bản như thế thì phải hiểu “nhạy cảm” là như thế nào? Gian lận thi cử mà báo chí đưa ra có phải nhạy cảm; không hay chuyển bài ra ngoài mà liên quan đến “ông to” thì nhạy cảm; còn liên quan đến giáo viên, học sinh thì bình thường?”.

Theo ông Cương, nếu các hội đồng thi đều tuân thủ đúng quy định, chịu trách nhiệm và bị kỷ luật rất nặng nếu để xảy ra sai sót thì chắc chắn sẽ không xảy ra sự cố. Trường hợp nếu có sai sót thì phải công bố, thừa nhận mới có thể rút kinh nghiệm, sửa sai. “Bộ GD-ĐT chỉ quan tâm đến những chuyện “vòng ngoài”, còn “vòng trong” quan trọng thì lại không để ý, thật vô lý!” - ông Cương ngao ngán.

Chặn tiêu cực bằng biện pháp “giấu giếm”?

TS Lê Hồng Sơn cho biết sau khi những gian lận trong kỳ thi tốt nghiệp THPT ở thị trấn Đồi Ngô (Bắc Giang) bị phát giác, Bộ GD-ĐT đã có những thay đổi đáng kể trong việc kiểm soát, ngăn chặn tiêu cực trong thi cử.  Tuy nhiên, văn bản gần đây lại cho thấy Bộ GD-ĐT rất thích ban hành các quy định với “mong muốn” giấu giếm các dấu hiệu, hành vi tiêu cực.

TS Vũ Đức Khiển, nguyên chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, khẳng định chỉ đạo của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận là không phù hợp, trái với Luật Báo chí. “Luật quy định các cơ quan báo chí có quyền phản ánh, đưa tin mà không phải chịu sự kiểm duyệt của bất kỳ cơ quan nào nhưng phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, đầy đủ của các thông tin đó. Chỉ đạo của Bộ GD-ĐT khác nào “bó chân” hoạt động của báo chí” - TS Khiển nói.

Ngăn chặn hiện tượng lộ đề, thi hộ, thi thuê

Thượng tướng Đặng Văn Hiếu, Thứ trưởng thường trực Bộ Công an, vừa có công điện gửi Tổng cục An ninh I, Tổng cục An ninh II, Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Tổng cục VII) và công an các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương yêu cầu bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối cho các kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2013.

Theo đó, các đơn vị này phải chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ phối hợp với Bộ GD-ĐT và các sở GD-ĐT, các học viện, trường ĐH-CĐ và cơ quan liên quan triển khai kế hoạch bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn trong quá trình chuẩn bị và tổ chức các khâu: Làm đề - in sao - vận chuyển đề - coi thi - chấm thi trên toàn quốc.

Công an các tỉnh, TP phối hợp với sở GD-ĐT và các trường bảo vệ tuyệt đối an toàn các hội đồng thi, điểm thi; chủ động nắm tình hình ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các biểu hiện tiêu cực, vi phạm quy chế thi (để lộ đề, thi hộ, thi thuê…), các hành vi áp sát phòng thi, gây rối trật tự khu vực thi…, bảo đảm kỳ thi diễn ra trong trật tự, an toàn, đúng quy chế.

Thế Kha - Lan Anh/NLĐ