Sinh viên ngày nay đang lãng phí

14/03/2012 06:00
Vương Thị Diệm
(GDVN) - Là chủ nhân tương lai của đất nước, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của Nước nhà. Thế nhưng, một bộ phận sinh viên hiện nay đang lãng phí…
Sinh viên là chủ nhân tương lai của đất nước trong tương lai gần, là thế hệ được cả đất nước, cả xã hội kỳ vọng nhất trong việc đóng góp vào sự ổn định và phát triển lớn mạnh của nước nhà trong tương lai. Thế nhưng, một bộ phận không nhỏ sinh viên Việt Nam gần đây đang lãng phí rất nhiều thứ, ảnh hưởng rất lớn đến bản thân và cả xã hội…
Bạn đã bao giờ tự hỏi mình đã sử dụng quỹ thời gian của mình đúng mục đích hay chưa? Liệu có để thời gian trôi qua vô ích hay không? Ảnh minh họa
Bạn đã bao giờ tự hỏi mình đã sử dụng quỹ thời gian của mình đúng mục đích hay chưa? Liệu có để thời gian trôi qua vô ích hay không? Ảnh minh họa
Lãng phí thời gian.
Có lẽ, lãng phí thời gian là căn bệnh hay gặp nhất ở sinh viên. Bạn đã bao giờ tự hỏi mình đã sử dụng quỹ thời gian của mình đúng mục đích hay chưa? Liệu có để thời gian trôi qua vô ích hay không?
Phần lớn sinh viên Việt Nam hiện nay không biết tận dụng và quý trọng thời gian. Đa số sinh viên sau khi học xong trên trường thì thời gian còn lại không mảy may nghĩ tới việc học, không dành thời gian cho việc học.
Do học theo hệ tín chỉ nên giờ đây sinh viên còn có nhiều thời gian rỗi hơn so với thời niên chế. Học tín chỉ, lên lớp giáo viên chỉ có vai trò dẫn dắt và định hướng còn lại sinh viên sẽ tự tìm hiểu và nghiên cứu, mà sinh viên Việt Nam bây giờ ý thức tự học là rất kém.
Giờ lên lớp ít hơn thay vào đó là thời gian rỗi quá nhiều, đa số sinh viên dành thời gian này để online, xem phim hay chơi game… với lý do là không có bài tập để làm. Họ không hề có ý thức tự học, tự nghiên cứu. Thầy cô ra bài thì làm không ra thì “ khỏe” . Ngoài việc giết thời gian vào những việc trên thì một bộ phận không nhỏ dành để ngủ, mà đa số là sinh viên nam.
Bạn Nguyễn Văn Sơn ( sinh viên Học viện âm nhạc Huế) cho biết: “ thì thời gian rảnh có biết làm gì đâu, thôi ngủ cho có ích”.
Mọi người trong xóm trọ của sơn cho biết, có ngày Sơn ngủ bỏ ăn, bỏ cả đến lớp và tất nhiên sách vở chẳng bao giờ đụng vào.
Vì thế nên bây giờ việc bắt gặp sinh viên ngồi đọc sách, họp nhóm bàn bạc việc học hay ngồi mày mò, nghiên cứu một vấn đề nào đó liên quan đến học hành thì rất hiếm…mà thay vào đó là thấy các bạn thường xuyên vào face book, blog, bói toán online..gần như là chiếm trọn thời gian rỗi của các bạn.
Hãy biết quý trọng thời gian, đừng để tuổi trẻ của mình trôi qua một cách phí hoài như vậy các bạn ạ!
Lãng phí sức khỏe
Lãng phí sức khỏe cũng là điều hay gặp ở các bạn sinh viên, nhưng đa số họ ít quan tâm về điều này.
Việc làm ảnh hưởng đến sức khỏe của sinh viên nhiều nhất, đa số là sinh viên nam đó là nhậu nhẹt. Các bạn thường thích là nhậu, vui là nhậu mà không hề nghĩ đến hậu quả của nó. Sinh viên hiện nay tổ chức nhậu nhẹt còn nhiều hơn đi học, rủ nhau bỏ học bỏ thi vào các cuộc nhậu mà họ chẳng thèm quan tâm nó ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe của mình. Các bạn có biết rằng nhậu nhẹt làm sút giảm toàn thể từ thể lực, tinh thần, trí tuệ và thoái hóa giống nòi.
Một việc làm rất ảnh hưởng đến sức khỏe nữa là “ nghiện game online ”. Nếu chơi game chỉ để giải trí một lúc, hay để thư giãn đầu óc là không sao. Nhưng nghiện game đến mức ngồi cả ngày bên máy vi tính, quên ăn, quên ngủ thì là điều hết sức lo ngại. Không những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe mà còn cả nguy hiểm đến tính mạng, không ít bạn trẻ đã gục chết trên bàn game nhưng vẫn chưa làm nhiều người thức tỉnh. Vẫn đam mê , đốt thời gian và sức khỏe với những trò vô bổ.
Ngoài ra, việc xem phim hay chat chit thấu đêm cũng rất ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng các bạn lại đang rất thờ ơ với điều đó.
Lãng phí tài nguyên và tiền bạc.
Tài nguyên mà sinh viên thường xuyên lãng phí là điện và nước.
Dù kêu gọi hưởng ứng giờ trái đất, dù tham gia rất nhiều phong trào cổ động cho giờ trái đất thì không ít sinh viên sau khi rời khỏi phòng học vẫn không tắt quạt, không tắt điện, máy tính. Sau khi hết giờ học, có lẽ ít thấy phòng học nào mà sinh viên tự giác làm những điều trên, mà họ để mặc những người lao công làm điều đó.
Hay một việc như để bóng điện hành lang của dãy trọ suốt cả ngày cả đêm, họ cho là chuyện nhỏ nên tình trạng này cứ diễn ra như “ chuyện thường ở phố huyện”. Vì điện ở hành lang thường không bị chủ trọ tính tiền nên sinh viên để thả khoán mà không mảy may suy nghĩ, vì cho rằng nó không thiệt hại gì của mình.
Bên cạnh đó là lãng phí nước, nước ở nơi công cộng như trường học, công viên… thì sinh viên cứ “xả” thoải mái mà không hề đắn đo, cứ nghĩ rằng “của chùa” thì dùng bao nhiêu cũng được. Và nhiều sinh viên còn có lối suy nghĩ rất “ hẹp” khi đáp lại hành động tăng giá tiền nước hàng tháng lên của chủ trọ là phải xả nước thật nhiều, không dùng cũng xả lênh lác cho xứng với số tiền mà mình phải trả và cho bõ tức khi chủ trọ suốt ngày tăng giá nước.
Những việc làm mà các bạn cho là rất nhỏ, các bạn cho là chuyện thường lại là một sự phung phí tài nguyên quá lớn mà các bạn không hề để ý, hay biết nhưng cũng không hề quan tâm.
Trong lúc các bạn không tắt điện phòng học các bạn hãy nghĩ đến nơi khó khăn vẫn chưa có điện, nếu chúng ta biết tiết kiệm một tí thì sẽ rất có lợi cho nhiều người khác. Lúc các bạn xả nước một cách vô tội vạ chỉ vì tức chủ trọ tăng tiền nước các bạn hãy nghĩ đến những nơi vùng sâu, vùng xa chưa một lần được sử dụng nước sạch…
Đang là sinh viên nên chi tiêu hàng tháng chủ yếu là do bố mẹ cấp, thế nhưng một số các bạn đang tiêu tiền hết sức phung phí. Trong khi đa số sinh viên tiêu tiền tiết kiệm đến mức có thể, và còn đi làm thêm để trang trải thêm cho cuộc sống thì một số khác lại đang làm ngược lại.
Rất nhiều bạn phung phí tiền bạc trong những việc như nhậu nhẹt, chơi game, cá độ , chơi số đề hay tặng quà một cách lãng phí…
Nguyễn Đức Trung ( sinh năm 1988, sinh viên Cao đẳng công nghiệp Huế) làm cho mọi người trong xóm trọ phải sợ với cách tiêu tiền của bạn.
Bố Trung là chủ thầu xây dựng trong Đà Nẵng, cậy gia đình mình khá giả, Trung luôn tiêu tiền không biết tiếc. Trung cho biết một tháng tiêu hết khoảng 6 triệu, tiêu còn nhiều hơn một gia đình bình thường trong một tháng. Mà số tiền đó là đề cá độ bóng đá, chơi lô đề và nhậu nhẹt với đám bạn. Một tuần ít nhất cũng nhậu bốn buổi, mà toàn những món sinh viên không dám mơ như baba, thịt thỏ hay thịt trăn…Trung vừa cười vừa nói : “bố mẹ nhiều tiền mà, mình phải tiêu bớt chứ”.
Không phải ai cũng có tiền để tiêu khủng như Trung, nhưng cũng không ít bạn sinh viên đang ném tiền vào những trò cá độ, nhậu nhẹt, lô đề…để rồi đến lúc hết tiền lại vay mượn; mang máy tính, xe đi cắm hay thậm chí cả trộm cắp…
Một số bạn thích chơi trội, thích chứng tỏ mình bằng việc vào ngày lễ tặng cho bạn gái những món quà đắt tiền, độc đáo mà không ai có. Như một số bạn tặng vòng tay, nhẫn vàng hay một số bạn khác thì mua một trăm bông hồng xếp hình trái tim, hay là một trăm thỏi sôcôla…
Các bạn tiêu tiền mà không hề nghĩ đến bố mẹ mình đã phải vất vả như thế nào để làm ra những đồng tiền đó, mà lại tiêu vào những việc không đáng. Trong khi bố me đang oằn lưng ra để kiếm tiền nuôi các bạn ăn học, hy vọng nhiều ở các bạn thì các bạn lại tiêu tiền một cách vô tội vạ...
Hiện nay, các bạn sinh viên đang lãng phí quá nhiều thứ mà dường như các bạn không hề quan tâm. Là chủ nhân tương lại của đất nước các bạn không nên lãng phí thời gian vào những trò vô bổ mà hãy chuyên tâm học hành, nghiên cứu, dành thời gian rỗi cho các hoạt động tình nguyện, xã hội. Hãy biết quý trọng sức khỏe của mình, hãy giứ sức khỏe của mình để có đủ sức cống hiến cho gia đình và xã hội. Đừng phung phí tài nguyên, bởi nó sẽ cạn kiệt nếu bạn không biết sử dụng đúng cách, bởi vì nếu bạn biết tiết kiệm chỉ một chút đã giúp cho cuộc sống bao nhiêu người sẽ tốt hơn. Đừng lãng phí tiền bạc vì để có được số tiền đó bố mẹ bạn đã phải đổ bao nhiêu mồ hôi, công sức, nước mắt hay thậm chí phải đổ máu…Và trên hết, các bạn hãy biết quý trọng, đừng lãng phí tất cả những điều trên vì chính bản thân bạn, vì tương lai của bạn, gia đình và cả tương lai của xã hội và đất nước…
Bạn cũng đang là sinh viên, bạn đã lãng phí gì trong những điều đã nói ở trên hay bạn đã lãng phí tất cả ?

Điểm nóng

Tuyển sinh 2012

Thi tốt nghiệp THTP 2012

Ôn thi Đại học

Tư vấn tuyển sinh

Hoa khôi các trường ĐH

Ngôi sao học đường

Đổi mới Giáo dục

Xem nhiều nhất trong tháng

Vương Thị Diệm