Sở Giáo dục thành phố Hồ Chí Minh đừng để mất niềm tin vì cách xử lý vi phạm

08/08/2020 06:37
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Càng lãnh đạo làm sai, càng phải nghiêm khắc mới răn đe được người sau không mắc phải sai lầm, và vì thế cái xấu cũng sẽ được triệt tiêu vì không còn nơi ẩn nấp.

Kỷ luật thế này làm sao thuyết phục được dư luận?

Mới đây, Sở Giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh đã trao quyết định bổ nhiệm ông Đỗ Đình Đảo – chuyên viên của Sở vào chức vụ Hiệu trưởng trường trung học phổ thông Nguyễn Hữu Thọ, quận 4, dù ông Đảo đang trong thời gian chịu kỷ luật về Đảng.

Vi phạm sửa điểm nhưng hiệu trưởng chỉ bị phê bình, hiệu phó được chuyển trường (Ảnh P.L)

Vi phạm sửa điểm nhưng hiệu trưởng chỉ bị phê bình, hiệu phó được chuyển trường (Ảnh P.L)

Đây cũng không phải là trường hợp đầu tiên lãnh đạo trường học bị sai phạm được lên “nương náu” tại Sở, Phòng với danh phận chuyên viên.

Được biết tại Sở Giáo dục Thành Phố Hồ Chí Minh, đã có bốn hiệu trưởng bậc trung học phổ thông bị kỷ luật được đưa về công tác tại các phòng chuyên môn, dư luận giáo giới địa phương không ít người cảm thấy khó hiểu, bức xúc.

Sở Giáo dục, nơi lẽ ra phải tập trung toàn tinh hoa của ngành giáo dục lẽ nào lại trở thành chiếu nghỉ, bước đệm chờ thời của một số cán bộ sai phạm?

Chưa dừng ở đây, gần đây nhất là việc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành Phố Hồ Chí Minh đưa ra hình thức kỷ luật "nghiêm khắc phê bình" Hiệu trưởng trường Nguyễn Công Trứ vụ sửa điểm gây xôn xao dư luận trong suốt thời gian dài đã làm cho nhiều giáo viên không phục.

Sự việc sửa điểm liên quan đến một học sinh có học lực trung bình khá nhưng điểm thi luôn đạt giỏi. Từ sự bất thường này, các học sinh có ý kiến và nhiều giáo viên trong trường đã âm thầm theo dõi.

Giáo viên đã phát hiện ra, bài thi của học sinh đã được sửa lại nhiều câu trắc nghiệm từ sai thành đúng nhằm nâng điểm cho học sinh.

Nên thầy cô đã “bí mật” chụp lại bài thi của em Uyên Tiên (nhân vật đã được đổi tên) sau khi thi xong và đối chiếu với bài thi đã được chấm.

Ở môn Toán, bài thi của em Uyên Tiên được chỉnh sửa 7 câu đã cho ra kết quả 6 câu sai thành đúng và 1 câu đúng thành sai. Điểm số môn Toán của em Uyên Tiên được nâng lên 1,6 điểm.

Đối với môn Anh Văn, bài thi của em Uyên Tiên được chỉnh sửa 9 câu từ sai thành đúng để nâng lên 1,8 điểm.

Môn Sinh học, em được chỉnh sửa 6 câu từ sai thành đúng và được nâng 1,5 điểm.

Môn Lý và môn Hóa, em Uyên Tiên được chỉnh sửa 2 câu và nâng lên 0,8 điểm. [1]

Dư luận bức xúc, giáo viên bất bình, mất niềm tin

Hiệu trưởng, hiệu phó một trường lại dính dáng đến việc nâng điểm cho một học sinh ở nhiều môn học đâu chỉ làm giáo viên thất vọng vì những người luôn chỉ đạo phải thực hiện nghiêm quy chế chuyên môn lại vi phạm quy chế trắng trợn.

Nghiêm trọng hơn, phụ huynh sẽ coi thường nhà trường, xem thường thầy cô vì làm giáo dục mà còn gian dối vậy sẽ dạy được ai?

Sửa điểm cho con họ cũng sẽ dễ dàng sửa điểm cho những học sinh khác. Lãnh đạo còn làm sai thì giáo viên sẽ thế nào?

Chính em học sinh được nâng điểm cũng sẽ coi thường nhà trường, thầy cô, sẽ được nuôi dưỡng trong suy nghĩ cũng chẳng cần phải phấn đấu học làm gì mà chỉ cần có điều kiện, có mối quan hệ là muốn gì cũng có.

Suy nghĩ này cũng thật tai hại trong môi trường giáo dục, vì nó có thể lớn dần, biết đâu sau này học sinh sẽ trở thành công dân chỉ biết giải quyết mọi việc bằng sức mạnh của đồng tiền?.

Chắc chắn, cả hiệu trưởng và hiệu phó khi thực hiện việc gian dối điểm cho học sinh này cũng không vì tình thương, sự quen biết đơn thuần. Để làm việc vi phạm về chuyên môn nếu không vì mối lợi lớn thì họ cũng không ngại gì đánh đổi sự nghiệp và danh tiếng một cách dễ dàng như thế.

Sự việc trên diễn ra đã hơn 8 tháng nhưng đến thời điểm này, giáo viên nhận được kết luật thanh tra của Sở Giáo dục không đủ điều kiện để xác minh nội dung phản ánh nên hiệu trưởng chỉ bị “nghiêm khắc phê bình”, còn hiệu phó được điều chuyển về làm hiệu phó một trường học khác.

"Nghiêm khắc phê bình" hay điều chuyển sang trường khác và giữ nguyên vị trí lãnh đạo không phải là một hình thức kỷ luật.

Theo Luật số 52/2019/QH14 “Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức số 22/2008/QH12 và Luật Viên chức số 58/2010/QH12

Công chức vi phạm quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật sau đây: a) Khiển trách; b) Cảnh cáo; c) Hạ bậc lương; d) Giáng chức; đ) Cách chức; e) Buộc thôi việc (Điều 79).

Về phía Đảng, các hình thức kỷ luật đảng viên bao gồm: “Khiển trách; Cảnh cáo; Cách chức, Khai trừ”.

Bài học về nâng điểm tốt nghiệp năm 2018 với hàng loạt cán bộ bị cách chức, hàng loạt nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục vướng vòng lao lý, bị cả xã hội lên án vẫn chưa làm gương cho họ hay sao?

Là lãnh đạo trường học, khi nào chẳng phải nhắc nhở giáo viên trung thực trong đánh giá học sinh, trong báo cáo số liệu mà chính mình lại làm việc gian dối này thì còn nói được ai?

Hệ lụy mang lại không chỉ vì mất mát danh tiếng mà sẽ tạo tiền lệ xấu cho người khác “noi gương xấu” để làm. Nếu giáo viên cũng đánh giá học sinh không trung thực, cũng phóng tay cho điểm, sửa điểm trong khi nhiều trường đại học đang xét bằng học bạ thì hậu quả sẽ thế nào?

Việc xử lý kỷ luật đối với cán bộ giáo dục vi phạm của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành Phố Hồ Chí Minh có đang tạo ra “vùng cấm”?.

Xử lý kỷ luật không nghiêm, không đủ sức răn đe, ai dám đảm bảo những người này sẽ không có sai phạm lần sau?

Niềm tin của giáo viên với những người lãnh đạo ngành bị xói mòn, bị phá vỡ. Nhưng điều quan trọng hơn sẽ thui chột ý chí chiến đấu với cái xấu, bảo vệ công lý của nhiều thầy cô chỉ vì những suy nghĩ: “Họ có làm sai cũng không hề gì” nên cái xấu, cái ác càng có dịp sinh sôi nảy nở và hoành hành.

Xóa bỏ tình trạng này, cần người lãnh đạo phải sáng suốt, phải biết xử lý mọi việc một cách thấu đáo mà kiên quyết, không vì lý do gì để dung túng, khoan nhượng hay thỏa hiệp, bao che cho những sai phạm, những tiêu cực xảy ra.

Càng những lãnh đạo làm sai, càng phải nghiêm khắc mới răn đe được người sau không mắc phải sai lầm, và vì thế cái xấu cũng sẽ được triệt tiêu vì không còn nơi ẩn nấp.

Có thế mới lấy được niềm tin của mọi người. Một khi ai cũng hiểu rằng không có “vùng cấm” cho những sai phạm dù họ là ai, chắc chắn sẽ hạn chế rất nhiều những việc làm sai trái.

Tài liệu tham khảo:

https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/chuyen-vien-so-dang-bi-ky-luat-dang-duoc-bo-nhiem-lam-hieu-truong-post211262.gd

https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/doan-dai-bieu-quoc-hoi-giam-sat-vu-sua-diem-tai-truong-nguyen-cong-tru-post204738.gd[1]

Phan Tuyết