Soạn và dạy học theo giáo án 5512, nhiều học sinh chẳng biết gì

16/05/2022 08:37
NGUYỄN ĐĂNG
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Mỗi buổi học, học sinh phải học từ 3-4 môn mà môn nào cũng yêu cầu các em chuẩn bị sản phẩm học tập thì học sinh có 3 đầu 6 tay cũng không bao giờ chuẩn bị kịp.

Ngày 18/12/2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH về việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường và Bộ cũng đã hướng dẫn 5 mẫu kế hoạch bằng 5 phụ lục kèm theo.

Khi bước vào năm học 2021-2022 thì Bộ ban hành Công văn 2613/BGDĐT-GDTrH về việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục trung học năm học 2021-2022 yêu cầu các nhà trường thực hiện các kế hoạch giáo dục ở chương trình mới theo hướng dẫn của Công văn 5512.

Công văn 2613/BGDĐT-GDTrH yêu cầu: “đối với lớp 6 sẽ xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường được thực hiện theo Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH ngày 18/12/2020 của Bộ GDĐT về việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường (Công văn 5512)”.

Trong phần tập huấn chương trình mới cho giáo viên ở module 4: “Xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh trung học cơ sở/trung học phổ thông” thì giáo viên đã được tập huấn kĩ về Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH để xây dựng các kế hoạch giáo dục.

Điều này cũng đồng nghĩa là chương trình mới sẽ lấy Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH làm kim chỉ nam để xây dựng các kế hoạch giáo dục.

Trong đó, có kế hoạch bài dạy (giáo án) của giáo viên nhưng liệu giáo viên soạn giáo án và giảng dạy theo các bước hướng dẫn của Công văn 5512 thì hiệu quả học tập của học sinh có khả thi không?

Chương trình mới đang hướng học trò tới 5 phẩm chất, 10 năng lực (Ảnh minh họa: TTXVN)

Chương trình mới đang hướng học trò tới 5 phẩm chất, 10 năng lực

(Ảnh minh họa: TTXVN)

Các bước dạy học chương trình mới cơ bản giống như VNEN ngày trước

Theo hướng dẫn của Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH về việc xây dựng kế hoạch bài dạy (giáo án) của giáo viên khi lên lớp thì tiến trình dạy học của giáo viên được thiết kế rất cụ thể, bài bản theo 4 hoạt động.

1. Hoạt động 1: Xác định vấn đề/nhiệm vụ học tập/Mở đầu (Ghi rõ tên thể hiện kết quả hoạt động).

a) Mục tiêu: Nêu mục tiêu giúp học sinh xác định được vấn đề/nhiệm vụ cụ thể cần giải quyết trong bài học hoặc xác định rõ cách thức giải quyết vấn đề/thực hiện nhiệm vụ trong các hoạt động tiếp theo của bài học.

b) Nội dung: Nêu rõ nội dung yêu cầu/nhiệm vụ cụ thể mà học sinh phải thực hiện (xử lí tình huống, câu hỏi, bài tập, thí nghiệm, thực hành…) để xác định vấn đề cần giải quyết/nhiệm vụ học tập cần thực hiện và đề xuất giải pháp giải quyết vấn đề/cách thức thực hiện nhiệm vụ.

c) Sản phẩm: Trình bày cụ thể yêu cầu về nội dung và hình thức của sản phẩm hoạt động theo nội dung yêu cầu/nhiệm vụ mà học sinh phải hoàn thành: kết quả xử lí tình huống; đáp án của câu hỏi, bài tập; kết quả thí nghiệm, thực hành; trình bày, mô tả được vấn đề cần giải quyết hoặc nhiệm vụ học tập phải thực hiện tiếp theo và đề xuất giải pháp thực hiện.

d) Tổ chức thực hiện: Trình bày cụ thể các bước tổ chức hoạt động học cho học sinh từ chuyển giao nhiệm vụ, theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá quá trình và kết quả thực hiện nhiệm vụ thông qua sản phẩm học tập.

2. Hoạt động 2: Hình thành kiến thức mới/giải quyết vấn đề/thực thi nhiệm vụ đặt ra từ Hoạt động 1 (Ghi rõ tên thể hiện kết quả hoạt động).

a) Mục tiêu: Nêu mục tiêu giúp học sinh thực hiện nhiệm vụ học tập để chiếm lĩnh kiến thức mới/giải quyết vấn đề/thực hiện nhiệm vụ đặt ra từ Hoạt động 1.

b) Nội dung: Nêu rõ nội dung yêu cầu/nhiệm vụ cụ thể của học sinh làm việc với sách giáo khoa, thiết bị dạy học, học liệu cụ thể (đọc/xem/nghe/nói/làm) để chiếm lĩnh/vận dụng kiến thức để giải quyết vấn đề/nhiệm vụ học tập đã đặt ra từ Hoạt động 1.

c) Sản phẩm: Trình bày cụ thể về kiến thức mới/kết quả giải quyết vấn đề/thực hiện nhiệm vụ học tập mà học sinh cần viết ra, trình bày được.

d) Tổ chức thực hiện: Hướng dẫn, hỗ trợ, kiểm tra, đánh giá quá trình và kết quả thực hiện hoạt động của học sinh.

3. Hoạt động 3: Luyện tập

a) Mục tiêu: Nêu rõ mục tiêu vận dụng kiến thức đã học và yêu cầu phát triển các kĩ năng vận dụng kiến thức cho học sinh.

b) Nội dung: Nêu rõ nội dung cụ thể của hệ thống câu hỏi, bài tập, bài thực hành, thí nghiệm giao cho học sinh thực hiện.

c) Sản phẩm: Đáp án, lời giải của các câu hỏi, bài tập; các bài thực hành, thí nghiệm do học sinh thực hiện, viết báo cáo, thuyết trình.

d) Tổ chức thực hiện: Nêu rõ cách thức giao nhiệm vụ cho học sinh; hướng dẫn hỗ trợ học sinh thực hiện; kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện.

4. Hoạt động 4: Vận dụng

a) Mục tiêu: Nêu rõ mục tiêu phát triển năng lực của học sinh thông qua nhiệm vụ/yêu cầu vận dụng kiến thức, kĩ năng vào thực tiễn (theo từng bài hoặc nhóm bài có nội dung phù hợp).

b) Nội dung: Mô tả rõ yêu cầu học sinh phát hiện/đề xuất các vấn đề/tình huống trong thực tiễn gắn với nội dung bài học và vận dụng kiến thức mới học để giải quyết.

c) Sản phẩm: Nêu rõ yêu cầu về nội dung và hình thức báo cáo phát hiện và giải quyết tình huống/vấn đề trong thực tiễn.

d) Tổ chức thực hiện: Giao cho học sinh thực hiện ngoài giờ học trên lớp và nộp báo cáo để trao đổi, chia sẻ và đánh giá vào các thời điểm phù hợp trong kế hoạch giáo dục môn học/hoạt động giáo dục của giáo viên”.

Như vậy, nhìn qua các hoạt động dạy học, các bước lên lớp của hướng dẫn từ Công văn 5512 thì chúng ta thấy nó gần như các bước dạy học và phương pháp dạy học của VNEN trước đây.

Bởi, theo hướng dẫn của Công văn 5512 thì bắt buộc giáo viên phải soạn giáo án tuần tự theo từng hoạt động dạy học. Mỗi hoạt động đều phải xác định được mục tiêu, giao nhiệm vụ cho học trò, học trò chuẩn bị sản phẩm học tập và báo cáo trước lớp để học sinh trong lớp trao đổi, nhận xét và giáo viên đánh giá sản phẩm.

Nếu thầy và trò ở các nhà trường thực hiện được các bước này thuần thục, trôi chảy thì được xem là đổi mới phương pháp dạy học và lãnh đạo dự giờ, thi giáo viên giỏi, đồng nghiệp dự giờ sẽ đánh giá thành công - không còn gì để chê tiết dạy.

Nhưng, phía sau những tiết dạy “thành công” như vậy, liệu tất cả học sinh trong lớp có hiểu được bài hay không?

Cuối năm giáo viên có đạt được các chỉ tiêu về thành tích mà nhà trường và tổ chuyên môn giao cho hay không?

Sẽ có nhiều học sinh bị bỏ lại phía sau

Việc đổi mới các phương pháp dạy học ở các trường phổ thông là điều tất yếu, nhất là khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 thì mục tiêu đã khác hoàn toàn so với chương trình 2006 trước đây.

Vì thế, giáo viên phải thay đổi cách dạy truyền thụ kiến thức ngày trước sang cách dạy học mới để phù hợp để sau mỗi tiết học, mỗi bài học thì học sinh mới có thể “làm được gì” chứ không phải là thuộc được gì như trước đây.

Song, phương pháp dạy học mới, các bước trong tiến trình dạy học mới chỉ có thể giúp cho một bộ phận học sinh giỏi, tích cực trong học tập tiến bộ còn một bộ phận học sinh yếu, ít động lực học tập gần như chẳng biết gì.

Bởi lẽ, khi thầy cô giao nhiệm vụ học tập thì chỉ có một số ít em học giỏi trong lớp, trong tổ chuẩn bị sản phẩm học tập. Lên lớp thì cũng chỉ những em này trình bày sản phẩm và một số ít em nhận xét và trao đổi sản phẩm học tập của bạn mình.

Một bộ phận học sinh không chuẩn bị bài, không phát biểu ý kiến, không biết hoặc không chịu nhận xét sản phẩm của bạn mình thì giáo viên cũng không thể quở trách hay đưa ra biện pháp xử lý nào được.

Trong khi, mỗi tiết học có 45 phút, giáo viên khó có thể cứ gọi những em không chuẩn bị, không chịu phát biểu lên trình bày sản phẩm hay trao đổi với bạn về sản phẩm vừa trình bày - nhất là những tiết có đồng nghiệp đang dự giờ.

Vậy nên, những em giỏi, phát huy được khả năng của mình thì có thể ngày càng tự tin, tiến bộ nhưng những em có học lực yếu, ngại trình bày trước đám đông thì ngày càng bị bạn bè bỏ lại phía sau.

Nhưng rồi, điểm số của những sản phẩm của nhóm/ tổ thì giáo viên sẽ phải cho điểm tương đồng - kể cả những em học yếu trong nhóm vì đó là sản phẩm của nhóm, của tổ.

Giáo viên chỉ có thể cộng thêm cho học sinh chuẩn bị và trình bày sản phẩm hơn đến 1 điểm là tối đa mà thôi.

Vì thế, các phương pháp giảng dạy, các bước dạy học mới theo hướng dẫn của Công văn 5512 dù có những điểm tiến bộ, phát huy được khả năng học tập của một bộ phận học trò nhưng nó cũng ẩn chứa những hạn chế nhất định.

Nhiều học sinh dù học hành không biết gì nhưng luôn được “điểm ké” của bạn mình nên cuối năm vẫn có thể được tổng kết điểm cao nhưng nếu kiểm tra kiến thức căn bản thì một số em chẳng có gì.

Điều đáng băn khoăn là những năm qua ngành giáo dục đang hướng tới phát triển phẩm chất, năng lực của học trò nhưng công tác kiểm tra mà ngay cả kỳ thi tuyển sinh 10, thi tốt nghiệp trung học phổ thông thì đề thi vẫn chủ yếu là tái hiện kiến thức học thuộc bài mà thôi.

Đổi mới dạy học và đổi mới thi cử chưa có sự song hành cùng nhau và lãnh đạo dự giờ thì cứ máy móc phải đổi mới phương pháp giảng dạy nhưng nếu giáo viên đổi mới hoàn toàn thì chất lượng học tập của học trò sẽ khó đạt được chỉ tiêu, thành tích.

Vì vậy, những tiết có dự giờ thì giáo viên mới thực hiện các bước dạy học theo hướng dẫn của Công văn 5512, khi không có người dự giờ mà gặp phải lớp học yếu thì giáo viên vẫn đang phải thực hiện theo cách truyền thụ kiến thức là chính.

Nếu giáo viên dạy hoàn toàn theo phương pháp mới thì có lẽ họ sẽ nhàn hạ hơn rất nhiều vì giáo viên chỉ là người giao nhiệm vụ và chốt lại vấn đề khi học sinh trình bày và nhận xét sản phẩm nhưng nếu dạy như vậy thì làm sao có kết quả, có điểm số tốt trong các kỳ kiểm tra, thi cử?

Hơn nữa, mỗi tuần thì học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông học mười mấy môn học, mỗi buổi học cũng phải 3-4 môn học mà môn nào cũng yêu cầu học sinh chuẩn bị sản phẩm học tập thì học sinh có 3 đầu 6 tay cũng không bao giờ chuẩn bị kịp - cho dù là học sinh giỏi trong lớp.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NGUYỄN ĐĂNG