LTS: Đặt ra câu hỏi, có cần thiết phải duy trì các trung tâm giáo dục thường xuyên nữa không? Nhất là các trung tâm giáo dục thường xuyên cấp huyện, thị? tác giả Nguyễn Cao cho rằng, sự tồn tại này đang gây ra một sự lãng phí lớn về nhân lực và nguồn ngân sách của nhà nước.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Hiện nay, cả nước hiện nay có 726 trung tâm giáo dục thường xuyên (71 cấp tỉnh, 655 cấp huyện), 10.992 trung tâm học tập cộng đồng (đạt tỷ lệ 98,75% số xã phường có trung tâm học tập cộng đồng). Đây thực sự là những con số đáng cho chúng ta suy ngẫm.
Cho dù sự tồn tại và duy trì hoạt động của các trung tâm này đúng với chủ trương và văn bản hiện hành. Nhưng, đã đến lúc chúng ta phải xem lại hiệu quả hoạt động của 2 mô hình này bởi vừa lãng phí về nhân lực, vật lực mà hiệu quả của 2 loại hình trung tâm này gần như rất mờ nhạt.
(Ảnh minh họa: TTXVN). |
Các trung tâm giáo dục thường xuyên cấp tỉnh hiện nay đều được xây dựng rất lớn, có khuôn viên khá rộng rãi và thường được bố trí ngay tại các khu trung tâm tỉnh lị.
Thế nhưng, các trung tâm này chủ yếu là làm dịch vụ là nơi cho thuê để ôn thi đại học, ôn thi cao học và các lớp bồi dưỡng chuyên môn, các lớp từ xa, tại chức dạy liên kết giữa địa phương với các trường đại học. Ngoài ra, còn là nơi tổ chức và dạy ngoại ngữ, tin học, lái xe...
Chức năng chính là dạy chương trình bổ túc cho các em học sinh từ lớp 10-12 thì gần như không thu hút được học sinh đến học bởi chỉ tiêu tuyển được hàng năm rất ít ỏi và thậm chí là không tuyển được học sinh đến với loại hình đào tạo này.
Đối với các trung tâm giáo dục thường xuyên cấp huyện thì càng khó tuyển được học sinh vào học. Bởi phần lớn các trường phổ thông trung học đã tuyển hết học sinh sau khi các em tốt nghiệp cấp trung học cơ sở.
Nhiều trường còn tuyển cả học sinh bị điểm liệt vào học vì số học sinh thì ít mà trường phổ thông trung học thì nhiều.
Chính vì vậy, phần lớn các trung tâm giáo dục thường xuyên cấp huyện đang hoạt động cầm chừng và lãng phí vô cùng.
Thời gian qua, các phương tiện thông tin đại chúng ta phản ánh rất nhiều về thực trạng của các trung tâm giáo dục thường xuyên như ở Con Cuông (Nghệ An), năm học 2016 - 2017, trung tâm giáo dục thường xuyên của huyện chỉ tuyển sinh được 3 học sinh lớp 10.
Tình trạng tương tự đã diễn ra nhiều năm về trước, bởi tính đến thời điểm hiện tại, tổng số học sinh khối 10, 11, 12 của toàn trung tâm chỉ có 21 học sinh. Với số lượng học sinh ít ỏi là vậy nhưng tổng số cán bộ, giáo viên toàn trung tâm có 10 người.
Các trung tâm giáo dục thường xuyên - hướng nghiệp và dạy nghề hoạt động cầm hơi |
Vì thế, tại trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Con Cuông, nhiều năm nay do không có học sinh nên giáo viên không có tiết dạy, chủ yếu đến ngồi chơi rồi về.
Vậy nên, ban giám đốc trung tâm đã “năng động” phối hợp với các trường mở các lớp tại chức đại học và dạy tiếng dân tộc, thi giấy phép lái xe ô tô B1, giấy phép lái xe mô tô và học cắm hoa nghệ thuật...
Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Nghĩa Hành (Quãng Ngãi) hiện có 10 phòng học, có 14 cán bộ, nhân viên, trong đó có 8 giáo viên cơ hữu nhưng năm học 2017-2018, trung tâm tuyển được 45 em đăng ký học bổ túc văn hóa (lớp 10, lớp 11 và lớp 12).
Và, theo số liệu từ Sở giáo dục và đào tạo Hà Tĩnh, con số tuyển sinh năm học 2017 - 2018 của mô hình đào tạo bổ túc trên toàn tỉnh là 1.029 học viên thì 12 trung tâm chỉ tuyển được có 525 học sinh theo học... Rõ ràng, mô hình giáo dục thường xuyên đã không còn phù hợp trong điều kiện học tập hiện nay của xã hội.
Với số lượng học sinh theo học ít ỏi như vậy thì việc tồn tại của các trung tâm giáo dục thường xuyên thực sự đang lãng phí vô cùng.
Ta cứ tính với việc tồn tại của 726 trung tâm giáo dục thường xuyên trong cả nước. Mỗi trung tâm giáo dục thường xuyên chỉ tạm tính số lượng biên chế là 10 người thì con số cũng đã lên đến hơn 7000 ngàn người.
Mỗi tháng, mỗi năm trả không biết bao nhiêu tiền lương và đầu tư cơ sở vật chất nhưng số lượng học sinh theo học mỗi trường chỉ vài chục học sinh thì hiệu quả chẳng đáng là bao so với số tiền mà nhà nước đã và đang đầu tư cũng như trả lương cho bộ máy máy cồng kềnh của các trung tâm này.
Vậy, chúng ta có cần thiết phải duy trì các trung tâm giáo dục thường xuyên nữa không? Nhất là các trung tâm giáo dục thường xuyên cấp huyện, thị?
Cùng với sự lãng phí của các trung tâm giáo dục thường xuyên thì việc ra đời của các trung tâm học tập cộng đồng của cấp xã (phường) theo Quyết định 112/2005/QĐ-TTg, nhằm xây dựng cả nước trở thành một xã hội học tập với tiêu chí cơ bản là tạo cơ hội, điều kiện thuận lợi để mọi người, mọi lứa tuổi và mọi trình độ được học tập suốt đời.
Cùng với quyết định của Chính phủ thì Bộ giáo dục và đào tạo ban hành Quyết định 09/2008/QĐ-BGDĐT ngày 24/3/2008 cũng xác định hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người được học tập thường xuyên, học tập suốt đời góp phần xóa đói, giảm nghèo, tăng năng suất lao động, cải thiện cuộc sống của mỗi người và cộng đồng.
Mục tiêu là vậy nhưng thực tế hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng này có lẽ chúng ta phải xem xét lại bởi phần lớn các trung tâm này chỉ hoạt động cho có.
Giám đốc Trung tâm cho thuê phòng dạy thêm ở Quận 1 là Phó chủ tịch phường |
Mỗi năm, chỉ kết hợp với nhà trường đi vận động học sinh bỏ học vài buổi đầu năm học. Các lớp dạy nghề cho nông dân thì rất hiếm được mở lớp mà có mở thì cũng chẳng mấy người học bởi các trường nghề chính quy mọc nhan nhản khắp nơi cũng chưa thu hút được người học thì nói gì đến việc học viên vào học ở các trung tâm này.
Thậm chí nhiều nơi, phòng làm việc cho trung tâm còn chưa có thì nói gì đến việc người dân đến học tập? Vì thế, sự cơ cấu nhân sự chỉ theo hình thức cho đúng với hướng dẫn hiện hành.
Những giáo viên được phân công làm phó giám đốc trung tâm học tập cộng đồng thỉnh thoảng ghé vào xã cho có lệ rồi về chứ có việc gì đâu.
Trong khi, cả nước hiện có 10.992 trung tâm học tập cộng đồng. Gần như mỗi xã, phường đều đã thành lập 1 trung tâm học tập cộng đồng.
Mỗi trung tâm được cơ cấu 3 người, 1 giám đốc (chủ tịch hoặc phó chủ tịch xã kiêm nhiệm) 1 phó giám đốc (là 1 giáo viên tiểu học hoặc trung học cơ sở) và 1 cán bộ của Hội khuyến học.
Rõ ràng, mục tiêu của Đảng và Nhà nước là rất nhân văn và thiết thực nhưng việc thực hiện lại đang nảy sinh nhiều bất cập.
Sự bất cập lớn nhất là mỗi trung tâm phải trả lương cho phó giám đốc (là giáo viên) hàng tháng nhưng lại không phát huy được hiệu quả.
Vì vậy, đa phần là các trung tâm này có cũng như không? Nếu như chúng ta sáp nhập trung tâm này với ban văn hóa xã, phường thì rõ ràng không phải tăng biên chế mà nó vẫn hoạt động được đúng với chức trách, nhiệm vụ của trung tâm học tập cộng đồng hiện nay theo hướng dẫn.
Chủ trương tinh giản biên chế của Đảng và Nhà nước đã và đang ráo riết được thực hiện thì việc xem lại chức năng, nhiệm vụ và tính hiệu quả của 2 trung tâm này cũng là một việc làm cần thiết.
Cả nước đang có hàng chục ngàn nhân sự được biên chế ở các trung tâm này mà hiệu quả thì ai cũng biết.
Vậy, có nên tồn tại nữa hay không? Và, nếu tồn tại thì chúng ta phải tính đến mục đích và cách thức hoạt động như thế nào cho hiệu quả chứ cứ tồn tại một cách hình thức như hiện nay thì duy trì loại hình trung tâm này làm gì cho lãng phí?