Tâm tư của một người thầy về những món quà biếu

16/11/2018 06:50
XUÂN VI
(GDVN) - Cứ mỗi lần gặp lại học sinh, lòng tôi rất vui nhưng lại băn khoăn như vẫn còn mắc nợ các em. Trước những tấm lòng thơm thảo ấy, tôi cứ tự trách mình...

LTS: Nhân câu chuyện về chuyện tặng quà thầy cô như thế nào, thầy giáo Xuân Vi chia sẻ bài viết thể hiện tâm tư của mình về những món quà biếu.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Một câu hỏi các thầy cô hay hỏi nhau sau mỗi ngày 20/11, ngày tết, ngày tổng kết cuối năm là: "Trường bạn năm nay được bao nhiêu"?

Cũng thông cảm vì ngành nào cũng có thưởng vào những dịp lễ, tết, tổng kết cuối năm. Còn ngành sư phạm thì chế độ không có bao giờ.

Các hiệu trưởng vì nhiều áp lực mà phải xoay sở bằng nhiều cách để có được một khoản nho nhỏ cho mỗi thầy cô. Cách làm thì vô cùng phong phú.

Năm ấy, thầy Tổng đội xin ý kiến nhà trường phát động mỗi em đóng 15.000 đồng để làm quà thầy cô giáo và yêu cầu học sinh không đến nhà thầy cô đề phòng tai nạn giao thông. Em nào tặng hoa thì tặng ngay tại trường.

Ảnh minh họa: Infonet.vn
Ảnh minh họa: Infonet.vn

Tôi không ủng hộ việc phát động học sinh nộp tiền nhưng ủng hộ việc học sinh tặng hoa tại trường và không được đến nhà thầy cô nhưng "không dám" nói (?).

Vì vậy tôi cũng chỉ nói trước học sinh phần tôi ủng hộ. Em lớp trưởng hỏi, tôi trả lời: "Em cứ nói với các bạn, được bao nhiêu cũng không sao".

Một buổi sáng, giờ truy bài, tôi lên gần đến cửa lớp thì nghe các em đang nhao nhao. Một em nói to: " Tao đ...thích!Tao đ...có !Tao đ...nộp"! Tôi lặng lẽ trở về văn phòng mà lòng nặng trĩu.

Kết thúc đợt thi đua 20/11, lớp tôi chủ nhiệm được "bêu dương" vì được ít tiền nhất trường. Tôi nhẫn nhục chịu "đòn" của thầy Tổng đội. Nhưng nhà trường vẫn thưởng cho tôi bằng những thầy cô giáo khác .

Tâm tư của một người thầy về những món quà biếu ảnh 2Nhà giáo và quà tặng ngày 20/11

Cầm mấy trăm nghìn mà tai tôi cứ văng vẳng câu nói hôm nào của học sinh. Tôi rút lấy một trăm nghìn (?), còn mấy trăm nghìn, giờ sinh hoạt tôi nói với các em:

"Đợt thi đua này, lớp mình bị phê bình,các em không có lỗi. Thầy thấy mình chưa xứng đáng với những đồng tiền của phụ huynh và nhà trường tặng.

Trả lại trường thì không hay. Thầy xin nhập vào quỹ lớp để chi tiêu vào việc lớp mình".

Các em ngồi lặng đi. Lớp trưởng giơ tay nhưng thấy thầy nghiêm khắc nên lại thôi. Tôi bảo em thủ quỹ lớp lấy số để thầy ký và đưa tiền (tôi không bao giờ cầm tiền quỹ lớp mà để các em bầu ra thủ quỹ, kế toán cùng ban Chỉ huy chi đội quản lý vì cho rằng đó cũng là một kỹ năng sống cần thiết).

Đưa tiền cho thủ quỹ xong, nhìn xuống, lớp vẫn im phăng phắc. Nhiều em gục mặt xuống bàn.

Hiện nay, tôi đã nghỉ hưu. Thỉnh thoảng các em vẫn đến chơi vào các dịp lễ, tết với những món quà.

Cứ mỗi lần gặp lại học sinh như vậy, lòng tôi rất vui nhưng lại băn khoăn như vẫn còn mắc nợ các em. Trước những tấm lòng thơm thảo ấy, tôi cứ trách mình sao ngày xưa không cố gắng hơn.

Tôi muốn được trẻ lại như những thầy cô đang đứng lớp để được dạy hết mình, để không phải mang cảm giác băn khoăn như người mắc nợ hôm nay. Món nợ mà tôi sẽ không bao giờ trả được cho những lứa học sinh đã qua.

Mang nặng nỗi niềm, tôi chỉ biết gửi lòng trong mấy vần thơ:

NHẬN QUÀ BIẾU

Xin cảm ơn con tết biếu thầy
Chối từ chẳng nỡ, nhận sao đây?
Qua sông vẫn nhớ con đò mảnh
Vượt bến còn lưu những dấu giầy.
Mát bóng cây ươm ngày nắng lửa
Ấm lòng thầy dạy buổi heo may.
Con về tết lễ thầy xin nhận
Món nợ với đời nặng lắm thay!

XUÂN VI