Thạc sĩ Phan Thế Hoài nhận xét đề thi Ngữ văn đợt 2 và gợi ý đáp án tham khảo

07/08/2021 07:12
Phan Thế Hoài
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đề thi Ngữ văn kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông đợt 2 không đánh đố, nhiều thí sinh sẽ đạt điểm khá giỏi.

Sáng 6/8, hơn 11.000 thí sinh cả nước bước vào đợt 2 kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021.

Ngữ văn là môn thi tự luận duy nhất trong số các môn thi tốt nghiệp, thời gian làm bài 120 phút. Nhìn chung, đề thi Ngữ văn đợt 2 không đánh đố, cấu trúc, độ khó của đề tương đương với đợt 1.

Phần Đọc hiểu

Phần Đọc hiểu cho đoạn trích “Món quà cuộc sống”, Dr. Bernie S. Siegel, Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2020, trang 26-27. Từ ngữ liệu, đề yêu cầu thí sinh trả lời 4 câu hỏi theo ma trận được thiết lập: nhận biết (câu 1, câu 2), thông hiểu (câu 3) và vận dụng thấp (câu 4).

Cụ thể, câu 1, theo đoạn trích, mục đích của việc “chăm sóc và giữ gìn hành trình này” là gì? Câu 2, chỉ ra “những điều gần gũi, những việc đơn giản” nên làm để bắt đầu xây dựng mái nhà chung được nêu trong đoạn trích.

Thí sinh dễ dàng trả lời được 2 câu hỏi này, chỉ cần chép đúng nội dung ngữ liệu được đề cập. Theo đáp án của đợt 1, hầu hết thí sinh có thể lấy 1,5 điểm.

Câu 3, anh/chị hiểu như thế nào về nhận định “Thật ra bạn vẫn luôn ở nhà mình ngay cả khi bạn đang đứng ở bất kì vị trí nào trên hành tinh này” trong đoạn trích. Đây là câu thông hiểu, thí sinh cần một chút tư duy thì mới có thể lấy trọn vẹn 1.0 điểm.

Gợi ý: “ở nhà mình” chỉ không gian quen thuộc, gần gũi, nồng ấm, thân thương. “Hành trình” có nghĩa là đường đi qua trong một chuyến đi dài. Câu nói này có nghĩa, cho dù ta có đi bất cứ nơi đâu nhưng nếu luôn hướng về gia đình, quê hương, nguồn cội thì nơi đó vẫn là “nhà mình”.

Câu 4, anh/chị có đồng tình với ý kiến trong đoạn trích “Đã đến lúc thôi để ý đến những khác biệt bề ngoài, hãy nhận ra rằng, tất cả chúng ta đều chung dòng máu đỏ” không? Vì sao?

Thí sinh có thể đồng tình, chỉ đồng tình một phần hoặc không đồng tình với ý kiến, miễn sao lập luận hợp lí, không vi phạm thuần phong mĩ tục, đạo đức, pháp luật và cần trả lời từ 3 đến 5 câu cho đủ ý thì được 0,5 điểm.

Giả sử, thí sinh đồng tình với ý kiến này thì cần nói được, những khác biệt bên ngoài của con người như thói quen, sở thích, cá tính, quan điểm sống… là điều hiển nhiên, rất bình thường trong cuộc sống, chúng ta phải chấp nhận.

Thế nhưng, vì con người cùng chung dòng máu đỏ nên cần phải biết chia sẻ, đoàn kết, thương yêu đùm bọc lẫn nhau. Còn chúng ta cứ mãi để ý đến những khác biệt bên ngoài của nhau thì có thể dẫn đến chỉ trích, hiềm khích tạo ra những bất hòa, xung đột không đáng có.

Đề thi Ngữ văn kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông đợt 2. Ảnh do tác giả cung cấp

Đề thi Ngữ văn kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông đợt 2. Ảnh do tác giả cung cấp

Phần Làm văn

Phần Làm văn, câu Nghị luận xã hội, từ ngữ liệu ở phần đọc hiểu, đề yêu cầu thí sinh viết một đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ về sự cần thiết của tinh thần hợp tác trong cuộc sống.

Thí sinh có thể trả lời theo gợi ý sau đây:

- Hợp tác là cùng chung sức làm việc, giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau trong một công việc hay một lĩnh vực nào đó vì mục đích chung.

- Con người biết hợp tác với nhau, cùng hướng đến mục đích chung nhất thì công việc được hoàn thành, xã hội sẽ phát triển.

- Những công việc phức tạp, cần một sức mạnh trí tuệ và thể chất lớn đòi hỏi con người phải hợp tác với nhau, đem lại chất lượng và hiệu quả cao trong công việc.

- Phê phán những người thiếu ý thức hợp tác trong công công việc. Họ sống ích kỉ, lười biếng, né tránh, chậm trễ, trì trệ.

Câu Nghị luận văn học, yêu cầu cảm nhận đoạn 2 trong bài thơ “Tây Tiến”, từ đó nhận xét cảm hứng lãng mạn của Quang Dũng trong đoạn thơ.

Đây là đoạn thơ khó cảm nhận nhất so với các đoạn khác của bài thơ “Tây Tiến”. Vậy nên độ khó của câu này tương đương với độ khó của đề thi lần 1, cảm nhận 3 đoạn thơ trong bài “Sóng” của Xuân Quỳnh. Từ đó, nhận xét vẻ đẹp nữ tính trong thơ Xuân Quỳnh.

Gợi ý làm bài câu nghị luận văn học như sau:

* Mở bài, thí sinh giới thiệu về nhà thơ Quang Dũng, bài thơ “Tây Tiến” và vấn đề cần nghị luận.

* Thân bài, cảm nhận những kỉ niệm đẹp về tình quân dân trong đêm liên hoan văn nghệ: Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa/Kìa em xiêm áo tự bao giờ/Khèn lên man điệu nàng e ấp/Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ.

- Với nét vẽ khỏe khoắn, mê say, Quang Dũng dẫn ta vào một đêm liên hoan văn nghệ. Đây là những kỉ niệm đẹp, hấp dẫn nơi xứ lạ, một đêm liên hoan văn nghệ hiếm có giữa binh đoàn Tây Tiến và nhân dân địa phương.

- Cảnh ấy thực mà như mơ, vui tươi mà sống động: cả doanh trại bừng sáng dưới ánh lửa đuốc bập bùng, tưng bừng hân hoan như một ngày hội. Trong ánh đuốc lung linh, kì ảo, trong âm thanh réo rắt của tiếng khèn, những cô gái Thái lộng lẫy, rực rỡ trong bộ trang phục lạ, dáng điệu e thẹn, tình tứ trong vũ điệu đậm sắc màu dân tộc đã thu hút hồn vía của những chàng trai Tây Tiến.

Cảnh sông nước miền Tây Bắc: Người đi Châu Mộc chiều sương ấy/Có thấy hồn lau nẻo bến bờ/Có nhớ dáng người trên độc mộc/Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa.

- Cảnh thơ mộng trữ tình của sông nước miền Tây Bắc được nhà thơ diễn tả qua những chi tiết: trên sông, chiều sương giăng mắc mênh mang kì ảo, dòng sông trôi lặng tờ mang đậm sắc màu cổ tích, có dáng người mềm mại, uyển chuyển đang lướt trên con thuyền độc mộc, hoa đôi bờ đong đưa theo dòng nước như vẫy chào tạm biệt người ra đi.

- Cảnh đẹp như mộng lại như tranh, chỉ vài nét chấm phá mà tinh tế, tài hoa: Quang Dũng không tả mà chỉ gợi, cảnh thiên: Có thấy hồn lau nẻo bến bờ.

+ “Hồn lau” trong thơ của Quang Dũng cũng là “hồn lau” của biệt li phảng phất một chút buồn nhưng không xao xác, xé rách, lãng quên mà đầy nỗi nhớ thương, lưu luyến.

+ Nỗi nhớ thương, lưu luyến đó đã được nhà thơ thể hiện trong những từ ngữ như “có nhớ”, “có thấy”. Tình yêu đối với cỏ cây, hoa lá, dòng sông, dáng người… đã làm cho cuộc sống đầy hi sinh, gian khổ của những người lính có thêm nhựa sống.

- Nhận xét cảm hứng lãng mạn trong đoạn thơ: thực ảo đan xen trong đêm liên hoan “bừng lên hội đuốc hoa” với cái nhìn ngơ ngác “kìa em xiêm áo tự bao giờ”. Từ cảnh liên hoan chuyển sang cảnh sông nước đầy chất thơ bằng bút pháp chấm phá tinh tế… Cảnh như được phủ lên màn sương huyền thoại, da diết hồn của ngàn lau giống như một bức cổ họa.

* Kết bài, khát quát nội dung nghệ thuật của đoạn thơ, khẳng định vai trò, vị trí của tác giả và tác phẩm.

Nhìn chung, đề thi Ngữ văn đợt 2 không đánh đố, cấu trúc, độ khó của đề tương đương với đợt 1. Riêng câu Nghị luận văn học (5 điểm) không nằm ngoài dự đoán của giáo viên, học sinh. Cá nhân người viết dự đoán điểm trung bình chung trên 7.0 điểm.

Phan Thế Hoài