Thông tin Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong thời gian sắp tới khiến nhiều giáo viên vui mừng.
Thế nhưng vẫn còn đó rào cản bắt buộc giáo viên phải có trình độ ngoại ngữ, tin học. Cụ thể, trong thời gian hiện nay và sắp tới việc thi tuyển viên chức ngành giáo dục hoặc thi thăng hạng viên chức vẫn phải cần có trình độ hiểu biết về ngoại ngữ, tin học.
Điều 9. Nghị định 115/2020/NĐ-CP ghi rõ: Hình thức, nội dung và thời gian thi.
Thi tuyển viên chức được thực hiện theo 2 vòng thi như sau:
1. Vòng 1: Thi kiểm tra kiến thức chung
a) Hình thức thi: Thi trắc nghiệm trên máy vi tính.Trường hợp tổ chức thi trên máy vi tính thì nội dung thi trắc nghiệm không có phần thi tin học. Trường hợp cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng chưa có điều kiện tổ chức thi trên máy vi tính thì thi trắc nghiệm trên giấy.
b) Nội dung thi gồm 3 phần, thời gian thi như sau:
Phần I: Kiến thức chung, 60 câu hỏi hiểu biết về pháp luật viên chức, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật về ngành, lĩnh vực tuyển dụng. Thời gian thi 60 phút.
Phần II: Ngoại ngữ, 30 câu hỏi theo yêu cầu của vị trí việc làm về một trong năm thứ tiếng Anh, Nga, Pháp, Đức, Trung Quốc hoặc ngoại ngữ khác do người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng quyết định. Thời gian thi 30 phút.
Phần III: Tin học, 30 câu hỏi theo yêu cầu của vị trí việc làm. Thời gian thi 30 phút.
Như vậy “chạy trời không khỏi nắng”, muốn làm giáo viên vẫn phải có trình độ ngoại ngữ, tin học, thay vì chứng chỉ nay lại thi.
Muốn làm giáo viên vẫn phải có trình độ ngoại ngữ, tin học. (Ảnh: Lã Tiến) |
Hội đồng thi ngoại ngữ, tin học địa phương liệu có hết tiêu cực?
Việc bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học có thể nói là bước đột phá giảm gánh nặng, thủ tục hành giáo viên, đặc biệt là bớt đi nạn bằng thật học giả, mua bán bằng cấp.
Thế nhưng rất nhiều người băn khoăn, lo lắng khi Khoản 3 Điều 8 Nghị định 115/2020/NĐ-CP ghi rõ: “3. Hội đồng tuyển dụng làm việc theo nguyên tắc tập thể, quyết định theo đa số; trường hợp biểu quyết ngang nhau thì thực hiện theo ý kiến mà Chủ tịch Hội đồng tuyển dụng đã biểu quyết.”
Như vậy, kỳ thi tuyển viên chức phụ thuộc rất lớn vào Chủ tịch Hội đồng tuyển dụng.
Nếu Chủ tịch Hội đồng tuyển dụng không khách quan, vô tư trong tuyển dụng, kỳ thi tuyển viên chức sẽ hoàn toàn bị thất bại.
Để ngăn chặn tiêu cực, Khoản 4 Điều 8 Nghị định 115/2020/NĐ-CP quy định:
“4. Không bố trí những người có quan hệ là cha, mẹ, anh, chị, em ruột của người dự tuyển hoặc của bên vợ (chồng) của người dự tuyển; vợ hoặc chồng, con đẻ hoặc con nuôi của người dự tuyển hoặc những người đang trong thời hạn xử lý kỷ luật hoặc đang thi hành quyết định kỷ luật làm thành viên Hội đồng tuyển dụng, thành viên các bộ phận giúp việc của Hội đồng tuyển dụng”.
Liệu những tiêu chí trên có đủ sức ngăn chặn tiêu cực trong tuyển giáo viên?
Để đảm bảo tính khách quan, công bằng, cần đưa kiến thức ngoại ngữ, tin học vào trong chương trình đào tạo, không cần thi đầu vào ngoại ngữ, tin học nữa.
Với vị trí công việc cụ thể cần kiến thức ngoại ngữ, tin học cao hơn (Cán bộ quản lý) thì tổ chức thi.
Nhà nước cần có tổ chức độc lập trong việc thi tuyển, đánh giá viên chức, công chức. Có như vậy mới đảm bảo tính khách quan, minh bạch và chọn được người có năng lực.
Tài liệu tham khảo:
https://luatvietnam.vn/can-bo/nghi-dinh-115-2020-nd-cp-tuyen-dung-su-dung-va-quan-ly-vien-chuc-191500-d1.html