Thầy cô chưa giàu, nhưng nếu được lương cao nhất cũng thấy...ngại

27/02/2019 06:17
NGUYỄN NGUYÊN
(GDVN) - Trong khi “chiếc bánh” ngân sách có hạn mà ai cũng muốn ngành mình được hưởng nhiều thì ai sẽ là người ít đây?

Không có giáo viên nào chê tiền và ai cũng mong muốn tiền lương hàng tháng của mình được cao hơn.

Nhưng, đất nước còn khó khăn, nợ công còn lớn, nhiều thứ phải đầu tư, chi tiêu…nên lương giáo viên xếp riêng, xếp cao nhất e rằng sẽ chưa phù hợp.

Chỉ mỗi chuyện lương nhà giáo, sao bàn lâu thế?

Thực tế, phần lớn nhà giáo hiện nay không giàu có gì, thậm chí còn nhiều người quá khó khăn nhưng so với mặt bằng chung của đời sống người dân thì những thầy cô giáo cũng không phải là những người khó khăn, có mức thu nhập thấp nhất.

Trong khi “chiếc bánh” ngân sách có hạn mà ai cũng muốn ngành mình được hưởng nhiều thì ai sẽ là người ít đây? Hơn nữa, các ngành nghề trong xã hội có ngành nào là không quan trọng đâu.

Nhà giáo có vị trí đặc biệt, ngành giáo dục có tính đặc thù thì ai cũng có thể cảm nhận được. Một khi nhà giáo còn khó khăn thì ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục là điều khó tránh khỏi.

Nhưng, thử hỏi những công, viên chức bình thường, không đảm nhận chức vụ trong cả nước thì có mấy ai không khó khăn về kinh tế, không phải lo toan trong cuộc sống hàng ngày.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu ( Ảnh: Quochoi.vn)
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu ( Ảnh: Quochoi.vn)

Những thiện ý của nhiều chuyên gia và nhất là Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã và đang kiên trì nêu ý kiến đề xuất trước các diễn đàn, trước Quốc hội để lương nhà giáo được xếp cao nhất trong các đơn vị sự nghiệp là những thiện ý rất đáng trân trọng.

Bởi, họ đã và đang mong muốn được cải thiện cuộc sống của người thầy- đây cũng là mong muốn hoàn toàn chính đáng của đội ngũ nhà giáo cả nước.

Nhưng, nhân lực ngành giáo dục hiện nay nhiều quá bởi hệ thống trường công đang chiếm áp đạo hệ thống giáo dục nước nhà. Hệ thống trường tư thì chỉ một số trường có thể phát triển được còn lại đa phần cũng èo uột.

Vì thế, ngân sách nhà nước phải đầu tư nhiều cho hệ thống trường công về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và trả lương hàng tháng cho giáo viên.

Ngoài ra, còn hỗ trợ một số chế độ chính sách cho học sinh nghèo, học sinh ở vùng đặc biệt khó khăn, học sinh là con em dân tộc thiểu số…

Chính vì thế, trong cuộc họp của Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự thảo Luật giáo dục sửa đổi ngày 21/2, nhiều ý kiến cho rằng, nhà giáo là nghề có thu nhập cao, tương xứng với vị trí, vai trò của nhà giáo trong xã hội.

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã nêu quan điểm là: “Không nên quy định bảng lương riêng cho nhà giáo. Như vậy là trái với tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW có 3 bảng lương.

Ngoài ra, cũng không nên quy định nghề giáo là nghề có mức phụ cấp cao nhất”.

Thầy cô chưa giàu, nhưng nếu được lương cao nhất cũng thấy...ngại ảnh 2Đánh giá giáo viên thế nào để trả lương theo vị trí việc làm?

Những quan điểm, ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu, chúng tôi cho đó là điều phù hợp cả về lý và tình trong bối cảnh hiện nay.

Việc tăng lương cho nhà giáo trong bối cảnh hiện tại là điều mà ngân sách nhà nước không thể gánh được.

Hơn nữa, nhà giáo cũng là những viên chức như bao ngành nghề khác đang được trả lương từ ngân sách nhà nước nên không thể tách rời và đứng riêng, đứng trên chế độ đãi ngộ của quy định chung.

Muốn tăng lương cho nhà giáo trong bối cảnh hiện nay, theo chúng tôi không có gì thiết thực hơn là ngành giáo dục, nội vụ và các ủy ban nhân dân tỉnh, huyện cần phải làm một số vấn đề sau:

Thứ nhất: Đa dạng hóa hệ thống trường công, trường tư, tạo cơ chế thông thoáng, cởi mở để phát triển hệ thống trường tư thục nhằm giảm áp lực cho hệ thống trường công.

Tránh tình trạng gây khó dễ, xem trường tư như “con ghẻ” của hệ thống giáo dục.

Thứ hai: Quy hoạch lại hệ thống trường công bằng cách sáp nhập một số trường cùng cấp học trên một địa bàn gần nhau về một mối và các chức vụ trong nhà trường cũng nên kiêm nhiệm nhiều hơn để giảm nhân sự cho ngành.

Hiện nay, chúng ta thấy rất lãng phí khi nhiều địa phương mà một xã (phường) có đến 3-4 trường tiểu học, một huyện có đến 7-8 trường trung học phổ thông. Điều mà ai cũng biết là nhiều trường thì thêm nhiều ban giám hiệu, nhiều nhân viên...

Bổ nhiệm lãnh đạo nhà trường thì luôn ở mức tối đa. Một trường phổ thông có đến 2-3 phó hiệu trưởng để làm gì?

Trong trường có nhân viên thiết bị, có bảo vệ mà các phòng thí nghiệm, phòng tin học lại có thêm giáo viên kiêm nhiệm quản lý.

Thứ ba: Nên bố trí lại việc làm của giáo viên ở các nhà trường bởi hiện nay nhiều giáo viên dạy dưới định mức của quy định.

Thậm chí có những môn ở một số trường thì giáo viên dạy chưa được một nửa số tiết quy định.

Dù dư thừa giáo viên, giáo viên dạy dưới định mức quy định rất nhiều nhưng lương thì luôn phải trả đúng, trả đủ theo hệ số, thâm niên và phụ cấp ưu đãi chứ có bớt được đồng nào đâu.

Thứ tư: Lãnh đạo ngành giáo dục và các địa phương làm tốt khâu tuyển dụng, tiếp nhận giáo viên khi thuyên chuyển công tác bởi các khâu này đang có quá nhiều tiêu cực.

Thầy cô chưa giàu, nhưng nếu được lương cao nhất cũng thấy...ngại ảnh 3Biên chế ngành giáo dục ngày càng phình to, tiền đâu mà nâng lương?

Những giáo viên có “gốc gác” đều được tuyển dụng và thuyên chuyển dễ dàng bởi một sự “gửi gắm” từ một vị cấp trên nào đó.

Vì thế, giáo viên ngày càng dư thừa.

Giáo viên được đào tạo chính quy thì đang thất nghiệp nhưng giáo viên học hệ tại chức, từ xa, đại học mở thì được tuyển dụng.

Chẳng hạn như môn tiếng Anh ở Thanh Hóa có tới trên một nửa giáo viên không được đào tạo chính quy mà báo chí đã và đang phản ánh minh chứng rõ nhất cho vấn đề này.

Thứ năm: Bộ cần siết chặt lại chỉ tiêu đào tạo hàng năm của các trường sư phạm. Đào tạo càng dư thừa thì tuyển dụng tiêu cực lại càng nhiều.

Khi dư thừa thì giáo viên phải chạy vạy bằng mọi giá để có việc.

Tất nhiên, người chạy việc phải liên hệ, nhờ vả những người có chức vụ cụ thể ở địa phương. Rồi cứ trên ép xuống, trên gửi nhân lực về thì trường nào dám chối, dám không nhận. Cơ chế xin-cho vẫn xảy ra ở nhiều nơi.

Khi giải quyết được 5 vấn đề trên, cùng với chính sách khoán kinh phí, khoán lương thì thu nhập của giáo viên hàng tháng tức khắc tự nâng lên.

Không cần thiết phải đề nghị, đề xuất gì nhiều nữa. Hàng chục năm qua, vấn đề lương giáo viên đã được chúng ta nói nhiều, nói mãi và nói liên tục nhưng nào có giải quyết được đâu.

Bởi, cũng tại biên chế, hợp đồng giáo viên ngày càng phình ra và giảm thì rất ít mà lại rất tốn kém, đa phần những giáo viên được tinh giản là những người sắp đến tuổi về hưu.

Tới đây, khi chương trình giáo dục phổ thông mới được áp dụng, ngành giáo dục cả nước lại phải tuyển thêm hàng chục nghìn giáo viên mới.

Bởi, cấp trung học phổ thông đưa vào các môn mới là Âm nhạc, Mỹ thuật.

Cấp tiểu học thì thực hiện dạy 2 buổi và đưa vào môn Tin học từ lớp 3 trở lên, tiếng Anh thì dạy từ lớp 1 (chương trình hiện hành là lớp 3).

Vì thế, nhân sự cho chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ không giảm mà tăng lên với số lượng lớn.

Trong khi, đây là vấn đề trong tầm tay của Bộ Giáo dục mà chưa giải quyết được thì chuyện tăng lương liên quan đến nhiều Bộ, ngành, nhiều tổ chức làm sao tăng được đây?

Khi nào kinh tế đất nước phát triển hơn, ngân sách nhà nước có thể đảm bảo được nguồn chi thì cả bàn và nghĩ đến chuyện tăng lương cho giáo viên.

Bởi, hàng mấy chục năm qua, chúng ta đã nói quá nhiều về chuyện này mà cũng có giải quyết được vấn đề gì đâu?

Tài liệu tham khảo:

https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nguoi-thay/se-khong-co-bang-luong-rieng-hay-phu-cap-cao-nhat-cho-nghe-giao-509408.html

NGUYỄN NGUYÊN