Thầy cô phải thay đổi khi Bộ cho học trò dùng điện thoại thông minh vào việc học

23/09/2020 10:08
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Việc dùng điện thoại, thiết bị thông minh để phục vụ học tập, nghiên cứu là xu hướng trên thế giới, mà đã là xu hướng thì các thầy cô giáo lại càng phải bắt kịp.

Xung quanh quy định mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc cho phép học sinh sử dụng điện thoại thông minh trong giờ học để phục vụ việc học nếu thầy cô đồng ý, đã có nhiều quan điểm khác nhau. Có thầy cô nói rằng: Bộ có cho phép, trường tôi vẫn sẽ cấm học sinh dùng điện thoại trong lớp.

Việc dùng điện thoại và thiết bị thông minh để phục vụ học tập, nghiên cứu đã là xu hướng trên thế giới, mà đã là xu hướng thì các thầy cô giáo lại càng phải bắt kịp. Ảnh minh họa: Văn Bảo.

Việc dùng điện thoại và thiết bị thông minh để phục vụ học tập, nghiên cứu đã là xu hướng trên thế giới, mà đã là xu hướng thì các thầy cô giáo lại càng phải bắt kịp. Ảnh minh họa: Văn Bảo.

Để có cái nhìn đa chiều, thấu đáo về vấn đề này, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam ghi nhận ý kiến thầy Đỗ Văn Bảo - Giáo viên Trường trung học Vinschool, người có nhiều sáng tạo trong phương pháp giảng dạy, thầy Bảo chia sẻ:

“Bản thân tôi rất ủng hộ việc cho phép học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học để tìm kiếm học liệu phục vụ cho học tập, và phải nói rõ là chủ trương là cho học sinh dùng điện thoại phục vụ học tập chứ không ngoài mục đích đó.

Việc dùng điện thoại và thiết bị thông minh để phục vụ học tập, nghiên cứu đã là xu hướng trên thế giới, mà đã là xu hướng thì các thầy cô giáo lại càng phải bắt kịp.

Giáo dục phải luôn đi trước một bước mà đã là thầy cô thì lại càng phải đi trước hướng dẫn học sinh sử dụng làm sao cho hiệu quả. Còn không thể cứ không quản được thì cấm, mà không quản được là lỗi của thầy cô.

Có hàng triệu thông tin trên mạng nhưng nếu giáo viên cứ nhìn vào những thông tin độc hại thì sẽ khó triển khai. Còn rất nhiều thông tin tích cực mà giáo viên phải là người nhìn ra, hướng dẫn các em tiếp cận những thông tin đó.

Thầy cô nên tham gia các khóa học Online về cách tìm kiếm thông tin trên mạng, những tài nguyên có ích chứ đừng hướng đến những thông tin tiêu cực để rồi cho rằng tất cả là xấu.

Tốt hay xấu thì môi trường nào cũng có và môi trường ảo cũng là một môi trường, đâu phải môi trường thực tế các em tiếp xúc hàng ngày chỉ toàn điều tốt, nó cũng có những cái xấu đấy thôi.

Giáo viên không cho học sinh sử dụng ở trường thì các con vẫn sử dụng ở nơi khác, vậy nên ở trường hãy dành thời gian hướng dẫn vẽ đường sao cho các con chạy đúng hướng, biết cách sử dụng an toàn đồng thời tích hợp vào việc giảng dạy.

Thầy cô nên tìm hiểu trước về thông tin sắp dạy, tìm những đường link có thông tin tích cực, an toàn rồi gửi cho học sinh, đó cũng là một biện pháp kiểm soát thông tin và khi có được những thông tin hay, tích cực thì cũng giúp cho học sinh xa rời những thông tin xấu”.

Thầy Đỗ Văn Bảo. Ảnh: VB.

Thầy Đỗ Văn Bảo. Ảnh: VB.

Giáo viên cần trang bị kỹ năng gì?

Theo thầy Bảo: “Việc Bộ cho phép dùng điện thoại nhưng cũng có nghĩa là không bắt buộc phải dùng, vậy nên tùy thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh thực tế của học sinh.

Giáo viên cũng không thể ép buộc các con phải có thiết bị mang đến trường để học vì bao lâu nay không có điện thoại thì chúng ta vẫn dạy và học tốt đấy thôi.

Thầy cô hoàn toàn có thể triển khai một tiết học không cần dùng đến công nghệ hay điện thoại mà vẫn đạt được hiệu quả tốt.

Đương nhiên, có công cụ hỗ trợ thì lại càng tốt hơn. Dù dùng điện thoại hay không thì phương pháp giảng dạy của thầy cô vẫn là linh hồn của một tiết học.

Trong một lớp chỉ cần 5-6 chiếc điện thoại hoặc thiết bị thông minh là có thể tổ chức học được, không cần phải mỗi em có 1 cái. Giáo viên chia lớp thành 5-6 nhóm với mỗi nhóm dùng 1 điện thoại.

Nhóm đó bầu ra một tổ trưởng để kiểm soát việc vào mạng tìm tài nguyên, cả nhóm sẽ cùng hợp tác xem cần tìm ra sao và đó là những thông tin gì.

Theo tôi nếu làm tốt việc chia nhóm như vậy, dùng chính học sinh để kiểm soát học sinh thì chắc chắn không thể nào các em vào những đường Link xấu, độc hại, tất nhiên là có thêm sự kiểm soát của giáo viên.

Với giáo viên trẻ thì việc tiếp cận và kỹ năng về công nghệ thông tin không đáng lo, nhưng đối với những giáo viên lớn tuổi thì cần phải cập nhật học hỏi thêm.

Thầy cô nên tiếp cận với những bộ công cụ soạn câu hỏi trắc nghiệm và chỉ cần bỏ ra một chút thời gian để tìm hiểu thì sẽ thấy công việc dễ hơn rất nhiều.

Ngoài ra cần tìm hiểu hoặc xin tài nguyên từ các đồng nghiệp, tìm trước bài giảng hôm nay sẽ có những phần thông tin nào được hỗ trợ trên mạng có lợi cho học sinh, tìm trước những từ khóa để tránh học sinh vào những trang web không có lợi.

Ít nhất giáo viên cũng phải có trong tay một “số vốn” đã được chắt lọc trước, những đường Link có ích để đưa cho học sinh khi vào giờ học, như vậy sẽ thu hút được các em và bài giảng sẽ hiệu quả”.

Trong một lớp chỉ cần 5-6 chiếc điện thoại hoặc thiết bị thông minh là có thể tổ chức học được, không cần phải mỗi em có 1 cái. Giáo viên chia lớp thành 5-6 nhóm với mỗi nhóm dùng 1 điện thoại. Ảnh minh họa: Văn Bảo.

Trong một lớp chỉ cần 5-6 chiếc điện thoại hoặc thiết bị thông minh là có thể tổ chức học được, không cần phải mỗi em có 1 cái. Giáo viên chia lớp thành 5-6 nhóm với mỗi nhóm dùng 1 điện thoại. Ảnh minh họa: Văn Bảo.

Thầy Bảo chia sẻ: “Có thể hiểu đơn giản là trước đây chúng ta dùng cuốc để đào bới thông tin thì với chiếc điện thoại thông minh hiện nay sẽ giống như chiếc mày cày hiện đại giúp cho việc đào bới thông tin nhanh hơn.

Nên bỏ ra một thời gian ngắn để học cày bằng máy cày và sau này cả đời mình dùng nó, còn hơn là cứ mãi dùng cuốc để đào từng chút một cho đến cuối đời mà không hiệu quả.

Giáo viên nên tự nâng cấp bản thân để thích nghi với cách dạy đổi mới chứ không thể cứ đi theo lối mòn mãi, trong khi xã hội thay đổi từng ngày và đã đi dạy người khác thì lại càng phải học hỏi. Nếu không tự thay đổi mình thì mãi chỉ là “thợ dạy” theo sách giáo khoa mà thôi”.

Quản lý điện thoại theo hoạt động học tập

Chúng ta luôn luôn nói giáo dục là quốc sách hàng đầu, giáo dục phải đi trước một bước và giáo viên là những chiến sĩ trên mặt trận giáo dục thì thậm chí còn phải đi trước nhiều bước.

Theo thầy Bảo: “Ban giám hiệu nhà trường và các giáo viên nên hưởng ứng vì việc này không hề khó, chúng ta nên quản lý theo thời lượng chứ không như nhiều thầy cô hiện nay quản lý theo tiết học.

Quản lý điện thoại theo hoạt động học tập, không phải cả tiết lúc nào học sinh cũng cầm điện thoại trên tay nên có thể loại được những hành vi không tự giác của một số học sinh.

Khi tiết học đến lúc cần khai thác tài nguyên, tìm hiểu thông tin thì lúc đó giáo viên phát động cho phép học sinh được sử dụng điện thoại theo nhóm và tìm thông tin liên quan đến vấn đề này.

Sau khi dùng xong thì mời học sinh tắt điện thoại, để lên mặt bàn và úp xuống. Lúc này nếu em nào còn cố tình sử dụng điện thoại là vi phạm kỷ luật và đương nhiên sẽ bị nhắc nhở hoặc trừ điểm nếu cố tình vi phạm.

Sau khi đã có thông tin tìm kiếm, học sinh sẽ tắt điện thoại và chuyển sang việc học tập, thực hành với những thông tin đã có. Như vậy giáo viên sẽ kiểm soát rất tốt việc học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học.

Vậy để kiểm soát được việc cho học sinh dùng điện thoại trong giờ học một cách an toàn hiệu quả, không lo các em tiếp cận thông tin xấu thì thầy cô hãy quản lý bằng cách cho học sinh sử dụng theo nhóm.

Ngoài ra quản lý điện thoại theo hoạt động học tập, không sử dụng khi không cần thiết, dùng xong tắt máy. Ngoài thời gian đó tuyệt đối học sinh không được phép sử dụng và phải cất trong tủ tại lớp”.

Giáo viên đúng hay Google đúng?

Với những thông tin, kiến thức học sinh tìm kiếm được trên mạng thì kiến thức của thầy cô phải rất là mở thì mới đáp ứng được yêu cầu.

Thầy Bảo chia sẻ: “Đối với những môn khoa học cơ bản thì nó có tính đúng sai phân định rõ ràng. Còn đối với những môn xã hội thì nó lại mang tính quan điểm.

Chính vì thế thầy cô phải cho học sinh nhìn thấy nhiều mặt quan điểm của một vấn đề, đừng khai thác sâu về việc cái đó đúng hay sai mà hãy khai thác là tại sao học sinh lại theo quan điểm đó. Đó mới là vấn đề cần thầy cô lưu tâm.

Ví dụ vấn đề về Lịch sử, chúng ta không phán xét những tình tiết đúng hay sai mà hãy hỏi các con là tại sao con lại có quan điểm như vậy về vấn đề này?

Nếu giáo viên biết khai thác, cho học sinh sử dụng thiết bị điện tử, điện thoại thông minh trong lớp học sẽ tạo điều kiện phát triển tư duy phản biện, tư duy sáng tạo của học sinh.

Học sinh dám nói lên quan điểm, ý kiến của mình là phù hợp hay không phù hợp. Đó mới là điều cần thiết chứ không phải là đúng hay sai.

Giáo viên không sa đà vào những tranh luận đúng sai mà hãy hướng xem các con phát triển những tư duy và vì sao các con lại như vậy? Sau đó nếu có những lệch lạc thì giáo viên sẽ uốn nắn, đưa ra những quan điểm được nhiều người công nhận.

Học sinh sau này khi ra đời các em sẽ không phải là thắng hay thua mà quan trọng là tư duy phản biện, tư duy lập luận. Đó mới là tư duy quan trọng của một con người có tri thức trong cuộc sống”.

Tư duy nhớ theo thang BLOOM có 6 bậc là nhớ, hiểu, vận dụng, phân tích, đánh giá và cuối cùng là sáng tạo.Ảnh: TD.

Tư duy nhớ theo thang BLOOM có 6 bậc là nhớ, hiểu, vận dụng, phân tích, đánh giá và cuối cùng là sáng tạo.Ảnh: TD.

Phụ huynh lo các con ỷ lại vào tìm kiếm, lười suy nghĩ?

Phụ huynh cần hiểu rằng trước đây chưa có công cụ ghi nhớ thì con người học nhiều ở tư duy bậc thấp, đó là tư duy nhớ theo thang BLOOM có 6 bậc là nhớ, hiểu, vận dụng, phân tích, đánh giá và cuối cùng là sáng tạo.

Thầy Bảo cho biết: "Vậy ghi nhớ và hiểu là bậc thấp, từ vận dụng trở lên mới là bậc cao. Phân tích, đánh giá và sáng tạo là những tư duy khi trước đây không có điều kiện thì người ta thi nhau học thuộc lòng nhớ được nhiều phục vụ mục đích đi thi.

Nhưng giờ đây thời đại công nghệ thì phần ghi nhớ đó không còn quá quan trọng vì các thông tin đã được ghi nhớ rất đầy đủ, chính vì thế học sinh cũng được dạy theo cách mới là làm chủ công nghệ, công cụ tìm kiếm.

Phần tư duy bậc thấp đã có công nghệ hỗ trợ rất tốt rồi. Còn chúng ta nên dành thời gian để dạy và học kiến thức ở bậc tư duy cao hơn. Đó là việc cần làm.

Ví dụ, thay vì phải ghi nhớ một sự kiện nào đó thì nay giáo viên chỉ cần nói học sinh hãy tìm hiểu, so sánh, phân tích sự kiện đó theo quan điểm của mình. Lúc này tư duy phân tích, so sánh đã cao hơn hẳn.

Còn việc bắt học sinh nhớ ra sự kiện đó chi tiết thì không giúp gì cho cuộc sống sau này. Mà cái cần là tư duy bậc cao, vậy nên phụ huynh đừng quá lo lắng về việc các con ỷ lại vào công cụ tìm kiếm, mà cần phát triển tư duy bậc cao vì tư duy đó không có trong công cụ tìm kiếm.

Giáo viên khi đã coi điện thoại là công cụ hỗ trợ học sinh ở tư duy bậc thấp về dữ liệu thì sẽ nên dành thời gian ít ỏi trên lớp dạy cho các con tư duy bậc cao”.

Thầy Bảo nhấn mạnh: “Tất cả những ý tưởng, sáng tạo, khởi nghiệp thành công sau này khi các con ra đời thì đều là tư duy ở bậc cao. Vậy nên đó mới là điều cần học chứ không phải đơn thuần chỉ là ghi nhớ học thuộc lòng ở tư duy bậc thấp

Vì vậy cách dạy mới theo xu thế là hãy lược bỏ bớt những tư duy bậc thấp và nên chú trọng vào tư duy bậc cao. Hiện nay thời đại công nghệ thông tin đã tới nên chúng ta hãy tận dụng nó để phục vụ tốt cho cuộc sống”.

Tùng Dương