Thầy cô ra đề Văn thế này, học sinh sẽ viết thế nào?

05/12/2019 06:17
Cao Nguyên
(GDVN) - Một số đề kiểm tra, đề thi môn Ngữ văn đang làm khó học sinh vì giáo viên ra đề chưa chuẩn.

Thời gian qua, nhiều giáo viên và học sinh than phiền về một số đề kiểm tra, đề thi môn Ngữ văn ở bậc trung học phổ thông ra chưa chuẩn. Điều này gây nhiều khó khăn, trở ngại cho học sinh khi làm bài.

Chúng tôi phân tích những hạn chế, bất cập của một số đề Ngữ văn nhằm góp thêm ý kiến về việc ra đề sao cho chuẩn xác và hay đối với bộ môn này.

Hình thức chưa đảm bảo

Nhìn ngữ liệu phần Đọc hiểu “Khủng hoảng rác thải”, VnExpress (Đề thi thử chuẩn bị cho kì thi trung học phổ thông quốc gia) học sinh đã hoa mắt, bởi văn bản cho quá dài (một mặt rưỡi tờ giấy A4).

Các em phải mất nhiều thời gian mới đọc hết văn bản này để ghi nhớ những nội dung chính và trả lời 4 câu hỏi kèm theo.

Đề thi thử chuẩn bị cho kì thi trung học phổ thông quốc gia với phần ngữ liệu quá dài. (Ảnh: tuyensinh247)
Đề thi thử chuẩn bị cho kì thi trung học phổ thông quốc gia với phần ngữ liệu quá dài. (Ảnh: tuyensinh247)

Đề thi 120 phút (Đọc hiểu, Nghị luận xã hội và Nghị luận văn học), nhưng học sinh phải dành khoảng gần một phần ba thời gian mới có thể hoàn thành phần Đọc hiểu.

Khoảng 90 phút còn lại, học sinh rất khó để có thể viết trọn vẹn câu Nghị luận xã hội và Nghị luận văn học, chiếm 70% điểm trên tổng số điểm.

Hoặc ngữ liệu phần Đọc hiểu “Những ngư dân yêu nước rất thường dân” – Thanh Thảo, là một bài thơ tương đối dài, gồm 6 khổ (24 câu thơ).

Bài thơ dài khiến học sinh cũng phải mất nhiều thời gian đọc hiểu, vì ngôn ngữ trong thơ ca mang tính hình tượng, ẩn dụ.

Nội dung tùy tiện, mông lung

Mới đây, đề thi Ngữ văn của kì thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh (xin không nêu tên Sở giáo dục và Đào tạo) cũng khiến giáo viên, học sinh và những người quan tâm tranh cãi trái chiều.

Cụ thể, câu Nghị luận xã hội yêu cầu thí sinh viết bài văn trình bày suy nghĩ của bản thân về vấn đề được gợi ra từ một bức tranh (ảnh đính kèm).

Một đề thi Ngữ văn của kì thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh. (Ảnh: Dương Thu Trang)
Một đề thi Ngữ văn của kì thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh. (Ảnh: Dương Thu Trang)

Theo đó, bức tranh đen trắng vẽ đầu động vật, nhìn theo hướng trái là đầu vịt, còn nhìn theo hướng phải là đầu thỏ.

Trên một diễn đàn văn học, nhiều thí sinh và giáo viên có chung quan điểm được gợi ra từ bức tranh.

Một thí sinh bình luận:

“Nên đánh giá sự việc một cách khách quan, đa chiều. Với một sự vật hiện tượng hay hoàn cảnh thì mỗi người sẽ suy nghĩ và nhìn nhận theo chiều hướng nào đó của riêng họ.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần đặt bản thân mình vào trường hợp của người khác để thấu hiểu và cảm thông.”

“Ở mỗi góc nhìn sẽ cho ta những kết quả khác nhau. Cái mình cho là đúng chưa hẳn đã đúng với người khác. Phải chấp nhận sự khác biệt.

Và khi nhìn nhận, đánh giá mọi sự phải đặt mình vào nhiều góc nhìn khác nhau. Đừng phán xét một cách vội vã, chủ quan...”, một thầy giáo ở tỉnh Nghệ An nhận định.

Tuy vậy, cũng rất nhiều giáo viên và học sinh cho rằng, đề ra thế này thì không biết phải làm thế nào mới đúng đáp án.

Bởi, đề ra dường như theo trào lưu, có phần mơ hồ, không thống nhất rõ nội dung ở vạch xuất phát, tức là vấn đề cần nghị luận.

Chúng tôi đem băn khoăn này trao đổi với Tiến sĩ Trịnh Thu Tuyết, giáo viên môn Ngữ văn của hệ thống Học mãi (Thành phố Hà Nội), thì cô nói rằng, không thích với những kiểu đề như thế.

“Đề ra dùng hình thức tưởng như độc đáo để gói bọc nội dung tuỳ tiện, mông lung - mở không có nghĩa là tuỳ tiện, muốn nghĩ gì, viết gì cũng được”, cô Tuyết nêu ý kiến.

Đề thi mới phải đáp ứng tiêu chí nào?

Bài văn kể về bố khiến cô giáo nghẹn ngào
Bài văn kể về bố khiến cô giáo nghẹn ngào

Bàn về sự đổi mới đề thi, thầy Trần Lê Duy, giáo viên giảng dạy môn Ngữ văn một trường trung học phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh nói đại ý, nhiều người thêm vào cái hình, bảng biểu hay số liệu cho đề thi và gọi đó là đổi mới, trong khi về bản chất, yêu cầu đề và định hướng giải đề chẳng có gì thay đổi cả.

Kì thực, nếu chỉ thêm những thứ đó vào, mà logic của người ra đề không đổi, thì đề vẫn cũ thôi.

Cũng theo thầy Duy, nên đổi mới về cách thức yêu cầu của đề, để học sinh thay đổi cách tư duy trong việc giải quyết vấn đề, và dẫn đến cả việc đổi mới tư duy về cách đánh giá.

Thầy Duy dẫn chứng, đề thi Văn hay - chữ tốt năm 2018 của Thành phố Hồ Chí Minh có sự đổi mới.

Cụ thể, trước khi học sinh viết bài, ban tổ chức cho các em lên xe bus đi tham quan thành phố, ghi chép những gì các em tâm đắc trên đường đi.

Sau đó các em trở lại trường thi, sử dụng tư liệu mình ghi chép được để viết bài văn với nhan đề mở: “Cuộc sống qua ô cửa xe buýt” (Lớp 6, 7), “Những sắc màu thành phố” (Lớp 8, 9).

Thầy Duy phân tích, việc học sinh trải nghiệm trước khi viết không phải là làm màu, cho vui, mà nó thực sự thay đổi tư duy của các em khi làm bài.

Các phương án vận dụng tư duy để giải quyết vấn đề cũng đa dạng hơn, và chỉ khi đó ta mới mong chờ được cái gọi là sáng tạo.

Khi đánh giá cũng vậy, sẽ là một hệ tiêu chí các kĩ năng mà các em đạt được: lập luận, dựng đoạn, kết nối trải nghiệm của bản thân với đề bài…

“Riêng với phương diện đề thi, tôi vẫn nghĩ tốt nhất là chưa mới được thì ta cứ cũ đã, căn bản đề thi vẫn phải đúng và rõ ràng, để học sinh giải được, những thứ khác ta tính sau.

Đề thi cũ nhưng đúng vẫn có thể dùng được, đề thi có vẻ mới nhưng không đúng thì đành bỏ”, thầy Duy nêu quan điểm.

Cao Nguyên