Bài văn kể về bố khiến cô giáo nghẹn ngào

28/11/2019 06:32
Cao Nguyên
(GDVN) - Những gì chân thật nhất, tự nhiên nhất sẽ khiến cho tâm hồn ta trong ngần hơn. Và đó mới là giá trị đích thực của văn chương…

Một đồng nghiệp gửi cho chúng tôi bài văn tự sự của học sinh lớp 6 kể về gia đình em tan vỡ, bố bỏ mẹ ra đi từ khi em lên bốn tuổi.

Dù hận bố nhưng em vẫn rất nhớ người bố với dáng cao gầy và “tuyệt vời nhất trên cuộc đời này”.

Đề bài: Hãy kể về một người thân của em

Nguyên văn bài viết như sau:

Trong nhà, mọi người rất thân với em. Nhưng người thân nhất của em là bố. Nói đến bố thì khỏi phải bàn cãi, bố là người tuyệt nhất trên cuộc đời này.

Nhưng bố và mẹ em chia tay được nhiều năm rồi, và cái tuyệt vời ấy dần dần trở thành buồn chán.

Em vẫn còn nhớ như in cái dáng cao cao và em mơ tưởng bố như là siêu anh hùng. Nhưng tất nhiên là hồi đó em bốn tuổi. Và sau ngày hôm đó, ngày mà bố và mẹ em chia tay.

Hồi đó mẹ bảo bố đi công tác, nhưng đến khi lên sáu, em vẫn thắc mắc là tại sao tại sao bố đi công tác lâu thế mẹ.

Mẹ chỉ nói là “bố có nhiều việc nên hơi lâu”. Và thế là em không nói gì nữa.

Sau khi hiểu hơn về gia đình thì em mới biết thì ra bố đã bỏ mẹ đi. Em rất hận bố vì đã bỏ mẹ đi.

Nếu bố ở đây, em sẽ hỏi “vì sao bố lại bỏ đi”. Và thế là em không nói chuyện, nhắn tin, hay hỏi bố ở đâu nữa.

Em không còn quan hệ gì dù vẫn rất nhớ bố và muốn gọi cho bố ngay bây giờ.

Những gì chân thật nhất, tự nhiên nhất sẽ khiến cho tâm hồn ta trong ngần hơn. (Ảnh minh họa: Pinterest.vn)
Những gì chân thật nhất, tự nhiên nhất sẽ khiến cho tâm hồn ta trong ngần hơn. (Ảnh minh họa: Pinterest.vn)

Cô Nguyễn Thị H., giáo viên giảng dạy môn Ngữ văn một trường trung học cơ sở ở Thành phố Hà Nội cho biết, đây là bài viết của một học sinh lớp 6 (cô đề nghị không nêu tên).

Cô H. ra đề văn tự sự cho bài kiểm tra một tiết Hãy kể về một người thân của em, vào đầu tháng 11.

Cô H. chia sẻ: “Khi đọc bài văn này, cảm xúc đầu tiên của tôi là thấy nghẹn lại.”

Qua tìm hiểu gia cảnh học sinh, cô H. thương và xót xa cho cuộc sống của em bây giờ. Em phải sống xa cả bố và mẹ, chỉ ở cùng bà.

“Tôi cảm thấy giận cha mẹ của em, dẫu biết rằng, có thể vì một số lí do nào đó mà hai người không thể sống cùng nhau được, phải giải thoát cho nhau. Thế nhưng họ còn ích kỉ, chưa nghĩ nhiều tới trái tim nhỏ bé của con trai mình.

Và người chịu hậu quả, bị ảnh hưởng nhiều nhất chính là em, một cậu bé chỉ mới 12 tuổi. Em còn quá nhỏ để có thể tự lập, để có thể sống xa tình yêu thương của cha mẹ”, cô H. trải lòng.

Cô H. nói thêm, qua bài văn của học sinh lớp 6, cô muốn nhắn nhủ tới những bậc làm cha làm mẹ hãy cố gắng nhường nhịn nhau, đừng hơn thua với nhau.

Bài văn của học sinh lớp 8 làm cô giáo choáng váng
Bài văn của học sinh lớp 8 làm cô giáo choáng váng

Cha mẹ hãy cố gắng cân bằng cuộc sống hôn nhân của mình, để không xảy ra những sự việc đáng tiếc.

Cha mẹ phải quan tâm hơn tới cảm xúc những đứa con của mình, để con có một gia đình hạnh phúc nhất.

Lúc đó, con thật sự có thể yên tâm học hành, và để trong trái tim con hình ảnh cha mẹ luôn là người tuyệt vời nhất không thay đổi.

Đọc bài văn của em học sinh lớp 6, chúng tôi nhận thấy, em chỉ viết hơn một mặt giấy vở học sinh với thời gian 45 phút.

Chữ em viết khá sáng rõ, đều đặn và rất nắn nót. Có lẽ, em cũng đã trăn trở rất nhiều để viết những lời gan ruột về bố.

Cho dù đôi chỗ em viết còn lủng củng, lặp từ ngữ và tẩy xóa (đây cũng là điều rất bình thường của học sinh chỉ mới 12 tuổi), nhưng yếu tố miêu tả, biểu cảm trong bài văn tự sự quá đỗi tự nhiên và chân thành.

Em đã viết về bố với cảm xúc thật nhất, thương yêu nhất, dù có lúc em không giấu nỗi sự tức giận khi nghĩ về người bố vô tâm.

Chúng tôi cũng nghẹn ngào khi đọc hết bài văn này. Và hơn hết, chúng tôi có đôi lời nhắn gửi tới đồng nghiệp và các em học sinh, hãy đoạn tuyệt với văn mẫu.

Bởi những gì chân thật nhất, tự nhiên nhất sẽ khiến cho tâm hồn ta trong ngần hơn.

Và đó mới là giá trị đích thực của văn chương…

Cao Nguyên