Thầy Hiệu trưởng 21 năm đi xin từ đôi dép… đến cả ngôi trường cho học sinh

14/02/2020 06:14
AN NGUYÊN
(GDVN) - Những tháng ngày thanh xuân của thầy là những giờ leo dốc, lội suối, vượt lũ vào tận bản làng gieo chữ cho học sinh vùng cao.

Đó là câu chuyện của thầy Lê Huy Phương – Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập (thuộc xã Trà Tập, huyện Nam Trà My, Quảng Nam), người đã dành gần nửa cuộc đời cho giáo dục vùng cao.

“Cuốc bộ” gần 100km để vào trường

Nhớ lại những tháng ngày vác ba lô lên Nam Trà My (Quảng Nam) dạy học cách đây hơn 21 năm, thầy Phương chia sẻ:

Thầy Lê Huy Phương trong một chuyến vượt rừng vào các điểm trường lẻ. Ảnh do NVCC
Thầy Lê Huy Phương trong một chuyến vượt rừng vào các điểm trường lẻ. Ảnh do NVCC

“Năm 1988, mình tốt nghiệp trung học phổ thông, thời điểm đó các xã miền núi của huyện Trà My cũ thiếu giáo viên nghiêm trọng.

Do đó, mình đã chọn nghề giáo và được cử đi đào tạo cấp tốc. Đến tháng 11/1998 mình vác ba lô cùng anh em lên Nam Trà My dạy học cho đến bây giờ cũng đã 21 năm”.

Từ năm 1999 đến năm 2009, thầy vừa làm vừa học từ trung cấp, lên cao đẳng, rồi hoàn thành chương trình đại học tại trường Đại Học Sư phạm Quảng Nam.

Giáo viên cắm bản và giấc mơ có thật

21 năm bám bản, bám trường đã để lại trong quãng đời gieo chữ của thầy những kỷ niệm không thể nào quên. Đó là những chuyến vượt rừng, đi bộ hàng chục cây số để đến lớp hay những cơn đói lả trong bao lần chèo bè, vượt lũ.

“Mình còn nhớ mùa mưa lũ năm 2000, khi đó đá sá sạt lở, xe khách từ trung tâm không thể di chuyển lên Nam Trà My được. Chỉ có xe ôm là đi được, giá xe ôm chở hai người đi khoảng 50km là 250.000 đồng nhưng lương mình hồi đó chỉ có 307.000 đồng/tháng.

Vậy là ngày cuối tuần quyết định đi bộ về thăm nhà. Nhà mình nằm cách điểm dạy gần 100km đường dốc, suối… Đầu tuần lại cuốc bộ trở lại trường”.

Thời gian cho một chuyến đi bộ về đến nhà là ba ngày, đi lên cũng vậy và cõng ba lô nặng tầm 15-18kg. Cuộc sống những ngày cắm bản gian khổ là vậy nhưng thầy Phương và đồng nghiệp vẫn cảm thấy ấm áp bởi sự đùm bọc, che chở của bà con dân bản.

Dù nghèo khó nhưng bà con chia sẻ với thầy cô từng mớ rau, con cá. Giáo viên nào không may bị đau ốm thì người già bảo thanh niên khiêng thầy cô xuống bệnh viện ngay. Đó là những năm tháng lăn lộn hạnh phúc khi mình còn là giáo viên dạy các điểm lẻ suốt từ năm 1998 – 2011”.

Giờ đây, trên cương vị Hiệu trưởng một trường miền núi với 10 điểm trường lẻ nằm rãi dọc theo dãy Trường Sơn, thầy Phương cũng thấu hiểu nỗi vất vả của những giáo viên cắm bản.

“Hầu hết giáo viên cắm bản đều từ đồng bằng lên đây nên phải chấp nhận cuộc sống xa nhà, không có điện, sóng điện thoại thì lúc có lúc không. Rồi bất đồng ngôn ngữ, muốn nhờ bà con giúp gì cũng khó, từ công việc đến sinh hoạt.

Muốn vào điểm trường, giáo viên phải đi bộ, trèo đèo lội suối hàng giờ đồng hồ, cõng nặng ba lô trên vai. Trước đây, các điểm lẻ trường còn tạm bợ, lên đến nơi thấy mà tủi thân lắm, nơi ăn ở sinh hoạt thì sụp xệ...

Sự hy sinh lớn lao nhất của giáo viên vùng cao đó là tuổi thanh xuân. Hầu hết là giáo viên trẻ, mới ra trường.

Thời gian đẹp nhất của đời người đã dành trọn cho vùng khó khăn thì họ sẽ không còn nhiều lựa chọn cho chuyện tình cảm, xây dựng gia đình...”, thầy Phương tâm sự.

Xin từ chén gạo đến cả… ngôi trường cho học sinh

Thấu hiểu những khó khăn, nhọc nhằn của học sinh vùng cao, từ những ngày còn là giáo viên cắm bản, thầy Phương đã kết nối với nhiều bạn bè có tấm lòng thơm thảo để giúp bữa cơm các em có thịt, có thêm chiếc áo để mặc ấm trong mùa động rét buốt…

Vận chuyển vật liệu bằng bè vượt suối để xây dựng điểm trường lẻ Tăk Rối. Ảnh do NVCC
Vận chuyển vật liệu bằng bè vượt suối để xây dựng điểm trường lẻ Tăk Rối. Ảnh do NVCC

Điểm trường nào thiếu thốn bàn ghế, sách vở, nhu yếu phẩm… thì thầy lên mạng kêu gọi hỗ trợ giúp đỡ.

“Bên cạnh những hỗ trợ vật chất trước mắt nhằm giải quyết khó khăn cho học sinh và giáo viên vùng cao thì về lâu dài phải xây dựng điểm trường kiên cố, chắc chắn.

Từ trước năm 2015, mình có đến 10 điểm trường lẻ tạm bợ. Cuộc sống sinh hoạt của giáo viên ở những điểm trường này rất kham khổ. Mọi thứ từ bàn ghế, phấn bảng, nhà ở cho giáo viên… đều tạm bợ, sập sệ”.

Cô giáo dành cả thanh xuân ươm mầm xanh trên bản Lộng Ngài

Thầy Phương cũng chia sẻ suy nghĩ: “Làm thế nào để xóa hết các điểm trường tạm bợ khi nguồn ngân sách còn khó khăn? Nếu lúc đó, có ai nghĩ ra cách gì giúp thì dù cho mình không còn làm Hiệu trưởng nữa cũng chấp nhận”.

Trao đổi với những người bạn trong câu lạc bộ “kết nối yêu thương” và những nhà hảo tâm, thầy Phương cùng mọi người bắt tay kêu gọi sự giúp đỡ để xóa điểm trường tạm bợ.

Những hình ảnh về sự khó khăn, vất vả của giáo viên ở các điểm trường lẻ đã khiến nhiều người xúc động. Những tấm lòng san sẻ gửi về đã giúp thầy Phương có đủ kinh phí để xóa dần những điểm trường lẻ tạm bợ.

“Đến đầu năm 2018 mình đã xoá toàn bộ 10 điểm trường tạm bợ, có chỗ học đàng hoàng, khang trang, có chỗ ăn ở sinh hoạt cho thầy cô đảm bảo. Đầu năm học 2019 - 2020 vừa qua, trường mới khánh thành một điểm trường lẻ  Tăk Rối do nhóm “bạn thương nhau” và anh Bình Nam làm chủ nhiệm, kết nối với các nhà hảo tâm xây dựng rất khang trang và đẹp.

Sau mỗi ngôi trường tạm bợ được xoá đi và thay thế bởi ngôi trường mới khang trang, bạn sẽ không cảm nhận được sự hạnh phúc như thế nào đâu, rất hạnh phúc, rất ấm cúng”, thầy Phương nói.

AN NGUYÊN