Theo tôi, hiệu trưởng trở lên mới cần phải có minh chứng đạo đức nhà giáo

25/10/2021 06:52
LÊ MINH
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Việc xếp loại, minh chứng đạo đức nhà giáo chỉ nên dừng lại đối với những nhà giáo làm công tác quản lý nhà trường và đặc biệt là lãnh đạo Phòng, Sở Giáo dục...

Thời gian gần đây, trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có nhiều bài viết phản ánh về những bất cập trong việc xếp loại, minh chứng đạo đức nhà giáo theo các văn bản hướng dẫn hiện hành.

Tuy nhiên, công việc này tồn tại nhiều bất cập vì dù cho nhà giáo yêu thương học trò, hòa nhã với đồng nghiệp, có trách nhiệm trong việc xây dựng đoàn kết nội bộ thì cũng khó có thể tìm được minh chứng cho đạo đức của mình.

Ranh giới giữa các mức đạt, mức khá, mức tốt theo hướng dẫn xếp chuẩn nghề nghiệp theo Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT hoặc các tiêu chuẩn về đạo đức đối với giáo viên hạng III, hạng II, hạng I tại chùm Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT cũng khó phân định rạch ròi.

Minh chứng cho tiêu chí đạo đức nhà giáo là không cần thiết (Ảnh minh họa: Thanh An)

Minh chứng cho tiêu chí đạo đức nhà giáo là không cần thiết (Ảnh minh họa: Thanh An)

Suy cho cùng, sau mỗi năm học mà giáo viên dạy lớp hoàn thành trách nhiệm của mình với học trò, với nhà trường, không vi phạm pháp luật hay thuần phong mỹ tục thì tất nhiên họ phải được xếp loại đạo đức tốt, đâu cần phân loại và minh chứng làm gì cho tốn công, hoài sức.

Việc xếp loại, minh chứng đạo đức nhà giáo có lẽ chỉ nên dừng lại đối với những nhà giáo làm công tác quản lý nhà trường và đặc biệt là lãnh đạo Phòng, Sở Giáo dục…

Những vị trí đó mới cần minh chứng về đạo đức.

Ai mới cần chú trọng minh chứng đạo đức nhà giáo?

Chúng ta đều biết, bất kể một ai công tác, làm việc ở lĩnh vực nào cũng cần phải có đạo đức tốt và nhà giáo lại càng phải nêu gương, phát huy phẩm chất đạo đức của mình trước học trò, trước mọi người.

Một nhà giáo có đạo đức tốt, có chuyên môn giỏi sẽ nâng đỡ cho nhiều thế hệ học trò trưởng thành. Đứng trước học trò và công tác trong môi trường sư phạm chỉ cần một chút sơ sẩy trong hành vi, thái độ đã được xem là không phù hợp, vi phạm đạo đức nhà giáo.

Vì thế, phần lớn nhà giáo luôn ý thức được hành động, lời nói của mình, nhất là khi đứng lớp trước học trò. Bởi, mọi hành động, ngôn phong của người thầy đều được trò quan sát, lắng nghe chăm chú, và có thể còn bị ghi âm, ghi hình rồi tung lên mạng.

Cũng chính vì vậy, thời gian qua có một số giáo viên đánh học trò, chửi học trò đều được dư luận biết đến và họ đã bị kỷ luật, có người còn bị đuổi khỏi ngành vì một vài phút không giữ được bình tĩnh trước học trò.

Có lẽ đây cũng là những vi phạm nghiêm trọng nhất của những thầy cô đứng lớp. Ngoài ra, gần như họ không có gì che giấu trước mọi người, trước đơn vị, trước ngành nghề của mình.

Nếu đem so sánh với trường hợp vi phạm đạo đức của một số giáo viên đứng lớp với một số cán bộ quản lý giáo dục vi phạm sẽ thấy khác nhau một trời, một vực.

Trong những tháng gần đây đã có một số lãnh đạo Sở bị khởi tố, bắt giam hoặc tham gia vào những vụ án tiêu cực trong thi cử cho thấy người cần minh chứng về đạo đức phải là những lãnh đạo các nhà trường, lãnh đạo Sở, Phòng mới thiết thực hơn.

Chẳng hạn như trường hợp bà Vũ Liên Oanh, (nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh) bị bắt tạm giam vào ngày 24/6/2021 vì liên quan trong việc thực hiện các dự án đầu tư trang thiết bị giáo dục cho các trường mầm non, tiểu học tại địa phương này.

Phạm Thị Hằng, (nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa) cũng đã bị khởi tố và bắt tạm giam ngày 16/7/2021 về Tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Ngày 22/9/2021 vừa qua, ông Nguyễn Văn Kiên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên và các đồng phạm bị khởi tố, bắt tạm giam về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”…

Nếu ngược thời gian trở về kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018 ở Sơn La, Hà Giang, Hòa Bình thì chúng ta cũng chưa quên được nhiều vị trong Ban Giám đốc của các địa phương này, đó là ông Hoàng Tiến Đức, ông Vũ Văn Sử và ông Bùi Trọng Đắc.

Điều đáng nói là phần lớn những Giám đốc Sở Giáo dục mà chúng tôi đề cập ở trên đều đã được trao tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú. Trong khi, những tiêu chí về đạo đức đối với Giám đốc Sở Giáo dục và Nhà giáo ưu tú có lẽ phải cao hơn những nhà giáo đứng lớp rất nhiều.

Tất nhiên để có thể đảm nhận chức vụ Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thì họ phải qua nhiều thử thách, phấn đấu nhưng cuối cùng vẫn có những người không vượt qua được những cám dỗ.

Là người đứng đầu ngành giáo dục của địa phương, có người đã đảm nhận chức vụ Giám đốc Sở gần chục năm trời mà họ không là những tấm gương sáng về đạo đức cho cấp dưới, cho đồng nghiệp, cho học trò của mình.

Phải chăng, những tiêu chí xếp loại về đạo đức của ngành giáo dục chưa thực sự rõ ràng và còn nặng hình thức nên mới để xảy ra những bài học đau lòng đến như vậy?

Minh chứng đạo đức nhà giáo chỉ nên dừng lại ở cán bộ quản lý

Nói thật, những giáo viên đứng lớp chỉ phần bản xếp loại viên chức, và bản xếp loại đảng viên (nếu là đảng viên) cuối năm là đầy đủ về đạo đức, về công việc trong 1 năm công tác.

Không cần thiết phải xếp chuẩn nghề nghiệp hàng năm, không phải đi tìm minh chứng cho các tiêu chí của chuẩn vì thực tế rất hiếm có nhà giáo vi phạm về đạo đức nhà giáo và cơ bản là đạo đức của họ tốt.

Bởi họ là những viên chức không đảm nhận chức vụ, không quản lý về tiền bạc, nhân sự, không có mua sắm, đầu tư…thì rất khó để xảy ra những vi phạm nghiêm trọng và họ luôn bảo vệ cái nghề mà họ đang gắn bó.

Chỉ những nhà giáo đảm nhận chức vụ quản lý ở các nhà trường, ở Phòng, ở Sở thì họ mới quản lý về tài chính, nhân sự, đầu tư, đấu thầu…thì đạo đức mới bị thử thách trước những cám dỗ về vật chất và bị chi phối bởi nhiều yếu tố khác nữa.

Người nào liêm chính, bản lĩnh, xem trọng danh dự thì vượt qua được, người nào tham lam, xem trọng vật chất thì dễ dàng vi phạm và nhiều người phải trả giá cho những việc làm sai trái của mình.

Vì thế, những nhà giáo làm công tác quản lý giáo dục mới là những đối tượng cần xếp loại, minh chứng về đạo đức trước đơn vị, đồng nghiệp và cấp trên của mình. Còn đối với những nhà giáo dạy lớp đơn thuần thì minh chứng đạo đức để là gì và họ cũng biết đi tìm đâu ra những minh chứng cho mình?

LÊ MINH