Thi đua, khen thưởng từ năm 2020 có gì mới thầy cô cần biết?

03/09/2020 06:25
Thạc sĩ Phan Thế Hoài
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Không yêu cầu sáng kiến và cũng không giới hạn tỉ lệ phần trăm đối với danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” là một trong những nội dung mới của Thông tư này.

Ngày 31/7/2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng ngành Giáo dục có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/10/2020 - có một số nội dung thay đổi so với Thông tư 22 năm 2018 như sau.

Yêu cầu đối với việc xét thi đua, khen thưởng (Điều 3)

Không áp đặt chỉ tiêu thi đua, đảm bảo nguyên tắc tự nguyện tham gia thi đua của tập thể, cá nhân theo quy định.

Việc xét thi đua, khen thưởng phải căn cứ vào tiêu chuẩn, thành tích đạt được gắn với minh chứng, sản phẩm cụ thể, thiết thực của tập thể, cá nhân.

Việc đánh giá, công nhận các danh hiệu thi đua và phạm vi ảnh hưởng của thành tích phải phù hợp với kết quả đánh giá, xếp loại công chức, viên chức, người lao động, số lượng công chức, viên chức, người lao động được đề nghị xét công nhận danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”, các hình thức khen thưởng cấp Bộ đảm bảo không quá 1/3 là cán bộ quản lý.

Đối với danh hiệu “Lao động tiên tiến”, “Chiến sĩ thi đua cơ sở”, “Tập thể lao động xuất sắc”, “Cờ thi đua của Bộ Giáo dục và Đào tạo”, “Cờ thi đua của Chính phủ”, Bằng khen của Bộ trưởng, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Huân chương các hạng:

Tập thể, cá nhân được đề nghị xét khen thưởng phải có số phiếu đồng ý đạt tỉ lệ từ 70% trở lên trên tổng số thành viên của hội đồng thi đua khen thưởng cấp cơ sở và Hội đồng Thi đua – Khen thưởng ngành Giáo dục.

(Ảnh minh họa: An Nguyên)

(Ảnh minh họa: An Nguyên)

Trước đây, Thông tư 22/2018/TT-BGDĐT (gọi tắt là Thông tư 22) có thêm nội dung: Không xét khen thưởng các tập thể, cá nhân, người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu có tập thể hoặc cá nhân thuộc quyền quản lý vi phạm một trong các điểm sau:

Kê khai không đúng thành tích đạt được; vi phạm đạo đức nhà giáo, đạo đức người học; vi phạm quy chế tuyển sinh, quy chế thi, dạy thêm, học thêm; thu chi sai quy định làm ảnh hưởng đến môi trường giáo dục của đơn vị, địa phương, của ngành.

Bỏ Điều 4 của Thông tư 22: Một số thành tích được tính thay thế tiêu chuẩn sáng kiến cấp Bộ, cấp cơ sở áp dụng đối với cá nhân của các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đại học Quốc gia.

Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (Điều 5)

Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng cho cá nhân có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đạt một trong các tiêu chuẩn sau:

Có thành tích tiêu biểu, xuất sắc được bình xét trong thực hiện trong phong trào thi đua do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động.

Thông tư 22 quy định: Có ít nhất 02 giải pháp đổi mới, sáng tạo trong giáo dục, giảng dạy, nghiên cứu khoa học, quản lý, quản trị đơn vị mang lại lợi ích thiết thực được tập thể ghi nhận hoặc chủ trì 01 đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh, Bộ trở lên đã được nghiệm thu, ứng dụng mang lại hiệu quả cao, được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về ngành, lĩnh vực thẩm định, xác nhận.

Lập được nhiều thành tích có phạm vi ảnh hưởng ở một trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lí Nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc có nghĩa cử cao đẹp, hành động dũng cảm cứu người, cứu tài sản của nhân dân, của Nhà nước, phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, địch họa, dịch bệnh, đấu tranh với những hành vi tiêu cực, vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội có tác dụng nêu gương và được đơn vị, địa phương ghi nhận, tôn vinh;

Có thành tích xuất sắc trong học tập, rèn luyện, hoạt động trải nghiệm, khởi nghiệp; có sáng kiến, giải pháp trong nghiên cứu khoa học; vượt khó, vươn lên học giỏi; tham gia có hiệu quả các hoạt động tình nguyện, thiện nguyện vì cộng đồng được cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xác nhận;

Có nhiều đóng góp, hỗ trợ thiết thực, hiệu quả cho ngành Giáo dục, được cơ quan quản lí cấp trên trực tiếp và đơn vị thụ hưởng xác nhận.

Có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong quá trình xây dựng và phát triển đơn vị, nhân dịp kỉ niệm ngày thành lập vào năm tròn.

Giáo viên quan tâm nhất điều gì?

Có thể nhận thấy, Thông tư hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng ngành Giáo dục từ năm 2020 không yêu cầu sáng kiến và không áp tỉ lệ phần trăm đối với các danh hiệu – trong đó có danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” (trước đây danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” chỉ được 15% cá nhân).

Tuy nhiên, cá nhân được đề nghị xét khen thưởng phải có số phiếu đồng ý đạt tỉ lệ từ 70% trở lên trên tổng số thành viên của hội đồng thi đua khen thưởng cấp cơ sở và Hội đồng Thi đua – Khen thưởng ngành Giáo dục.

Điều này dễ nảy sinh những bất cập như, có trường hợp cá nhân thực sự giỏi, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao… nhưng nếu không “được lòng” các thành viên của hội đồng đánh giá thì có thể họ không được bỏ phiếu để đạt tỉ lệ theo quy định.

Bên cạnh đó, việc không quy định tỉ lệ phần trăm cho các danh hiệu thì sẽ có nhiều cá nhân tham gia xét khen thưởng – như thế đòi hỏi hội đồng phải xây dựng tiêu chí thi đua công khai, minh bạch, cụ thể và đánh giá công tâm, khách quan thì mới lựa chọn được người thực sự tiêu biểu.

Ngoài ra, cá nhân muốn nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thì phải có sáng kiến, giải pháp trong nghiên cứu khoa học.

Quy định này là hoàn toàn cần thiết, đúng đắn và hợp lí. Nhưng cũng cần có hội đồng đánh giá, thẩm định sáng kiến sao cho minh xác để chọn được những sáng kiến đã được giáo viên vận dụng hiệu quả, thiết thực vào công tác giảng dạy – tránh nạn sao chép sáng kiến tràn lan như hiện nay gây bức xúc cho người trung thực, liêm chính học thuật.

Nhìn chung, Thông tư hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng ngành Giáo dục từ năm 2020 đã có những bước tiến đáng kể, thiết thực, phù hợp với thực tiễn giảng dạy và chắc chắn sẽ nhận được nhiều đồng thuận từ giáo viên.

Tài liệu tham khảo:

[1]//moet.gov.vn/content/vanban/Lists/VBPQ/Attachments/1357/21_2020_TT_BGDDT.PDF?fbclid=IwAR0-nQhKuWBlq-sXj7GCTfJ-a5ML16QSw9cYGuFyHkXeCFoKqnCas_zaGhA

[2] //thuvienphapluat.vn/van-ban/giao-duc/Thong-tu-22-2018-TT-BGDDT-huong-dan-cong-tac-thi-dua-khen-thuong-nganh-Giao-duc-394328.aspx

Thạc sĩ Phan Thế Hoài