Thí sinh không cần khóc và phụ huynh cũng không phải buồn!

05/06/2019 06:58
NHẬT DUY
(GDVN) - Số lượng số thí sinh dự thi, số lượng lấy đầu vào của các trường đã có từ khi chưa thi thì việc gì thí sinh và phụ huynh phải buồn, phải khóc?

Những năm gần đây, chúng ta thấy thi tuyển sinh 10 ở một số địa phương còn khó khăn hơn rất nhiều so với kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia để lấy điểm xét vào đại học.

Vì khi xét tuyển vào đại học thì không vào được trường này cũng có thể vào trường đại học khác bởi nhiều trường cũng có những chuyên ngành đào tạo tương tự. Hơn nữa, trường đại học hiện nay của nước ta có quá nhiều, chỉ có một số trường lớn là cạnh tranh nhau còn lại đa phần là tuyển không đủ chỉ tiêu.

Nhưng, với thi tyển sinh 10 lại hoàn toàn ngược lại, khó khăn hơn và tính cạnh tranh cũng quyết liệt hơn bởi nó bị giới hạn ở nguyện vọng và địa bàn cư trú của mỗi thí sinh.

Một số thí sinh rơi nước mắt khi rời phòng thi (Ảnh: Công Tiến)
Một số thí sinh rơi nước mắt khi rời phòng thi (Ảnh: Công Tiến)

Những trường chuyên, trường điểm ở khu vực nội đô như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh từ nhiều năm nay đã cực kỳ khó khăn bởi chỉ tiêu có hạn mà thí sinh đăng ký dự thi lại nhiều.

Chính vì thế, những ngày diễn ra kỳ thi ở một số địa phương thì chúng ta đã chứng kiến nhiều những cảm xúc của thí sinh và cả phụ huynh. Có nhiều thí sinh cười rạng rỡ khi gặp đề dễ, nụ cười của các em cũng như được chuyển sang khuôn mặt vui tươi của cha mẹ.

Nhưng, cũng có những môn khi thi xong thì nhiều thi sinh đã khóc, nhiều phụ huynh cũng khóc theo con hoặc rưng rưng đôi mắt trong những ngày thi tuyển sinh 10- đó là những cảm xúc bột phát mà chúng ta đang thấy.

Tuy nhiên, thực tế thì các thí sinh cũng đừng buồn, phụ huynh cần làm điểm tựa vững vàng cho con trong những ngày thi và cả những ngày thi xong, đợi chờ kết quả.

Thực tế, đề khó hay dễ không phải là mấu chốt của vấn đề cho chuyện rớt hay đậu của các thí sinh. Trong cấu trúc đề thi hiện nay cũng như những đề kiểm tra trong năm học thì thường có các phần đọc- hiểu, phần vận dụng thấp và phần vận dụng cao.

Thí sinh không cần khóc và phụ huynh cũng không phải buồn! ảnh 2
Đào tạo 9+, xu hướng học và lập nghiệp của tương lai

Vì thế, bao giờ người ra đề cũng sẽ ra những câu hỏi thật dễ ở phần đọc- hiểu để tránh cho thí sinh bị điểm liệt.

Nếu thí sinh học ở mức độ trung bình (đúng nghĩa), làm được phần đọc- hiểu và một phần ở phần vận dụng thấp, các em cũng đã được 5-6 điểm. Đây là yêu cầu bắt buộc trong việc ra đề thi hiện nay của ngành giáo dục.

Phần vận dụng cao của đề thi là phần dùng để phân loại đối tượng học trò, những em có học sinh thấp hơn thường rất khó làm phần này hoặc làm được nhưng vẫn chưa đảm bảo được đúng hay sai.

Hơn nữa, nếu đề thi mà khó thì khó chung, đề dễ thì cũng dễ chung cho toàn thể các thí sinh trên địa bàn, nó không ảnh hưởng nhiều đến việc đậu hay rớt.

Bởi, trước khi thi thì các Sở Giáo dục và các trường Trung học phổ thông đã tính toán kỹ lưỡng và phân bổ chỉ tiêu cụ thể cho từng trường rồi. Khi có điểm thi, các trường sẽ lấy từ trên xuống dưới cho đến khi đủ chỉ tiêu thì thôi.

Vậy nên, điểm cao vẫn có thể rớt (nếu đề dễ) nhưng điểm thấp vẫn đậu bình thường (vì đề khó). Cái hay của thi tuyển sinh 10 là không khống chế ở mức 5 điểm/ môn như thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Chỉ có những em quá tệ, bị điểm liệt mới sợ không có cơ hội vào lớp 10 mà thôi. Còn những em có học lực tốt thì môn này có thể làm chưa tốt, nhưng các môn khác sẽ kéo lại vì thi nhiều môn, và điểm đậu thì tính tổng điểm.

Hai sắc thái trái ngược trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại Hà Nội

Nếu học sinh học tốt thì càng đề khó càng là cơ hội để các thí sinh thể hiện bản lĩnh, trình độ của mình trước bạn bè và gia đình.

Đề khó mà mình được điểm cao mới thích thú chứ nếu cứ “mưa điểm 9, điểm 10” thì còn gì là lý thú, là thi cử nữa?

Đem con đi thi, chờ đợi con thi, cha mẹ nào cũng muốn khi con bước ra khỏi khu vực trường thi với khuôn mặt rạng ngời. Nhưng, nếu gặp đề khó, hoặc đề không khó mà con em mình vẫn không làm được bài nên ra khỏi khu vực thi mà khóc, mà buồn thì cha mẹ cần động viên, vỗ về con.

Cha mẹ hãy làm điểm tựa vững chắc cho con tiếp tục tham gia các môn thi tiếp theo và cả khi chờ đợi kết quả.

Nước mắt của thí sinh rơi, đa phần là những em có học lực khá giỏi mới có cảm xúc như vậy. Những em học yếu thường ít khi rơi nước mắt khi thi xong bởi các em đã chuẩn bị tâm lý và có cả chuyện không biết sai ở đâu thì làm sao buồn được?

Vì thế, những phụ huynh thấy con buồn, con khóc cũng có nghĩa là đề thi khó. Nếu đề khó thì đó là khó chung cho tất cả thí sinh thì cũng không nên phải buồn theo con làm gì.

Điểm đậu của các trường Trung học phổ thông công lập là lấy từ trên lấy xuống nên chuyện đề khó cũng nào có liên quan gì đến việc đậu và rớt của thí sinh đâu.

Bởi vì số lượng số thí sinh dự thi, số lượng lấy đầu vào của các trường đã có từ khi chưa thi thì cớ gì thí sinh và phụ huynh phải buồn, phải khóc?

NHẬT DUY