Thiếu trung thực, cô hại trò hại cả mình

20/10/2019 07:56
Sơn Quang Huyến
(GDVN) - Tại lớp học, cô giáo chủ nhiệm N.T.T. đã điểm danh trên phần mềm Sycamor (phần mềm quản lý của nhà trường) ghi nhận học sinh L.H.L “nghỉ học có phép”.

Liên quan đến vụ cháu bé học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Gateway (Cầu Giấy, Hà Nội) tử vong, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Cầu Giấy vừa khởi tố thêm một bị can.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Cầu Giấy vừa ra quyết định khởi tố bị can đối với N.T.T (29 tuổi, giáo viên chủ nhiệm lớp 1 Tokyo, Trường Tiểu học Gateway) về tội danh "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".

Cô N.T.T được giao phụ trách lớp 1 Tokyo, nơi cháu L.H.L đăng ký học. Cũng chính cô N.T.T là người điểm danh học sinh vào lúc 7h50 sáng 06/08, ngày xảy ra sự cố cháu L.H.L bị phát hiện tử vong chiều cùng ngày.

Tại lớp học, cô giáo chủ nhiệm N.T.T đã điểm danh trên phần mềm Sycamor (phần mềm quản lý của nhà trường) ghi nhận học sinh L.H.L “nghỉ học có phép”.

Tuy nhiên, cô T. đã “quên” không liên lạc với phụ huynh học sinh để xác nhận vắng mặt theo quy định của nhà trường.

Bị can N.T.T được tại ngoại vì có những khai báo thành khẩn, hợp tác tốt với cơ quan công an. 

Có ai xin phép đâu, sao lại nghỉ học có phép?

Một trong những chiếc xe bus đưa đón học sinh của trường Gateway. (Ảnh chỉ mang tính minh họa, nguồn: Infonet.vn)
Một trong những chiếc xe bus đưa đón học sinh của trường Gateway. (Ảnh chỉ mang tính minh họa, nguồn: Infonet.vn)

Không phải “ngẫu nhiên” mà “nghỉ học không phép” biến thành “nghỉ học có phép”. Trong giáo dục, có thi đua “chuyên cần”, học sinh đi học đầy đủ, nghỉ học có phép, có người xin phép, có lý do chính đáng là tốt; ngược lại, nếu học sinh nghỉ học không phép, thể hiện “yếu kém năng lực” của giáo viên chủ nhiệm; vì thế không phép được “hô” thành có phép.

Sự thiếu trung thực của cô giáo chủ nhiệm T., là minh chứng của bệnh ngụy tạo thành tích trong giáo dục; phải chăng cuối cùng chính sự thiếu trung thực đó vô tình góp phần nguyên nhân cướp đi mạng sống của học trò?

Nếu như vậy, quả thực là cô hại trò, nay hại cả chính mình.

Nếu cô trung thực, điểm danh “nghỉ học không phép”, buộc cô phải liên hệ với phụ huynh hoặc bộ phận quản sinh phải làm việc này; nếu giáo viên chủ nhiệm không được liên hệ trực tiếp với phụ huynh thì ”kiếp nạn” này cô không phải gánh.

Dân ta có câu “thật thà hơn cha quỷ quái” thật đúng trong trường hợp này.

Nếu vì “hô” không phép thành có phép là bị truy tố, không ít giáo viên chủ nhiệm bị vướng vòng lao lý!

Thiếu trung thực, thầy cô hại trò hại mình không ít.

Cử tri phản ánh bức xúc về vụ học sinh trường Gateway tử vong đến Quốc hội
Cử tri phản ánh bức xúc về vụ học sinh trường Gateway tử vong đến Quốc hội

Giáo dục đào tạo ra nhân lực cho xã hội, nền giáo dục tốt sẽ đào tạo ra nhân lực tốt và ngược lại.

Chính thầy cô đã thiếu trung thực, cho ra lò các “sản phẩm lỗi”; các “sản phẩm lỗi” này quay trở lại quản lý xã hội, thừa bằng cấp, thiếu đạo đức, năng lực; đọc không hiểu văn bản; tham mưu chính sách vì lợi ích nhóm, “không cãi ai, không đuổi được” v.v...

Chính vì thế, người ta nói giáo dục giả dối là nền giáo dục thất bại; giả dối hại mình, hại người, hại cả con đường phát triển của đất nước.

Vì thế, dẹp bỏ bệnh ngụy tạo thành tích trước khi triển khai chương trình mới; đừng để bệnh ngụy tạo thành tích “di căn” vào chương trình mới; ngay từ lớp 1, giáo viên phải dạy thật, được tổng kết đánh giá thật; tuyệt đối không ngụy tạo thành tích.

Nếu lớp 1 bị “nhiễm bệnh” ngụy tạo thành tích, nó sẽ kéo lên lớp 2… chương trình mới cũng khó mà thành công được như kì vọng.

Nên chăng, loại bỏ bệnh ngụy tạo thành tích là nhiệm vụ cấp bách, quyết liệt hiện nay trước khi thực hiện chương trình mới.

Tài liệu tham khảo:

1: //infonet.vn/vu-hoc-sinh-truong-gateway-tu-vong-khoi-to-giao-vien-chu-nhiem-post316691.info

2: //laodong.vn/phap-luat/khoi-to-giao-vien-chu-nhiem-trong-vu-hoc-sinh-truong-gateway-tu-vong-760204.ldo

Sơn Quang Huyến